Lâu lâu đổi gió tí đi anh em ạ, bài công nghệ riết nó cũng chán.

Hãy thử tưởng tượng là bằng một cách kỳ diệu nào đó mà các bạn bị lạc về thời tiền sử, cách đây khoảng 70 triệu năm. Lúc này bạn đang đứng trên một khoảng đất rất rộng và trống trải, trước mặt bạn là một con T-Rex trưởng thành to đùng, nặng 9 tấn, cao như một con hưu cao cổ và sải chân dài hàng mét đang ngoác cái mồm nhìn bạn. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu một người bình thường như bạn có thể chạy nhanh hơn nó và trốn thoát khỏi số phận làm thức ăn vặt cho nó hay không? Câu trả lời là có, nhưng vì sao lại “có” thì mời bạn xem phần giải thích dưới đây.

Tốc độ thật sự của một con T-rex trưởng thành

Thật ra các bạn chẳng cần sợ nó làm gì đâu, về bản chất thì nó sẽ phải chịu tác động rất lớn từ quy luật khối lượng và tốc độ, nhiều đến nỗi chắc chắn nó không thể bắt kịp được một người trưởng thành đâu. Chính kích thước khổng lồ của nó mới là lợi thế lớn nhất của chúng ta. Miễn là các bạn giữ được khoảng cách thì dăm ba cái con T-Rex đi chỗ khác chơi nhé.

Khi động vật càng lớn thì khối lượng của nó càng là gánh nặng cho hệ xương và cơ bắp khiến cho động vật càng lớn thì càng khó để di chuyển nhanh hơn. Con sóc có thể bay nhảy một cách dễ dàng còn con voi thì không bao giờ có thể phi nước đại được. Một con vật lớn như voi đồng cỏ Châu Phi trưởng thành sẽ dễ dàng bị gãy xương chân nếu nó rơi từ độ cao 1m. Một con hổ cao hơn mèo nhà 6 lần nhưng mặt cắt xương hổ thì có diện tích lớn hơn xương mèo nhà đến 12 lần để chịu được sức nặng của nó trong điều kiện vận động mạnh. Nói chung là đối với động vật trên cạn thì khi chúng có khối lượng càng lớn, chúng sẽ đặt ra những thách thức càng khổng lồ cho tạo hóa, chỉ để chúng có thể đứng và di chuyển mà thôi chứ đừng nói đến việc bay nhảy như động vật nhỏ. Voi di chuyển thế nào thì T-Rex cũng chẳng nhanh nhẹn hơn là mấy đâu.

Ông John R. Hutchinson, tác giả của bài báo “Tyrannosaurus Was Not a Fast Runner” (tạm dịch “Tyrannosaurus không phải là một kẻ chạy nhanh” đã chia sẻ rằng: “Một pha chạy nước rút cự ly ngắn là điều tốt nhât mà chúng ta có thể mong đợi, và nó cũng không thể bứt tốc một cách nhanh chóng”.

Tyrannosaurus có một đôi chân dài, vô cùng mạnh mẽ nhưng nó vẫn rất chậm chạp do quy luật khối lượng và tốc độ. Một sinh vật to khủng khiếp như T-Rex trưởng thành sẽ cần rất nhiều sức mạnh cơ bắp và độ bền của xương, chỉ để nó có thể đứng và di chuyển chứ đừng nói đến việc chạy. Sau khi phân tích về xương, khối lượng và cơ bắp của nó, Snively nói rằng ông không tin một T-Rex trưởng thành có thể di chuyển nhanh hơn 12 hoặc 13 dặm một giờ (19-21km/h). Thế nên nói chung là miễn chúng ta không chủ động lại gần và chọc ghẹo vào mấy con T-Rex trưởng thành thì chúng cũng chẳng thể làm gì được chúng ta. Tuy nhiên là mấy con T-Rex không phải là mối quan tâm duy nhất nếu các bạn thực sự lạc vào một thế giới đầy khủng long. Trên thực tế thì chúng ta cần cẩn thận nhất đối với những con khủng long hạng trung nhiều hơn, ví dụ như bọn T-Rex “nhi đồng” chẳng hạn.

Bọn T-Rex “nhi đồng” mới là thứ mà chúng ta cần quan tâm

Không như hầu hết các loài động vật khác, T-Rex không hề nhanh nhất khi nó trưởng thành mà là vào khoảng 14 tuổi trước khi chậm lại vài lần bởi kích thước quá khổ. Ở độ tuổi này, chúng sẽ tương đối uyển chuyển ở mức cân nặng lý tưởng nhất cho tốc độ trong cuộc đời của nó, khoảng 900kg. Lúc này thì chúng đã đạt đến giai đoạn cân bằng hoàn hảo về những yếu tố như khối lượng, sải chân, sức bật, mật độ ATP trong các sợi cơ… để đạt tốc độ cao nhất – khoảng 53km/h. Hơn thế nữa chúng còn có một bộ hàm đủ khỏe để cắt qua xương của bạn. Mấy con T-Rex tuổi teen này cũng có khả năng săn mồi tốt hơn nhiều so với bọn “người lớn” cồng kềnh kia. Chúng có thể săn cả khủng long mỏ vịt (Hadrosauroidea) nặng hơn 3 tấn và khủng long 3 sừng (Triceratops) 5 tấn.

Mấy thứ khổng lồ như thế còn thành thức ăn được thì dăm ba cái bọn loài người như chúng mình chỉ như là cá viên chiên với bim bim thôi các bạn ạ.

Kết luận

Liệu bạn có cơ hội sống sót khi bị T-Rex rượt hay không, câu trả lời ở đây có thể là có mà cũng có thể là không. Tất cả đều tùy theo kích thước của nó. Với mấy con T-Rex “nhi đồng” có kích thước đủ to để vật bạn xuống và tốc độ nhanh hơn bạn thì bạn chết chắc. Còn đối với cái bọn to lớn cồng kềnh như mấy con T-Rex trưởng thành thì: “xin lỗi nhé nhưng bọn mày đừng đuổi nữa, mất công!”


Phần phụ: Sự tương quan giữa khối lượng và tốc độ

Nhà sinh vật học Myriam Hirt, nghiên cứu sự di chuyển của động vật tại Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học Đức đã từng đặt ra một câu hỏi nghe có vẻ đơn giản như thế này: “Những sinh vật to lớn và mạnh mẽ nhất như cá voi, voi, tê giác.. không phải là nhanh nhất, mà những con nhỏ như chuột nhắt, cá tuế, rết… lại không phải là chậm nhất?” Câu hỏi này có ngụ ý rằng phải có một kích thước nào đó tối ưu cho tốc độ.

Và Hirt đã tìm thấy câu trả lời. Nếu một con vật được thiết kế để đạt đến tốc độ lớn nhất thì nó sẽ nặng khoảng 90kg, nếu nó bơi dưới nước thì sẽ nặng hơn một chút, bay thì nhẹ hơn.

Đó là mức khối lượng chuẩn nhất cho tốc độ, động vật nhỏ hơn sẽ không đủ kích thước, lớn hơn sẽ bắt đầu nặng nề và chậm chạp


*Đây là phần ví dụ để giải thích cho anh em nào thích mình viết cho anh em nào muốn tìm hiểu một cách chi tiết về vụ khối lượng – tốc độ nhé, nếu anh em chỉ muốn đọc cho vui thì phần trên kia đủ rồi. Mình sẽ ra một đề bài đơn giản và tự đi giải, anh em đọc hiểu là hiểu bài.

Có một anh chàng nọ cao 1m8 và nặng 70kg, anh ta nâng được một quả tạ bằng với khối lượng cơ thể mình. Nếu anh ta cao hơn 10 lần (18m) thì bạn nghĩ anh ta có thể nâng được một vật có khối lượng bằng cơ thể mình không?

Đây là lời giải của mình:

Khi anh chàng này cao hơn 10 lần thì khối lượng của anh ta sẽ tăng theo số lập phương, 10^3 bằng 1000 lần. Vậy là anh chàng này sẽ nặng khoảng 7 tấn. Tuy nhiên sức mạnh của anh ta lại không tăng nhiều như như vậy, khi anh càng cao hơn 10 lần thì mặt cắt cơ bắp (độ to của các bó cơ) chỉ tăng lên theo cấp bình phương, 10^2 bằng 100 lần mà thôi. Vậy là anh chàng trong đề bài sau khi được phóng to lên, cao gấp 10 lần thì anh ấy sẽ nặng hơn 1000 lần nhưng chỉ mạnh hơn 100 lần. Thế nên dù nặng đến 7 tấn, anh ấy chỉ có thể nâng được quả tạ nặng 700kg, bằng 1/10 khối lượng cơ thể mà thôi. Vậy nếu xét theo tỉ lệ sức mạnh/ khối lượng thì anh chàng ấy đã yếu đi đến 10 lần đấy chứ! Không chỉ yếu về sức mạnh, xương của anh chàng cũng sẽ dễ gãy hơn gấp 10 lần.

Lúc này thì việc di chuyển, thậm chí là đứng thẳng cũng cực kỳ khó khăn chứ đừng nói là chạy nhảy nhé. từ đó suy ra động vật càng lớn thì càng khó chạy nhanh.


Anh em nào muốn tìm hiểu bài này kỹ hơn thì mình có để link bài gốc mà mình tham khảo bên dưới nhé, nhưng nói trước là anh em phải có kiến thức nền kha khá thì đọc mới hiểu được nha!

Nguồn tham khảo: How to Outrun a Dinosaur (Wired)