Đa số chúng ta khi nói đến rad tản nhiệt của tản nhiệt nước thì thường chỉ quan tâm đến việc nó to như thế nào mà thôi. Kiểu như rad càng bự thì tản sẽ càng mạnh và nhiệt độ CPU của anh em sẽ mát hơn. Cái này đúng một phần nhưng không đúng hết. Trên thực tế thì còn nhiều thứ khác ảnh hưởng đến hiệu suất của bộ tản nước. Nếu anh em đang có hứng “em yêu khoa học” thì nán lại đây tâm sự với mình nhé.
Độ dày của rad tản nhiệt
Đây là điểm đầu tiên mà mình muốn nói đến. Về bản chất thì rad tản nhiệt là một bộ phận giúp tăng diện tích tiếp xúc giữa không khí và chất lỏng mang nhiệt. Thế nên theo lẽ thường càng rộng thì diện tích tiếp xúc càng lớn, từ đó suy ra khả năng tản nhiệt sẽ cao hơn. Tuy nhiên không phải chỉ có tăng cỡ rad mới tăng được diện tích tiếp xúc, chúng ta còn có thể tăng độ dày của một cái rad lên để nó giữ được diện tích cũ nhưng lại có diện tích tiếp xúc không khí cao hơn.
Mấy cái rad thông thường anh em thông thường anh em thấy trên tản AIO sẽ chỉ có độ dày loanh quanh 30mm thôi. Còn đối với mấy cái rad dành cho tản custom thì chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Mấy cái rad này có độ dày rất đa dạng, từ 25mm, 30mm cho đến 40mm… hay thậm chí cục súc hơn nữa là đến 80mm luôn. Một cái rad 240 mà dày 80mm thì chắc chắn là ăn chặt rad 360 dày 25mm rồi đấy. Đối với mấy bộ PC Mini ITX vốn không gắn được rad to nhưng vẫn cần hiệu năng tản nhiệt tốt để trang bị phần cứng mạnh thì đôi khi các modder sẽ cân nhắc đến chuyện dùng độ dày để bù lại cho diện tích rad.
Hiệu suất của quạt
Cho dù tản nước hay tản khí gì thì nó cũng hoạt động theo một nguyên tắc cơ bản nhất là lấy nhiệt từ chip rồi đẩy ra ngoài không khí. Mà muốn đẩy nhiệt ra ngoài không khí thì phải có khí lưu thông mới được. Vì thế nên ngoài chuyện rad to hay nhỏ và độ dày bao nhiêu thì chúng ta còn phải cân nhắc đến chuyện quạt có hiệu suất như thế nào nữa.
Anh em học vật lý biết rồi đấy, khi 2 vật truyền nhiệt qua tiếp xúc thì tốc độ truyền nhiệt sẽ tỉ lệ thuận với mức chênh lệch nhiệt độ. Không khí đi qua rad càng chậm thì nó nhiệt độ sẽ càng cao và sự truyền nhiệt tản nhiệt càng kém hiệu quả, khối lượng khí được tiếp xúc với rad cũng càng thấp. Ngược lại, không khí qua rad càng nhanh thì sẽ càng ít bị nóng và rad sẽ càng nhận được nhiều khí mát hơn. Thế nên khi chọn quạt thổi rad thì anh em đừng nghĩ quạt nào cũng là quạt nhé. Quạt mạnh hơn, có airflow (lưu lượng khí) lớn hơn sẽ cho hiệu suất tản nhiệt tốt hơn.
Ngoài ra thì tùy vào cấu tạo của quạt mà chúng ta có thể chia chúng ra làm 2 loại là high airflow và quạt static pressure. Trong đó thì loại static pressure là chuyên dụng để thổi rad nhé. Anh em có thể tham khảo thêm theo đừng link dưới đây.
Chất lượng của block tản nhiệt
Rad tản nhiệt giúp truyền nhiệt từ nước tản nhiệt ra không khí, nhưng trước đó thì nhiệt phải truyền từ chip vào trong nước tản nhiệt đã. Và bộ phận giúp truyền nhiệt từ chip vào trong nước chính là cái block tản nhiệt, cụ thể hơn thì nó là cái miếng lấy nhiệt trong cái block tản nhiệt. Miếng này thì block của tản custom hay tản AIO cũng đều có cả. Nó có 2 mặt, một mặt sẽ tiếp xúc với mặt lưng CPU, mặt còn lại thì được sẻ các rãnh để tăng diện tích tiếp xúc với nước tản nhiệt.
Đối với một số dòng tản nhiệt cao cấp thì mặt tiếp xúc sẽ được mạ niken để tăng hiệu quả tiếp xúc giúp dẫn nhiệt ngon hơn. Các lá tản nhiệt cũng được làm thật mỏng để xếp càng nhiều lá càng tốt nhằm tăng diện tích tiếp xúc với nước tản nhiệt. Nói chung hiệu suất tản nhiệt của một cái block sẽ nằm ở cái miếng này là chủ yếu, nó được thiết kế càng tối ưu thì block sẽ tản nhiệt càng ngon.
Bơm và thiết lập của bơm
Rad cần quạt để thổi không khí qua nó thì block cũng cần có bơm để bơm nước qua nó. Nhưng nó khác ở chỗ quạt thì càng mạnh càng tốt vì lượng không khí từ môi trường là không giới hạn. Nhưng mà nước thì khác, nó là một vòng tuần hoàn nên tốc độ bơm phải được kiểm soát cho chặt chẽ để sao cho cân bằng và hiệu quả nhất.
Bơm có nhiệm vụ tạo áp suất để bơm nước mát từ block về và đẩy nước nóng từ block ra rad tản nhiệt. Bơm nhanh quá thì nước đi qua rad sẽ không kịp mát mà cứ thế quay về block, chậm quá thì nước đến block sẽ không đủ, làm hạn chế hiệu suất của toàn hệ thống tản nhiệt. Vấn đề này khá quan trọng, đặc biệt là với những dàn tản nước custom. Tốt nhất là tốc độ bơm và tốc độ quạt nên được cân chỉnh kỹ càng để hệ thống đạt hiệu quả cao nhất cũng như đảm bảo tuổi thọ linh kiện.
Keo tản nhiệt
Cái này thì chắc anh em nào cũng biết rồi nhưng mình vẫn nhắc lại cho nó đủ ý. Bề mặt tiếp xúc giữa lưng chip (IHS) và block tản nhiệt không bao giờ hoàn hảo cả. Thế nên chúng ta mới cần tra keo tản nhiệt lên lưng CPU trước khi đóng cái block vào. Keo sẽ lấp đầy những khoảng trống và giúp cho sự tiếp xúc hoàn hảo hơn.
Thế nên khả năng dẫn nhiệt của keo tản nhiệt cũng là yếu tố rất quan trọng để quyết định xem bộ tản nước của anh em sẽ mát đến đâu. Đã chơi đến tản nước rồi thì khi tra keo anh em cũng nên lựa loại nào ngon ngon một tí cho nó mát. Anh em nào có kinh nghiệm chút thì có thể chơi đến liquid metal luôn, giảm được đến vài độ so với keo gốm, keo silicon thường chứ không đùa đâu.
Nước tản nhiệt (Coolant)
Ngoài mấy thành phần bên trên ra thì anh em cũng cần quan tâm đến coolant nữa. Thành phần chính của coolant là nước cất. Về bản chất thì nước cất cũng đã khá lý tưởng để làm nước tản nhiệt rồi do nó không tác dụng bậy bạ với các thành phần trong hệ thống tản nhiệt. Tuy nhiên để tăng hiệu suất tản nhiệt thì nó còn phải được thêm ethylene glycol để giúp coolant dẫn nhiệt tốt hơn. Ngoài ra thì sẽ còn có các phụ gia khác được thêm vào chống bay hơi, chống ăn mòn, tăng độ đặc các kiểu.
Độ đặc của coolant cũng cần được quan tâm để chọn bơm và điều chỉnh bơm sao cho phù hợp. Nếu coolant quá đặc mà bơm quá yếu sẽ dẫn đến việc quá tải bơm cũng như nước không đến block đủ. Còn coolant quá lỏng mà bơm quá mạnh thì sẽ tạo bọt và tiếng ồn. Cơ mà mình nói anh em nghe chơi cho biết thôi, tản custom thì đã có mấy ông modder lành nghề lo, còn tản AIO thì cứ giao cho hãng, anh em mình cũng không cần quan tâm mấy. Đối với anh em nào chơi tản custom thì chỉ cần lưu ý chọn màu coolant sao cho vừa ý để modder họ làm là được.