*Dưới đây là những thông tin hoàn toàn do AMD cung cấp, vì thế có thể sẽ chưa thực sự khách quan.

“Tôi không nghĩ còn bất kỳ lý do nào để mọi người mua CPU Intel nữa sau khi chúng tôi làm được điều này” – Giám đốc sản phẩm của AMD, ông Travis Kirsch đã nói.

Thời đại của AMD đã đến?

Đây có vẻ như là một tuyên bố đầy cao ngạo từ phía người đại diện AMD, tuy nhiên nếu chứng kiến những gì mà AMD đã làm được thì bạn sẽ thấy rằng họ hoàn toàn có cơ sở cho lời tuyên bố đó. Tại sự kiện Next Horizon Gaming của AMD mới đây, AMD đã chia sẻ những kết quả test cho thấy rằng những CPU 7nm của họ không chỉ rẻ hơn, tiết kiệm hơn, chạy đa tác vụ tốt hơn mà còn bắt kịp được Intel trong việc tối ưu hóa cho game – Một trong những ưu thế lớn nhất của các CPU Intel trước AMD trong nhiều năm qua.

AMD cho biết bằng việc thu nhỏ tiến trình và cải thiện kiến trúc mới Zen 2, họ đã thành công trong việc đẩy xung nhịp của các những con chip Ryzen 3000 lên thêm 15% so với thế hệ trước. Trước đó, AMD cũng cho biết rằng họ đã nâng kích thước bộ nhớ smart cache L3 lên rất đáng kể so với thế hệ trước, và điều này là thực sự có ý nghĩa trong việc cải thiện hiệu suất chơi game, bằng chứng chính là những bảng test hiệu năng, dưới đây.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất mà AMD muốn nhấn mạnh là khả năng stream game của các CPU Ryzen. Về khả năng chơi game thì các sản phẩm cùng phân khúc của AMD và Intel sẽ cho kết quả tương đương, nhưng với số nhân thực và số luồng lớn hơn thì các CPU của Ryzen sẽ chiếm lợi thế hơn trong việc stream game. Các streamer sẽ có để mang đến cho người xem của mình nội dung chất lượng cao hơn hẳn các dòng Core i với những con chip Ryzen thế hệ 3.

Bảng so sánh hiệu suất stream game trên nền tảng twitch giữa i9 9900K và Ryzen 3900X

AMD cũng sẽ tung ra những bộ tản nhiệt Wraith Prism (tản nhiệt stock của AMD) “xịn” hơn dành cho Ryzen 7 và Ryzen 9 để đem đến cho khách hàng một giải pháp tản nhiệt hợp lý sẵn có mà không cần phải tìm kiếm những bộ tản nhiệt rời đắt tiền. Thú vị hơn nữa, các bộ tản nhiệt này có hỗ trợ hệ sinh thái RGB Razer Chroma, giúp đồng bộ về ánh sáng RGB với các sản phẩm gaming gear của Razer.

Ryzen 9 3950X – Chiếc vương miện của AMD

Quên i9 9900k đi, bây giờ là thời đại của Ryzen 9 3950X. Ngôi vị CPU mạnh nhất thế giới cho người dùng phổ thông đã có chủ mới rồi.

Từ cuối năm 2018 đến nay Intel Core i9 9900K đã nắm giữ vị trí là CPU mạnh nhất thế giới cho người dùng phổ thông. Nay, điều đó đã thay đổi hoàn toàn với Ryzen 9 3950X. Đây một mẫu CPU cực mạnh có đến 16 nhân thực 32 luồng xử lý, 72MB smart cache L3 và mức xung nhịp lên đến 4,7GHz (chưa ép xung) nhưng lại có thể sử dụng chuẩn socket AM4 phổ thông với mức TDP chỉ có 105W. Đây là một mức TDP thấp kỉ lục, thấp hơn đáng kể so với những con chip 16 lõi tương tự khác như AMD Threadripper 2950X (180 W) và Intel Core i9-9960X (165W). Mà cả 2 dòng CPU này thì cũng đều đòi hỏi những chiếc mainboard đắt đỏ trang bị socket đặc biệt thuộc phân khúc cao hơn (X Series).

Với sự xuất hiện của Ryzen 9 3950X, ngôi vị CPU mạnh nhất thế giới cho người dùng phổ thông đã có chủ mới. Tuy nhiên, để xác nhận Ryzen 9 3950X có thể đánh bại được Core i9 9900K trong việc tối ưu hóa cho game hay không thì chúng ta vẫn sẽ còn phải chờ đợi một thời gian nữa, ít nhất là cho đến khi Ryzen 9 3950X ra mắt chính thức vào tháng 9 năm nay với mức giá 749 USD – Một phân khúc cao hơn hoàn toàn so với Core i9 9900k.

Giải pháp hỗ trợ tương thích ngược của AMD

Kể từ khi AMD tuyên bố rằng họ sẽ còn sử dụng Socket AM4 cho đến cuối năm 2020, đã có những luồng ý kiến so sánh giữa AMD và Intel, cho rằng các chuẩn socket không nhất thiết phải thay đổi qua từng thế hệ CPU. Intel chỉ làm vậy để “hút máu” người dùng thôi.

Một trong 12 lớp kiến trúc vi mạch bán dẫn hỗ trợ tương thích chuẩn socket AM4 của AMD

Thật ra chuyện không chỉ đơn giản là thế, không phải tự nhiên mà AMD có thể duy trì được sự tương thích lâu dài với chuẩn kết nối cũ AM4. Để làm được điều đó, họ đã phải dày công nghiên cứu một hệ thống kiến trúc vi mạch bán dẫn gồm 12 lớp nằm dưới các đế silicon (die) và nằm trên các chân socket của CPU để hỗ trợ cho các CPU Ryzen về sau có thể tương thích ngược với chuẩn socket AM4 đã ra đời từ năm 2017. Hệ thống kiến trúc vi mạch bán dẫn 12 lớp này của AMD chính là thứ đem đến khả năng tương thích ngược cho các CPU Ryzen thế hệ mới sau này, và người dùng sẽ không cần phải nâng cấp mainboard để sử dụng những con chip Ryzen mới hơn. Tuy nhiên, những mainboard đời cũ sẽ không thể hỗ trợ chuẩn giao thức PCIe 4.0 cũng như khả năng cấp điện cho những dòng CPU Ryzen thế hệ sau.

Kết

Những ngày gần đây, AMD đã mang đến cho chúng ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nếu thực sự những con chip của AMD có thể làm được mọi thứ như những gì họ đã tuyên bố thì chắc chắn một điều rằng chúng sẽ đem đến một sự chuyển biến cực lớn trên thị trường CPU, ít nhất là cho đến khi Intel mang đến một những thế hệ CPU ưu thế hơn.

GEARVN (Axium Fox)

Nguồn: The Verge