Phím cơ thì đương nhiên là ai cũng thích rồi, nhưng cách để đánh giá và chọn cho mình một chiếc phím cơ “ngon” thì không phải ai cũng biết.

Nếu bạn cảm không muốn đọc chữ thì có thể xem clip này cho nhanh:

Như tiêu đề, trong bài viết này, người viết sẽ chia sẻ những điều cơ bản khi đi mua bàn phím cơ thiên về cảm giác gõ, tức là những chiếc bàn phím chỉ tập trung vào chất lượng hoàn thiện và mang lại cảm giác gõ tốt nhất.

Những người mới làm quen với phím cơ thì thường sẽ không thích những chiếc bàn phím dạng này này bởi chúng trông không thực sự bắt mắt. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tập trung vào những giá trị cốt lõi của một chiếc bàn phím thì chúng sẽ là những sự lựa chọn tuyệt vời

Độ hoàn thiện và cảm giác gõ

Đương nhiên rồi, một chiếc phím cơ tốt là phải được chăm chút từ thiết kế cho đến chất lượng vật liệu và linh kiện cấu thành. Có như vậy thì chiếc phím cơ đó mới có thể đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.

Xét về độ hoàn thiện của một chiếc phím cơ, chúng ta có thể chia ra thành những thành phần như sau: Case, Plate, Keycap, Switch Stabilizer

Switch – Công tắc nhấn

Switch là những chiếc công tắc tuy nhỏ bé nhưng là cũng là phần quan trọng nhất tạo ra cảm giác gõ của một chiếc phím cơ. Những loại switch có cấu tạo khác nhau sẽ cho những cảm giác nhấn khác nhau như linear (trơn tuột), tactile (có khấc) và clicky (phát ra tiếng click).

Dưới đây là video của GEARVN về những chiếc switch trên bàn phím cơ:

Những chiếc bàn phím tốt trên thị trường hiện nay thường sử dụng switch đến từ hãng Cherry – Nhà sản xuất switch cơ học hàng đầu thế giới. Chất lượng sản phẩm của họ thì cũng không có gì đáng bàn cãi, chúng đã được cộng đồng những người dùng phím cơ trên thế giới kiểm chứng từ lâu.

Ngoài ra, cũng có những chiếc bàn phím sử dụng switch đến từ những nhà sản xuất khác như Gateron, Kailh, Huano, Greetech… Đơn cử như RAZER, những chiếc bàn phím của họ vẫn được đánh giá cao dù không sử dụng switch của Cherry. RAZER đã tự thiết kế loại switch của riêng mình và bàn giao cho Kailh gia công.

Case – Vỏ bàn phím

Case càng chắc chắn thì chiếc bàn phím càng cứng cáp. Thông thường thì với những chiếc bàn phím thiên về cảm giác gõ, thì phần case sẽ được làm khá dày, thường là bằng nhựa PBT, một số ít khác sẽ có case làm bằng kim loại.

iKBC MF87 Black RGB Một trong những chiếc phím cơ hiếm hoi có phần case được tiện CNC từ một khối kim loại đặc, và đương nhiên là chiếc bàn phím này sẽ rất nặng và cứng, không thể bị biến dạng dưới sức của một người bình thường.

Kể kiểm tra xem phần case được hoàn thiện ra sao thì bạn có thể cầm chắc vào 2 đầu của chiếc bàn phím rồi thử tác động lực xoắn, case của những chiếc phím cơ “xịn” sẽ gần như không thể bị biến dạng dưới lực xoắn của một người bình thường.

Plate – tấm cố định switch

Plate là phần giữ cho những chiếc switch được cố định vào bàn phím. Phần plate bằng kim loại dường như đã là điều bắt buộc đối với những chiếc phím cơ tốt. Phần Plate càng cứng thì những chiếc switch sẽ càng được cố định tốt hơn, từ đó cũng cho cảm giác nhấn chắc chắn hơn và âm thanh phát ra cũng đanh hơn (đương nhiên là cảm giác nhấn và âm thanh gõ sẽ phụ thuộc ít nhiều và chất lượng của keycap và phần case nếu không nói đến đặc tính gốc của switch).

Đối với những chiếc bàn phím có thiết kế hở ra phần chân switch thì mặt trên của case cũng chính là phần plate. Và những chiếc bàn phím như thế này thường sẽ có ít nhất một mặt trên bằng kim loại.

Stabilizer – bộ cân bằng

Stabilizer nằm dưới các phím dài để ổn định các phím, giúp chúng luôn được giữ ở phương ngang cho dù bạn có nhấn vào điểm nào đi chăng nữa. Đối với những phím dài quá 1,75 lần so với phím thường thì chúng sẽ được trang bị stabilizer.

Một bộ stabilizer tốt là phải giúp những phím dài như phím space luôn ổn định tuyệt đối bất kể bạn có nhấn như thế nào (tất nhiên rồi), đồng thời chúng phải có độ “rơ” càng thấp càng tốt và không phát ra tiếng lọc xọc khi gõ.

Keycap – (Phím)

Keycap là những chiếc “nút” của bàn phím, là phần mà chúng ta chạm vào khi gõ, chính vì vậy chúng cũng góp phần không nhỏ tạo nên cảm giác gõ. Keycap trên bàn phím cơ cũng tương tự như switch, là một phạm trù rất rộng, tuy nhiên nếu là người mới thì bạn chỉ cần quan tâm đến những điều sau

  • Chất liệu keycap: hiện tại có 2 loại vật liệu phổ biến nhất là nhựa ABS và nhựa PBT. Những chiếc keycap ABS rất phổ biến trên những chiếc bàn phím có LED vì giá thành dễ chịu, tuy nhiên, chất liệu này không bền và dễ bị bóng theo thời gian. Nhựa PBT thì thường được dùng trên những chiếc bàn phím tập trung vào cảm giác gõ, đây là chất liệu rất bền, không bị bóng theo thời gian và quan trọng là cho cảm giác gõ rất tốt.
  • Độ dày keycap: ngoài chất liệu, độ dày cũng rất quan trọng. Những chiếc keycap càng có độ dày hợp lý sẽ cho cảm giác gõ chắc chắn và rõ ràng. Bạn có thể gỡ keycap trên chiếc bàn phím ra để kiểm tra độ dày của nó. Độ dày chuẩn thường được các hãng phím cơ lớn như Leopold, iKBC, Ducky… áp dụng cho những chiếc keycap là 1,5mm.
  • Công nghệ xử lý ký tự: hiện tại có 4 công nghệ xử lý là in nổi, khắc laser, dye-sub (in nhiệt) và double shot (đúc 2 lớp). Vì công nghệ khắc laser hiện tại rất hiếm khi bắt gặp nên chúng ta sẽ không nói về công nghệ này. Quay trở lại với 3 công nghệ còn lại in nổi là phương pháp đơn giản nhất, màu sẽ được in trực tiếp lên keycap để tạo ra ký tự, kí tự được in bằng công nghệ này thường khá dễ bay màu. Dye-sub là công nghệ dùng nhiệt để làm cho mực thấm sâu vào keycap (chỉ có thể thực hiện với keycap PBT) keycap được xử lý bằng công nghệ này sẽ khó bay màu, cùng với đó là màu của keycap cũng sẽ rất tươi và bắt mắt. Cuối cùng là công nghệ double shot (đúc 2 lớp) vì có 2 lớp nhựa, 1 lớp làm nền và 1 lớp làm ký tự nên những keycap loại này sẽ không thể bị mờ ký tự theo thời gian.
Những chiếc keycap dày dặn được đúc double shot của Leopold – Keycap của bàn phím Leopold FC900R PD

Một chiếc keycap cho tốt là một chiếc keycap có độ dày hợp lý, có độ nhám đủ bám taykhông bị mờ ký tự theo thời gian. Cảm giác gõ của một chiếc bàn phím chỉ có trể trở nên tuyệt vời nếu nó có một bộ keycap đủ tốt.

Trên đây là những tiêu chí để đánh giá một chiếc bàn phím cơ có tốt hay là không, hy vọng sẽ giúp bạn đọc nắm được những điểm cần nhớ khi đi mua phím cơ. Và như những bài viết trước thì người viết cũng có một lưu ý cho bạn đọc, đó là nếu có thể sắp xếp được thì bạn nên đến showroom của GEARVN để trải nghiệm những chiếc phím cơ, từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý cho riêng mình.

Axium Fox