Motion blur là một trong những tính năng bị game thủ ghét nhất, ấy vậy mà hầu như trò nào cũng đều có nó xuất hiện.

Có nhiều game thủ PC không cần biết chơi trò gì, nhưng cứ hễ mới vào game lần đầu là phải tìm cho ra tính năng “motion blur” để tắt nó cái đã, xong rồi mới tính tới chuyện khác. Nhiều khi, đây là tính năng xử lý hậu kỳ (post-processing) hình ảnh bị ghét nhiều nhất trong game luôn ấy chứ. Vậy thì tại sao vẫn có rất nhiều trò tích hợp tính năng này? Thậm chí mặc định nó còn luôn được bật là đằng khác! Mời các bạn cùng GVN 360 đi tìm nguyên nhân trong bài viết này nhé.

“Motion blur” là hiệu ứng thường xuất hiện trong phim ảnh, giúp chuyển động trông tự nhiên hơn

motion blur

“Motion blur” thường xuất hiện trong nhiếp ảnh và điện ảnh, do máy quay không thể nào lưu các khung hình một cách ngay lập tức được. Một khung hình sẽ được phơi sáng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu trong khung hình có một vật thể di chuyển trong khoảng thời gian phơi sáng đó thì nó sẽ bị nhòe theo hướng mà nó đang chuyển động. Còn nếu như máy quay chuyển động thì toàn bộ khung hình sẽ bị nhòe.

Nếu bạn cần ghi lại những pha hành động chớp nhoáng thì điều này sẽ không tốt một chút nào cả. Thế nhưng theo Magix Software – hãng phát triển bộ phần mềm biên tập video Vegas nổi tiếng – thì video sẽ cần một chút hiệu ứng nhòe để nó nhìn tự nhiên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phim điện ảnh được quay với tốc độ 24 fps. Chẳng hạn, theo lý thuyết, một trái bóng chày bay ngang cảnh quay chỉ xuất hiện trong vài khung hình mà thôi, và chúng ta sẽ không muốn mỗi khung hình đó chứa 1 trái bóng chày tròn xoe và nhìn rõ mồn một, lần lượt xuất hiện ở một vị trí mới – nó rất là kỳ các bạn ạ. Thay vì vậy, để trông tự nhiên hơn, trái bóng chày đó chỉ nên là 1 vệt hình bầu dục xuất hiện trong khung hình, giúp tạo hiệu ứng chuyển động nhìn thuyết phục hơn.

Để các bạn dễ hình dung hơn, phía trên là một cảnh trong phim King Kong (1933). Được biết, các chuyển động của King Kong nhìn cứ bị giật giật, không được mượt mà là vì nó được tạo ra bằng cách ghép nối một chuỗi ảnh tĩnh lại với nhau chứ không hề có hiệu ứng “motion blur” như những thứ khác trong cảnh quay. Ngày nay, trong mấy phim hoạt hình theo dạng stop-motion, các nhà làm phim phải chủ động bổ sung hiệu ứng “motion blur” để các chuyển động trông tự nhiên hơn.

Game có fps càng thấp, “motion blur” càng phát huy tác dụng…

motion blur

Những phương pháp xử lý hình ảnh như “multisampling” và “temporal anti-aliasing” có thể loại bỏ một số yếu tố kì quặc về mặt thị giác để giúp chuyển động trong game nhìn chân thực hơn. Nhưng nó không phải lúc nào cũng hiệu quả 100%, nhất là khi chơi game ở tốc độ khung hình thấp. Những lúc như thế, mỗi khi bạn di chuyển nhân vật trong game là khung cảnh nhìn không khác gì slide PowerPoint luôn.

motion blur

Đây là lúc “motion blur” phát huy tác dụng các bạn ạ. Các nhà phát triển đã luôn miệng nói rằng tính năng này rất hữu dụng trong game. Ví dụ, trong một bài viết hồi năm 2007, Gilberto Rosado của Rainbow Studios (nhà phát triển series MX vs ATV) cho biết hiệu ứng “motion blur” có thể giúp người chơi cảm nhận tốc độ một cách rõ rệt hơn và chân thực hơn, giúp đồ họa của game nhìn mượt mà hơn, nhất là đối với những trò render ở tốc độ 30 fps hoặc thấp hơn. Một bài nghiên cứu của các chuyên gia tại MIT và Disney hồi năm 2013 cũng chỉ ra rằng hiệu ứng “motion blur” sẽ giúp giảm bớt hiện tượng “artifacts” (tạm dịch: lỗi hình ảnh) và giúp game nhìn chân thực hơn.

motion blur

Và đúng thật vậy. Nhiều khi giờ bạn vào game chơi, chỉnh max setting các kiểu cho fps xuống thấp thì “motion blur” sẽ giúp chuyển động trông tự nhiên hơn đó. Nhưng kỳ lạ là điều đó chưa chắc đã thuyết phục được bạn luôn bật “motion blur” mỗi khi chơi game.

…Thế nhưng nhiều game thủ vẫn không ưa gì “motion blur”

Nhà phát triển Adam Sanders thuộc studio Red Slate Games cho biết trong phim, “motion blur” có thể dùng để thể hiện tốc độ và tách chủ thể ra khỏi khung hình bằng cách làm nhòe những thứ xung quanh (kiểu như mô phỏng con mắt của chúng ta khi tập trung vào 1 thứ gì đó). Nhưng trong game, thường thì người chơi sẽ được quyền tự điều khiển góc quay camera, cho nên Sanders nghĩ rằng “motion blur” lúc này sẽ phản tác dụng. Thay vì giúp vật thể trông rõ hơn, khả năng là nó sẽ vô tình làm mờ thứ mà người chơi đang muốn tập trung vào.

motion blur

Sanders cho biết cơ bản là mỗi thể loại sẽ có yêu cầu khác nhau. Phim sẽ cần sử dụng một số thủ thuật nhất định để hướng mắt người xem theo đúng ý đồ của đạo diễn. Còn game thì cho phép người chơi tự quyền quyết định khung hình sẽ tập trung vào chỗ nào, và những hiệu ứng xử lý hậu kỳ như “motion blur” có thể gây cản trở quá trình này.

motion blur

Vấn đề này sẽ trở nên cực kỳ nổi cộm khi “motion blur” xuất hiện lúc người chơi xoay chuyển góc nhìn trong game. Đúng là nó có giúp chuyển động của camera trông mượt hơn đó, nhưng đổi lại thì kẻ địch mà người chơi đang nhắm vào có thể trở thành một sinh vật mờ nhòe, trông rất là bực mình và khó tập trung. Nếu hiệu ứng “motion blur” được áp dụng “nặng đô” hơn thì nhiều khi người chơi sẽ rất khó định hình được vị trí của mình trong không gian ảo.

motion blur

Sanders chỉ ra rằng game thủ thường không có vấn đề về chuyện 1 vật thể nào đó trong game bị mờ nhòe khi chuyển động – chẳng hạn như là khi vung kiếm chém kẻ địch khiến thanh kiếm bị nhòe. Thế nên ông cho rằng vấn đề của “motion blur” trong game đó là đó bị áp dụng sai cách, hay cụ thể hơn là nó được xài như một cái shader áp lên toàn bộ khung hình. Ngoài ra, nó còn khiến những tấm hình screenshot mà bạn hụp trông xấu tệ nữa.

Liệu “motion blur” có thật sự cần thiết khi chơi game?

Đối với một tựa game 30 fps, nếu nhà phát triển muốn thuyết phục người chơi rằng nó có đồ họa đẹp mắt thì họ sẽ phải làm nhòe những thứ không mấy đẹp đẽ trong khung hình. Thật ra, nếu hiệu ứng “motion blur” được áp dụng một cách tinh tế, vừa phải thì có khi game thủ cũng không để ý đến đâu. Hoặc khi chơi game đua xe, mỗi lúc nhấn nút turbo cho xe lao về phía trước thì chuyện cảnh vật xung quanh bỗng dưng mờ nhòe vẫn chấp nhận được, miễn là game thủ vẫn nhìn thấy rõ đường đua và những chiếc xe đua khác.

Còn một yếu tố nữa là do những đoạn phim thực tế đều được quay bằng máy quay, cho nên việc mô phỏng hiệu ứng mờ nhòe giống như máy quay có thể giúp game trông thuyết phục hơn, tạo cảm giác như là game thủ đang nhìn thấy thế giới ngoài thực tế vậy. Chẳng hạn như trong trò Unrecord (trailer ở trên), hiệu ứng “motion blur” được áp dụng rất tinh tế để mô phỏng góc quay của camera hành trình y như ngoài đời thực.

Phải thừa nhận là đôi lúc, “motion blur” sẽ giúp game trông thực tế hơn hẳn so với lúc tắt nó đi. Thế nhưng card đồ họa càng ngày càng mạnh, màn hình gaming càng ngày càng có tần số quét cao hơn, và điều đó càng khiến cho hiệu ứng “motion blur” trở nên dư thừa; do tốc độ khung hình càng nhanh thì chuyển động trong game sẽ càng giống như ngoài thực tế, không nhất thiết phải xài hiệu ứng “motion blur” nữa.

Có người nói rằng chúng ta không thể “cảm nhận” hơn 60 Hz, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra rằng nếu bạn muốn trải nghiệm hiệu ứng chuyển động trong video giống với thực tế nhất thì 200 Hz sẽ là con số mà bạn nên nhắm đến. Dù vậy, phải đến khi nào game thủ đòi hỏi tốc độ khung hình nhanh hơn, không còn chấp nhận con số 30 fps hay 60 fps lẹt đẹt nữa thì may ra tính năng “motion blur” mới biến mất. Còn từ đây đến đó thì chúng ta phải chịu khó vào trong settings để tắt nó đi thôi.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: PC Gamer


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360