Pin điện thoại bị phồng vốn không còn là hiện tượng gì mới lạ nữa, nhưng vì sao nó lại phồng, mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.

Pin điện thoại bị phồng – một hiện tượng phổ biến khi sử dụng điện thoại di động, laptop,… Dù có xài kỹ cỡ nào thì đến một lúc nào đó cục pin cũng sẽ phồng lên thôi mấy bạn ạ, và khi bị như thế thì tốt nhất là chúng mình không nên sử dụng cục pin đó nữa. Vì sao lại thế nhỉ? Nếu bạn cũng thắc mắc vì sao pin điện thoại dùng lâu sẽ bị phồng thì sau đây, mời bạn cùng GVN 360 bọn mình tìm hiểu nhé.

Pin bị phồng có nguy hiểm không?

Nó có thể, nhưng cũng không hẳn. David Mitlin, nhà nghiên cứu pin kiêm giáo sư tại Đại học Texas ở Austin cho biết: “Pin bị phồng chắc chắn không tốt và đó là một dấu hiệu của việc giảm hiệu suất, nhưng điều đó không có nghĩa là pin sẽ phát nổ ngay lập tức.” 

Dù là vậy thì pin bị phồng vẫn có thể gây ra một số vấn đề. Chẳng hạn, nó có thể làm hỏng các bộ phận khác của điện thoại khi kích thước của cục pin ngày càng phồng lớn hơn. Khi pin bị phồng, chiếc màn hình mong manh của bạn có thể bị đè nứt nếu nó gây áp lực lên quá nhiều.

Nếu trong nhà bạn có chiếc thoại nào mà pin bên trong bị phồng thì có một số điều cần phải lưu ý nha. Trước tiên, hãy ngừng sử dụng thiết bị, không cố dùng và sạc lại pin, tóm lại là hẹn chế sử dụng cục pin đó nhiều nhất có thể. Thứ hai, kiểm tra xem bạn có thể tự tháo pin ra hay không, nếu có thể tự tháo được thì hãy lấy cục pin ra rồi để ở nơi thoáng mát, hoặc đặt vào xô cát rồi đưa nó đi xử lý sau. Cơ mà nếu không tự tháo pin ra được thì thôi vậy, lựa ngày đưa em nó đi bảo hành để thay pin sớm nhất có thể nha các bạn.

Vì sao pin điện thoại lại bị phồng?

Nói đơn giản thì ở trong pin sẽ có các loại khí – chính xác là loại khí nào thì nó phụ thuộc vào các vật liệu cụ thể bên trong những cục pin đó. Nhưng để hiểu những khí đó đến từ đâu, mình cần xem xét tính chất hóa học tạo nên hoạt động của pin lithium-ion, loại pin có thể sạc lại thường có trong điện thoại, laptop,…

Khi cắm sạc loại pin này, các ion lithium chảy từ đầu này sang đầu kia và di chuyển theo hướng ngược lại khi pin được sử dụng để cung cấp năng lượng cho thứ gì đó. Các ion đó di chuyển qua một lớp được gọi là chất điện phân, khi bạn tiếp tục sạc và xả pin theo thời gian, lớp đó bắt đầu phân hủy và tạo ra khí như một sản phẩm phụ. Sau khi tích tụ đủ lượng khí, pin trong thiết bị sẽ bắt đầu phồng lên.

Pin điện thoại

Đương nhiên là không phải tất cả các loại pin sạc đều như nhau. Có những công ty đầu tư số tiền lớn, để nghiên cứu và phát triển các chất phụ gia đi vào chất điện phân nhằm cố gắng giảm thiểu sự phân rã này.

Pin điện thoại

Một số loại pin sạc có vỏ kim loại cứng, có thể hạn chế sự tích tụ của áp suất bên trong và không bị biến dạng nhiều. Nhưng những loại pin khác, chẳng hạn như những loại pin được bao bọc rất kỹ được tìm thấy trong các thiết bị như laptop và điện thoại, tuy nó linh hoạt, có thể ứng dụng được nhiều nhưng cũng kèm theo nhiều khả năng bị phồng lên khi khí tích tụ bên trong luôn.

Cách hạn chế tình trạng phồng pin điện thoại 

Mua điện thoại về thì đương nhiên là sẽ sử dụng rồi, có ai mua về lại để trưng đâu. Vậy nên qua thời gian sử dụng, pin điện thoại của bạn sẽ đến lúc phồng lên và không dùng được nữa. Tuy nhiên, sẽ luôn có những cách để kéo dài tuổi thọ của pin, giúp giai đoạn pin bị phồng lên sẽ lâu đến hơn.

Không để điện thoại quá nóng

Pin điện thoại

Nhiệt độ cao có thể làm tăng tốc độ phân hủy chất điện phân, khiến cho khí tích tụ bên trong pin nhanh hơn và nhiều hơn. Mà dù cho nhiệt độ đó không làm pin phồng lên đi nữa, chắc chắn nó cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình sử dụng điện thoại của bạn. Một số cách mình thường làm để điện ít bị nóng đó là không vừa sạc vừa chơi game, đi đường trời nắng thì không bấm điện thoại nhiều, sạc điện thoại ở chỗ thoáng mát,… Mấy bạn cũng có thể áp dụng thử nghen.

Theo dõi mức sạc của pin

Pin điện thoại

Giữ điện thoại luôn ở phần trăm cao là cách tuyệt vời để giảm hao mòn pin, nhưng không vì vậy mà luôn cắm sạc mãi trên ổ điện, điên thoại sẽ bị nóng đó mấy bạn. Do đó hãy rút sạc liền khi thấy điện thoại đầy 100% nha. Còn nữa, khi năng lượng trong pin giảm xuống đến 20% hoặc 10%, các phản ứng hóa học sẽ xuất hiện. Những phản ứng này sẽ làm chết năng lượng trong pin, lâu dần sẽ khiến pin bị chai và suy giảm tuổi thọ dẫn đến tình trạng phồng pin. Bởi vậy nên đừng sử dụng điện thoại trong nhiều giờ đến lúc điện thoại sập nguồn nha mấy bạn.

Đừng để điện thoại rớt

Pin điện thoại

Nói thì dễ hơn làm, vì mình cũng hay làm rớt điện thoại lắm. Khi điện thoại bị rớt, thường tụi mình sẽ xót màn hình, nhưng có thứ đáng lo hơn đó là cục pin bên trong mấy bạn ạ. Nếu cục pin bên trong bị va đập nhiều, có khả năng một phần nào đó của cục pin sẽ được sạc nhiều hơn những phần khác, đó cũng là nguyên nhân khiến pin bị phồng luôn. Nếu cũng hay làm rớt điện thoại như mình, mấy bạn nên cân nhắc tậu về một chiếc ốp điện thoại xịn sò để bảo vệ cả ngoại hình lẫn “nội tâm” chiếc điện thoại của mình nhé.

Pin điện thoại

Dù có nhiều cách phòng tránh như vậy, nhưng pin pin lithium-ion không phải là loại pin vĩnh cửu, qua quá trình sử dụng hao mòn thì cũng sẽ đến lúc nó “ngỏm” thôi mấy bạn ạ. Cơ mà nếu giữ kỹ thì tuổi thọ của pin sẽ dài hơn, quá trình bị phồng của pin cũng sẽ lâu hơn. Do đó, bạn có thể áp dụng những cách trên để điện thoại của mình “sống dai” hơn nhé. Nếu cảm giác nắp điện thoại hơi u lên thì hãy đem đi kiểm tra ngay chứ đừng chủ quan mà tiếp tục sử dụng, an toàn là trên hết nha mấy bạn.

Và đó là những lý do pin điện thoại sẽ bị phồng lên qua quá trình sử dụng, hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích nha. Cảm ơn bạn đã đọc và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới.

Cuối cùng, chúc bạn có một ngày tuyệt vời nhé!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn tham khảo: washingtonpost


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360