Arm cho biết cứ mỗi giây trôi qua là có khoảng 900 con chip ARM được sản xuất.

Arm vừa mới công bố là các đối tác của họ đã bán được hơn 200 tỷ con chip dựa trên kiến trúc ARM. Đây là một con số khá là khủng khiếp đó, nhưng cũng không quá bất ngờ cho lắm vì Arm nắm trong tay thị trường microcontroller (vi điều khiển) và smartphone. Mặc dù Arm đang sở hữu kiến trúc CPU phổ biến nhất trên thế giới, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều thử thách phía trước.

chip ARM

Các đối tác của Arm đã mất khoảng 23 năm – từ năm 1991 đến năm 2014 – để xuất xưởng 50 tỷ chip đầu tiên. Sau đó họ đã mất 3 năm – từ 2014 đến 2017 – để xuất xưởng thêm 50 tỷ. Giờ đây, hệ sinh thái Arm mất khoảng 4,5 năm để xuất xưởng thêm 100 tỷ con chip khác. Arm cho biết cứ mỗi giây trôi qua là có khoảng 900 con chip ARM được sản xuất.

Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa về mặt tài chính, Arm cần giải quyết vấn đề liên quan đến phân khúc cao cấp hơn, chẳng hạn như PC khách hàng và trung tâm dữ liệu. Trong lúc đó, Arm cũng phải giữ vững vị thế của mình tại các thị trường truyền thống, chẳng hạn như bộ điều khiển và vi điều khiển có giá thành phải chăng, bán ra với số lượng khổng lồ và được dùng khắp mọi nơi.

Arm sẽ phải đối mặt với các thử thách từ hệ sinh thái RISC-V đang phát triển vượt bậc. Chỉ mới 3-4 năm trước, các nhân RISC-V chỉ có thể xử lý các bộ vi điều khiển đơn giản, nhưng bây giờ thì chúng có thể chạy các hệ điều hành như Linux. Ưu điểm chính mà kiến trúc tập lệnh (instruction set architecture – ISA) RISC-V có được so với Arm là nó miễn phí bản quyền và có nhiều thiết kế thuộc dạng mã nguồn mở (cũng miễn phí). Giả sử có một công ty có thể phát triển phần mềm cho RISC-V, họ có thể chuyển từ chip Arm sang RISC-V để tiết kiệm chi phí.

Kể từ khi Apple bắt đầu chuyển máy Mac của mình sang sử dụng chip SoC Arm, cũng không có gì quá ngạc nhiên khi thị phần của Arm trong mảng PC ngày càng tăng. Strategy Analytics tin rằng doanh thu chip SoC Arm trên laptop sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2021 so với năm 2020, và sẽ đạt 949 triệu USD. Các nhà phân tích tin rằng trong năm 2021, chip SoC Arm sẽ chiếm 10% thị trường laptop nhờ dòng chip SoC M1 được trang bị trong Apple MacBook, chip SoC của MediaTek trong Chromebook, và chip SoC của Qualcomm dành cho máy tính Windows-on-Arm.

Ngày nay, phần lớn các thiết bị mà chúng ta sử dụng hằng ngày đều có sự hiện diện của ARM trong đó. Bất kể là bạn dùng smartphone hay lái một chiếc xe hơi thì khả năng cao là bên trong đó có con chip Arm. Kiến trúc CPU của Arm là kiến trúc phổ biến nhất thế giới và có lẽ bán chạy hơn tất cả các kiến trúc còn lại gộp lại. Vì hầu như thiết bị điện tử nào cũng có vi xử lý nên sự thành công của kiến trúc ARM sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Tóm tắt ý chính:

  • Arm công bố là các đối tác của họ đã bán được hơn 200 tỷ con chip dựa trên kiến trúc ARM
  • Kiến trúc CPU của Arm là kiến trúc phổ biến nhất thế giới và có lẽ bán chạy hơn tất cả các kiến trúc còn lại gộp lại
  • Arm vẫn phải đối mặt với thách thức khi bước chân vào mảng trung tâm dữ liệu mà kiến trúc x86 đang làm mưa làm gió
  • Arm còn phải giữ vững vị thế của mình ở các thị trường hiện tại và tìm cách cạnh tranh với kiến trúc RISC-V mã nguồn mở và miễn phí bản quyền

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: tom’s HARDWARE


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360