Corsair RM1000e đủ sức cân những phần cứng thế hệ mới dù sở hữu thân hình gọn gàng hơn so với những bộ nguồn 1000W khác.

Dòng nguồn RMx và RMi của Corsair thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp trước giờ đã quá nổi tiếng trong cộng đồng PC với chất lượng khỏi cần phải bàn tới nữa rồi. Và cách đây ít lâu, Corsair đã tiếp tục tung ra một người anh em nữa thuộc dòng RM, mang tên là RMe. Dòng PSU này có vài điểm khá là đặc biệt, mặc dù vẫn thừa hưởng một số yếu tố đặc trưng của gia phả nhà họ RM. Cơ bản thì đây là một chiếc PSU hiệu năng cao trong một thân hình tương đối gọn gàng, và đồng thời cũng là một trong những con nguồn 1000W đến từ thương hiệu lớn có mức giá mềm, cụ thể là chỉ có 6 triệu đồng mà thôi.

Được biết, dòng PSU Corsair RMe thuộc loại fully modular (các dây có thể tháo rời) với các mức công suất bao gồm 750W, 850W, 1000W; đạt chuẩn ATX 3.0, 80Plus Gold và Cybenetics Platinum. Sẵn GVN 360 bọn mình được trên tay bộ nguồn Corsair RM1000e – tức là mức cao nhất 1000W, mời các bạn cùng xem xem sản phẩm này có điểm nào đáng chú ý nhé.

Corsair RM1000e được thiết kế tinh gọn, phù hợp với case PC có không gian hạn chế

Nếu để ý thì bạn sẽ thấy RM1000e có kích thước ngắn hơn một chút so với hầu hết những bộ nguồn 1000W khác. Cụ thể, chiều dài của nó đã được giảm còn 140 mm (kích thước dài x rộng x cao là 140 x 150 x 86 mm). Chính vì vậy mà nếu bạn định ráp một dàn PC với những cái case độc dị, có không gian khoang PSU tương đối hạn chế thì RMe sẽ là một phương án phù hợp hơn so với những bộ nguồn khác. Ngoài ra, nếu bạn xài case thông thường thì cục nguồn ngắn sẽ cho bạn thêm không gian để đi dây, đỡ bị rối nùi một cục trong khoang PSU.

Tiếp đến là phần quạt tản nhiệt: nó có kích thước 120mm, sử dụng trục rifle bearing bền hơn so với sleeve bearing, v2 gần bằng độ bền của ball bearing. Tương tự những bộ nguồn cao cấp khác của Corsair, dòng RMe cũng được tích hợp tính năng Zero RPM Fan Mode để quạt chỉ quay khi tải nặng (chơi game, render video), còn khi tải nhẹ (lướt web, xem clip) thì quạt sẽ không quay, giúp giảm tối đa độ ồn. Theo mình tìm hiểu, đối với phiên bản RM1000e, nếu chịu tải dưới 40% (400W) thì quạt sẽ không quay, trên 40% thì tốc độ quạt sẽ tăng dần đều; và khi chịu tải 100% thì quạt sẽ quay với tốc độ tầm 1200 rpm.

Với thiết thế theo kiểu fully modular, RM1000e sử dụng loại dây Type 4 của Corsair và nó chỉ tương thích đúng với loại dây này thôi, cho nên bạn nhớ lưu ý nhé. Đi kèm theo trong hộp sẽ là 3 nhóm dây, bao gồm nhóm ATX 24-pin cấp điện cho bo mạch chủ, nhóm PCIe / CPU cấp điện cho card đồ họa và CPU (gồm có 2x EPS 8-pin (4+4), 2x PCIe 8-pin (6+2)/(6+2), 2x PCIe 8-pin (6+2), 1x 12VHPWR 16-pin), và nhóm SATA / PATA cấp điện cho các linh kiện khác (gồm có 1x SATA (3 SATA), 1x SATA (4 SATA), 1x Molex (4 PATA)).

Trong số những dây trên, chỉ có riêng sợi 24-pin ATX nối với bo mạch chủ là được bọc lưới mà thôi, còn lại là dây bản dẹt giúp dễ đi dây và nhìn gọn gàng hơn. Có một điều mà vài bạn sẽ thắc mắc, đó là dây PCIe 8-pin (6+2)/(6+2) và PCIe 8-pin (6+2) khác nhau ra sao. Cơ bản thì 1 sợi dây PCIe 8-pin (6+2)/(6+2) sẽ được chia làm 2 đầu (6+2) pin, thường thấy trong những bộ nguồn hiện nay. Còn 1 sợi dây PCIe 8-pin (6+2) thì chỉ có đúng 1 đầu (6+2) pin mà thôi, hiếm gặp hơn.

Nếu bạn xài card tầm trung đổ xuống thì có thể xài dây PCIe 8-pin (6+2)/(6+2) cho tiện, vì nó cũng chẳng ngốn nhiều điện đâu. Còn nếu xài card cao cấp ngốn nhiều điện thì nên xài dây PCIe 8-pin (6+2) để chia tải đều cho từng sợi, hạn chế rủi ro so với việc xài 1 dây PCIe 8-pin (6+2)/(6+2) cấp điện tới 2 cổng. Trường hợp card đồ họa có tới 3 cổng nguồn thì bạn nên xài 2 dây PCIe 8-pin (6+2) với 1 dây PCIe 8-pin (6+2)/(6+2) để cắm vào 3 cổng nhé, nôm na là cứ mỗi cổng cắm 1 dây để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Còn nếu bạn xài card đời mới, yêu cầu cổng 12VHPWR 16-pin thì trong hộp cũng có sẵn dây chuyển 2 đầu PCIe 8-pin thành 1 đầu 12VHPWR 16-pin luôn. Và cũng tương tự ở trên, bạn nên xài 2 dây PCIe 8-pin (6+2) riêng biệt để hạn chế rủi ro nhé. Bạn vẫn có thể cắm 2 dây PCIe 8-pin (6+2)/(6+2) cũng được, nhưng như vậy thì sẽ dư ra 2 đầu (6+2) pin hơi rườm rà, mất thẩm mỹ, và mắc công phải buộc nó lại cho gọn.

Corsair RM1000e đạt chuẩn Cybenetics Platinum về hiệu suất và Cybenetics A- về độ ồn

Trước hết, Corsair RM1000e đạt chuẩn 80Plus Gold, và chuẩn này cũng không còn gì xa lạ với dân PC chúng ta nữa rồi. Để đạt chứng nhận chuẩn 80 Plus, bộ nguồn phải trải qua quá trình test gắt gao để quy về kết quả chung là hiệu suất chuyển đổi điện xoay chiều (AC) từ lưới điện gia đình thành điện 1 chiều (DC) cấp cho PC. Chuẩn 80 Plus càng cao cấp thì hiệu suất chuyển đổi sẽ càng cao, nguồn sẽ càng xịn. Những bộ nguồn cao cấp hiện nay thường sẽ là 80Plus Gold hoặc 80Plus Platinum. Đỉnh nhất sẽ là 80Plus Titanium nhưng giá sẽ cực đắt và chỉ dành cho những dàn PC chuyên dụng mà thôi.

Ngoài ra, Corsair RM1000e còn được xác nhận đạt chuẩn ATX 3.0. Nói ngắn gọn thì đây là một tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất nguồn phải tuân theo nhằm tạo ra những bộ nguồn tốt hơn, đáng tin cậy hơn, chuyển đổi dòng điện hiệu quả hơn, và đặc biệt là có thể “nuôi” được card đồ họa thế hệ mới vốn ngốn rất nhiều điện. Vài mẫu card đồ họa đời mới có thể ngốn điện gấp 3 lần con số TDP của nó, mặc dù khoảnh khắc này chỉ diễn ra trong tích tắc mà thôi (gọi là power excursion). Một chiếc PSU bình thường sẽ rất dễ bị sập nguồn trong trường hợp này, còn nguồn ATX 3.0 thì vẫn chống chịu tốt. Đó cũng là lý do vì sao nguồn 850W đạt chuẩn ATX 3.0 vẫn có thể cân tốt RTX 4090 dù con card này có TDP tới 450W.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bây giờ trong mảng PSU đã xuất hiện thêm một chuẩn mới, giúp đánh giá khả năng của bộ nguồn chính xác hơn so với chuẩn 80Plus truyền thống, đó là chuẩn Cybenetics. Chuẩn này không chỉ lấy hiệu suất đường 12V để đánh giá chất lượng của PSU, mà nó còn tính thêm cả hiệu suất của những đường điện riêng lẻ khác, cũng như khả năng điều chỉnh hoặc thất thoát của dòng điện, từ đó tạo ra bức tranh toàn diện hơn, giúp đánh giá chính xác hiệu suất của PSU hơn.

Thêm vào đó, Cybenetics còn có thêm hệ thống đánh giá độ ồn của bộ nguồn, giúp người dùng biết được rằng họ có phải đánh đổi giữa hiệu suất chuyển đội điện năng với độ ồn khi PSU hoạt động hay không; hoặc là nó có được trang bị hệ thống quạt, heatsink đủ xịn sò để giảm bớt tiếng ồn hay không.

Bộ nguồn Corsair RM1000e đạt chuẩn Cybenetics Platinum, và chiếu theo bảng trên (đầu vào 230V) thì nó đạt hiệu suất chuyển đổi điện từ 91% đến 93%. Còn độ ồn Cybenetics A- thì nó có nghĩa là bộ nguồn sẽ hoạt động trong khoảng từ 25 dB(A) cho đến 30 dB(A), tức tương đương khi chúng ta nói chuyện thì thầm. Thông tin này cũng trùng khớp với những gì mà Corsair đã quảng bá về bộ nguồn này.

Corsair RM1000e là một chiếc nguồn nhỏ nhưng có võ, dư sức gánh những phần cứng thế hệ mới

Trong khi hầu hết những chiếc nguồn 1000W hiện nay đều có chiều dài từ 160 đến 200 mm thì RM1000e được thiết kế với chiều dài chỉ 140 mm giúp tiết kiệm không gian và tương thích với nhiều case PC hơn. Đồng thời, dây fully modular dạng bản dẹt cũng tiện cho việc đi dây gọn gàng. Với tính năng Zero RPM Fan Mode, quạt chỉ quay khi chịu tải trên 40% và độ ồn của nó cũng không đáng kể, hạn chế gây xao nhãng trong những trận game kịch tính.

Điều đặc biệt là trong số những bộ nguồn 1000W thì RM1000e là một trong số những bộ nguồn có giá dễ tiếp cận nhất – chỉ 6 triệu đồng. Và nếu so về thương hiệu thì có lẽ đây cũng là bộ nguồn 1000W của một hãng nổi tiếng có giá mềm nhất; vẫn có những bộ nguồn 1000W khác với mức giá mềm hơn nhiều, nhưng so về thương hiệu thì chưa chắc đã có cửa với Corsair vốn đã gầy dựng được niềm tin trong lòng game thủ suốt nhiều năm qua.

Nếu các bạn muốn đặt mua bộ nguồn này thì có thể tham khảo tại cửa hàng GearVN nhé. Ngoài ra, tại đây còn có bán những bộ nguồn với các mức công suất khác nhau và mức giá đa dạng, phù hợp cho từng nhu cầu của game thủ. Các bạn xem thêm tại đây nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360