Ơ, thế mấy con main to hơn ATX thì gọi là gì?

ATX là hệ tiêu chuẩn cho máy tính bàn do Intel đẻ ra từ năm 1995 và tồn tại cho đến hiện nay, cũng có một vài cập nhật mới nhưng không có gì thay đổi nhiều. Hệ tiêu chuẩn ATX này bao gồm nhiều thứ bao gồm các chuẩn kích thước mainboard như ATX, Micro-ATX, Mini-ITX, Nano-ITX, Pico-ITX, tuy nhiên không có cái gì gọi là Extended-ATX (EATX) cả. Tất cả là do mấy ông hãng sau này tự chế ra thôi, EATX thực chất chẳng phải là một tiêu chuẩn chung gì cả và Intel hoàn toàn không nhúng tay vào vụ này. Ngạc nhiên chưa?

Không có bất cứ quy định nào cho cái chuyện một con main EATX phải to bao nhiêu. Nếu có một định nghĩa chính thức cho cỡ EATX này thì một cái mainboard cỡ này sẽ có kích thước 12 inch chiều cao x 13 inch chiều rộng, đó là nếu nó có một định nghĩa chính thức nhé. Chứ cái cỡ gọi là EATX này không hề tồn tại trong hệ thống tiêu chuẩn chung của Intel đưa ra vào năm 1995. 12 inch chiều cao x 13 inch chiều rộng thật ra là kích thước chuẩn của cỡ mainboard EEB, đây là một cỡ mainboard dành cho doanh nghiệp và nó to bằng chuẩn AT cũ, to hơn rất nhiều so với chuẩn ATX. Sở dĩ nó to như thế là để chứa thêm linh kiện và có những tính năng nâng cao hơn, ví dụ như việc nó có thể hỗ trợ đến 4 con CPU và một đống RAM kèm theo chúng chẳng hạn. Không có cái chuẩn chính thức nào được gọi là EATX, mọi thứ là do mấy ông hãng bày ra thôi, tuy nhiên nếu nó không có gì sai trái thì bài viết này cũng không tồn tại làm gì đâu.

Vấn đề của chuẩn EATX là nó chưa bao giờ được định nghĩa một cách đàng hoàng cả. Bất kỳ con main nào có chiều rộng lớn hơn 9,6 inch của cỡ ATX thông thường đều được gọi là EATX cả.

Hồi xưa thì chưa có lộn xộn như vậy đâu, tất cả đều rất rõ ràng. ATX là ATX mà EBB là EBB. Nhiều nhà nghiên cứu thị trường cho biết rằng có thể ASUS là hãng đã khai sinh ra cái tên Extended-ATX trong khoảng năm 2002-2003 để gọi những con main mà trước đây họ gọi là main AT, tuy nhiên nó vẫn chưa phổ biến. Chỉ đến năm 2009 thì mới có chuyện xảy ra. Đó là khi mấy ông EVGA đề nghị dùng cái từ “EATX” để nói về main SSI-CEB (loại này nhỏ hơn SSI EEB một chút 12×10.5 inch). Từ quan điểm của EVGA thì bất cứ cái mainboard nào không gắn được vào case mid-tower thông thường thì đều gọi là EATX cả, gọi vậy để phân biệt cho nó dễ. Sau vụ bày trò thế kỷ này thì mấy ông hãng khác như ASUS và Gigabyte cũng làm theo và gọi bất kỳ con main nào có kích thước cỡ đó là main “EATX”. Còn những con main cỡ EEB 12 x 13 inch thì lại thường được gắn thêm các tiền tố kiểu như “True EATX” hoặc “Full EATX”, cốt là để phân biệt với mấy con main được gọi là main EATX thông thường, chán thật sự! SilverStone là một trong số ít các tổ chức không công nhận vụ chế tên này.

Dominus Extreme – 1 con main có kích thước 14 x 14 inch, thuộc hàng oversize (ngoại cỡ) và không theo tiêu chuẩn quái nào cả!

Sau đó thì mấy ông hãng còn tiếp tục làm cho vấn đề trở nên rắc rối thêm khi chế cháo nhiều hơn nữa. Ví dụ điển hình là cái “EE-ATX” của Supermicro. EVGA, Gigabyte và MSI còn bày ra từ “XL-ATX” để gọi 3 cỡ mainboard gần giống nhau. Rồi thêm cái “BTX”, có kích thước 10,5 x12,8 inch nữa (mặc dù nó đã lỗi thời, khuyến khích làm mát CPU chỉ bằng luồng khí từ PSU luôn mới xàm chứ). Từ đó thì “EATX” đã trở thành một khái niệm tào lao mía lao chẳng có ý nghĩa gì cả. Đối với các chuẩn ATX thông thường thì chỉ cần nghe tên thôi là người ta đã biết con main nó to nhỏ thế nào rồi, còn đối với một con main được gọi là main ATX thì người ta chỉ biết rằng EATX có nghĩa là bự hơn mấy con main ATX full size, chấm hết. Kết quả là hầu hết mấy ông hãng ngày nay đều phải ghi chú kích thước rõ ràng nếu main của mấy ổng lớn hơn chuẩn ATX thông thường. Riết rồi người dùng cũng quen với cách gọi của mấy ông hãng luôn và làm cho mọi chuyện tệ hơn nữa.

Chuyện đáng lẽ sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu ngày xưa mấy ông hãng bám vào những chuẩn kích thước đã được xác định từ trước đó như SSI-EEB hoặc nhỏ hơn như SSI-CEB. Nhưng không, mấy ổng lại bài trò cho lắm, kết quả là đẻ ra cái gọi là “tiêu chuẩn EATX” – thứ thậm chí chẳng có một tác dụng nào cả!

Tham khảo: GamersNexus