Nhờ ChatGPT mà việc nhắn tin vào khung chat để trò chuyện với 1 con AI đã trở thành chủ đề được bàn tán vô cùng sôi nổi.

Rõ ràng là chẳng ai ngờ tới chuyện ChatGPT xuất hiện một cách bất thình lình như thế, đến cả OpenAI – phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Mỹ phụ trách việc phát triển ChatGPT – cũng không luôn. Ban đầu, ChatGPT được tung ra vào tháng 11/2022 như là một bản demo nghiên cứu (research preview) mà thôi.

ChatGPT AI

Trong bài blog công bố ChatGPT, nó chỉ nói vỏn vẹn rằng ChatGPT là một mô hình “anh em” của InstructGPT, và nó được huấn luyện để làm theo hướng dẫn và cung cấp câu trả lời chi tiết. Có ai mà ngờ được rằng chỉ sau 4 tháng, ChatGPT lại chính là thứ đã thay đổi cách mà chúng ta tương tác với công nghệ. Nếu nhìn theo một cách thú vị thì chúng ta đang quay trở về ngày trước – cái thời mà con người phải gõ dòng lệnh để điều khiển máy tính, chỉ là bây giờ nó thông minh hơn rất nhiều mà thôi.

“Generative AI” đang đi theo 2 hướng: cải thiện những cái hiện có, và trở thành một sản phẩm tiêu dùng

Bổ sung tính năng mới cho sản phẩm hiện có

“Generative AI” (tạm dịch: AI tạo sinh) hiện đang đi theo 2 hướng cùng lúc. Hướng đầu tiên mang tính chất hạ tầng nhiều hơn, đó là bổ sung công cụ và tính năng mới cho những thứ mà bạn đang xài. Những mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4 và LaMDA của Google sẽ giúp bạn viết email và ghi chú ngon lành hơn, tự sửa lỗi sai trong bảng tính, tự sửa hình ảnh giùm bạn, hay thậm chí là viết code giùm bạn luôn.

ChatGPT AI

Đây là hướng mà AI đã được phát triển trong nhiều năm qua. Google đã và đang tích hợp rất nhiều thể loại AI vào trong sản phẩm của họ trong những năm gần đây. Những mô hình AI này đều rất đắt đỏ, huấn huyện nó cũng cực kỳ tốn kém, và có tiềm năng làm thay đổi hiệu quả công việc của các công ty. Việc dùng AI để cải thiện chất lượng của những sản phẩm mà chúng ta đang dùng là một miếng bánh béo bở cho những ai đầu tư vào nó, và dự rằng điều này sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa.

Trở thành 1 sản phẩm tiêu dùng – AI có khả năng tương tác như lúc bạn chat với người thân

Hướng thứ nhì là cái cách mà chúng ta tương tác với AI trở thành một sản phẩm tiêu dùng, kiểu như là “conversational AI” mà chúng ta bắt gặp trong các khung chat. Thử tưởng tượng viễn cảnh bạn nói chuyện với một con robot biết tuốt, từ nơi nào nên đi cho đến món nào nên ăn ở chỗ đó nó đều trả lời rất rành rọt. Tất cả đều bắt đầu chỉ với câu tin nhắn trong cửa sổ chat, y như thuở ban đầu.

ChatGPT AI

Ngày xửa ngày xưa, chúng ta tương tác với máy tính bằng cách gõ các dòng lệnh lên màn hình. Sau này, chúng ta đã sáng tạo ra giao diện dễ nhìn, dễ dùng hơn. Thay vì phải nhớ các câu lệnh, cú pháp, giờ bạn chỉ cần dùng chuột nhấp vào các biểu tượng (icon) hoặc dòng chữ là xong; thêm nữa là bạn cũng dễ dàng hướng dẫn người khác xài máy tính thông qua các hình ảnh trực quan.

ChatGPT AI

Hồi 2016, mấy con chatbot bắt đầu xuất hiện, và nó đã nhanh chóng tạo thành 1 làn sóng khiến không ít công ty liên tục cải tiến, mày mò những phương pháp mới mẻ nhằm giúp nó trở nên thân thiện hơn với người dùng. Việc nhắn tin trong khung chat thấy vậy chứ nó cũng cuốn hút lắm đó nhe. Bây giờ hầu như ai ai cũng biết xài nó hết, cơ bản là vì chúng ta đều xài nó mỗi ngày để nhắn tin với người khác. Có thể bạn không biết gửi tọa độ Google Maps cho bạn thân, nhưng nhắn địa chỉ cho nó thì chớp mắt cái là xong. Nhìn chung, việc nhắn tin đã giúp tinh giản rất nhiều thứ.

ChatGPT AI

Thêm nữa, khung tin nhắn có thể không phải là giao diện xịn sò nhất, nhưng nhiều khả năng đây lại là thứ có khả năng mở rộng nhiều nhất. Chẳng hạn như ứng dụng Slack, nhìn bề ngoài thì nó cũng như bao ứng dụng nhắn tin khác thôi, nhưng ngoài việc nhắn văn bản thuần túy thì bạn còn có thể nhúng đường link, tài liệu, lập bảng khảo sát, thêm mấy con bot cung cấp thêm thông tin, vân vân. Hay như WeChat chẳng hạn, nói trắng ra thì nó như là “toàn bộ Internet” được thu nhỏ trong 1 ứng dụng nhắn tin luôn rồi.

Tuy nhiên, nó vẫn có những hạn chế nhất định. Trao đổi vài dòng tin nhắn với bạn thân thì OK, nhưng nếu bạn muốn mua vé máy bay và phải nhắn qua nhắn lại nhiều lần với con AI thì sao? Bái bai! Muốn quẹo lựa menu món ăn nhưng phải đọc 1 dãy tin nhắn chắc ổn chứ? Không có lần sau đâu hén! Đối với những thứ phức tạp, hình ảnh và giao diện chuyên biệt vẫn tốt hơn nhiều so với việc xài 1 cửa sổ tin nhắn.

Muốn ChatGPT trả lời đúng ý bạn nhất, trước hết bạn phải biết cách đặt câu hỏi

Bàn tới ChatGPT (OpenAI), Bard (Google), Bing (Microsoft),… là thấy câu chuyện bắt đầu phức tạp hơn nhiều rồi đó. Những mô hình này rất là thông minh, nhưng bạn vẫn phải biết cách hỏi để có câu trả lời chính xác nhất.

Điều ấn tượng nhất đối với “generative AI” là nó cứ như làm được hầu hết mọi thứ, và đây cũng chính là vấn đề cốt lõi. Khi bạn có thể làm bất cứ thứ gì, vậy thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Bạn sẽ học cách sử dụng nó như thế nào khi trước mặt bạn chỉ là 1 con trỏ đang chớp nháy. Sau này, các công ty trên có thể phát triển ra những công cụ trực quan và dễ dùng hơn, giúp chúng ta hiểu rõ AI mà chúng ta đang xài có thể làm được những gì, và nó làm điều đó như thế nào. Tại thời điểm bài viết, chúng chỉ giỏi nhất về khoản đưa ra một số gợi ý về những thứ bạn gõ vào khung chat mà thôi.

AI trước đây từng là một tính năng. Bây giờ nó là sản phẩm luôn rồi. Và điều đó có nghĩa là khung nhập liệu (text box) đã quay trở lại, và giao diện nhìn sẽ y như là bạn đang nhắn tin với 1 người khác vậy.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về trí thông minh nhân tạo. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: The Verge


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360