Như anh em game thủ cũng đã biết, việc sử dụng một bộ gear tốt sẽ giúp chúng ta xử lý những pha combat dễ dàng và chính xác hơn, leo hạng cũng bớt khó khăn hơn. Vì thế, khi lựa chọn chuột gaming anh em cần phải chú ý nhiều đến thông số cũng như form cầm, vì chuột xịn sò mà cầm không hợp tay thì cũng khó mà quẩy skill tốt được. Bạn có thể tham khảo về cách chọn form cầm trong bài viết này.
Sau khi mua về rồi, việc tinh chỉnh lại chuột để tận dụng tối đa những tính năng của nó cũng là một bước quan trọng không kém. Dưới đây là 5 cách giúp bạn chọn lựa và tối ưu chuột gaming một cách dễ dàng.
1. Chọn chuột quang hoặc chuột laser
Chắc hẳn bạn cũng đã từng băn khoăn, không biết nên chọn chuột quang hay chuột laser để chơi game. Đối với chuột quang, LED đỏ sẽ phổ biến hơn nhưng cũng kén bề mặt hơn so với LED xanh dương hoặc chuột laser. Với chuột laser và chuột quang (LED xanh dương), bạn có thể sử dụng mặt bàn hoặc thậm chí là mặt kính để làm tấm lót chuột cũng được. Tuy nhiên, đối với một số bề mặt cụ thể thì chuột quang (LED đỏ) sẽ cho cảm giác mượt hơn là 2 loại chuột kịa.
Mặc dù chuột quang có DPI (Dots Per Inch – Độ phân giải) thấp hơn chuột laser, nhưng bù lại DPI thấp sẽ giúp di chuột chính xác hơn. Ngoài ra, giá thành của chuột laser thường mắc hơn chuột quang, nên bạn cần xác định mức giá mà bạn sẵn sàng chi cho một chú chuột gaming trước khi đi mua nhé.
2. Chỉnh DPI theo từng game
Như mình có đề cập phía trên, DPI là độ phân giải của mắt đọc, con số này càng lớn thì con trỏ chuột sẽ di chuyển càng nhanh. Tùy mỗi game sẽ có các mức DPI phù hợp khác nhau, ví dụ như trong game PUBG thì cần tốc độ chậm để di chuột cho chính xác, còn trong LMHT thì cần tốc độ nhanh một chút để lia chuột từ mép này qua mép kia màn hình cho lẹ.
Vì vậy, các bạn nên lựa chọn chuột cho phép chỉnh các mức DPI (bằng phần cứng hoặc phần mềm) cho phù hợp với từng thể loại game mà bạn chơi. Mình để ý đối với một số chuột có phần mềm đi kèm, ngoài việc cho phép tinh chỉnh các mức DPI tùy ý, nó còn cho phép mình gán các profile khác nhau cho từng game, cũng khá tiện lợi. Cứ mỗi lần bật game lên là nó tự động đổi sang profile mà mình đã thiết lập từ trước, khỏi phải loay hoay chỉnh chuột mỗi khi chuyển từ game này qua game kia.
3. Cài đặt nút macro
Sẵn nói về phần mềm, đại đa số trường hợp thì trong phần mềm đó cũng cho phép bạn gán lệnh macro lên một nút bất kì trên chuột (thường là các nút bên hông). Macro có thể là một nút bất kì (nút trên bàn phím cũng được), một tổ hợp phím (Alt+F4 chẳng hạn), hoặc một chuỗi các phím được lập trình để khi mà bạn ấn nút macro đó thì máy sẽ thực thi lệnh (hoặc chuỗi lệnh) mà bạn đã gán.
Chẳng hạn như trong CS:GO, khi bắn AWP, mình có thói quen bấm “QQ” để AWP không tự động bật lại nòng nhắm sau mỗi pha “siết cò”. Điều này khá là bất tiện và mình phải di chuyển ngón áp út nhiều lần. Còn khi mình gán macro “QQ” vào nút bên hông chuột, vì ngón cái của mình đã để sẵn ngay đó nên chỉ cần ấn một phát là máy tự động hiểu “QQ”, khỏi phải thao tác nhiều, cũng chẳng sợ bấm hụt.
4. Thay feet chuột
Teflon (tên hóa học là PTEF) là một chất liệu khó bị oxi hóa, chịu nhiệt tốt, và có bề mặt trơn láng. Tin vui là chất liệu này thường là thành phần chính để làm ra hầu hết các feet chuột hiện nay. Nhưng tin buồn là Teflon dễ bị mài mòn.
Nếu tấm lót chuột bạn đang xài là loại cứng, hoặc bạn đang sử dụng mặt bàn để làm lót chuột, thì feet chuột còn mau bị mòn hơn nữa. Khi feet chuột bị trầy hoặc bị hư hại, bạn sẽ có cảm giác lướt chuột không còn mượt mà như trước nữa vì độ ma sát giữa feet chuột và bề mặt tấm lót đã tăng lên đáng kể. Trong trường hợp này, bạn cần thay feet chuột mới để đảm bảo chuột có thể “lả lướt” trở lại như xưa. Và cũng vì lý do trên mà bạn cần lựa chọn tấm lót chuột tốt, giúp sử dụng feet chuột được bền lâu. Các bạn có thể tham khảo top 5 lót chuột tốt nhất tại đây.
5. Thay đổi trọng lượng chuột
Đối với một vài mẫu chuột như Logitech G502 hoặc Steelseries Rival 600, bạn có thể thêm bớt các cục tạ trên con chuột để thay đổi trọng lượng cũng như trọng tâm chuột sao cho thoải mái và phù hợp với bạn nhất. Giống với tốc độ chuột, kể cả khi bạn đã quen rồi thì cũng nên thử tăng/giảm trọng lượng, biết đâu kĩ năng của bạn cũng nhờ vậy mà tăng thêm thì sao.
Ban đầu khi xài Rival 600, mình đã gắn hết tất cả các cục tạ lên chuột (tổng trọng lượng là 128g) vì nó cho mình cảm giác đầm tay hơn. Nhưng mình để ý trong game FPS thì rất khó thực hiện những pha vẩy súng, hoặc có vẩy được thì cũng chỉ trúng được… vách tường, còn kẻ địch đứng trước đó thì đã bắn lủng sọ mình từ đời nào rồi. Thế nên mình đã thử bỏ bớt mấy cục tạ ra cho nhẹ chuột xem sao.
Tuy mới đầu bắn còn tệ hơn cả vợ thằng Đậu vì chưa quen lắm, nhưng một khi đã vào khuôn rồi thì mình rất tự tin trong những pha vẩy súng, không trúng đầu thì cũng trúng ngực kẻ địch. Kết quả là bây giờ mình không còn cục tạ nào trên con chuột, và Rival 600 của mình tổng trọng lượng chỉ còn 96g.
Với 5 mẹo trên, hi vọng rằng bạn sẽ tìm được con chuột ưng ý và giúp bạn trở nên tự tin hơn khi phá đảo thế giới ảo nhé! Bạn có thể tham khảo thêm danh sách top 4 chuột bắn FPS tốt nhất tại đây, hoặc 8 mẫu chuột gaming không dây xịn sò nhất tại đây.
Nguồn: MSI