Định dạng hình ảnh WebP sở hữu nhiều tính năng ưu việt so với các định dạng thông dụng. Hãy cùng GVN 360 tìm hiểu thêm về WebP nhé.
Những định dạng hình ảnh như JPG, PNG, GIF thì chúng ta đã quá quen thuộc rồi, nhưng song song đó thì thỉ thoảng các bạn cũng sẽ bắt gặp hình ảnh với định dạng là WebP. Nôm na thì đây là định dạng hình ảnh dành cho web được Google giới thiệu vào năm 2010 với mục đích là để giảm dung lượng hình ảnh trên web một cách đáng kể, từ đó giúp load trang web nhanh hơn. Chi tiết nó như thế nào, mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Sự ra đời và lan rộng của WebP
Google là hãng đầu tiên hỗ trợ WebP thông qua dự án mã nguồn mở Chromium – trái tim của trình duyệt Chrome. Một thời gian sau thì mấy hãng khác mới “bắt nhịp”, chẳng hạn Apple cũng chỉ mới chính thức hỗ trợ WebP trên trình duyệt Safari trong bản iOS 14 và macOS Big Sur ra mắt năm 2020. Bây giờ thì hầu hết trình duyệt web đình đám đều đã hỗ trợ định dạng hình ảnh này.
Đó là trình duyệt, còn những phần mềm khác thì cũng phải mất kha khá thời gian mới bắt đầu hỗ trợ WebP. Ví dụ như GIMP chỉ mới hỗ trợ hồi năm 2018, Paint.NET là 2019, và Pixelmator là 2020. Thậm chí, đến tại thời điểm bài viết, Photoshop vẫn chưa chính thức hỗ trợ định dạng WebP (phải cài plugin WebPShop mà Google tung ra hồi năm 2019 mới mở được tập tin WebP). Nói chung là phải mất gần 10 năm sau khi Google công bố chuẩn này thì người dùng mới có thể mở nó bằng phần mềm khác ngoài trình duyệt web đang xài. Chính điều này đã khiến WebP không được phổ biến rộng rãi cho lắm.
Lợi ích của WebP
Theo Google, WebP giúp giảm dung lượng hình ảnh bằng cách nén nó tốt hơn định dạng JPG từ 25% đến 34% mà không hề bị giảm chất lượng. Và nhiêu đây thôi cũng đủ để thuyết phục những người quản lý website chọn WebP thay vì là JPG, nhưng WebP vẫn còn nhiều thứ hay ho khác các bạn ạ.
WebP hỗ trợ ảnh lossy tương tự JPG, nhưng nó cũng hỗ trợ ảnh lossless luôn và chi tiết trong hình có thể trong suốt y như PNG. WebP còn cho phép lưu animation như ảnh động GIF nữa các bạn ạ. Google cho biết tập tin WebP động còn có nhiều ưu điểm so với GIF, chẳng hạn như giảm từ 19% (lossless) đến 64% (lossy) dung lượng tập tin.
Nhìn chung thì WebP giúp giảm dung lượng đáng kể mà chất lượng hâu như không đổi. Điều này có nghĩa là người dùng không phải sử dụng nhiều định dạng tập tin hình ảnh cho website nữa, nhất là khi họ muốn trang web của mình load càng nhanh càng tốt.
Hạn chế của WebP
Một trong những hạn chế lớn nhất của WebP là nó không được hỗ trợ rộng rãi. Những người quản lý trang web không thể chắc cú rằng tất cả người đọc đều có thể xem được hình ảnh định dạng WebP trên trang web, vì thế cho nên họ chọn những giải pháp “ăn chắc mặc bền” hơn. Tuy nhiên, bây giờ thì vấn đề này không còn quá nghiêm trọng nữa vì các trình duyệt web phổ biến hiện nay đều xem được WebP.
Một hạn chế khác là cách quản lý tập tin WebP. Do đó giờ WebP vẫn chưa được các phần mềm thông dụng hỗ trợ rộng rãi nên người dùng phải tạo ra ảnh bình thường, xong chuyển nó sang định dạng WebP, và giữ lại phiên bản gốc phòng trường hợp người xem không mở được tập tin đó.
WebP phải mất cả 1 thập kỷ mới bắt đầu trở nên phổ biến, và bây giờ thì Google đang phát triển phiên bản mới của định dạng này luôn rồi các bạn ạ.
Cách để mở tập tin WebP
Cách dễ nhất để mở tập tin WebP là dùng trình duyệt web, vì dù sao đi nữa thì bản chất nó cũng được thiết kế để chạy trên nền tảng này. Ngoài ra, Wikipedia cũng có một danh sách liệt kê các phần mềm hỗ trợ định dạng WebP (tham khảo tại đây). Riêng những bạn nào muốn mở bằng Photoshop thì nhớ dùng thêm plugin WebPShop chính chủ của Google nhé.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì lướt web cũng cần tịnh tâm, hướng dẫn tắt âm thanh tự phát của video và quảng cáo trên tab Chrome
- Hướng dẫn “mở khóa” giới hạn của Google, giúp Chrome hiển thị nhiều kết quả tìm kiếm hơn
- Tưởng không dễ ai dè dễ không tưởng, hướng dẫn cài ảnh động làm hình nền cho Google Chrome
Nguồn: tom’s HARDWARE; HowToGeek
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!