Để đạt được danh hiệu chuột gaming “quốc dân” trong phân khúc phổ thông thì nó cần có những yếu tố như thiết kế không kén tay, trọng lượng phù hợp, kiểu dáng ưng mắt, và nhất là giá tiền dễ tiếp cận. Khó khăn là thế nhưng Corsair đã không chùn bước khi ra mắt KATAR PRO Ultra-Light như một lời thách thức ngược trở lại những tiêu chuẩn gắt gao trên và đồng thời đánh dấu màn “comeback” ngoạn mục trong phân khúc chuột gaming phổ thông của thương hiệu đến từ Hoa Kỳ này.
Thông số kỹ thuật Corsair KATAR PRO Ultra-Light
- Thiết kế: Đối xứng, dành cho tay phải
- Kiểu cầm: Claw hoặc fingertip
- Chất liệu: Nhựa nhám
- Cảm biến: PixArt Optical, 12.400 DPI
- Số phím bấm: 6
- Bộ nhớ tích hợp: 3 profile
- LED RGB: 1 vùng
- Kết nối: dây bọc USB bọc cao su
- Trọng lượng: 69g
- Kích thước: 115.8 x 64.2 x 37.8 (mm)
- Mức giá: 400.000 VNĐ
Corsair KATAR PRO Ultra-Light sinh ra là dành cho game thủ thích “nhẹ nhàng” trong thiết kế nhưng hiệu suất lại “nặng cân”
Nhiều bạn hẳn sẽ cảm thấy lạ tại khi lần đầu nghe tới câu thiết kế “nhẹ nhàng” nhưng hiệu suất lại “nặng cân”. Thật ra, đây là một câu chơi chữ khá là tinh tế tới từ vị trí của Corsair nhằm vẽ lên cho bạn một bức tranh tổng quát nhất về KATAR PRO Ultra-Light. Tới nỗi mà chỉ cần nhớ trong đầu câu slogan đồng thời cầm chuột trên tay thì chắc các bạn cũng chả cần đọc tờ hướng dẫn sử dụng cũng biết gần hết khả năng của nó.
Từ “nhẹ nhàng” trong thiết kế nhìn vậy thôi chứ nó có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đấy. Nghĩa đen ở đây mà Corsair muốn ám chỉ tới đó chính là trọng lượng. KATAR PRO chỉ có cân nặng là 69g mà thôi, một con số lý tưởng đóng góp một phần không hề nhỏ cho những pha xử lý đòi hỏi sự nhanh nhẹn và chính xác của những cú vẩy chuột giữa trán đoạt mạng team địch trong nháy mắt. Dù không phải là game thủ FPS chuyên nghiệp nhưng mình cũng có chơi PUBG. Mặc dù không có duyên với các khẩu súng nhắm nhiều người mê như AWM, mình hay vớ được khẩu K98 để vẩy chuột nên mình có thể nhận thấy rằng chuột càng nhẹ thì khả năng vẩy trúng của mình càng cao, dù không phải vẩy phát nào là headshot phát đó nhưng theo kinh nghiệm cá nhân thì mình dễ ghim đạn trúng địch hơn khi chuột có trọng lượng nhẹ.
Năm ngoái do có phần ham rẻ nên mình đã vớ một em chuột gaming với giá hơn 400.000 VNĐ một tí để có thẻ giải tỏa niềm đam mê chạy bo mỗi đêm. Nhưng than ôi mua về tới nhà cắm vào bắn thử thì phát hiện ra chuột nặng hơn nhiều so với lúc cầm test sơ sài ở cửa hàng, và thế là từ đó mình đành ngậm ngùi “sống chung với lũ” với những pha vẩy K98 trời ơi đất hỡi. Chính vì thế nên dù chỉ là kinh nghiệm bản thân thôi nhưng mình vẫn nghĩ trọng lượng chuột nhẹ nên là một trong những yếu tố đáng cân nhắc cho những game thủ khi đi sắm chuột FPS nhé.
Về phần nghĩa bóng thì mình nghĩ Corsair muốn ám chỉ tới việc KATAR PRO Ultra-Light sở hữu cho mình một phong cách thiết kế tối giản, không màu mè hay hầm hố. Nếu các bạn để ý thì hầu hết các dòng chuột của Corsair đều mang trên mình một thiết kế khá là dữ dằn chẳng hạn như Corsair M65 RGB Elite với thiết kế trông không khác gì một chiếc phi thuyền hay Corsair Scimitar RGB Elite thì có hẳn cả một bàn phím số bên hông.
Nói chung những dòng này chủ yếu dành cho những game thủ yêu thích cảm giác ngầu và độc lạ. Còn đối với những game thủ thích giản dị, không phô trương, muốn tìm cho mình một con chuột dù để chơi game nhưng vẫn có thể xách nó đi nhiều nơi khác mà không cần lo nghĩ tới những ánh mắt của mọi người xung quanh, đặc biệt là sếp hay các bậc phụ huynh thì KATAR PRO Ultra-Light có thể nói là sự lựa chọn rất đáng cân nhắc.
Thiết kế đối xứng cùng phong cách tối giản giúp Corsair KATAR PRO Ultra-Light không kén tay
Thực tế trong quá trình sử dụng thì KATAR PRO Ultra-Light mang lại cho mình một cảm giác rất “quốc dân”, kiểu sinh ra để làm dâu trăm họ chứ không của riêng ai. Nói vui là thế nhưng cũng bởi vì những đặc điểm như hình dạng đối xứng và thiết kế nhỏ gọn nên dù bạn có thuận tay trái hay tay phải cũng đều có thể sử dụng được, tuy nhiên các nút macro được thiết kế ngay phía bên hông trái của chuột nên KATAR PRO Ultra-Light phù hợp nhất với game thủ thuận tay phải. Ngoài ra thì có một điểm nữa mà mình nghĩ các bạn cũng nên lưu ý đó là chú chuột này được thiết kế cho 2 kiểu cầm Claw và Fingertip. Do mình quen cầm Fingertip nên không có vấn đề gì nhưng mình cũng có thử cầm kiểu Palm thì cả 2 ngón tay mình đều lộ phần lớn ra khỏi chuột. Qua đây để những bạn nào có thói quen cầm Palm thì nên cân nhắc chuyển qua các sản phẩm khác của Corsair như M55 RGB Pro chẳng hạn.
Tóm lại, từ những đặc điểm trên thì mình đánh giá KATAR PRO Ultra-Light là một sự lựa chọn an toàn không sợ kén tay, cho dù bạn có là lính mới lần đầu tập tành mua chuột gaming đi chăng nữa thì cũng có thể làm quen nhanh chóng để vác em nó vào các trận chiến sinh tử nơi chuột là súng đạn còn bàn phím là đôi chân. Nhưng đương nhiên là chỉ làm quen dễ dàng thôi nhé, còn tối ưu với từng người thì còn là một câu chuyện khác nữa.
Những chi tiết nhỏ được thêm vào khiến Corsair KATAR PRO Ultra-Light trở nên thực dụng hơn
Nhắc đến chuột gaming thì đèn RGB là một thành phần khó có thể thiếu. Tuy nhiên thì khá là đáng tiếc khi KATAR PRO Ultra-Light chỉ sở hữu vỏn vẹn mỗi một vùng đèn RGB ở con lăn chuột mà thôi. Mặc dù biết là thiết kế tối giản, mình vẫn thấy nếu có thêm một dải LED nhỏ sau đuôi hoặc ít nhất là logo Corsair phát sáng thì nhìn sẽ thẩm mỹ hơn. Theo ý kiến cá nhân của mình thì một là nhiều đèn, hai là không có đèn chứ với thiết kế hiện giờ tạo cho mình cảm giác… hơi tối. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dù có trang bị đèn RGB ở mặt lưng thì lúc đặt tay vào cũng có thấy đâu nên yếu tố này cũng không thực sự quá quan trọng.
Mình khá là thích khi KATAR PRO Ultra-Light được trang bị phím đổi DPI có kích thước khá lớn ở ngay dưới con lăn chuột, bởi những người tay to như mình thì thường gặp khó khăn trong chuyện bấm các phím đổi DPI có kích thước nhỏ. Mặc dù kiểu dáng của phím đổi DPI này không được đẹp cho lắm nhưng nhìn chung thì nó cũng không ảnh hưởng tới thiết kế tổng thể. Ngoài ra thì có một điểm trừ nhỏ nữa đó là không như đàn anh của mình là Corsair Harpoon Pro RGB, Corsair KATAR PRO Ultra-Light không có phần cao su ở hai bên hông nên tạo cho mình một cảm giác cầm nắm không chắc bằng. Đương nhiên là cảm giác thì cũng chỉ là cảm giác thôi chứ trên thực tế thì nó không gây ảnh hưởng gì đâu nhé.
KATAR PRO Ultra-Light được trang bị cảm biến quang học đến từ hãng PixArt trứ danh trong làng chuột gaming, không những giúp đạt được độ nhạy lên đến 12.400 DPI mà còn mang lại cho người dùng một cảm giác tự tin. Bên cạnh đó, bạn còn có thể thoải mái tùy biến các phím chức năng hay mức DPI theo nhu cầu thông qua phần mềm iCUE của Corsair. Không chỉ dừng lại ở đó, iCUE còn cho phép bạn tùy chỉnh đèn RGB hoặc thậm chí là đồng bộ nó với các thiết bị hoặc linh kiện phần cứng khác đến từ Corsair, biến góc gaming của bạn thành một thể thống nhất. Nếu như bạn là người yêu thích cái đẹp và sự đồng bộ thì các thiết bị Corsair và phần mềm iCUE sẽ là 2 yếu tố mà bạn nên cho vào danh sách những thứ đáng cân nhắc nhé.
Corsair KATAR PRO Ultra-Light ứng cử viên “quốc dân” giá mềm khiến game thủ cứ ngỡ là mơ khi đang còn thức
Dù chỉ trải nghiệm KATAR PRO Ultra-Light được một thời gian ngắn nhưng nhiêu đấy cũng đã đủ cho mình cảm thấy em nó hội tụ khá là đầy đủ các yếu tố để trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị chuột gaming “quốc dân” trong tầm giá phổ thông. Với phong cách giản dị không hầm hố, thiết kế nhẹ, nhỏ gọn dễ làm quen, cùng với mức giá 400.000 VNĐ cực kì dễ tiếp cận đối với học sinh, sinh viên ham học yêu game, có thể tự mình tậu em nó về nhà giúp chắp cánh ước mơ phá đảo thế giới ảo của bản thân.
Mời các bạn tham khảo thêm các dòng chuột Corsair đang có tại GearVN: