Vào các thời điểm mưa bão trong năm thì anh em sẽ dùng các ứng dụng dự báo thời tiết để chuẩn bị trước các vật dụng cần thiết như giày dép cao su, dù, áo mưa các thứ. Tuy nhiên, nếu anh em để ý thì các ứng dụng thường dự báo khác nhau chứ ít khi nào dự báo giống và có khi là còn sai lệch so với thời tiết thực tế. Vậy chúng ta có nên tin tưởng vào những ứng dụng dự báo thời tiết này không và độ chính xác của chúng như thế nào, mới anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Cách dự báo thời tiết

Về cơ bản thì chúng ta cần rất nhiều thông tin và dữ liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau từ vệ tinh, radar, các phao đo mực nước trên sông, ngoài biển, cảm biến tại các trạm khí tượng thủy văn, cảm biến trên bay, tàu thuyền,…. để dự báo thời tiết nha anh em. Các vệ tinh thời tiết chụp ảnh dòng khí di chuyển trên bề mặt trái đất, các phao trên sông hồ thì thu thập nhiệt độ của nước và không khí, tốc độ và hướng gió thổi, áp suất khí quyển cùng thông tin khác. Ngoài ra, người ta còn dùng cả dữ liệu được các cơ quan dự báo thời tiết của nhiều quốc gia chia sẻ với nhau.

Bên cạnh việc thu thập thông tin dữ liệu thì chúng ta cần thêm các chuyên gia phân tích, những người chuyên quan sát thực địa cùng nhau phối hợp để đưa ra các mô hình mô hình dự báo thời tiết. Anh em có thể xem mô hình dự báo thời tiết giống như phương trình trong toán học, còn đống dữ liệu thu thập được là các biến số bên trong.  

Hiện nay có một số dạng dự báo thời tiết mà anh em thường gặp là dự báo trong thời gian ngắn từ 12 giờ đến 2 ngày, dự báo trong một khoảng thời gian trung bình từ 3 đến 7 ngày hoặc dự báo cho một khoảng thời gian dài. Thông thường, loại dự báo trong thời gian 1, 2 ngày sẽ dành cho những tình huống đặc biệt khó đoán, chẳng hạn như có bão xuất hiện, còn các dự báo dài hạn sẽ dành cho cả một khu vực rộng lớn chẳng hạn như dự báo toàn miền Nam, toàn miền Bắc đấy anh em. 

Ngoài ra, có một nguyên tắc chung là dự báo thời tiết càng xa thì sẽ càng thiếu chính xác. 

Dự báo thời tiết nhưng không cần chuyên gia

Trong một nghiên cứu từ năm 2015 đến 2017 của trang web chuyên phân tích độ chính xác của các trang web và ứng dụng dự báo thời tiết, ForecastWatch cho thấy Weather Channel là ứng dụng có độ chính xác cao nhất nhưng tỷ lệ dự báo đúng cũng chỉ là 77,69% thôi anh em ạ. Trong khi đó, AccuWeather là ứng dụng dự báo lượng mưa và tốc độ gió chính xác nhất từ năm 2015 đến năm 2017.

Một số trang web, ứng dụng có tiếng như AccuWeather và Weather.com thường sẽ lấy thông tin từ các nguồn xịn xịn từ trung tâm dự báo khí tượng của quốc gia hoặc một số nguồn độc quyền khác để đưa vào mô hình dự báo thời tiết của họ. Tuy nhiên, có nhiều ứng dụng không được đầu tư kỹ lưỡng thì chỉ lấy nguồn tin thời tiết từ các API dự báo thời tiết của một số nhà cung cấp khác rồi cho ứng dụng hiện thông tin thời tiết. Vì vậy độ chính xác của các ứng dụng này phụ thuộc rất nhiều vào bên cung cấp API cho ứng dụng. 

Nếu anh em chưa biết thì chức năng của API cũng gần giống với các gói Visual C++ Redistributable của hệ điều hành Windows, là các gói code được viết sẵn giúp lập trình viên dễ dàng tạo ra các ứng dụng mà không cần phải tự lực viết hết từ đầu đến cuối. 

Trong nghiên cứu của ForecastWatch của còn chỉ ra một nhược điểm lớn của các ứng dụng dự báo thời tiết chính là các cảm biến hiện đại có khả năng kết nối với Internet để cập nhật dữ liệu theo thời gian thực. Nếu ứng dụng lấy các số liệu này để đưa vào mô hình dự báo thời tiết thì độ chính xác sẽ khá là thấp, nếu dự đoán trong khoản 1 tháng thì chắc là chỉ đúng được 10 ngày thôi anh em ạ.

Theo nhà khí tượng Dan Satterfield thì dự báo thời tiết kiểu này giống như đang đi xem bói chứ không dựa theo khoa học gì cả. Các ứng dụng thời tiết có thể sử dụng dữ liệu từ khu vực bạn đang sống để đưa ra dự báo dựa trên mô hình được xây dựng sẵn. Tuy nhiên, những nhà khí tượng học thì sẽ dùng kiến thức và hiểu biết của riêng họ để xây dựng mô hình dự báo riêng cho từng khu vực. 

Tóm lại, nếu các ứng dụng dự báo thời tiết không có các mô hình dự báo thời tiết dành riêng cho từng khu vực thì khả năng dự đoán không chính xác khá là cao nha anh em. Hiện nay, thì gần như là không có ứng dụng nào có chú thích rằng có mô hình dự báo riêng cho Việt Nam chúng ta cả. Cho dù anh em thấy tên của ứng dụng có ghi tiếng Việt thì phần API bên trong cũng lấy nguồn từ nước ngoài thôi anh em ạ. Và đây cũng là lý do anh em nên thủ sẵn áo mưa trong người vì chúng ta đã vào mùa mưa rồi nhé, dù ứng dụng dự báo mưa hay không thì cũng nên mang theo.

Nguồn: Digitaltrends