Như các bạn đã biết, RAM là một bộ phận cơ bản không thể thiếu trong bất kỳ một PC hay laptop nào, hay nói cách khác nếu không có RAM thì máy tính sẽ không hoạt động được. Không chỉ dừng lại ở đó, tầm quan trọng của RAM còn nằm ở nhu cầu sử dụng của bạn. Nếu bạn có nhu cầu chơi những tựa game nặng hay sử dụng các phần mềm đòi hỏi dung lượng RAM lớn thì việc đi mua và được tư vấn kỹ càng là rất quan trọng.
Thế nhưng, hiện nay trên các trang mạng xã hội đang tồn tại và trôi nổi rất nhiều các lời tư vấn và quan niệm sai lầm về RAM, khiến cho những người không biết nhiều về công nghệ bỏ tiền mua nhưng hiệu năng đổi lại thì không đáng. Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp lại 4 tư tưởng sai lầm về RAM mà các bạn thường gặp nhiều nhất khi được một số dân mạng tư vấn. Từ đ1o tránh mắc phải sai lầm cho bản thân.
“Đừng xài chung 2 thanh RAM không cùng dung lượng hay khác hãng”
Thông thường, bo mạch chủ trên các bộ PC hay laptop bây giờ đều được trang bị từ 2 slot cắm RAM trở lên. Tức là nếu có nhu cầu, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp về sau bằng cách mua thêm 1-2 thanh RAM nữa để sử dụng cho thoải mái. Tiện lợi là thế, nhưng cũng chính vì điều này đã tạo nên các quan niệm sai lầm phổ biến giữa các “tư vấn viên” trên mạng đó là đừng nên cắm chung 2 thanh RAM khác dung lượng hay khác hãng. Vậy liệu chúng ta có nên “trộn” RAM xài chung không? Câu trả lời là có, bạn hoàn toàn có thể chỉ là nó sẽ không cho lại hiệu năng tốt nhất mà thôi.
Thật ra, việc gắn 2 thanh RAM có chung nhà sản xuất, chung dung lượng, và chung tần số rất được khuyến khích bởi vì nó sẽ cho lại hiệu năng tốt nhất. Còn nếu bạn cắm 2 thanh khác dung lượng và muốn chúng hoạt động tối ưu với nhau thì chúng sẽ cần phải sử dụng cùng một lượng điện áp (voltage), và các bộ điều khiển controller tương ứng của chúng cũng cần phải hoạt động “hòa hợp” với nhau trên bo mạch chủ. Đây chính là lý do tại sao bạn nên dùng chung 2 thanh RAM cùng mẫu và được làm từ cùng một nhà sản xuất.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn không thể cắm được 2 thanh khác dung lượng. Ví dụ như ban đầu bạn có một thanh RAM 4GB, về sau bạn cảm thấy dùng không đủ nhưng lại không đủ kinh phí để lên hẳn 16GB nên bạn chỉ mua thêm 1 thanh 8GB để đi chung với thanh 4GB bạn có sẵn. Khi cắm vào chạy dual channel (kênh đôi), thì máy tính sẽ nhận 4GB RAM của thanh 4GB và 4GB RAM của thanh 8GB chạy dual channel để tăng hiệu suất. Còn 4GB RAM dư còn lại của thanh 8GB sẽ chạy single channel (kênh đơn). Nhìn chung thì nó sẽ không nhanh bằng với 2 thanh RAM cùng dung lượng chạy dual channel nhưng nó vẫn sẽ nhanh hơn tốc độ trước khi bạn cắm thanh 8GB vào.
Tương tự như vậy với các thanh RAM không cùng tốc độ và độ trễ. Máy tính sẽ nhận tốc độ hoặc độ trễ của thanh RAM nào thấp nhất và áp dụng cho cả 2 thanh.
“Không nên đầu tư quá nhiều vào RAM”
“Bao nhiêu đây RAM là đủ để chạy game và phần mềm rồi, đừng mua thêm nữa” cũng là lời tư vấn thường thấy trên các diễn đàn công nghệ. Vậy bao nhiêu RAM là đủ? Câu trả lời thỏa đáng nhất bây giờ đó là RAM không bao giờ là đủ, nó có đủ hay không tùy thuộc vào nhu cầu của bạn.
Có thể dung lượng RAM bạn đang có đã là đủ để chạy các phần mềm, game, hay ứng dụng mà bạn đang sử dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể chạy các ứng dụng đó nhanh hơn với nhiều RAM hơn.
Hầu hết các nhà phát triển sẽ lập trình các chương trình của họ sao cho ứng dụng chỉ ăn một mức RAM cố định nào đó trên tổng số RAM mà bạn đang có. Nếu bạn cung cấp nhiều RAM hơn thì ứng dụng đó nó cũng sẽ ăn một mức RAM cố định trên tổng số RAM mà bạn đã thêm vào, nhưng dung lượng RAM bị ăn bây giờ sẽ nhiều hơn so với trước khi thêm.
Ngoài ra, nếu bạn thấy máy tính đang sử dụng đâu đó 60% RAM trên tổng số RAM bạn đang có không có nghĩa là bạn không cần thêm RAM. Các tác vụ đang chạy chỉ yêu cầu 60% RAM đó là bởi vì nó còn chừa RAM phòng trường hợp các tác vụ mà bạn có thể mở và sử dụng sau này.
“Dung lượng RAM là quan trọng nhất”
Thông thường, một bộ PC có nhiều RAM đâu đó tầm 32-64GB sẽ tự động được nhiều người cho rằng máy chạy rất nhanh. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Dung lượng RAM không phải là tất cả.
Một trong số những yếu tố quyết định hiệu năng của thanh RAM là tốc độ và tần số. Cũng giống như CPU, RAM cũng có xung nhịp. Xung nhịp càng cao thì càng nhiều dữ liệu được truyền đi trong một giây. Các tần số RAM mà bạn thường thấy trên thị trường là 2666MHz, và 3000MHZ, hay 3200MHz.
Bạn cũng nên cẩn thận trong việc lựa chọn RAM có xung nhịp không khớp với bo mạch chủ. Nếu RAM có xung là 2000MHz nhưng bo mạch chủ lại chỉ hỗ trợ 1333MHz thì thanh RAM đó của bạn sẽ không thể chạy với tốc độ 2000MHz.
Nói chung, bạn sẽ không thể nhận thấy sự khác biệt giữa 8GB hay 16GB RAM. Nhưng nếu giữa 2 thanh RAM 8GB nhưng 1 thanh lại có xung cao hơn thì bạn sẽ nhận ra sự khác biệt ngay (đương nhiên là cũng tùy vào tác vụ mà bạn thực hiện).
“Bạn nên làm trống RAM để cải thiện tốc độ”
Đây có thể nói là lầm tưởng thường gặp nhất của người dùng máy tính và điện thoại bắt nguồn từ các ứng dụng, hay phần mềm giải phóng RAM, tối ưu RAM.v.v. như CCleaner trên PC hay RAM Cleanup, RAM Booster trên điện thoại.
Thật ra, làm trống RAM theo cách đó không thực sự cải thiện tốc độ của bạn mà đôi khi thậm chí còn làm chậm cả hệ thống. Lý do rất đơn giản, công việc của RAM là cần được lấp đầy, các phần mềm và hệ điều hành của bạn nên sử dụng nhiều nhất có thể, còn RAM dư không bao giờ xài tới là RAM phí.
Hơn nữa, nếu bạn sử dụng các phần mềm kể trên để làm trống RAM, có khả năng là nó sẽ xóa luôn cả các dữ liệu tính toán được trữ sẵn trong RAM nhằm giúp xử lý dữ liệu nhanh. Đến khi bạn cần dùng tới, RAM sẽ phải nạp các dữ liệu đó lại một lần nữa dẫn đến tốn thời gian hơn. Thay vào đó, nếu bạn muốn giải phóng bớt RAM hãy tắt các ứng dụng chưa cần dùng tới một cách thủ công.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Nguồn: makeuseof