Chắc các bạn cũng từng để ý đó là nếu chỉ mở một tab duy nhất, trình duyệt của bạn sẽ tải và hiển thị tab đó rất nhanh. Tuy nhiên, nếu bạn đang mở nhiều tab cùng lúc, tốc độ tải và hiển thị khi click vào từng tab sẽ bị chậm đi nhiều hơn so với lúc chỉ mở một tab. Hiện tượng này đã khiến cho nhiều bạn đặt câu hỏi rằng liệu bật nhiều tab có phải là nguyên nhân dẫn đến tốc độ truyền dữ liệu Internet bị chậm đi không.
Nếu bạn cũng đang gặp trường hợp tương tự và có cùng thắc mắc thì mình xin trả lời ngắn gọn là có và không. Bởi vì nó không liên quan tới số lượng tab mà bạn đang mở là nhiều hay ít mà nội dung hiển thị bên trong các tab đó mới chính là nguyên nhân chính.
Thông thường, các tab mà bạn mở sẽ thuộc một trong 2 loại đó là trang web “tĩnh” và trang web “động”. Trang web tĩnh hay các bạn có thể gọi vui với biệt danh “một lần rồi thôi” là những trang web không liên lạc qua lại với máy chủ server. Nói cách khác, một khi đã tải xong nội dung bên trong, trang web sẽ không còn liên lạc với server nữa và dữ liệu của nó sẽ được lưu trữ trong RAM cho tới khi bạn click vào tab thì nó mới hiển thị lên màn hình.
Không giống với web “tĩnh”, web “động” là những web liên lạc và gửi yêu cầu liên tục tới server, đặc biệt là những web có tính năng auto refresh (tự động làm mới) hay những web có video chạy liên tục như Youtube sẽ ăn mất một phần băng thông của bạn khiến cho các trang web khác không còn đủ băng thông sử dụng. Từ đó khiến cho tốc độ kết nối bị chậm lại dẫn tới hiện tượng một số trang web mất kha khá thời gian để hiển thị khi bạn click vào.
Nói chung, trang web “tĩnh” sẽ không làm ảnh hưởng tốc độ Internet sau khi nó đã tải xong. Còn trang web “động” sẽ sử dụng băng thông liên tục và làm chậm tốc độ Internet. Tuy nhiên, ngoài hai yếu tố trên thì vẫn còn một yếu tố nữa có khả năng làm giảm trải nghiệm duyệt web của bạn và đó không phải ai khác ngoài RAM. Nếu bạn mở nhiều tab thì mỗi tab sẽ ăn một lượng RAM nhất định và nếu số lượng này quá nhiều, nó sẽ khiến cho RAM bị quá tải và làm chậm toàn bộ hệ thống, bao gồm luôn cả khả năng tải trang và file web của trình duyệt.
Nếu như bạn muốn cải thiện tốc độ kết nối Internet, hãy quản lý tab một cách chặt chẽ hơn bằng cách đóng các tab không cần thiết hoặc Bookmark chúng nếu sau này cần dùng lại. Còn không thì bạn có thể cân nhắc việc mua gói cước mạng nhanh hơn nhé.
Vậy làm thế nào để biết được một trang web là web “động” hay web “tĩnh”?
Câu trả lời là bạn không thể chắc chắn 100% nhận biết được đâu là trang web “tĩnh” hay “động”. Tuy nhiên, nếu bạn có một trang web đang truyền tải dữ liệu liên tục ví dụ như chạy video thì đó là web “động”.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!