Đã có bao giờ bạn nghĩ: Liệu có game nào cho phép người chơi tự tay thiết kế một cỗ máy chiến tranh và chiến đấu với nhau bằng chính những cỗ máy đó chưa? Nghe khá thú vị phải không nào? Vậy, mình cùng bắt đầu nhé.
Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về một trong số rất ít những tựa game như vậy, đó là Robocraft. Trò chơi được phát triển bởi Freejam Games và giới thiệu lần đầu trên nền tảng PC vào tháng 3 năm 2013 nhưng vì phải hoàn thiện hệ thống engine vật lý cực kì phức tạp và cân bằng game nên phải mất đến hơn 4 năm sau, vào ngày 24 tháng 8 năm 2017, Robocraft mới chính thức được ra mắt.
Tính đến nay, sau hơn một năm rưỡi kể từ khi được ra mắt chính thức, dù chưa gặt hái được những thành công vang dội nhưng với lối chơi có một không hai của mình, Robocraft vẫn sử hữu một cộng đồng người chơi tâm huyết và năng động.
Hệ thống vật phẩm và xây dựng nhân vật được hoàn thiện rất tốt
Như đã nói ở trên Robocraft cung cấp cho người chơi quyền tùy biến rất lớn khi cho phép họ tự do lắp ráp những cỗ máy chiến tranh của mình từ những nguyên liệu cơ bản trong trò chơi. Khi bắt đầu, bạn sẽ được cấp 3 “robot” cơ bản được thiết kế sẵn, chúng mang những đặc tính khác nhau như sức chống chịu, độ cơ động, hỏa lực… bạn có thể dùng những robot này để chiến đấu trong những cấp độ đầu tiên – khi mà kẻ địch vẫn chưa quá “trâu bò”.
Vậy khi lên những cấp độ lớn hơn thì sao?
Ở mỗi cấp độ, người chơi sẽ có một giới hạn vật liệu. Khi đủ exp và lên cấp độ lớn hơn, người chơi sẽ có quyền sử dụng nhiều vật liệu hơn khi chế tạo một chú robot, đồng nghĩa với những cỗ máy ngày một to hơn, mạnh hơn, nhanh hơn và thông minh hơn theo từng cấp độ. Lúc này thì việc tự tay chế tạo một robot mạnh nhất có thể để có thể để chiến đấu và chiến thắng người chơi khác là điều cần thiết, và đây là lúc trò chơi trở nên thú vị.
Khởi đầu, bạn sẽ có giới hạn là 750 “pFlops”, nhưng càng về sau, khi giới hạn ngày càng được nới rộng thì bạn có thể có đến 4000, 8000 hay thậm chí là 10000, “pFlops” đủ để xây dựng cả một pháo đài!
Với lượng “Tech Point” kiếm được trong game, bạn sẽ dần mở khóa “Tech Tree” – tạm dịch là “cây công nghệ” để có quyền mua những item mạnh mẽ hơn, nhiều tính năng hơn.
Khi “sáng tạo” ra một chú robot, bạn sẽ phải đau đầu để tìm cách cân bằng giữa rất nhiều thứ như hỏa lực, sức chống chịu và cả độ cơ động. Ví dụ như:
- Robot được gắn quá nhiều giáp có quán tính rất lớn, trở nên nặng nề và dễ đang làm mục tiêu cho đối phương có hỏa lực mạnh.
- Robot được trang bị quá nhiều hỏa lực sẽ phải đánh đổi bằng việc thiếu không gian để tập trung vào sức chống chịu và độ cơ động.
- Robot muốn có tính cơ động cao sẽ phải cân nhắc việc hi sinh hỏa lực và sức chống chịu để gắn động cơ mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải tìm cách làm sao cho robot có thể chiến đấu hiệu quả dưới phong cách chơi của bạn mà vừa đảm bảo được nó phải “đẹp” và “ngầu” nữa. Dĩ nhiên rồi, chẳng ai lại muốn người khác nhìn thấy tên mình treo trên đầu một cỗ máy kì cục cả.
Phong cách chơi cực kì đa dạng cho người chơi thỏa sức sáng tạo
Chính hệ thống xây dựng cung cấp quyền tùy biến gần như vô hạn trong game đã làm tiền đề cho lối chơi muôn hình vạn trạng.
Bạn có thể tạo ra bất kì thứ gì miễn là bạn muốn, một phương tiện chiến đấu càng mạnh càng tốt, một thứ gì đó hoạt động thật thú vị, một phương tiện thật mãn nhãn để người khác ngưỡng mộ sức sáng tạo của bạn hay thậm chí một con robot không thể chiến đấu và chỉ dùng làm cảnh mà thôi.
Không chỉ có thể tự mình sáng tạo. Người chơi còn có thể chia sẻ cấu hình robot của mình cho người khác nữa
Cấu hình robot như thế nào và sử dụng chúng ra sao, tất cả là nằm trong tay bạn
Dù thể loại này khá kén người chơi khi mà nó tương đối “khô khan” theo cảm nhận của nhiều người, nhưng không thể phủ nhận một điều là nó đã làm rất tốt những gì được nhà sản xuất đặt ra. Trở thành một sân chơi cho những người muốn thể hiện khả năng sáng tạo không giới hạn của mình.
Nguồn: GEARVN (Axium Fox)