“Chuột nặng hay chuột nhẹ?” trước nay vẫn là một câu hỏi khó dành cho các dân chơi gaming gear. Mình – với tư cách là một thanh niên may mắn được trải nghiệm đủ thứ chuột trên đời – cũng chẳng thể trả lời câu hỏi này một cách chắc chắn được. Tuy nhiên từ trải nghiệm thực tế, mình có thể đưa ra những góc nhìn về ưu nhược điểm của chuột nặng và chuột nhẹ, mong rằng có thể mang đến những thông tin thú vị cho các bạn muốn tìm hiểu.
Chuột nặng – Những cỗ xe tăng chậm rãi và chính xác, mang trong mình nhiều vũ khí tối tân
Chuột nặng thường có nhiều tính năng
Nói đến chuột nặng là mình nghĩ ngay đến Logitech G502, Rival 600/650, Corsair Scimitar hay Razer Trinity. Mấy con chuột này trông có vẻ rất khác nhưng giữa chúng có một điểm chung là mỗi con đều có một số tính năng đặc biệt gắn liền với thương hiệu của nó.
- Logitech G502 có con lăn vô cực, ốp cao su cứng, 11 nút có thể lập trình và hệ thống tạ chuột
- Rival 600/650 có 2 mắt đọc để tăng tính chính xác, có ốp cao su mềm và tạ chuột nữa
- Corsair Scimitar và Razer Trinity thì có cả một cái “bàn phím” bên hông trái của chuột để bạn tha hồ macro trong game MOBA và MMORPG.
Những con chuột nặng thường nặng là do nó mang nhiều tính năng hơn chuột nhẹ. Đối với những người thích vọc vạch như mình thì một con chuột nhẹ chỉ có những chức năng cơ bản sẽ không đủ độ vui để mình chơi. Tất nhiên không phải con chuột nặng nào cũng có nhiều tính năng nhưng nhìn chung thì thường là thế, chúng nặng để mang đến cho người dùng trải nghiệm phong phú.
Chuột nặng cho cảm giác di đầm hơn
Tất nhiên, những con chuột nặng không chỉ mang đến nhiều tính năng, chúng còn cho cảm giác di rất đầm tay nữa. Đối với những tựa game có nhịp chơi chậm rãi như World of Tanks, War Thunder thì mình quen dùng chuột nặng để có những đường di chuột mượt mà ổn định nhất. Chỉ có game FPS cần phản ứng nhanh thì mình mới chơi chuột nhẹ thôi.
Chuột nặng thường to và cầm ôm tay
Ngoài ra thì mấy con chuột có khối lượng lớn, tầm 110g đổ lên cũng thường có thân hình khá lớn và có dáng công thái học tốt nên sẽ ôm tay và phù hợp với những người có cỡ bàn tay trung bình lớn. Tuy chúng nặng thật nhưng cảm giác cầm nắm thì lúc nào cũng thoải mái cả.
Nhược điểm của chuột nặng là cầm mau mỏi cổ tay
Một con chuột tầm 120g chắc chắn bạn sẽ mau mỏi hơn là cầm con chuột 70g, nhất là ở phần cổ tay khi bạn chơi game trong thời gian dài. Tất nhiên nếu cổ tay bạn được luyện tập thể thao ngày này qua ngày kia thì căm ba con chuột nặng không phải là vấn đề lớn. Như mình thì mình cầm con G502 gắn 2 tạ (tầm khoảng 127g) quẩy game liên tục 7 tiếng cũng không vấn đề. Tuy nhiên nếu bạn không quen và không muốn mất thời gian cho việc luyện tập thì tốt nhất nên chọn chuột nhẹ nhẹ một chút.
Mình cũng có nghe nhiều bạn nói là chuột nặng không phản ứng nhanh được. Mình cũng cảm thấy vậy trong quá trình trải nghiệm. Nhưng mà mình cũng từng thấy ông anh đồng nghiệp mình cầm con G502 đi bắn giải CS:GO rồi, tức là ổng hoàn toàn có thể phản ứng nhanh với con chuột nặng ỳ đó. Thế nên về vấn đề chuột nặng có phản ứng nhanh được hay không thì mình xin phép không bình luận nhé. Có lẽ cầm chuột nặng khó phản ứng nhanh thật nhưng vẫn có người làm được.
Tóm lại thì chuột nặng sẽ thường có ưu điểm là nhiều tính năng, đầm và chính xác, kích thước lớn và có form cầm ôm tay, nói chung là hoàn hảo ngoại trừ việc khối lượng của nó dễ làm bạn mỏi tay.
Chuột nhẹ – Những chiếc chiến cơ thần tốc, hy sinh tất cả để trở thành cuồng phong chiến trường
Chuột nhẹ hạn chế mỏi tay, thích hợp chơi trong thời gian dài
Nếu bạn nói bạn là một tuyển thủ eSport hoặc một game thủ chuyên nghiệp và nhờ mình tư vấn chọn chuột thì mình sẽ nghĩ ngay đến những con chuột nhẹ, có khối lượng tầm 90g đổ xuống. Ví dụ điển hình có thể kể đến là các dòng chuột Razer Viper, Logitech G-Pro hoặc SteelSeries Aerox. Lý do là cầm chuột nhẹ như thế sẽ đỡ tốn sức, giúp bạn chơi game trong thời gian dài mà vẫn thoải mái như thường. Từ đó bạn sẽ giữ phong độ trong thời gian dài tốt hơn. Đây là cần thiết với những ai làm công việc liên quan đến game và chơi game liên tục cả chục tiếng mỗi ngày.
Chuột nhẹ thích hợp với lối chơi tốc độ cao
Cầm một con chuột nặng mà phản ứng nhanh thì không phải ai cũng làm được, nhưng với một con chuột nhẹ hều thì ai cũng phản ứng nhanh được cả. Với những dòng game yêu cầu phản ứng tốc độ cao và di chuột liên tục, điển hình là dòng game FPS thì một con chuột nhẹ sẽ mang đến lợi thế lớn. Nhẹ hơn tức là nó có quán tính nhỏ hơn, dễ vẩy hơn và vẩy cũng đỡ tốn sức hơn.
Tất nhiên là một con chuột nhẹ không làm nên game thủ giỏi, nhưng con chuột phù hợp với lối chơi của bạn sẽ mang đến cho bạlợi thế lớn, giúp bạn phát huy hết sức mạnh của mình trên chiến trường ảo để giành lấy vinh quang. Ngoài ra nếu bạn tuyển thủ hay game thủ hardcore chuyên FPS thì mình khuyên là nên sắm hẳn một con chuột siêu nhẹ không dây luôn, điển hình là Logitech G Pro X Superlight (63g), Razer Viper V2 Pro (58g) hoặc SteelSeriers Aerox 5 Wireless (74g). Bọn này tuy đắt nhưng xắt ra miếng, hiệu suất mà chúng mang lại cho game thủ chuyên nghiệp luôn xứng đáng với từng xu bạn bỏ ra.
Nhược điểm của chuột nhẹ là ít tính năng
Tất nhiên được cái này thì phải mất cái kia, để có được hiệu suất chơi game eSport ghê gớm như thế thì những con chuột siêu nhẹ cũng phải thường phải hy sinh những tính năng không cần thiết cho việc chơi game. Điển hình có thể kế đến những thứ như LED (riêng con SteelSeries Aerox 5 Wireless là ngoại lệ, dàn LED của nó khá khủng), nút bấm và đặc biệt là phần ốp cao su vì phần này thường rất nặng.
Nhìn chung thì những con chuột siêu nhẹ thường khá tối giản, chỉ giữ những chức năng cơ bản nhất mà một con chuột cần có thôi. Đó là vì chúng đã hy sinh mọi thứ để nhẹ hơn và biến chủ nhân mình thành một cơn lốc trên chiến trường.
Tổng kết
Trên đời này chẳng có con chuột nào là tốt nhất cả, vấn đề là nằm ở việc con chuột nào mới phù hợp với bạn. Nếu bạn muốn có sự chính xác, form cầm thoải mái và nhiều trò hay ho để chơi thì bạn nên dùng chuột nặng. Còn nếu bạn muốn có một con chuột để chơi game trong thời gian dài, tối ưu cho phản ứng tốc độ cao thì hãy tìm một con chuột nhẹ.
Tất nhiên ở giữa những con chuột nhẹ và nặng sẽ còn có vô số con chuột “vừa vừa”. Và việc liệu bạn sẽ hợp với chuột nặng, chuột nhẹ hay chuột vừa thì cũng cần phải có thời gian trải nghiệm để trả lời một cách chính xác. Biết đâu bây giờ bạn thích chuột nặng nhưng tương lai lại muốn kiếm con nào nhẹ nhẹ cầm cho nó nhàn thì sao?
Chơi gaming gear nói chung và chuột gaming nói riêng là cả một quá trình mà không ai có trải nghiệm giống nhau cả. Mình viết bài này chủ yếu là để chia sẻ góc nhìn của mình thôi, mang giá trị tham khảo chứ không phải là một quy chuẩn. Mong rằng sẽ giúp các bạn hình dung về thế giới của những con chuột gaming tốt hơn, nhất là với bạn nào đang tập chơi chuột gaming như mình năm xưa.
Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn hài lòng với từng con chuột mình mua nhé!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Ưu nhược điểm của chuột gaming có dây và không dây
- Ưu nhược điểm của bộ gear cùng hãng và bộ gear “thập cẩm”
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!