Chắc hẳn mình không cần giới thiệu gì thêm về Google Chrome, một trình duyệt Internet rất phổ biến hiện nay. Và nó cũng nổi tiếng là trình duyệt uống RAM như uống nước. Sau đây là lý do vì sao Chrome lại ngốn RAM đến vậy.
Đây là lý do vì sao Chrome lại “nổi tiếng” là ngốn RAM
Mỗi khi bạn mở tab mới để xem Youtube, lướt Facebook, hay đi shopping trên Tiki, Shopee, Chrome sẽ chia các tabs và extensions đang chạy thành những process (tạm dịch: “luồng xử lý”) riêng biệt. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng khi một tab bị “đơ”, hoặc extension bị lỗi thì nó sẽ không làm website đó crash, hoặc chí ít là không làm ảnh hưởng đến những tab còn lại.
Tính năng này sẽ giúp bạn ít gặp phiền phức mỗi khi có một tab nào đó quyết định “làm loạn”, nhưng bù lại sẽ ngốn khá nhiều dung lượng RAM trong máy vì Chrome phải lặp lại một số tác vụ nhất định cho mỗi tab đang được mở.
Ngoài ra, Chrome cũng có một số tính năng bổ trợ khác như tính năng render trước website, giúp bạn mở trang web nhanh hơn như bù lại cũng sẽ khiến Chrome ngốn RAM nhiều hơn. Đó là chưa kể một số extension, website tối ưu chưa tốt, càng lúc càng ăn nhiều RAM hơn.
Vì vậy, Chrome ngốn nhiều RAM không phải là do nó “ngu”, mà mục đích là để việc lướt web thường nhật của bạn không bị gián đoạn. Nói cách khác, Chrome ngốn RAM là vì sự tiện lợi của người dùng.
Tuy nhiên, đó cũng không hẳn là một tín hiệu xấu
Việc Chrome ngốn RAM cũng không hẳn là một điều xấu, bởi vì phần RAM dư thừa, không được sử dụng thì bạn cũng để đó, không làm gì. RAM trong máy tồn tại là để phục vụ cho nhu cầu của người dùng, mà nếu bạn không dùng thì nghĩa là bạn đang “lãng phí” lượng RAM còn trống này.
Tóm lại, khi bạn nhìn thấy Chrome đang “ăn” gần hết lượng RAM trong máy thì cũng đừng vội hoảng sợ, vì đó là tín hiệu cho thấy Chrome đang hoạt động đúng với những gì nó đã được thiết lập. Các bạn có thể yên tâm mà tiếp tục sử dụng nhé.
Nguồn: Lifehacker