Từ khi du nhập vào thị trường Việt Nam hồi năm 2015, Leopold đã ngay lập tức gây ấn tượng tốt và chiếm được rất nhiều cảm tình từ những người sử dụng phím cơ. Nhắc đến bàn phím của Leopold, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiếc bàn phím vuông vức gọn gàng, không đèn đóm màu mè gì cả. Chúng chỉ đơn giản là một chiếc bàn phím thuần túy với keycap được đúc dày dặn, switch chất lượng cao, plate và case thực sự chắc chắn… tất cả được hoàn thiện chỉ với 1 mục đích là cho cảm giác gõ tuyệt vời. Có thể đối với 1 số người, những chiếc bàn phím của Leopold sẽ được xem là đắt đỏ mà lại không hề bắt mắt, tuy nhiên, đối với những người thực sự hiểu thì nó lại đáng đến từng đồng xu mà họ phải bỏ ra.

Hôm nay, chúng ta sẽ đến với một trong những chiếc bàn phím như vậy – Leopold FC 900R PD (sản phẩm được dùng trong bài viết này là phiên bản màu vàng, xanh Kiểu Thụy Điển), là sản phẩm mới được ra mắt gần đây vào cuối 2018 đầu 2019.

Hình ảnh tổng thể Leopold FC900R PD

Đầu tiên chúng ta hãy cùng đến với phần thiết kế vỏ hộp:

Dòng tên sản phẩm FC900R PD được in rất lớn và rõ ràng. Tông màu chủ đạo là vàng và xanh dương, tương phản và nổi bật trên nền đen khá nổi bật. Dưới góc phải có in đầy đủ những thế mạnh của chiếc bàn phím mà nhà sản xuất muốn nhấn mạnh như Keycap Double shot dày 1.5mm, có miếng giảm chấn và sử dụng Cherry MX switch.


Mặt trước vỏ hộp sản phẩm.

Mặt sau in tương đối đầy đủ thông tin của chiếc bàn phím như kích thước, khối lượng, số lượng keycap, nơi sản xuất…

Thông tin ở mặt sau vỏ hộp.

Mặt bên và thông tin về màu sắc, kiểu kí tự và loại switch.

Gói sản phẩm gồm một chiếc bàn phím với layout 104 phím phổ thông. Một miếng plastic chắn bụi đặt ngay trên sản phẩm, tuy nó chỉ là một phần của vỏ hộp sản phẩm nhưng cũng sẽ rất hữu ích trong những lúc không dùng đến. Đối với những chiếc bàn phím có phần mềm kèm theo thì bạn có thể mặc kệ quyển sách hướng dẫn sử dụng, luôn nhưng với những chiếc bàm phím kiểu này thì bạn nên giữ lại, ít nhất là cho đến khi thuộc hết cụm DIP switch (append function). Dây kết nối rời cho người dùng thêm khả năng tùy biến và cũng tiện hơn khi di chuyển. Leopold cũng rất chu đáo khi tặng kèm luôn 2 chiếc keycap, 1 Capslock và 1 Ctrl để người dùng có thể đổi chỗ 2 phím này, thêm 1 chiếc key puller (dụng cụ tháo keycap) để tiện cho việc thay keycap nữa, thứ này rất cần thiết khi vệ sinh và thay keycap, nhất là đối với những chiếc bàn phím có keycap stock tốt và bám rất chặt vào switch như thế này. Cuối cùng là 1 đầu chuyển đổi cổng cắm từ USB sang PS2.

Gói sản phẩm

Phần chính – đánh giá độ hoàn thiện sản phẩm:

Đầu tiên, với layout phổ thông, người dùng sẽ có thể sử dụng hầu hết những bộ keycap rời trên thị trường hiện tại. Chiếc bàn phím được thiết kế với màu cờ Thụy Điển rất nổi bật – vàng và xanh dương, những chiếc keycap PBT được đúc double shot với kí tự rõ ràng, gọn gàng và sắc nét. 2 màu xanh dương và vàng 1 nóng 1 lạnh tương phản rất tốt làm cho các cụm phím trở nên rõ ràng cũng như phần kí tự nổi bật hơn. Case màu đen dễ dàng làm bật lên bộ key cap chất lượng cao đã làm nên tên tuổi của Leopold. Kiểu phối màu này có thể không quá bắt mắt nhưng theo 1 cách nào đó nó lại rất tinh tế.

Nhìn kĩ hơn những chiếc Keycap mang tính thương hiệu của Leopold, ta có thể thấy rõ ràng rằng nó rất được chăm chút. Từng chiếc keycap một đều được đúc double shot với viền trong và viền ngoài rất rõ ràng, độ dày của thành keycap cũng cực kì đều. Sẽ không hề quá một chút nào nếu nói rằng bộ keycap này là gần như không có đối thủ trong tầm giá của nó.

Những chiếc keycap dày dặn, tinh xảo đã làm nên một phần thương hiệu của Leopold.

Ngoài keycap ra, case cũng được hoàn thiện tốt, bề mặt có độ nhám tương tự như trên keycap, đúc từ nhựa PBT rất dày cho cảm giác cực kì chắc chắn và không hề có hiện tượng bị vặn vẹo khi tác động lực. 

Về cảm giác gõ, sở dĩ những chiếc bàn phím của Leopold có cảm giác gõ rất khác biệt là vì nhiều yếu tố khác nhau mà hãng đã xây dựng để hoàn thiện cho sản phẩm của mình, những bộ keycap của Leopold được làm theo profile riêng của hãng là Step Sculpture 2, chiều cao keycap thấp hơn profile của Cherry một chút nên keycap ít bị lung lay hơn, cảm giác gõ chắc chắn hơn, tiếng cũng đanh hơn, đặc biệt là với phần plate bằng kim loại.


Step Sculpture 2 – Profile độc quyền của Leopold.

Cùng với key cap và plate, miếng đệm giảm chấn nằm bên dưới bảng mạch cũng góp phần loại bỏ cảm giác lọc xọc khi các thành phần ma sát với nhau, cùng với đó là nó cũng khiến cho bảng mạch an toàn hơn trước tác động của lực gõ. Cuối cùng, không thể không nhắc đến những chiếc switch của cherry với chất lượng đã được khẳng định qua thời gian được dùng để liên kết các bộ phận như keycap, plate, miếng giảm chấn và bảng mạch, tạo ta cảm giác gõ đặc biệt, tuyệt vời và không thể lẫn vào đâu được – một loại cảm giác mà chỉ những chiếc bàn phím Leopold mới có thể mang lại.


Thiết kế miếng đệm giảm chấn đặc trưng của những chiếc bàn phím Leopold.

Những chi tiết khác cũng được hoàn thiện rất tỉ mỉ. Chẳng hạn như phần chân đế của FC900R PD được gắn 6 chân cao su (4 chiếc trên phần đế và 2 chiếc trên chân nâng cao) cho độ bám rất tốt trên nhiều bề mặt. 2 khe đi dây ở 2 bên chiếc bàn phím để người dùng có thể đi dây theo ý thích.


Những chi tiết mặt sau của chiếc FC900R PD.

Cụm DIP switch sẽ cho phép người dùng thực hiện thao tác lập trình trên bàn phím như đổi layout


  Cụm DIP switch được bố trí lõm sâu vào trong tránh trường hợp vô tình gạt nhầm.

Tổng kết lại: có thể nói đây là chiếc bàn phím mang theo đầy đủ những giá trị cốt lõi đã làm nên tên tuổi của Leopold, tất cả đều được hoàn thiện một cách cẩn trọng để tạo ra một chiếc bàn phím tốt nhất, thuần túy nhất. Chẳng những giữ được nét truyền thống của nhà sản xuất, lần này chiếc FC900R PD còn cho chúng ta một chút sự mới lạ khi được phối 2 màu nóng lạnh trong sắc cờ Thụy Điển. Có thể với thiết kế và kiểu phối màu như vậy thì FC900R PD sẽ không quá nổi bật nhưng nó lại thực sự tinh tế và đẹp đẽ theo cách của riêng mình.

Tham khảo sản phẩm tại đây

Nguồn: GEARVN (Axium Fox)