Các đơn vị đo lường có thể rất phức tạp, nhất là với những đơn vị liên quan đến thứ mà chúng ta không thể nhìn hay sờ thấy. Có thể bạn đã từng nghe và học về đơn vị dB rồi, tuy nhiên vì lý do gì đó mà bạn không nhớ thì hãy đọc bài viết này nhé. Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về đơn vị đo âm lượng dB cũng như mức dB của các âm thanh thường nghe thấy.
Decibel (dB) là một chỉ số để đo cường độ (độ to) của âm thanh
Âm thanh là sóng dao động được lan truyền trong vật chất (không khí, nước,…). Trong ống tai của chúng ta có các cơ quan để cảm nhận được rung động này, giúp chúng ta nghe được âm thanh. Do là sóng dao động nên âm thanh cũng có 2 chỉ số cơ bản là tần số (cao độ) và biên độ (cường độ, âm lượng).
Tần số của âm thanh là thứ quyết định cao độ của âm thanh mà chúng ta nghe thấy. Tần số càng cao thì âm thanh nghe được càng cao, càng lảnh lót. Tần số càng thấp thì âm thanh nghe được càng trầm. Phạm vi tần số âm thanh mà con người nghe được nằm trong khoảng từ 20 Hz đến 20.000 Hz. Tuy nhiên đây không phải là chỉ số mà chúng ta tập trung trong bài viết này.
Cái chúng ta đang bàn đến là cường độ, là độ to của âm thanh. Âm thanh nghe được to đến đâu phụ thuộc vào việc các phân tử trong không khí dao động mạnh (dao động với biên độ lớn) như thế nào. Dao động càng mạnh thì âm thanh càng lớn. Và sự dao động này được tính bằng đơn vị decibel (dB). Tần số và biên độ của âm thanh là 2 chỉ số hoàn toàn riêng biệt với nhau.
Có một điều quan trọng cần lưu ý là dB là một đơn vị hơi khác so với các đơn vị thông thường, nó tăng tiến theo cấp số nhân. Khi âm thanh A có âm lượng lớn hơn 10 dB so với âm thanh B thì nó to hơn 10 lần, lớn hơn 20 dB tức là nó lớn hơn 100 lần và lớn hơn 30db là 1000 lần.
Mình sẽ để dưới đây một bảng tỷ lệ mà mình lấy trên Wikipedia cho các bạn dễ hình dung:
dB | Tỷ lệ về công suất | Tỷ lệ về biên độ |
100 | 10000000000 | 100000 |
90 | 1000000000 | 31623 |
80 | 100000000 | 10000 |
70 | 10000000 | 3162 |
60 | 1000000 | 1000 |
50 | 100000 | 316,2 |
40 | 10000 | 100 |
30 | 1000 | 31.62 |
20 | 100 | 10 |
10 | 10 | 3,162 |
6 | 3,981 | 1,995 |
3 | 1,995 | 1,413 |
1 | 1,259 | 1,122 |
0 | 1 | 1 |
Mức chỉ số dB của một số âm thanh phổ biến
Vì mức tăng của chỉ số dB chỉ mức tăng theo cấp số nhân của độ lớn âm thanh nên chúng ta chỉ cần một thang đo dưới 200 dB cho bất kỳ thể loại âm thanh nào bạn có thể nghĩ đến. Dưới 10 dB là một mức âm lượng rất nhỏ đến mức khó nghe thấy với hầu hết mọi người. Và bất cứ thứ âm thanh gì miễn là trên 110 dB đều gây khó chịu cho hầu hết chúng ta.
Định nghĩa chỉ số âm lượng dB và các mức dB mà bạn thường nghe thấy
Nếu bạn đang ở trong một căn phòng yên tĩnh thì hãy lắng nghe tiếng thở của bạn, đó là mức âm lượng khoảng 10dB. Bất cứ thứ âm thanh gì nhỏ hơn mức này đều cực kỳ khó nghe thấy, trừ khi bạn ghé tai vào. Những cuộc trò chuyện bình thường có âm lượng khoảng 50 dB. 70 dB là mức âm lượng TV và loa mà hầu hết mọi người cảm thấy quá lớn.
Âm thanh xe cộ trên đường cao tốc đông đúc sẽ có mức âm lượng khoảng từ 80 đến 90 dB. Xe máy vặn ga “lút cán” có âm lượng vào khoảng 100 dB. Hầu hết các buổi biểu diễn âm nhạc sẽ có dàn loa với âm lượng cỡ 110 dB, nhưng tùy vào nghệ sĩ và dòng nhạc mà âm lượng có thể lớn hơn thế.
Những âm thanh có âm lượng cao hơn nữa sẽ ồn ào đến mức rất khó chịu. Hầu hết các loại còi báo động có âm lượng khoảng 120 dB. Tiếng động cơ phản lực có mức âm lượng khoảng 140 dB, thấy máy bay cách hàng km vẫn có thể nghe tiếng nó thì bạn biết mức âm lượng này lớn cỡ nào rồi đấy. Tiếng súng có mức âm lượng đo được ở đầu nòng vào khoảng 160 dB.
Âm thanh như thế nào là quá lớn?
Nếu bạn không có bất kỳ tổn thương thính giác nào thì cách đơn giản nhất để biết âm thanh có đủ lớn để gây hại cho tai của bạn hay không là tự cảm nhận nó. Nếu bạn thấy bắt đầu khó chịu thì nó đủ lớn rồi đấy. Đừng cố bật mức âm lượng lớn hơn chỉ để nghe cho nó đã bạn nhé. Việc tiếp xúc với bất kỳ loại âm thanh nào lớn hơn mức 85 dB đều có thể làm tổn thương thính lực của bạn khi nghe trong thời gian dài.
Mà nói đi cũng phải nói lại, theo một nghiên cứu của giáo sư âm thanh Susan Rogers, được đăng tải trên trang web của Red Bull Music Academy thì không phải âm thanh nào cũng có tác động như nhau, ít nhất là đối với tai của bạn. Thứ âm thanh mà bạn yêu thích sẽ không gây hại cho bạn nhiều như là âm thanh mà bạn ghét.
Về cơ bản thì tai của chúng ta sẽ dễ dàng phục hồi sau một buổi biểu đi xem ca nhạc hơn là sau một đêm mất ngủ vì tiếng karaoke dở tệ của hàng xóm. Giáo sư Rogers ví von 2 kiểu tác động này giống như cơn đau cơ do chơi môn thể thao yêu thích và cơn đau khi té cầu thang vậy. Mà dù sao đi nữa thì âm thanh quá lớn đều có hại cả. Thế nên các bạn cũng nhớ cẩn thận để giữ gìn thính lực của mình nhé.
Trên đây là định nghĩa chỉ số âm lượng dB và các mức dB mà bạn thường nghe thấy, hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc đôi tai của các bạn luôn mạnh khỏe nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Virus đến từ đâu và chúng có phải là sinh vật sống hay không?
- Liệu sẽ ra sao khi máy bay thương mại hỏng động cơ trên không?
Nguồn: HowToGeek
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!