Có nhiều trường hợp có thể làm hỏng động cơ máy bay phản lực, điển hình nhất có thể kể đến việc chúng hút phải chim, đất đá từ núi lửa phun trào hoặc các khối đá trong một trận mưa đá. Tuy nhiên sự cố kiểu này rất hiếm xảy ra, mà cho dù bạn có xui đến nỗi dính phải kịch bản này thì cũng chưa chắc đã gặp nguy hiểm. Thậm chí là nếu chỉ hỏng 1 động cơ thôi thì nó vẫn có thể bay bình thường.

Lý do vì sao thì mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.

Máy bay thương mại hỏng một động cơ thì nó vẫn có thể bay bình thường

Theo cơ trưởng Ken Hoke, tác giả của nhiều bài viết giải thích chuyên sâu trên trang tạp chí hàng không AeroSavvy.com thì trong trường hợp hỏng động cơ, một hành khách mải mê đọc một cuốn sách có thể còn chẳng biết có chuyện gì xảy ra, mặc cho phi hành đoàn đang giảm tốc độ và hạ độ cao để khắc phục sự cố.

Các mẫu máy bay phản lực thương mại hiện nay có ít nhất 2 động cơ phản lực, điển hình như dòng Airbus A320, Boeing 757/767 và đám bà con họ hàng của chúng. Và các mẫu máy bay này đều có thể vận hành một cách an toàn chỉ với 1 động cơ còn hoạt động. Cục Hàng không Liên bang (FAA) Hoa Kỳ đã yêu cầu cả máy bay và phi công của nó phải vượt qua được tình huống bay với 1 động bị hỏng thì mới được cấp phép. Tất nhiên là 2 gã khổng lồ ngành hàng không là Boeing và Airbus cũng phải tuân thủ yêu cầu này trong thiết kế máy bay.

Kỹ sư hàng không vũ trụ Ella Atkins tại Đại học Michigan cho biết: “Một động cơ phải có lực đẩy đủ mạnh để giúp máy bay tiếp tục bay, thậm chí leo cao thêm nếu cần. Điều đó cần thiết cho những trường hợp xấu nhất, chẳng hạn như mất động cơ khi đang trong quá trình cất cánh. Động cơ còn lại phải đủ mạnh nếu cần để chiếc máy bay có thể tiếp tục bay lên.

Tất nhiên là việc hỏng động cơ cũng không phải là không gây ra hậu quả gì khác. Bình thường với lực đẩy đều từ 2 bên cánh thì máy bay sẽ tự bay thẳng, nếu mất 1 động cơ thì sẽ gây mất cân bằng và máy bay sẽ bị chệch hướng. Muốn máy bay bay thẳng lại thì bánh lái ở đuôi máy bay cùng cách cánh liệng sẽ giúp chỉnh hưởng để bù cho việc chênh lệch lực đẩy từ 2 bên cánh. Động cơ còn lại cũng phải hoạt động mạnh hơn để bù cho khoảng lực đẩy bị mất và hao xăng hơn. Tuy nhiên nhìn chung thì trường hợp này cũng không quá nguy hiểm và mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của phi hành đoàn.

Vậy là chúng ta đã nói xong trường hợp mất một động cơ, thế nếu như toàn bộ động cơ trên máy bay bị hỏng hết thì sao? Thật ra thì tình hình lúc này cũng chưa hẳn là thảm họa đâu, phi công vẫn có thể xử lý được.

Máy bay thương mại có thể lượn cả trăm km để tìm bãi đáp mà không cần động cơ

Khi mình dùng câu hỏi tiêu đề bài viết đi hỏi bạn bè và em gái mình thì đa số câu trả lời mình nhận được là: Thì xác định luôn chứ sao. Tuy nhiên quan điểm này cũng không đúng đâu nha mấy bạn. Mình biết là khó tin nhưng những chiếc máy bay khổng lồ nặng hàng chục, hàng trăm tấn đó thậm chí có thể lượn cả trăm km để tìm bãi đáp mà không cần đến động cơ!

Các mẫu máy bay thương mại điển hình thường có tỉ số lực nâng trên lực cản (Lift to drag ratio, L/D) loanh quanh trong khoảng 10:1. Giải thích nôm na cho dễ hiểu tức là mỗi khi hạ 1 km độ cao thì máy bay sẽ lượn đi xa 10km.

Thường thì các chuyến bay thương mại sẽ đạt đến độ cao trên 10km. Và nếu máy bay hỏng hết toàn bộ động cơ ở độ cao đó thì nó vẫn có thể tiếp tục lượn đi hơn 100km nữa. Do đó nếu kịch bản này xảy ra thì máy bay và hành khách của nó vẫn an toàn, miễn là có sân bay trong vòng 100km.

Một vài chuyến bay hạ cánh an toàn không cần động cơ

Mặc dù việc máy bay bị hỏng hết tất cả động cơ là rất khó xảy ra, tuy nhiên trên lý thuyết thì vẫn có. Chúng ta có thể điểm qua một số vụ như sau.

Chuyến bay US Airways 1549 (2009)

Một trong những chuyến bay nổi tiếng nhất có kịch bản như thế này là chuyến bay 1549 của hãng hàng không US Airways hồi năm 2009. Cả 2 động cơ của chiếc A320 do Cơ trưởng Chesley Sullenberger (thường được biết đến với cái tên “Cơ trưởng Sully) và Cơ phó Jeffrey Skiles điều khiển đều bị hỏng do hút phải phim. Thế là họ quyết định cho máy bay hạ cánh xuống sông Hudson. Toàn bộ 150 hành khách trên chuyến bay và 5 thành viên phi hành đoàn đều sống sót. Sự kiện này sau đó đã đi vào huyền thoại trong ngành hàng không và đã truyền cảm hứng cho bộ phim Cơ trưởng Sully ra mắt hồi năm 2016.

Chuyến bay Air Transat 236 (2001)

Trước chuyến bay của Cơ trưởng Sully thì cũng có một chuyến bay tương tự. Cả 2 động cơ của chiếc máy bay A330 đều ngừng hoạt động khi bay qua Đại Tây Dương do rò rỉ nhiên liệu. Cơ trưởng Robert Piché và Cơ phó Dirk de Jager quyết định lượn về sân bay Lajes ở Azores cách đó 65 hải lý (tương đương 121km). Sau 17 phút, máy bay đã hạ cánh thành công, cứu sống 13 thành viên phi hành đoàn và 306 hành khách. Chiếc máy bay này sau đó được giới hàng không đặc cho biệt danh “Tàu lượn Azores “.

Trên đây là bài viết về việc liệu sẽ ra sao khi máy bay bạn đang ngồi bị hỏng động cơ trên không. Hy vọng nó đã cung cấp cho các bạn những thông tin thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn an toàn trên những chuyến bay!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Tham khảo:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360