Mật ong có thể là chìa khóa để tạo ra con chip thân thiện với môi trường hơn, đạt hiệu suất cao hơn, và bền bỉ hơn.
Mật ong có thể trở thành vật liệu tiếp theo được dùng để tạo ra những con chip máy tính giống bộ não con người. Việc chứng minh chip mật ong mang tính thực tiễn đã cho thấy rằng trong tương lai, chúng ta có khả năng tạo ra được những con chip có hiệu suất (efficient) cao, có thể tái tạo được (renewable) dành cho những hệ thống tính toán thần kinh (neuromorphic computing system) bằng cách ứng dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học (biodegradable).
Feng Zhao và Brandon Sueoka – 2 kỹ sư nghiên cứu của khoa Kỹ thuật và Khoa học Máy tính tại trường đại học WSU – đã bắt đầu bằng cách biến mật ong thành thể rắn. Sau đó họ nhét nó vào giữa 2 điện cực, sử dụng một thiết kế cấu trúc tương tự xynap (synapse) của con người. Chúng được gọi là “memristor” và có thể học cũng như lưu giữ thông tin cực kỳ hiệu quả, y như tế bào thần kinh của con người vậy.
Hiện tại, mỗi memristor có kích thước như sợi tóc con người, nhưng đội của Zhao dự kiến sẽ tiếp tục thu nhỏ kích thước đó chỉ còn 1/1000 so với ban đầu. Bằng cách mô phỏng theo não người, những “memristor” này có thể hoạt động với hiệu suất tốt hơn, có thể xử lý và lưu trữ dữ liệu bằng cách dùng những kỹ thuật tính toán thần kinh đa hình (neuromorphic computing technique).
Tính toán thần kinh đa hình không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Cả IBM và Intel đều có chip ứng dụng cấu trúc giống như não người. Với việc thiết kế những hệ thống này bằng mật ong, chúng ta sẽ có những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, đạt hiệu suất cao hơn, và bền bỉ hơn so với những con chip thuộc loại “không thể tái tạo” (non-renewable) như hiện nay – vốn được làm từ những vật liệu độc hại.
Zhao cho biết mật ong không thể bị hư được. Nó có nồng độ ẩm rất thấp nên vi khuẩn không thể sống trong đó. Điều này có nghĩa là những con chip mật ong sẽ hoạt động rất ổn định và có độ tin cậy (reliability) cao trong một thời gian rất dài.
Giải pháp này không chỉ có khả năng hoạt động mát hơn và có hiệu suất cao hơn so với chip truyền thống, mà nó còn có thể được xử lý chỉ bằng cách hòa tan trong nước. Từ đó, chúng ta sẽ giảm được ít nhất 22 triệu tấn rác thải điện tử hàng năm. Có một thông tin thú vị nữa là ngoài mật ong ra, các kỹ sư còn đang nghiên cứu thêm đường nha đam và protein, xem xem chúng có ứng dụng được như mật ong hay không.
Tóm tắt ý chính:
- Mật ong có thể trở thành vật liệu tiếp theo được dùng để tạo ra những con chip máy tính giống bộ não con người
- Chip mật ong có hiệu suất cao, có thể tái tạo được nhờ sử dụng vật liệu có khả năng phân hủy sinh học
- Những con chip mật ong cũng sẽ hoạt động rất ổn định và có độ tin cậy cao trong thời gian rất dài
- Theo ước tính, những con chip này sẽ giúp giảm ít nhất 22 triệu tấn rác thải điện tử hàng năm
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Intel có thể tạo ra chip đào coin mà không khiến nguồn cung CPU và GPU bị thâm hụt
- CPU 4 nhân hết thời trên Steam, giờ CPU 6 nhân mới là “quốc dân”
Nguồn: PC Gamer
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!