Các máy bay chiến đấu hiện đại đa số đều có thể gắn thùng nhiên liệu phụ thả được (drop tank). Chúng tuy giúp tăng tầm hoạt động cho máy bay nhưng cũng đem đến nhiều hạn chế. Thế nên trong không chiến thì các thùng nhiên liệu này sẽ được máy bay vứt đi cho “nhẹ người”. Cụ thể như thế nào thì mời các bạn cùng mình tìm hiểu trong bài viết ngắn sau đây nhé.

Ý nghĩa của thùng nhiên liệu phụ với máy bay chiến đấu

Các máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích (máy bay dùng để tiêu diệt máy bay khác) thường có động cơ rất khỏe và tiêu tốn nhiều nhiên liệu nên tầm bay cũng không được xa. Nếu các kỹ sư muốn tăng tầm bay cho chúng thì bắt buộc phải cho chúng thêm nhiên liệu để dùng.

thùng nhiên liệu phụ
Su-57 và thùng nhiên liệu thả được treo 2 bên cánh

Thế là thùng nhiên liệu phụ gắn ngoài ra đời nhằm giải quyết vấn đề trên. Chúng giúp máy bay tiêm kích bay được xa hơn trong các nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom hoặc chuyển căn cứ, giúp máy cường kích (máy bay dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất) với đến các mục tiêu cách xa sân bay hơn. Trong một số trường hợp thì chúng cũng giúp máy bay có thêm nhiên liệu để bơm cho máy bay đồng minh ngay trên không nữa.

thùng nhiên liệu phụ
F-22 và thùng nhiên liệu thả được treo 2 bên cánh

Chính vì cần thiết như thế nên thùng nhiên liệu phụ xuất hiện từ rất sớm trong nội chiến Tây Ban Nha, bắt đầu phổ biến trong thế chiến thứ 2 và hiện nay vẫn được trang bị cho hầu hết các mẫu máy bay chiến đấu hiện đại. Thậm chí đến tất cả các mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như F-22, Su-57 cũng còn trang bị nó, bất kể thiết bị này làm mất khả năng tàng hình.

Thùng nhiên liệu phụ mang đến nhiều hạn chế, nếu muốn hết hạn chế thì chỉ cần vứt nó đi

Các thùng nhiên liệu phụ cản gió và làm giảm tốc độ, sức nặng của chúng làm máy bay xoay vòng (roll) và leo cao chậm hơn. Chúng cũng làm tăng diện tích phản xạ radar, khiến máy bay dễ bị phát hiện và khóa mục tiêu từ xa. Ngoài ra thì chúng còn chiếm chỗ trên các giá treo vũ khí nữa.

thùng nhiên liệu phụ

Nói tóm lại là thùng nhiên liệu phụ tuy giúp máy bay bay xa hơn nhưng lại làm giảm hầu hết các thông số đặc tính bay, khả năng mang vũ khí và khiến máy bay dễ bị bắn hạ hơn. Việc cho máy bay mang mấy cái thùng nhiên liệu như thế trong chiến đấu chẳng khác nào bắt phi công đánh nhau khi bị còng tay cả. Thế nên hầu hết các thùng nhiên liệu phụ trên máy bay chiến đấu hiện đại đều được thiết kế để có thể vứt được khi cần thiết.

thùng nhiên liệu phụ

Mỗi khi lao vào không chiến hoặc lúc bị tấn công, máy bay chiến đấu thường sẽ bỏ luôn thùng nhiên liệu phụ bất kể là còn nhiên liệu trong đó hay không. Bằng cách này, máy bay có thể lấy lại trạng thái linh hoạt nhất của nó để quần nhau với kẻ địch, cơ động né tên lửa hoặc bứt tốc rút lui. Để giảm lãng phí thì nhiên liệu trong các thùng phụ sẽ được máy bay dùng hết trước khi đến nhiên liệu chứa trong thân.

Thông tin thêm

Thông tin thêm cho các bạn là trong chiến tranh Việt Nam, máy bay Mỹ vứt lại chiến trường vô số thùng nhiên liệu phụ to đùng. Thế là chúng trở thành nguyên liệu quý giá để người dân mình mang về chế tạo nồi niêu xoong chảo. Đặc biệt là do có hình dạng thuôn dài, tối ưu khí động học nên các thùng nhiên liệu phụ này dùng làm ghe, xuồng cực tốt. Chúng vừa nhẹ, bền mà vừa ít cản nước, tiết kiệm xăng dầu nữa. Mình còn nghe mẹ mình kể ngày xưa ghe, xuồng kiểu này còn nhiều lắm, đi đâu cũng cũng thấy cả. Giờ thì hiếm rồi, nhà ai còn giữ lại một chiếc để chạy thì trông vừa hoài cổ, vừa oách xà lách luôn.

thùng nhiên liệu phụ
thùng nhiên liệu phụ

Trên đây là một số thông tin về thùng nhiên liệu phụ trên máy bay chiến đấu và lý do vì sao chúng thường bị vứt lại khi máy bay “vào combat”. Hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360