Anh em có thể kể hết tên của những tựa game về zombie trong 10 năm trở lại đây không? Chứ mình là mình đếm không hết rồi đấy, cho dù có lật tung Google với Wiki lên thì chắc cũng chẳng đếm hết được. Thế thì điều gì đã khiến cho mấy con xác sống xấu xí này được yêu thích và được các nhà làm game lôi ra khai thác nhiều đến thế?
Sau đây là những quan điểm cá nhân của mình, anh em cùng đóng góp ý kiến cho vui nhé!
Văn hóa zombie
Nói đến zombie thì chắc thời đại này không ai là không biết nữa rồi. Chúng ta có phim điện ảnh, phim truyền hình về zombie, anime về zombie, truyện tranh về zombie, đồ chơi zombie và đương nhiên là cả game về zombie nữa. Do đó, có thể nói zombie không chỉ đơn thuần là 1 thể loại nữa mà đã trở thành một nét văn hóa luôn rồi. Nó giống như một thứ “bảo hiểm mềm” cho doanh số vậy, chỉ cần quảng cáo cho hay ho và không gây thất vọng thì kiểu gì cũng có fan zombie nhiệt liệt ủng hộ.
Sáng tạo trong một khuôn khổ quen thuộc
Zombie về cơ bản thì chúng đã chết về mặt nhận thức rồi nhưng bằng một cách nào đó (như nhiễm virus, bị triệu hồi từ những nấm mồ…) chúng sẽ tiếp tục di chuyển với một cơ thể đang phân hủy và tấn công sinh vật sống. Ai bị cắn rồi thì một thời gian sau sẽ trở thành zombie và lại đi cắn người khác.
Mặc dù nhìn đi nhìn lại thì cũng chỉ bao nhiêu đó nhưng tùy game thì các nhà phát triển sẽ biến tấu theo nhiều cách khác nhau để khai thác chủ đề zombie. The Last of Us thì là cuộc sống đầy drama thời kỳ hậu tận thế, Left 4 Dead thì dùng các chủng loại zombie để đa dạng hóa gameplay… Nói chung là từ một chủ đề zombie vốn đã cực kỳ quen thuộc, người ta có thể khai thác nó theo nhiều cách và nhau và mang đến những những giá trị khác nhau cho người chơi.
Lấy 1 chủ đề quen thuộc như zombie cũng tiện cho việc marketing nữa. Ví dụ như làm một cái trailer thì chỉ cần cho xuất hiện một con zombie đi cắn người khác thôi là người ta đã xác định được đây là game zombie rồi. Người chơi một khi đã quyết định mua một tựa game zombie thì gần như chắc chắn là họ cũng đã biết con zombie nó như thế nào rồi. Tuy nhiên, họ sẽ trông chờ một thứ gì đó sáng tạo hơn. Do đó, những tựa game zombie hiện nay sẽ bày vẽ ra những thứ hay ho khác chứ không chỉ đơn thuần là một bầy xác sống biết đi cắn người ta. Thế nên chủ đề zombie không hề nhàm chán, vấn đề là người ta khai thác thế nào thôi.
Việc khai thác chủ đề zombie cũng giống như việc khai thác chủ đề Tam Quốc Chí, Chiến Tranh Thế Giới, thế giới tương lai vậy. Đó là những chủ đề cực kỳ quen thuộc nhưng có thể khai thác theo vô số cách khác nhau.
Zombie là “chất nền” để tạo ra những tựa game hành động kết hợp sinh tồn
Có một điểm chung của nhiều game zombie là sẽ có một đống kẻ địch và một nhiệm vụ để anh em đồ sát chúng. Tuy nhiên, nếu chỉ có như thế thôi thì game hành động cũng có thể làm được. Vì vậy, game zombie thường kết hợp luôn yếu tố sinh tồn vào đó, tạo ra một nét cuốn hút rất riêng. Yếu tố sinh tồn sẽ bắt anh em phải tính toán chi li cho từng hành động cũng như lo lắng thấp thỏm với từng quyết định của mình trong game. Còn những pha bắn giết, chặt chém máu me sẽ đem lại cảm giác thỏa mãn, giải trí.
Chúng kết hợp và bổ trợ cho nhau, tạo ra một dạng game có thể mang đến nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc khác nhau cho người chơi. Thế nên mình mới nói chủ đề zombie là một “chất nền” cực kỳ lý tưởng cho những tựa game mang tính hành động kết hợp sinh tồn.
Còn người thích zombie thì sẽ còn game zombie
Cũng giống như nhiều chủ đề bất hủ khác, zombie đã được các nhà làm game lôi ra khai thác từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể nào khai thác hết. Dựa trên chất nền là zombie, các nhà làm game sẽ còn có thể biến tấu ra vô vàn thứ khác để tạo ra sự mới lạ và giúp tựa game của mình trở nên hợp với xu thế, thời đại hơn.
Văn hóa zombie bao gồm rất nhiều thứ như phim ảnh, truyện tranh, đồ chơi, game… Nó như một hệ sinh thái vậy. Khi một game thủ đã chán zombie thì sẽ lại có một game thủ khác được truyền cảm hứng và bắt đầu thích thú chủ đề này. Và miễn là còn người thích game zombie thì các nhà phát triển vẫn sẽ tiếp tục làm game về zombie để thỏa mãn những đối tượng này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Giải mã sự đắt đỏ của giẻ lau Apple: 2 lớp vải, tỉ mỉ đến từng chi tiết, có logo táo
- Giải mã ý nghĩa các màu sắc của cổng USB
- Giải mã sự diệu kỳ của USB-C, một lỗ 2 chiều lật kiểu nào cũng nhận
- Giải mã S.M.A.R.T. – Công nghệ giúp ổ cứng trở nên “thông minh” hơn
- Giải mã từ “bug” máy tính và nguồn gốc của con “côn trùng” đã hành game thủ PC lên bờ xuống ruộng
- Giải mã cách đặt tên “Lake” của Intel đối với các dòng CPU
- Giải mã việc CPU x64 sử dụng tập lệnh 64-bit trong khi CPU x86 lại dùng tập lệnh 32-bit
- Giải mã biểu tượng “chiếc lá” trong task manager của Windows 10
- Giải mã ý nghĩa và sự khác biệt giữa Program Files (x86) và Program Files trong Windows
- Giải mã hai thư mục $Windows.~BT và $Windows.~WS, liệu chúng ta có nên xoá?
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!