Việc các game ngày nay sở hữu nhiều yếu tố thực tế là điều hết sức đáng mừng, bởi vì nó không chỉ đánh dấu sự thành công trong lĩnh vực công nghệ mà còn xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo. Tuy nhiên, không phải cứ thực tế là luôn ghi điểm trong mắt game thủ chúng ta. Có những cái thực tế nhìn rất sướng nhưng cũng có những cái thực tế nhưng lại nhìn rất… kỳ quặc đến mức phiền phức. Và top 10 tựa game sau đây chính là minh chứng cho điều mà mình vừa nói.

Phải ngồi coi hết toàn bộ tập phim – The Darkness

https://www.youtube.com/watch?v=IhVcw_53yow&ab_channel=PlayscopeTrailers

The Darkness là một tựa game đặt bạn vào vai Jackie Estacado, một người đàn ông bị ám bởi một thế lực ma quỷ cho phép anh ta có thể tiêu diệt bất kỳ người nào theo một cách tàn bạo nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những cảnh tượng hủy diệt con người một cách vô tâm này, The Darkness cũng có những giây phút yên tĩnh đến kinh ngạc. 

Cụ thể là ở đầu game, bạn có thể ngồi xuống ghế bành và coi phim thư giãn cùng người bạn gái của mình là Jenny Romano. Đối với những game khác thì vào những lúc thế này, màn hình sẽ đen dần đi hoặc làm bất cứ trò gì để các bạn có thể skip đoạn cutscene này nhanh gọn lẹ, nhưng đối với The Darkness thì “ở đây chúng tôi không làm thế”. Bạn sẽ phải ngồi coi cho hết từ đầu chí cuối một bộ phim trắng đen suốt 2 tiếng đồng hồ trên một cái màn hình TV nhỏ xíu. Mặc dù nội dung phim có vẻ ổn nhưng việc phải bỏ thời gian ra ngồi coi không chứ không được tương tác gì hết thì cũng chẳng khác nào là phí thời gian.

Râu mọc dài theo thời gian – The Witcher 3

The Witcher 3 là tựa game sẽ cho bạn vào vai một siêu nhân chuyên đi săn quái vật trên một vùng đất thần tiên chứa đầy yêu tinh, người lùn, người sói và các loài sinh vật khác. Mặc dù The Witcher 3 được coi là một tựa game theo thể loại “fantasy”, nhà phát triển CD Projekt lại quyết định biến nó thành một tựa game thực tế. Chỉ có điều là nó hơi thực tế một cách lạ lùng.

Trong game, râu của nhân vật chính – Geralt sẽ mọc ra từ từ theo thời gian. Nếu bạn không muốn nhìn mình như một ông cụ thì có thể sử dụng lựa chọn cạo bớt râu đi, nhưng nếu bạn muốn cho nhân vật chính sở hữu một bộ râu nhìn như “bố già” thì cứ để mặc kệ và râu sẽ tiếp tục mọc càng ngày càng dài ra. 

Đôi mắt sống động y như thật – The Last of Us 2

Việc Naughty Dog đầu tư rất nhiều công sức vào The Last of Us 2 để tạo ra các mô hình nhân vật thực tế và cốt truyện chất y như phim phải nói là rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, nếu bạn để ý kỹ thì sẽ nhận ra rằng Naughty Dog có vẻ đầu tư vào mức độ thực tế của game nhiều tới mức khiến bạn phải đặt câu hỏi rằng liệu nó có đáng không. Thay vì đổ quá nhiều tiền vào những thứ mà có khi người chơi còn chẳng bao giờ để ý để khiến cho game trông thực tế hơn thì tại sao lại không đầu tư nhiều hơn về mặt gameplay.

Ví dụ như nếu bạn để ý vào mắt của nhân vật chính sẽ thấy được mức độ thực tế của đồ họa là như thế nào. Đôi mắt này phản ứng với nguồn sáng trong game một cách chính xác, chúng có độ đổ bóng một cách rõ rệt. Không những thế Naughty Dog thậm chí còn nâng mức độ thực tế mắt của những động vật ăn đêm chỉ để khiến cho chúng trông đáng sợ hơn. Có thể nói việc làm cho The Last of Us 2 nhìn thực tế hơn thực sự rất ấn tượng, nhưng liệu những game thủ bình thường có quan tâm không, liệu nó có ảnh hưởng gì tới tổng thể của game không. Đương nhiên là không rồi. Những ánh mắt được đầu tư kỹ lưỡng này đúng là trông rất đẹp nhưng sẽ chẳng ai mấy khi để ý khi đang bận cầm vũ khí để chiến đầu và sinh tồn trong một thế giới đầy zombie đâu. 

Phải đổ xăng liên tục – Days Gone

Trong một thế giới hậu tận thế đầy rẫy zombie thì xe hai bánh có thể coi là một trong những người bạn chí cốt của con người. Đơn giản vì nó chạy nhanh dễ thoát thân và có thể thực hiện vài pha hành động đẹp mắt. Tuy nhiên, không giống như những tựa game zombie khác, trong Days Gone bạn sẽ phải đổ xăng mỗi khi hết bình. 

Nghe qua thì có vẻ như game sẽ tạo cho chúng ta một trải nghiệm chơi game vô cùng thực tế, tuy nhiên thì khi chơi bạn mới cảm thấy rằng chính điều này sẽ khiến bạn cảm thấy bất tiện. Bởi vì việc phải luôn luôn đổ xăng sẽ khiến bạn ngại và nơm nớp lo sợ khi đi khám phá những khu vực mới trong thế giới mở của Days Gone. Ngoài ra thì thao tác đổ xăng thường xuyên cũng sẽ khiến bạn cảm thấy chán và nhàm. Thông thường, đối với các game sinh tồn thế giới mở khác thì bạn sẽ được cấp cho tính năng nhiên liệu không giới hạn để thoải mái đi khám phá và loot đồ. Còn đối với Days Gone thì bạn có thể dùng xe để đua hay thực hiện vài pha tông zombie đẹp mắt nhưng đổi lại thì xe hết xăng cực kỳ nhanh dù cho bạn đã nâng cấp xe rồi đi chăng nữa.

Thuốc trị sốt rét – Far Cry 2

Đối với những tựa game Far Cry mới nhất thì hầu như chúng không hề quan tâm một tí gì về yếu tố thực tế cả. Các tựa game này nhìn vào chẳng khác gì những bộ phim hành động vô lý ở thập niên 80 vậy. Ngược lại, đối với những tựa game Far Cry ở đầu series thì trải nghiệm của người chơi sẽ được thiết kế dựa trên những yếu tố thực tế. Cụ thể thì Far Cry 2 sở hữu một loạt các yếu tố gameplay thực tế, từ những cây súng bị kẹt đạn cho tới cách sử dụng bản đồ, hay thậm chí là bạn phải uống thuốc liên tục để nhân vật chính không bị chết vì bệnh. 

Ở đầu game, bạn sẽ bị nhiễm bệnh sốt rét khiến cho màn hình chuyển thành màu hơi vàng, biểu hiện của sự ốm yếu. Và cũng từ thời điểm đó, bạn sẽ thường xuyên bị tấn công bởi căn bệnh này khiến cho màn hình chuyển vàng hơi khó nhìn cũng như là hạn chế khả năng chạy và nhảy. Điều này buộc bạn phải uống thuốc liên tục để cơ thể mau bình thường trở lại. Tới đây chắc khỏi nói các bạn cũng biết rằng việc phải lặp đi lặp lại công đoạn uống thuốc đã gây khó chịu như nào đối với người chơi.

Độ bền của vũ khí – The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild

The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild đã giành được rất nhiều lời khen ngợi ngay tại thời điểm ra mắt vào năm 2017. Tuy nhiên, có một yếu tố trong game mà hầu như chẳng ai ưa nổi, đó là độ bền của vũ khí. Những món như kiếm, gậy, rìu đều có số lần sử dụng hữu hạn, quá số lần đó là nó sẽ bị hư hỏng, nếu cố chấp xài tiếp là sẽ bị bể nát luôn.

Tính năng này chẳng qua là do nhà phát triển đang cố tình muốn game trở nên chân thực hơn so với đại đa số những trò khác trên thị trường. Họ không muốn game thủ cứ chặt chém thoải mái mà vũ khí không bị hề hấn gì. Nhưng mà sở dĩ các game kia lại cho người chơi chặt chém thoải mái là vì cơ chế độ bền kia khá là phiền phức các bạn ạ.

Có người sẽ nói rằng cơ chế này khuyến khích game thủ thử nghiệm vũ khí mới, tăng độ chân thực, nhưng nếu bản thân kho vũ khí trong Breath Of The Wild thật sự thú vị thì game thủ đã tự khám phá từ lâu rồi, không cần đợi đến khi cây kiếm bị gãy mới đi tìm cây kiếm mới. Còn về vụ chân thực thì trong game vẫn còn nhiều yếu tố khác phi lý không kém, vậy mà nhà phát triển vẫn nhất quyết cho cơ chế độ bền của vũ khí vào trong game cho bằng được. Thật là khó hiểu.

Trọng lượng của món đồ – Skyrim

Skyrim được thiết kế theo kiểu một vùng đất fantasy với nhiều chi tiết cực kỳ thuyết phục. Tuy nhiên, trong đó lại có một chi tiết đã phản tác dụng các bạn ạ. Chả là các vật dụng trong game đều có trọng lượng nhất định, và ban đầu thì chỉ số này cũng chả quan trọng gì mấy. Nhưng dần dà, bạn càng thu thập nhiều thứ thì túi đồ của bạn bắt đầu nặng lên, và rồi đạt đến mức giới hạn.

Lúc bị “quá tải” như thế này thì bạn sẽ không thể chạy, không thể dùng xe hàng, và nhất là không thể dùng tính năng “fast travel”. Cơ bản thì bạn sẽ phải di chuyển với tốc độ rùa bò cho đến khi bỏ bớt đồ ra – một điều khá là khó chịu đối với những ai thích gom đồ và đồng thời không muốn bỏ bất cứ thứ gì ra khỏi giỏ của mình.

Bấm nút để chớp mắt – Alone In The Dark

https://www.youtube.com/watch?v=jR8WV28MsEI

Đây là một tựa game kinh dị nhưng chơi rất là vất vả các bạn ạ. Ý tưởng của game này cũng khá là hay với hệ thống kết hợp vật phẩm, cho phép game thủ chế cháo để tạo ra vũ khí hoặc món đồ hữu dụng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh tính năng này là cơ chế… chớp mắt rất chi là phiền phức. Đầu game, màn hình sẽ hiện lên dòng chữ hướng dẫn bạn “spam” nút để chớp mắt, giúp nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Sau này thì bạn lại phải tiếp tục chớp mắt để rửa trôi máu và chất độc ra khỏi con mắt, tùy theo kẻ địch mà bạn vừa giết được.

Lúc đánh nhau với đối phương thì bạn phải chớp mắt đã đành, giờ nó lại còn bắt phải bấm 1 nút liên tục nữa mới khó chịu. Đã vậy, cơ chế này lặp đi lặp lại nhiều đến mức trở nên vô nghĩa, chẳng những khiến game thủ bực mình mà còn làm giảm trải nghiệm khi chơi. Rõ ràng cơ chế này được thêm vào là để Alone In The Dark trở nên chân thực hơn, nhưng quá đáng tiếc là nó lại phản tác dụng các bạn ạ.

“Hòn bi” của ngựa bị teo nhỏ – Red Dead Redemption II

Rockstar đã dành rất nhiều thời gian để chăm chút cho các chi tiết nhỏ lẻ trong Red Dead Redemption II với mục đích là để thế giới trong game trở nên sống động và thuyết phục hơn. Một mặt, điều này giúp Red Dead Redemption II trở nên vô cùng hoành tráng, nhưng mặt khác thì nó lại khiến game thủ khá là phiền lòng. Cụ thể thì gần như mọi hành động trong game đều có animation của riêng nó, từ việc lột da động vật, lấy một món đồ nào đó, cho đến chơi domino đều có đủ hết. Những thứ này ban đầu thấy cũng thú vị, nhưng dần dần thì game thủ bắt đầu cảm thấy khoảng thời gian animation này khá là phí, chẳng thà bấm nút cho nhân vật chính nhặt đồ ngay tức khắc, còn hơn là ngồi đó xem mấy cái animation.

Tuy nhiên, thứ buồn cười và vô nghĩa nhất trong game này là Rockstar đã thiết kế “hòn bi” của những chú ngựa biết teo lại khi trời lạnh. Phần lớn thời gian bạn sẽ không thấy hoặc không để ý chỗ này của con ngựa, cho nên việc tạo ra animation teo nhỏ cho “hòn bi” của ngựa là một việc làm hết sức rảnh rỗi và khó hiểu của nhà phát triển.

Leo núi theo thời gian thực – Shenmue II

Trong hầu hết các game thì việc di chuyển giữa các địa điểm thường sẽ khá nhanh, nhưng trong Shenmue II thì nhà phát triển lại không muốn như thế. Càng về cuối game, họ lại càng không muốn tiết kiệm thời gian cho người chơi. Lúc này thì nhân vật chính Ryo Hazuki được hướng dẫn đi đến ngôi làng Bailu Village ở Guilin, nơi được cho là kẻ thù giết cha của Ryo đang ẩn náu.

Tại thời điểm này, bạn sẽ nghĩ rằng game bắt đầu mờ dần để chuyển cảnh đến ngôi làng kia, hoặc là chiếu một đoạn cutscene cho thấy Ryo đang chạy đến ngôi làng đó cũng được. Nhưng không các bạn ạ. Shenmue II buộc người chơi phải leo núi theo thời gian thực, và hành trình này tốn khoảng 2 tiếng hồ mới xong. Trên đường đi thì có vài thứ bạn cần phải làm, nhưng phần lớn thời gian thì người chơi sẽ phải điều khiển Ryo đi bộ hết nguyên cánh rừng, nghe thôi là đã thấy ngán tận cổ rồi. Thà như ở ngoài đời còn giúp tăng cường sức khỏe, chứ còn như trong game này thì đồ họa vừa không đẹp, mấy câu hội thoại thì tẻ nhạt, và nó kéo dài đến tận 2 tiếng đồng hồ. Khúc này game thủ không ngáp ngắn ngáp dài cũng lạ đó.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360