Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về top 8 thủ thuật làm người chơi khiếp sợ kinh điển nhất của game kinh dị.

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao game kinh dị lại có thể… kinh dị đến thế không? Để làm được điều đó thì các nhà làm game không chỉ đơn giản là nhồi hết những thứ mà họ cho là đáng sợ vào game. Họ có những thủ thuật tâm lý cực kỳ tinh vi và kết hợp chúng một cách tài tình chỉ với một mục tiêu duy nhất là làm người chơi… sợ đến vỡ mật. Sau đây là top 8 thủ thuật kinh điển nhất của game kinh dị, mời các bạn xem qua để có gì chơi cho nó đỡ bỡ ngỡ.

Tầm nhìn nhân vật bị giới hạn

Đối đầu với những con quái vật xuất hiện sừng sững trước mặt đôi khi lại chẳng sợ hãi bằng việc đối đầu với những con quái vật luôn lẩn trốn trong bóng tối, tránh khỏi tầm mắt của chúng ta. Đơn giản là bởi vì con người chúng ta luôn sợ hãi những thứ mà chúng ta không biết, và nếu tầm nhìn cứ tiếp tục bị hạn chế và chúng ta cứ tiếp tục điều khiển nhân vật tiến tới thì nỗi sợ và hồi hộp cứ thế mà tăng dần lên. 

Một trong những cách chính mà các nhà phát triển áp dụng công thức giới hạn tầm nhìn này đó chính là hạn chế góc quay camera của người chơi. Một ví dụ dễ thấy nhất đó là chính các tựa game Silent Hill và Resident Evil, góc quay camera của nhân vật bị cố định ở một chỗ trong mỗi vị trí mà nhân vật đi qua. Chính điều này đã khiến cho những game thủ ngày ấy (hoặc kể cả bây giờ) đều cảm thấy khó chịu và nơm nớp sợ hãi vì không biết cái gì sẽ nhảy xổ ra mỗi lần góc quay thay đổi.

Còn đối với các tựa game kinh dị ngày nay thì nhà phát triển thay vì cố định camera thì họ sẽ cho bạn cầm một cái đèn pin hoặc một cái máy ảnh có khả năng hết pin. Môi trường xung quanh cũng bị làm tối đi để khiến cho bạn phải lệ thuộc chủ yếu vào ánh sáng của các thiết bị bạn cầm trên tay. Và đương nhiên, chẳng điều gì đáng sợ hơn việc bạn bị bỏ lại trong một bệnh viện bỏ hoang tối tăm với một chiếc đèn pin yếu ớt sắp tắt.

Ngay kể cả với tựa game không thuộc thể loại kinh dị như Subnautica thì bạn cũng sẽ cảm thấy sợ hãi khi đi khám phá sâu xuống mấy trăm mét dưới lòng đại dương, nơi mà ánh sáng mặt trời không rọi tới được và cũng là nơi mà rất nhiều thủy quái khổng lồ đang bơi lội trong bóng tối và bạn sẽ chẳng thể nào biết được chúng sẽ tấn công khi nào.

Nghệ thuật tạo ra âm thanh của những nỗi sợ

Đối với một bộ phim kinh dị, âm thanh là một yếu tố vô cùng quan trọng bởi vì nó quyết định phần lớn nỗi sợ của người xem, và việc bạn phải vặn nhỏ âm lượng video lại để xem cho đỡ sợ là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Tương tự như vậy đối với các tựa game kinh dị, chỉ có điều là âm thanh trong game sẽ không bị cố định như phim mà nó sẽ thay đổi linh hoạt theo tình huống hiện tại của người chơi. 

Chẳng hạn như trong tựa game Resident Evil 2 Remake, các bạn có thể nghe thấy tiếng chân của Mr.X càng ngày càng to khi hắn đến gần bạn, và âm nhạc cũng sẽ nổi lên như một dấu hiệu thông báo rằng “chạy ngay đi”. Đương nhiên, những lúc như thế thì người chơi sẽ cuống lên và bắt đầu tìm chỗ mà trốn chứ ít khi nào còn đủ bình tĩnh đứng lại để chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra, trừ khi bạn đang cầm trong tay một quả cối, hoặc một khẩu súng bắn lựu.

Ngoài âm nhạc ra thì một số game còn tận dụng âm thanh của các tiếng âm báo để tăng dần nỗi sợ của người chơi. Chẳng hạn như trong tựa game Alien: isolation, bạn sẽ phải dựa vào tiếng beep của thiết bị theo dõi chuyển động để biết được rằng con xenomorph đang ở đâu trên trạm không gian. Và một khi tiếng beep này càng ngày càng to dần và dồn dập hơn thì sẽ càng khiến bạn cảm thấy sợ nổi hết da gà.

Hãy chạy đi, đừng chống trả

Các tựa game kinh dị ngày trước hầu như đều rất hào phóng khi cho game thủ cơ hội chống trả những kẻ thủ mà họ sẽ chạm trán trong trò chơi bằng cách cung cấp một số vũ khí trên đường đi. Tuy nhiên, các tựa game như Amnesia, Outlast hoặc các tựa game kinh dị mới hiện nay hầu như đều không khoan dung cho game thủ như thế. Họ sẽ cho người chơi một lựa chọn duy nhất đó là vắt chân lên cổ chạy khỏi những con trùm mà chỉ cần nhìn hình dạng thôi cũng đủ biết nắm đấm không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề.

Việc bạn không thể chiến đấu mà chỉ có thể chạy, chạy và chạy tạo một cảm giác bất lực vô cùng. Đó là còn chưa kể một số game sẽ có những pha rượt đuổi không chỉ căng thẳng mà còn kéo dài dai dẳng nữa, và đương nhiên là game sẽ không để bạn chỉ có chạy không thôi đâu mà còn bắt bạn vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được giao trong lúc chạy trốn. 

Cũng có một số game kinh dị cho phép bạn chống trả lại kẻ thù nhưng nó chỉ mang tính tạm thời và cho vui mà thôi. Ví dụ như trong Resident Evil 2 Remake, bạn không thể bắn chết được Mr.X mà chỉ có thể hạ gục hắn trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc trong tựa game Alien: isolation, bạn có thể đánh hạ được những tên người máy trên trạm không gian nhưng lại không thể làm trầy da xước thịt được xenomorph trừ khi bạn kiếm được cây súng lửa trong game. Tuy nhiên thì bạn không thể giết nó mà chỉ tạm thời đuổi nó lên các ống thoát khí mà thôi.

Nhà làm game chơi đùa với những dự đoán của bạn

Kể cả khi bạn là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực game kinh dị, biết hết các mánh khóe hù dọa từ căn bản cho tới cao cấp thì cứ yên tâm đi, nhà làm game sẽ luôn biết làm thế nào để khiến cho bạn sợ hãi bằng cách chơi đùa với những dự đoán và cảm tính của bạn.

Nghe có vẻ khó tin? Thế thì mình sẽ lấy tựa game kinh dị Outlast làm ví dụ nhé. Trong những khung cảnh đầu tiên khi bạn bước vào khu bệnh viện tâm thần, bạn sẽ thấy một bệnh nhân ngồi trên chiếc xe lăn chắn ngang đường đi của bạn. Theo lẽ thông thường, ai nhìn vô cũng sẽ rằng khi mình cố gắng lách qua thì chắc chắn sẽ có một điều gì đó xảy ra, chẳng hạn như người bệnh nhân đó tự nhiên chồm dậy chẳng hạn. Tuy nhiên, đáng tiếc thay là chẳng có chuyện gì xảy ra cả, mọi thứ vẫn bình thường như cơm đường hộp sữa.

Sau khi bạn hoàn thành xong nhiệm vụ được giao, một lần nữa bạn sẽ phải đi lách qua người bệnh nhân ngồi xe lăng một lần nữa. Xui thay, mọi thứ cứ tưởng là yên bình như lần đầu gặp anh ấy nhưng không, lần này anh ấy lại nhảy xổ vào bạn và chắc chắn điều này không ít thì nhiều cũng sẽ khiến bạn giật mình. Bởi lẽ, lúc đầu game đã lừa cho bạn dự đoán rằng mọi thứ vẫn bình thường cho tới khi bạn hạ cảnh giác của bạn xuống thì “boom”, ăn ngay quả hù lớn. 

Điều này càng chứng tỏ một điều rằng nhà làm game đang chơi đùa với những dự đoán hiện ra trong đầu bạn. Những phân cảnh bình yên được tạo ra chỉ để đánh lừa bạn khi bạn đang trong chế độ cảnh giác mà thôi. 

Thiết kế để tạo hội chứng không gian kín

Bạn có nhận thấy rất nhiều bộ phim kinh dị diễn ra trong những tòa nhà có hành lang hẹp hoặc rừng cây như mê cung không? Lý do cho sự hiệu quả của phương pháp này là việc nó sẽ biến bối cảnh kinh dị trở nên dồn dập gấp rút hơn, khi bạn bị một con ma hoặc một kẻ thủ ác truy đuổi trong không gian kín. Bầu không khí ngột ngạt, sự hồi hộp và cảm giác bị mắc kẹt sẽ khiến người chơi/xem cảm thấy căng thẳng và sợ hãi.

Những trò chơi có thể kể đến đơn cử như Resident Evil, Outlast, F.E.A.R,… những ngõ cụt khác nhau và các con đường nối liền lại tăng thêm mức độ thử thách và thúc đẩy người chơi đi đúng hướng, đồng thời khiến người chơi phải cân nhắc kĩ lưỡng những lối đi nếu không muốn chạy vào ngõ cụt và bị con ma bắt được.

Điều này thậm chí còn kinh khủng hơn trong tựa game Slenderman: The Eight, khiến những người chơi dày dặn kinh nghiệm nhất cũng phải mò mẫm trong bóng tối ghê rợn.

Giới hạn tài nguyên

Trong những tựa game kinh dị, việc giới hạn số tài nguyên chẳng hạn như pin, đạn dược, thuốc men, vật dụng thắp sáng, sẽ đánh đòn cực mạnh vào tâm lý của người chơi, khiến họ căng thẳng và cẩn trọng trong từng quyết định. 

Mỗi viên đạn đều là một tài nguyên quý giá, và với số lượng vật phẩm giới hạn, bạn sẽ phải lựa chọn kĩ càng giữa việc mang theo hoặc bỏ đi một thứ gì đó quan trọng. Và nếu như đưa đến quyết định sai lầm, bạn sẽ phải trả giá rất đắt đấy.

Tạo sự khó khăn có chủ đích khi điều khiển nhân vật

Ngay cả khi các trò chơi kinh dị cung cấp cho chúng ta một vũ khí để tự vệ, thì chúng vẫn có cách để đẩy người chơi vào tình thế khó khăn bằng việc khiến chúng ta không thể kiểm soát được nhân vật.

Cơ chế chuyển động và nhắm bắn mục tiêu sẽ được làm khó dễ đi rất nhiều trong các tựa game. Trong phiên bản làm lại của Resident Evil 2, bạn chỉ có thể bắn chuẩn khi bạn đứng yên một lúc lâu, và điều đó sẽ trở thành một trong những điểm “chết người” của nhân vật.

Alien: Isolation thì khiến bạn phải mất cả “tỷ năm” để nạp đạn bằng việc nhét từng viên từng viên một vào khẩu súng, và mỗi khi lưu game, bạn phải khựng lại rồi mất cả đống thời gian. Những việc đó chính là điều khiến bạn có nguy cơ “gặp ma” cao nhất đấy.

Cho thật nhiều cảnh máu me kinh dị vào

Như một lẽ thường, mấy cảnh máu me luôn có hiệu quả trong việc làm khán giả sợ, mấy bộ phim máu me như Blood Feast, Cannibal Holocaust và Hostel là những ví dụ điển hình cho thể loại kinh dị này. Thế nên cũng không lạ gì khi game kinh dị cũng áp dụng cùng một công thức.

Máu me và ruột gan phèo phổi là những thứ mang lại cảm giác ghê rợn, kinh tởm, khó chịu và gây sốc cho người chơi. Outlast là một con game đặc biệt nổi tiếng với trò chiếu những thứ khó chịu này một cách cực kỳ chi tiết để đảm bảo nó ăn luôn vào não của người chơi. Tương tự, mấy cảnh máu me cũng được sử dụng triệt để trong Dead Space và series Resident Evil.

Nhìn thấy cảnh máu thịt bầy nhầy là một chuyện, nhưng nhưng sự sợ hãi còn được tăng lên một tầm cao mới khi cái mớ kinh dị đó bay ra từ cơ thể của nhân vật mà chúng ta đang chơi nhờ vào mối liên kết giữa người chơi và nhân vật. 

Nguồn: whatculture

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360