Ngành game là một trong những ngành mang lại lợi nhuận nhiều nhất với thị trường càng ngày càng được mở rộng và đồng thời cũng phát triển không ngừng nhờ những tiến bộ công nghệ vượt bậc. Theo lẽ thường tình thì chất lượng game cũng sẽ đi lên theo, và phần lớn trường hợp đều như thế. Tuy nhiên, đôi lúc vẫn có những tựa game được phát hành với chất lượng rất tệ, cứ như là chưa hề được kiểm duyệt vậy. Sau đây là danh sách 10 tựa game thảm họa vì chưa hoàn thành mà vẫn bị phát hành.

Halo: The Master Chief Collection

Halo là một trong những dòng game đình đám nhất trong những năm 2000. Thậm chí, đến tận ngày hôm nay thì bộ 3 phần Halo đầu tiên vẫn được xem là những game FPS tuyệt vời nhất từng được sản xuất. Vì thế nên khi biết được tin 343 Industries sẽ phát triển Halo: The Master Chief Collection, fan đã vô cùng háo hức vì cuối cùng cũng được sống lại một thời huy hoàng. Tuy nhiên, khi game thủ tham gia vào mục chơi mạng (multiplayer) thì đã phải thở dài ngao ngán vì nó dính quá nhiều lỗi (bug) và thời gian tìm trận (matchmaking) thì chờ dài cả cổ.

Microsoft đã có lời xin lỗi về việc này và đền bù bằng 1 tháng sử dụng miễn phí dịch vụ Xbox Live Gold, tặng mục chơi chiến dịch (campaign) của Halo 3: ODST và một số vật phẩm trong game cho những “nạn nhân”. Halo: The Master Chief Collection là một dự án đầy tham vọng, bao gồm 6 phần Halo, nhưng nó lại được ra mắt trong tình trạng không hoàn hảo. Khá là đáng tiếc.

Star Trek (2013)

Star Trek không hẳn là hợp cạ lắm trong mảng game. Mặc dù nó vẫn có một vài game hay trong thập niên 90 nhưng nhìn chung thì vẫn khá là “chìm” so với những dòng game khác. Năm 2009 thì series Star Trek đã có một bản phim reboot khá là hào nhoáng, vì thế nên khi phiên bản game được công bố với dàn nhân vật từ trong phim đem qua thì fan đã vô cùng mừng rỡ. Tuy nhiên, khi game được ra mắt vào năm 2013 thì người chơi đã thất vọng tràn trề.

Cơ chế co-op trong game cũng thú vị đó, nhưng nhìn chung thì game này kém chất lượng và không được đầu tư đúng mực. Đó là chưa kể khi ra mắt, tính năng chơi co-op – thứ thu hút người chơi mua tựa game này – lại không hoạt động đối với một số người. Còn lý do vì sao thì lại không được tiết lộ cụ thể. Kể từ đó, Star Trek bị cho là một trong những tựa game dở nhất mọi thời đại.

No Man’s Sky

Cái tên này thì đã quá quen thuộc với anh em luôn rồi. Nó được tung hô nhiều đến mức mà gần như chắc chắn khi ra mắt sẽ không thể nào đáp ứng được kì vọng của mọi người. Thật vậy, khi game được cho lên kệ thì người chơi không chỉ cảm thấy bị lừa dối mà còn phải đối mặt với hàng tá lỗi lớn nhỏ khác nhau liên quan đến tốc độ khung hình, khựng hình, và game bị crash khi mới mở lên hoặc khi mở bản đồ ngân hà lên xem, thậm chí sau khi nhận được bản cập nhật đầu tiên thì những lỗi này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đó là chưa kể khi quảng bá thì game thủ được hứa hẹn là sẽ được tương tác với nhau thoải mái, nhưng đến khi vào game rồi thì mới biết là ở đây chỉ có riêng mình ta, chứ chẳng có ma nào khác, huống hồ chi là tương tác với nhau.

Trong những tháng sau đó thì nhà phát triển đã tích cực tung ra các bản vá lỗi, cập nhật nhằm cải thiện chất lượng game và bổ sung các tính năng như đã hứa hẹn. Kết quả là No Man’s Sky đã trở thành một tựa game đáng để chơi thử; nhưng xui cho Hello Games là tổn thất về tinh thần của người chơi thì không thể nào tung ra bản vá như trong game được.

Battlefield 4

Dòng game này nổi tiếng với chiến trường rộng lớn và khốc liệt trong mục chơi online. Mặc dù có nhiều phần trong series này sở hữu chế độ chơi chiến dịch rất ổn, rất nhiều game thủ mua Battlefield về chỉ để chơi chế độ multiplayer mà thôi. Tuy nhiên, Battlefield 4 lại không thể làm thỏa mãn game thủ ở bất kì chế độ chơi nào. Chế độ chơi đơn thì bị các nhà phê bình chê lên chê xuống, còn game thủ thì nhận xét là nó có thời lượng ngắn và không có chiều sâu. Nhưng cú chốt hạ ở đây là chế độ chơi mạng. Khi ra mắt, chế độ này tràn ngập các lỗi lớn nhỏ và vấn đề về mặt kỹ thuật, đến nỗi không tài nào chơi được. Mặc dù DICE có hứa hẹn là sẽ sửa hết lỗi trước khi tung ra nội dung mới, khi bản mở rộng thứ 2 được tung ra thì Battlefield 4 vẫn còn kha khá lỗi còn tồn đọng. Không thể ngờ rằng một thương hiệu lớn như vậy mà lại ra mắt một tựa game chưa hoàn thiện như thế này.

Fallout 76

Fallout 76 là một pha tuột dốc mà cho dù có phanh cũng không thể hãm nó lại trong một series đình đám như Fallout. Ngay từ khi chưa ra mắt, những ai đã đặt mua trước Fallout 76 để tham gia vào đợt thử nghiệm (beta) đều phát hiện ra rằng họ chỉ có thể vào game chơi vài tiếng một tuần, và thậm chí có người còn phải tải lại luôn cục 45GB thêm một lần nữa thì mới vào game được. Ngoài ra thì anh em cũng không thể nào xóa được bản beta này, chỉ có thể ngồi nhìn nó chiếm 45GB trong máy mình mà thôi.

Khi ra mắt game, Bethesda thậm chí còn cảnh báo là Fallout 76 sẽ có rất nhiều lỗi, nhưng ngoài lỗi ra thì game còn thiếu rất nhiều tính năng đã hứa hẹn lúc trước. Từ lúc phát triển cho đến lúc phát hành và quảng bá thì không có cái nào nhìn cho đàng hoàng cả, tất cả cứ như là một trò đùa vậy.

Sonic The Hedgehog (2006)

Đây là tựa game Sonic đầu tiên đặt chân lên nền tảng console thế hệ thứ 7 (bao gồm PS3, Xbox 360, Nintendo Wii) và cũng được biết đến như là một tựa game thảm họa thật sự. Game được ra mắt trong tình trạng đầy rẫy lỗi, thậm chí còn có khúc nhìn vô là biết ngay chưa kịp hoàn thành, khiến không ít game thủ chỉ mới chơi được vài phút là buông tay cầm luôn. Bên cạnh đó thì hệ thống camera trong game cũng khá là cồng kềnh, tốc độ khung hình thì trồi sụt thất thường. Chưa kể những lúc loading là chờ mòn mỏi luôn, và khi chờ xong thì màn chơi đó cũng gặp không ít lỗi bực mình. Đây hẳn là một pha tát thẳng vào mặt những game thủ gạo cội của series này.

Deadly Premonition 2: A Blessing In Disguise

Đây là phần tiếp theo của tựa game kinh dị – sinh tồn từng ra mắt vào năm 2010. Deadly Premonition là một trong những tựa game gây tranh cãi nhiều nhất từ trước đến nay, và đến phần 2 này thì nó vẫn tiếp tục “truyền thống” đó. Deadly Premonition 2 bị dính nhiều lỗi và khi load game thì phải chờ rất lâu, nhưng vấn đề lớn nhất của tựa game này chính là tốc độ khung hình như rùa bò. Có những lúc chơi game mà anh em sẽ có cảm tưởng như là xem phim stop-motion được làm bởi một đứa con nít vậy. Nói chung là không tài nào “nuốt” nổi. Có nhiều báo cáo cho rằng Deadly Premonition 2 còn không có ý định sửa lỗi là đằng khác. Hi vọng rằng nhà phát triển sẽ suy nghĩ lại về phát biểu này.

Aliens: Colonial Marines

Ra mắt vào năm 2013, và vì là game thuộc series phim Alien đình đám nên game thủ đã kì vọng rất nhiều vào phần này. Tuy nhiên, nó lại vướng vô số lỗi kĩ thuật, chất lượng đồ họa thì rất tệ, và AI của kẻ địch thì cực kì ngu ngốc. Gần như ai chơi game này cũng đều phải than trời vì chất lượng của nó. Thậm chí, SEGA còn bị kiện vì quảng cáo sai sự thật, lý do là vì phiên bản demo đưa cho báo chí chơi thử lại có chất lượng đồ họa vượt trội hơn hẳn so với phiên bản chính thức. Colonial Marines bị chỉ trích vì có texture chất lượng thấp, model nhân vật cực kì tệ, và animation thì thôi miễn bàn nhé. Về mặt gameplay thì nó cũng chả ăn rơ gì với series Alien. Hài hước ở chỗ là 4 năm sau đó, đã có một người phát hiện ra lỗi đánh máy trong phần mã của game, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến AI vô cùng đần độn khi mới ra mắt.

Assassin’s Creed Unity

Khi mới ra mắt thì Unity đã dính một đống lỗi, bao gồm: nhân vật NPC không có khuôn mặt, tốc độ khung hình cực kì thấp, chế độ co-op bị hư và người chơi thì có thêm kỹ năng “độn thổ”. Và game thủ lại chính là người báo cáo lỗi này cho Ubisoft, bởi vì hãng này chỉ cho các bên review game đăng tải bài viết sau khi game đã ra mắt được 12 tiếng. Sự kiện ra mắt này bị chê thậm tệ đến nỗi Ubisoft đành phải tặng thêm 1 game miễn phí, coi như là đền bù cho người chơi. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là nếu anh em lấy game miễn phí thì điều này đồng nghĩa với việc anh em chấp nhận từ bỏ quyền đâm đơn kiện Ubisoft đối với trường hợp của Unity. Một pha xử lý phải nói là vô cùng “tài tình” đến từ một hãng đình đám trong làng game.

Mass Effect: Andromeda

Sau khi bộ ba phần Mass Effect đầu tiên khép lại thì tất cả ánh mắt đều hướng về phần tiếp theo – Mass Effect: Andromeda – với hi vọng là BioWare sẽ tìm được cách sửa chữa sai lầm của họ sau Mass Effect 3. Tuy nhiên, khi trình làng, Mass Effect: Andromeda chẳng khác gì một mớ hỗn độn. Sau khi bị dời ngày ra mắt thêm vài tháng thì game vẫn có rất nhiều lỗi. Cụ thể là nhân vật không hề có biểu cảm khuôn mặt, cứ cứng đờ như pho tượng, và đồ họa trong game cũng không thực sự ấn tượng.

BioWare đã tung ra một vài bản vá để cải thiện chất lượng của Andromeda, nhưng vì lỗi quá nhiều nên sửa cũng khó thể nào mà triệt để được. Lẽ ra với một tựa game đình đám như thế này thì chất lượng phải được đảm bảo ngay từ đầu mới phải. Và cho đến bây giờ thì game thủ vẫn không biết được series này sẽ đi đâu về đâu luôn.

Nguồn: What Culture