Top 10 tựa game sẽ thay đổi quan điểm của bạn về thế giới!
Game có thể chơi để thư giãn, xả stress, hoặc đơn thuần chỉ là để giết thời gian. Nhưng bên cạnh đó cũng có những game ẩn chứa bên trong là thông điệp mà nhà phát triển muốn gửi gắm đến người chơi. Những game này thường có cốt truyện sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa, nhân vật cũng được đầu tư chăm chút, và nhất là sau khi chơi xong thì nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí game thủ.
Hiện nay thì những game như thế này không thiếu. Và cũng chẳng có gì là sai khi mà bạn ngồi xuống, chơi một tựa game, và rồi bỗng chợt nhận ra tư tưởng và suy nghĩ trong bạn về thế giới xung quanh đã thay đổi xuyên suốt hành trình trong game. Suy cho cùng, game cũng là một loại hình nghệ thuật, và sau đây là danh sách 10 tựa game có khả năng thay đổi thế giới quan của game thủ.
Bioshock
Tựa game Bioshock đã dấy lên một câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu tồn tại một thiên đường dưới đại dương được vận hành bởi những kẻ giàu có và toàn bộ người dân ở đây đều có siêu năng lực? Có lẽ điều thú vị nhất về game này là thế giới được xây dựng trong game. Bioshock đã vay mượn và xoáy mạnh vào những học thuyết chủ nghĩa khách quan (Objectivism) của Ayn Rand.
Nói một cách đơn giản thì chủ nghĩa khách quan là một hệ tư tưởng mà trong đó, con người sẽ có thể phát triển nếu chúng ta biết cách đặt nhu cầu của mình lên trước nhu cầu của người khác, và không phải chịu sự chi phối hay can thiệp của chính quyền địa phương. Thành phố dưới biển Rapture đã tự hào về hệ tư tưởng này và treo biểu ngữ khắp nơi với dòng chữ: “No Gods, or Kings. Only man.” (“Không có thần, cũng chẳng có vua chúa. Chỉ có con người với nhau mà thôi.”)
Tuy nhiên, hệ tư tưởng này không thể tồn tại được lâu, và nhà sáng lập ra thành phố Rapture, Andrew Ryan, là hiện thân của điều này. Ryan cấm không cho bất kì một ai đá động gì đến Rapture, điều này vô tình biến ông ta thành một nhân vật chính trị trung tâm và can thiệp vào cuộc sống của những cá nhân nơi đây. Nói cho vuông thì Andrew Ryan chính là “vua chúa” tại Rapture, và những người còn lại chỉ là thường dân mà thôi.
Deus Ex
Đối với nhiều game thủ thì Deus Ex là một trong những tựa game tạo được tiếng vang trong thể loại cyberpunk. Nó đề cập đến các vấn đề như Triết học siêu nhân học (transhumanism), âm mưu (conspiracies), nhân bản (cloning), và đây rất có thể là tương lai mà chúng ta đang hướng tới. Trong 2 phần gần đây nhất là Human Revolution và Mankind Divided, mặc dù bản thân chúng đều là những tựa game hay, nhưng lại không thể đem lại cái cảm giác và bầu không khí giống như phần Deus Ex gốc được. Mọi thứ quá tươi tắn với ánh nắng vàng ươm, trong khi bản gốc thì rất là ảm đạm và u ám.
Và cái tương lai mịt mù đó cũng là mối lo sợ của nhiều người, e rằng đây cũng chính là tương lai mà chúng ta có thể phải đón nhận nếu tiếp tục đi trên con đường hiện tại. Viễn cảnh các tập đoàn lớn chiếm quyền kiểm soát cùng với sự trỗi dậy của điều khiển học (cybernetics) và cấy ghép vi mạch để tăng cường sức mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Và Deus Ex chính là tựa game nhắc nhở chúng ta về điều này.
Journey
Khác với những tựa game trên, Journey giống như là một cuộc “di trú” về tinh thần hơn là cho chúng ta một cái nhìn khác về thực tại. Trong game, bạn chỉ đơn thuần là đi bộ xuyên qua sa mạc và các ụ đồi nhấp nhô mà không hề bị câu chữ, câu chuyện, hay bất kì thứ gì khác chen ngang. Journey là một tựa game đúng như tên được đặt: một cuộc hành trình.
Đôi lúc game thủ sẽ gặp gỡ những người khác trên đường và cùng đồng hành trên chặng đường phía trước, và tất nhiên cũng chẳng nói với nhau một lời nào, chỉ đơn giản là cùng nhau tận hưởng cuộc hành trình này. Đây có lẽ là một trong những tựa game mang tính thư giãn nhất và có cách chơi multiplayer khá độc đáo. Hai người đi chung với nhau, kề vai sát cánh bên nhau, nhưng lại chẳng hé nửa lời; và kì lạ thay, đây lại chính là yếu tố đem mọi người đến gần với nhau hơn. Khi chơi xong, bạn sẽ không có cảm giác là đã hoàn thành game, mà thay vào đó là một cảm giác tĩnh tâm khiến cuộc sống của bạn bị thay đổi lúc nào không hay biết.
Kenshi
Những tựa game khác có thể khiến bạn thay đổi suy nghĩ với những lý tưởng cao cả và niềm tin mãnh liệt, nhưng Kenshi thì sẽ khiến bạn thay đổi suy nghĩ chỉ với sức mạnh của ý chí. Nếu có tựa game nào thể hiện rõ nhất mặt bi quan và đau thương của nhân loại thì đó chính là Kenshi. Bất kể bạn đưa ra sự lựa chọn nào đi chăng nữa thì kết cục cũng sẽ vô cùng tồi tệ.
Bạn cố gắng làm việc lương thiện và không đá động đến người khác? Tụi côn đồ cũng sẽ đá động đến bạn, đập bạn nhừ tử rồi cướp đồ. Chuyển sang nơi khác để cư trú và sống một cuộc sống an nhàn? Hoan hô, bạn vừa bị một lũ ăn thịt người bắt cóc và sắp sửa biến thành một con heo quay. Hay là chi bằng mình cứ đứng yên tại chỗ, đối đầu với bọn man rợ đó một lần xem sao? Rất tiếc, bạn đã chết!
Cách duy nhất để sống sót trong Kenshi là không được tin ai cả, làm điều gì cũng phải cẩn trọng, và hãy học cách gồng mình sống qua ngày. Thậm chí, ngay cả khi bạn làm như thế thì cũng chưa chắc gì sẽ được toàn thây vào cuối game. Game này không cần biết bạn lạc quan, yêu đời đến mức nào; nó chỉ biết rằng cuộc sống này rất khắc nghiệt và khó khăn, và nó sẽ dạy cho bạn biết được điều đó bằng bất cứ giá nào.
Dòng game The Total War
Mặc dù series Total War không hề chứa đựng những triết lý sâu sắc nào hết, và cũng chẳng khiến game thủ phải tự hỏi về mục đích tồn tại của mình là gì, nó lại làm một điều rất là quan trọng – đó là chỉ ra cho bạn biết lịch sử trước kia là như thế nào.
Một trong những cách tốt nhất để nhìn nhận thế giới hiện tại là qua lăng kính của quá khứ. Dòng game Total War đã tái hiện lại những cột mốc trong lịch sử một cách khá là chính xác, cho phép bạn tham gia vào công cuộc xây dựng Rome (hay thậm chí là sự sụp đổ của nó), hoặc là tranh đua để có được vị trí Tướng quân (Shogun) của nước Nhật Bản.
Tất nhiên, trong game thì bạn hoàn toàn có thể làm theo ý muốn của mình và biến đổi lịch sử theo một hướng khác, nhưng những nhân vật, phe phái, hay thậm chí là các tôn giáo quan trọng đều xuất hiện để game thủ có thể tìm hiểu và khám phá trên hành trình. Chỉ cần chơi một game trong series này thôi là game thủ đã ngỡ ra được rất nhiều điều thú vị. Tiếc là giống với Assassin’s Creed, series Total War dần mất đi cái hay vốn có của nó, thay vì bám sát với lịch sử thì nó lại chuyển sang tập trung vào các yếu tố fantasy.
Nier Automata
Nhìn sơ qua thì Nier Automata có vẻ như đơn thuần chỉ là một tựa game hành động chặt chém, với nhân vật nữ chính là một người máy android mặc bộ đồ khá là nóng bỏng. Nói như thế cũng không hẳn là sai, nhưng ẩn đằng sau “bộ đồ” kia là tầng tầng lớp lớp những mảnh ghép về cuộc sống. Sau khi “phá đảo” lần đầu tiên thì game thủ được quyền chơi lại lần thứ hai, với tất cả những cung bậc cảm xúc mà họ đã trải qua trong lần chơi vừa rồi.
Đây cũng chính là thời điểm mà game thủ chợt nhận ra rằng mọi thứ xung quanh có gì đó… không được đúng cho lắm. Khi vào vai con android 9S, người chơi sẽ có được kỹ năng “hack” kẻ địch. Nghe thú vị nhỉ? Cho đến khi bạn gặp con trùm Beauvoir thì mọi chuyện sẽ đi chệch quỹ đạo của nó. Lúc trước thì đây chỉ là một màn đấu trùm như bình thường, xong rồi đi tiếp đến chỗ khác; nhưng khi bạn được điều khiển 9S và hack con trùm này thì sẽ lộ ra những kí ức của 9S, khiến bạn cảm thấy đồng cảm với những con robot.
Việc hack con trùm Beauvoir sẽ cho bạn biết robot đang dần trở nên giống con người hơn, và nhất là chúng đều có cảm xúc, ước mơ, hoài bão, và niềm đam mê mãnh liệt. Cứ ngỡ là vô tri vô giác, nhưng thực ra robot lại giống chúng ta hơn là chúng ta từng nghĩ.
Stardew Valley
Stardew Valley đơn thuần chỉ là một tựa game mô phỏng làm nông, không có gì phức tạp cả. Game rất là nhẹ nhàng, thư thái, cũng chả có chiến tranh gì cả. Valley chỉ có hòa bình, vài thửa ruộng, và mấy con bò thôi. Bạn sẽ vào vai một người nông dân trồng trọt chăn nuôi, lâu lâu giúp đỡ hàng xóm láng giếng một chút. Và cũng chính vì sự bình dị, mộc mạc này mà game trở nên vô cùng lôi cuốn và thu hút. Chỉ cần bật game lên là mọi muộn phiền, cực nhọc như tan biến; chỉ còn lại bạn và cuộc sống “mần nông cày bừa” nhàn hạ.
Bất kể bạn là ai, Stardew Valley sẽ giúp xóa tan đi mọi lo âu, trăn trở của bạn, giúp bạn “thanh lọc” tâm hồn của mình. Valley sẽ chào đón bạn với vòng tay rộng mở, đem đến cho bạn sự lạc quan yêu đời cần thiết trong một thế giới đầy bi quan và cám dỗ như thực tại.
Disco Elysium
Disco Elysium là một chuỗi tư tưởng chính trị xã hội được phơi bày ra ngay trước mặt game thủ. Mỗi quyết định của người chơi đều dẫn nhân vật chính đến một kết cục rất là bất ngờ. Bất kể là bạn có tư tưởng chính trị như thế nào, game sẽ đào sâu vào tư tưởng đó và đặt ra câu hỏi rằng vì sao bạn lại chọn cái đó, ngay cả khi người chơi chả biết điều gì đang xảy ra bởi vì họ chỉ vô tình chọn nó mà thôi.
Tất nhiên là bạn có thể phản kháng lại, nói rằng bạn làm như thế vì đây là cách hợp lý nhất để đi theo tư tưởng Advanced Race Theory, và bồi thêm một chút chủ nghĩa Neoliberalism cho câu nói của bạn có thêm sức nặng. Hoặc là bạn cũng chả cần quan tâm đến những điều này, cứ mặc kệ nó mà tiếp tục bước thôi.
Metal Gear Solid 2
Metal Gear vừa là một lời cảnh tỉnh, vừa là một lời chúc mừng đối với những kết quả mà công nghệ đã tác động lên cuộc sống hiện đại. Hideo Kojima đã rất khéo léo trong việc lồng ghép các tư tưởng và học thuyết khoa học vào trong đứa con tinh thần của mình, nhất là các tư tưởng liên quan đến di truyền hoặc robot.
Và có lẽ ví dụ điển hình nhất cho việc này là Metal Gear Solid 2. Cả game đều xoay quanh những vấn đề như ý chí tự do (free will), ký ức và thân phận của một con người, và có cả một đoạn độc thoại nói về giá trị xã hội của meme – ý tưởng (concept) về việc truyền đạt những kiến thức và tư tưởng thông qua sự tương tác và sinh sôi của con người. Nếu nhìn qua lăng kính này thì cả dòng game Metal Gear Solid giống như là một bài luận án móc nối chặt chẽ với nhau hơn là một tựa game đơn thuần. Đây không hẳn là một điều tồi tệ, chỉ là đôi lúc những game như thế này sẽ khiến cho bạn tự hỏi rằng cái quái gì đang diễn ra trong cuộc sống này.
The Last Of Us
Sau vài phân cảnh lâm li bi đát, đau khổ tột độ thì nhân vật chính Joel và Ellie cũng đã đến được nơi mà mình cần đến, nhưng đó chưa phải là kết thúc. Khi đứng giữa 2 sự lựa chọn: hoặc là hi sinh Ellie để tìm ra phương thuốc chữa trị giúp loài người thoát khỏi dịch bệnh zombie đang hoành hành; hoặc là tìm cách cứu Ellie ra khỏi phòng thí nghiệm, tước đoạt tia hi vọng mong manh của nhân loại, thì Joel đã chọn phương án thứ nhì.
Ban đầu thì dường như đây là một sự lựa chọn vô cùng tồi tệ. Nó không chỉ đẩy loài người đến bờ vực diệt vong mà Joel còn phải ra tay sát hại một vài nhân vật quan trọng, trong khi bản thân anh ta lại biết rõ rằng nếu không phải là họ thì sẽ chẳng có ai tìm được phương thuốc cứu chữa cả. Nhưng khi suy nghĩ lại, sau khi đã dành phần lớn thời gian đồng hành cùng với 2 nhân vật này thì game thủ cũng đã “ngộ” ra được một điều. Rằng Joel đang rất đau khổ vì con gái của mình đã chết, và trước khi gặp Ellie thì Joel không nghĩ rằng sẽ có một người nào đó có thể khiến anh yêu thương nhiều như con gái của mình.
Làm sao Joel có thể bỏ mặc người con gái thứ 2 của mình trong một thế giới tàn nhẫn và bất bình đẳng như thế? Và cuối cùng thì quyết định của Joel có đúng hay không? Tất nhiên là không, nhưng nó cũng chẳng sai tí nào cả.
Nguồn hình: https://uhdpixel.com/wall/2b-and-9s-nier-automata-4k-y915/
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game dính phốt vì chưa phát triển xong đã vội “phát hành”
- Top 10 tựa game chi phí phát triển không bao nhiêu nhưng gom tiền nhiều như bom tấn
- Top 10 tựa game đình đám đến mức đẩy nhà phát triển của chúng phải bỏ nghề
- Top 10 tựa game cực hay mà bạn không ngờ là được phát triển bởi chỉ 1 người
- Top 10 chiêu trò cực độc mà nhà phát triển sử dụng để gài hàng game thủ
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!