Những năm 90 của thế kỷ 20 có thể nói là thời hoàng kim của thể loại game nhập vai (RPG). Có rất nhiều dòng game kinh điển được khai sinh vào khoảng thời gian này như Diablo, Baldur’s Gate, Fallout và nó đã gây ra tiếng vang trong cộng đồng game thủ thời bấy giờ. Giờ nhìn lại thì anh em sẽ thấy nó rất là cổ lỗ sĩ, nhưng xét về khía cạnh nhân vật và cốt truyện trong những game này thì vẫn bỏ xa hàng tá game hiện nay. Sau đây là danh sách 10 tựa game kinh điển đại diện thời hoàng kim game nhập vai những năm 90.
Betrayal at Krondor
Game được phát triển bởi Dynamix và ra mắt trên nền tảng MS-DOS vào năm 1993. Betrayal at Krondor có cơ chế nhập vai theo đội (party) và cho phép anh em khám phá vùng đất Midkemia. Phần lớn game được chơi dưới góc nhìn thứ nhất, khi vào combat thì mới chuyển sang góc nhìn thứ ba, hoặc nếu thích thì chỉnh sang góc nhìn từ trên xuống (top-down) cũng được. Hành trình của mỗi nhân vật trong game thường chỉ được lấy bối cảnh ở một hoặc hai vùng; tuy nhiên, anh em vẫn có thể tự do khám phá thế giới trong game tùy thích.
Các cơ chế thường thấy trong một tựa game nhập vai đều hội tụ trong game này: lên cấp, mua sắm, quán trọ. Nhưng điều khiến Betrayal at Krondor nổi bật nhất chính là cơ chế combat. Nó có góc nhìn thứ ba như đề cập bên trên, ngoài ra nó còn sử dụng hệ thống lưới (grid) như trong các tựa game chiến thuật (tactical). Anh em có thể tung ra nhiều đòn tấn công khác nhau, đặt bẫy, sử dụng ma pháp và nó sẽ quyết định xem là anh em chơi theo kiểu “chậm mà chắc” hay là “liều ăn nhiều”. Những tựa game nhập vai khác có thể phổ biến hơn, nhưng xét về cơ chế combat thì ít game nào thú vị được như game này.
Ultima VII
Ultima là một trong những dòng game nhập vai được nhiều người đánh giá cao nhất, và đỉnh cao của series này chính là Ultima VII. Game ra mắt vào năm 1992 trên nền tảng MS-DOS và được xem như là một trong những tựa game nhập vai xuất sắc nhất từng được phát triển. Những tính năng như điều khiển bằng chuột, AI cho nhân vật, hội thoại cho phép rẽ nhánh (branching dialogue trees) ngày nay đều quá đỗi bình thường, như vào thời đó thì cực kì hiếm có khó tìm anh em nhé. Ấy vậy mà Ultima VII có được mới hay. Điểm nổi bật nhất trong tựa game này chính là nó cho phép anh em tự do khám phá.
Khi bạn ở Vương quốc Brittannia, bạn sẽ được nhận một nhiệm vụ chính và vài nhiệm vụ phụ để tham gia. Tuy nhiên, anh em hoàn toàn có quyền đi lòng vòng tương tác với môi trường xung quanh. Thậm chí, nhân vật mà anh em điều khiển còn có khả năng nấu ăn, chế tạo vũ khí, và chơi nhiều nhạc cụ khác nhau. Không phải tự nhiên mà phần 7 này được xem là một tác phẩm kinh điển đâu anh em ạ.
Might and Magic VI
Dòng game Might and Magic là đối thủ cạnh tranh của Ultima phía trên. Tuy nhiên, Might and Magic lại nhỉnh hơn vào khoảng thời gian cuối thập niên 90. Trong đó, đỉnh cao là Might and Magic VI: The Mandate of Heaven. Game được phát triển bởi New World Computing và ra mắt vào năm 1998. Nó có bối cảnh tại lục địa Enroth, diễn ra vào cùng mốc thời gian như trong phần Heroes of Might and Magic III.
Điểm sáng của game này nằm ở hệ thống nhập vai. Khi anh em lập party thì có thể chọn hình đại diện và lớp (class) cho các nhân vật, và đặc biệt ở chỗ là nó có cả hệ thống điểm kỹ năng (skill point) nữa. Khi di chuyển quanh Enroth, anh em sẽ được gặp nhiều hội nhóm khác nhau mà nếu tham gia vào đó thì các lớp nhân vật sẽ học được nhiều kỹ năng khác nhau. Một số kỹ năng như Merchant và Repair thì ai cũng có được, nhưng có một số thì chỉ có vài lớp nhân vật là sở hữu được thôi. Kết hợp với khung cảnh, phong cách đồ họa, nhân vật, và thế là anh em đã có trong tay một tựa game nhập vai kinh điển rồi đó.
Diablo
Diablo ra mắt lần đầu vào năm 1997 và sau này thì phát triển thành series đình đám mà anh em game thủ đều biết. Diablo có bối cảnh ở một thế giới mà Thiên thần và Ác quỷ đã từng xảy ra các cuộc giao tranh nảy lửa, và cuộc chiến này hoàn toàn có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Anh em sẽ được đi qua các ngôi làng, hang động, và thậm chí là xuống địa ngục luôn.
Lúc này thì game chỉ mới có 3 lớp nhân vật: Warrior, Rogue, và Sorcerer (đến bản mở rộng Hellfire thì có thêm Monk nữa). Những lớp nhân vật này đều rất cân bằng và mỗi lớp có mỗi ưu nhược điểm khác nhau. Sở dĩ game thủ cực kì yêu thích Diablo và vì giá trị chơi lại (replay value) của nó rất cao. Mỗi khi anh em bắt đầu một lần chơi mới là tất cả bản đồ đều được tạo ra ngẫu nhiên, và nhiệm vụ thì cũng được lấy ra từ một kho riêng với hàng tá nhiệm vụ khác nhau.
Baldur’s Gate
Ra mắt vào năm 1998 và được phát triển với Bioware, Baldur’s Gate có bối cảnh ở một thế giới fantasy tên là Forgotten Realms. Game sử dụng một quy tắc (ruleset) được tùy biến lại từ Advanced Dungeons and Dragons (phiên bản thứ nhì) để làm nền tảng cho cơ chế combat và tính năng trong game. Anh em sẽ được vào vai một nhân vật tên là Ward; cùng với đồng đội của mình, các bạn sẽ được khám phá những địa điểm khác nhau và tìm lời giải đáp cho những bí mật trên hành trình.
Điểm sáng giá nhất của game này chính là các nhân vật có thể gia nhập vào nhóm của anh em. Tổng cộng có đến 25 nhân vật NPC mà người chơi có thể chiêu mộ để cùng nhau chinh chiến trên mọi nẻo đường, và dĩ nhiên là mỗi nhân vật sẽ có kỹ năng riêng, dẫn đến sự đa dạng trong lối chơi và kết quả mà anh em nhận được. Và game thủ yêu thích Baldur’s Gate cũng chính nhờ yếu tố này.
Planescape Torment
Planescape Torment là một tựa game khác cũng lấy bối cảnh tại vùng đất liên quan đến trò Dungeons and Dragons, và nó cũng dùng chung engine với Baldur’s Gate. Mặc dù Planescape Torment không quá thành công về mặt doanh số, nó vẫn được nhiều game thủ ủng hộ và được xem như là game nhập vai tuyệt vời nhất trong năm 1999. Quay lại với bối cảnh thì chính xác đây là Planescape, một bối cảnh đa vũ trụ. Trong game, anh em sẽ vào vai một kẻ vô danh (The Nameless One) nhưng lại bất tử và bị chứng mất trí nhớ. Bạn sẽ điều khiển nhân vật này khám phá các vũ trụ khác nhau để tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai và vì sao mình lại ở đây.
Nhân vật của anh em có thể lên cấp hoặc thay đổi lớp (class) bất cứ lúc nào tùy thích. Planescape Torment khác biệt với những game còn lại ở chỗ nó tập trung vào gameplay nhiều hơn là yếu tố combat. Tuy không nổi bằng những game khác, nhưng nó vẫn xứng đáng trở thành một tựa game nhập vai kinh điển.
System Shock 2
System Shock 2 có bối cảnh ở một thế giới cyberpunk vào năm 2114. Bạn sẽ vào vai một binh sĩ cố gắng ngăn chặn một căn bệnh di truyền, không cho nó phát tán ra khỏi con tàu. Được phát triển bởi Irrational Games và Looking Glass Studios, System Shock 2 được xem như là một tựa game vượt thời đại. Tuy doanh số lúc mới ra mắt không được như kỳ vọng, đây vẫn là một tựa game nhập vai kinh điển, gây ảnh hưởng lên những tựa game được phát triển sau này.
Game pha trộn các yếu tố nhập vai, hành động, và sinh tồn – kinh dị. Người chơi sẽ phải dùng nhiều vũ khí và kỹ năng khác nhau để di chuyển và cố gắng sống sót để đi tìm sự thật. Thông tin về thế giới xung quanh cũng như câu chuyện về các sự kiện trong game đều được truyền tải thông qua các nhật ký – một cơ chế mà anh em rất hay bắt gặp trong những tựa game ngày nay. System Shock 2 không phát minh ra cơ chế này, nhưng game này đã phổ biến nó cho mọi game thủ đều biết.
Final Fantasy VII
Game được phát triển bởi Square và ra mắt trên hệ máy PlayStation vào năm 1997. Game xoay quanh nhân vật Cloud Strife – một người lính đánh thuê. Cloud sau đó gia nhập vào một nhóm người nhằm ngăn chặn một tập đoàn lớn, không cho nó phá hủy thế giới. Có thể nói đây là phần Final Fantasy hay nhất trong series nhờ có nhân vật có chiều sâu và cảnh vật vô cùng bắt mắt. Đây là một trong những tựa game chiếm hẳn một vị trí đặc biệt trong lòng game thủ.
Final Fantasy VII cho phép anh em chiêu mộ và lên cấp nhiều nhân vật khác nhau, mỗi nhân vật với một kỹ năng riêng. Có nhân vật thì làm tanker tốt hơn, nhân vật khác thì gây sát thương nhiều hơn, hoặc để hồi máu thì sẽ có một nhân vật riêng đảm nhận chuyện này. Phong cảnh trong game cũng cực kì bắt mắt. Hình nền thì được render theo kiểu 2D, còn nhân vật thì render theo dạng 3D giúp nó nổi bật hơn hẳn. Bản đồ trong game cũng vô cùng rộng mở với nhiều lục địa và hòn đảo cho anh em tha hồ khám phá. Đây là một tựa game mà anh em nên chơi thử một lần trong đời, ngay cả khi không phải là fan của thể loại JRPG đi chăng nữa.
Fallout 2
Fallout 2 là tựa game nhập vai theo lượt được phát triển bởi Black Isle Studio vào năm 1998. Trong game, anh em sẽ được điều khiển The Chosen One – một người hùng được ngôi làng Arroyo cử đi để lấy về GECK (Garden of Eden Creation Kit) để cứu ngôi làng khỏi cảnh đói khát. Game diễn ra vào mốc thời gian 80 năm sau sự kiện trong Fallout. Khi anh em đi qua vùng đất hậu tận thế này thì sẽ khám phá ra được nhiều nơi trú ngụ, bí mật, và bạn đồng hành. Bạn có thể thuyết phục những người này gia nhập vào đội của mình và trong những tình huống nhất định, bạn sẽ rất cảm ơn những nhân vật này đó.
Thú vị nhất là anh em được quyền tự do khám phá game, tương tác với môi trường xung quanh tùy thích, ra tay giúp đỡ người dân, trở thành võ sĩ quyền anh, hay thậm chí là tham gia vào ngành công nghiệp phim người lớn cũng được. Game đa dạng đến mức sau khi anh em chơi đi chơi lại nhiều lần vẫn không hết điều mới để khám phá. Anh em nếu không thích những bản Fallout sau này thì có thể chơi lại những bản cũ, sẽ không thất vọng đâu.
The Elder Scrolls II: Daggerfall
Được phát triển bởi Bethesda Softworks và ra mắt vào năm 1996, Daggerfall là một tựa game cực kì hoành tráng. Trong game, bạn sẽ vào vai một người đại diện cho hoàng đế, được cử đến vịnh Illiac Bay để điều tra về một bí mật ở nơi này. Game nhập vai thường có thế giới rộng lớn, nhưng lớn cỡ Daggerfall thì khó có tựa game nào sánh bằng. Vùng đất trong game có kích thước tương đương với nước Anh. Tất nhiên, 99% là được tạo ra ngẫu nhiên (randomly generated), nhưng ở thời đó thì phải công nhận là cực kì hoành tráng anh em ạ.
Nhiệm vụ chính tuy có hay ho đó, nhưng điểm nhấn của game này lại nằm ở thế giới mà nhà phát triển đã tạo ra. Nó có rất nhiều bè phái và hội nhóm cho anh em tham gia, bảo đảm không hết thứ để làm đâu. Các khu ngục tối (dungeon) cũng được tạo ra ngẫu nhiên nên anh em sẽ không biết trước là mình sắp đối mặt với cái gì đâu. Nội dung trong game nhiều đến mức làm hoài mà không hết, chơi cả tháng trời mãi vẫn không xong. Đúng là game kinh điển có khác anh em ạ.
Nguồn: What Culture