Top 10 tựa game hứa thật nhiều để rồi thất hứa cũng thật nhiều, các bạn đã từng chơi qua tựa game nào rồi?

Anh em nào quan tâm về game ắt hẳn sẽ thường xuyên đọc được tin rò rỉ, dự đoán về những tựa game sắp ra mắt. Trước khi Internet trở nên phổ biến thì những tin này có thể tìm thấy trên các tờ tạp chí gaming; còn bây giờ, việc tạo ra sự hứng khởi, mong đợi cho game thủ là một chiến lược quảng bá hẳn hoi. Nếu làm đúng thì hiệu ứng sẽ rất tích cực, giúp tăng doanh số của game. Nhưng nếu tựa game không đạt được như kì vọng của game thủ thì sao? Việc hứa thật nhiều, rồi thất hứa cũng thật nhiều không hề hiếm gặp trong ngành game. Sau đây là danh sách 10 tựa game thất hứa khiến game thủ thất vọng não nề.

Watch Dogs

Dưới góc độ ý tưởng thì Watch Dogs là một trong những tựa game độc đáo và thú vị nhất. Nó tận dụng được các yếu tố công nghệ, hacker, và thế giới mở để tạo ra một câu chuyện cuốn hút và bối cảnh thành phố Chicago cực kì tráng lệ. Tuy nhiên, đến khâu thực hiện thì nó lại một trời một vực so với những gì mà Ubisoft đã hứa hẹn với game thủ.

Bởi vì game có nhiều cơ chế được “vay mượn” từ tựa game đình đám GTA V nên kiểu gì cũng bị đem ra so sánh với dòng game trứ danh này. Tuy nhiên, xét về cơ chế lái xe lẫn bắn súng thì Watch Dogs vẫn chưa đủ tuổi để so sánh với GTA dù có lợi thế là ra mắt sau 1 năm. Ngoài ra, vấn đề nổi cộm khác khiến hầu hết game thủ đều phẫn nộ là chất lượng đồ họa của phiên bản chính thức xấu đau xấu đớn, không bằng một góc so với đoạn clip quảng bá trước kia. Đã vậy, nhiệm vụ trong game cũng trùng lắp, thiếu sự đa dạng khiến người chơi mau chán.

Call Of Duty World War 2

Sau khi thử nghiệm với bối cảnh khoa học viễn tưởng và fail sấp mặt thì thì Activision quyết định quay trở về nguồn cội của mình với phiên bản Call of Duty WW2 ra mắt vào năm 2017. Gần 10 năm sau bản Call of Duty: World at War, game thủ đã kì vọng rằng WW2 sẽ giúp dòng game huyền thoại này bước sang một trang mới nhưng buồn thay, chất lượng của nó chỉ dừng ở mức chấp nhận được. Lý do là vì Sledgehammer Games vẫn còn hơi non tay, chưa dám đặt tham vọng lớn và cốt truyện cũng không có gì quá đặc sắc như những phần trước. Nhìn chung thì bản thân WW2 không phải là một tựa game tệ, chỉ là nó không đạt được kì vọng của game thủ mong đợi bấy lâu nay mà thôi.

Spore

Khi biết được tin Will Wright – nhà sáng lập Maxis và đồng thời là nhà phát triển của các tựa game đình đám như SimCity, The Sims – sắp ra mắt tựa game mới thì game thủ ai nấy cũng đều rất trông mong. Cụ thể, tựa game này mang tên Spore và người chơi sẽ được điều khiển các sinh vật ngay từ lúc nó còn ở dạng tế bào cho đến khi phát triển vượt bậc, bỏ xa cả loài người. Khi ra mắt thì có rất nhiều nhà phê bình đã khen ngợi tựa game này, cho rằng nó đã đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, game lại gặp vấn đề trong việc cố gắng vừa mô phỏng quá trình tiến hóa sinh học một cách chân thực, vừa thêm thắt các yếu tố gameplay để thu hút lượng lớn người chơi. Đã vậy, đến cuối game thì nội dung cũng bớt thú vị hẳn đi, khiến rất nhiều game thủ cảm thấy thất vọng vì đã đặt “ngôi sao hi vọng” vào tựa game này.

Mirror’s Edge Catalyst

Phần Mirror’s Edge (2008) quả thực là một tựa game rất đột phá và tạo được luồng gió mới trong cộng đồng game thủ nói chung và thể loại game hành động nói riêng với cơ chế parkour mới lạ, phong cách đồ họa độc đáo. Vì thế, khi phần tiếp theo được công bố sau gần 10 năm thì cộng đồng fan đã rất vui mừng, hứng khởi. Tuy nhiên, mặc dù có đồ họa rất bắt mắt nhưng Mirror’s Edge Catalyst lại là một bước thụt lùi về mặt gameplay, và cảm giác leo trèo, bay nhảy cũng không còn sướng như hồi trước. Lý do là vì game đi theo hướng thế giới mở thay vì tuyến tính như phần đầu. Nghe thì có vẻ hơi kì, nhưng Mirror’s Edge là một trong những game phát huy được thế mạnh của mình khi được thiết kế theo dạng tuyến tính. Đồng thời, quyết định chuyển sang thế giới mở cũng có vẻ như là để thuận theo xu hướng thời bấy giờ chứ không phải là để cho game trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Điều này khiến trải nghiệm của game thủ không còn được vẹn nguyên như phiên bản tiền nhiệm.

Playstation Home

Playstation Home được cho là một trong những tựa game có tham vọng lớn nhất trước khi ra mắt vào năm 2008. Thậm chí tại sự kiện E3 2007 nó còn tuyên bố là sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành game. Lấy cảm hứng từ những tựa game như Second Life, Playstation Home hứa hẹn sẽ là một nơi cho anh em giao lưu, gặp gỡ, kết bạn với những game thủ đến từ khắp nơi trên thế giới với tính năng phiên dịch theo thời gian thực, đồng thời có thể chơi game chung với nhau được luôn.

Xuyên suốt lúc mà tựa game này hoạt động thì nó đã mang về kha khá lợi nhuận cho Sony. Mặc dù lượng người chơi thuyên giảm qua năm tháng nhưng đồng thời họ cũng bỏ tiền để mua các vật phẩm đắt giá trong game, nói chung thì Playstation Home chẳng khác gì nơi để anh em đi shopping trong thế giới ảo vậy. Tuy nhiên, cho đến khi nó bị khai tử thì tựa game này vẫn chưa đạt được mục tiêu trước kia từng đề ra. Phần lớn là do công nghệ thời bấy giờ vẫn chưa đủ sức để hiện thực hóa tham vọng này. Kết quả là game không qua được giai đoạn thử nghiệm beta và cuối cùng bị đóng cửa vào năm 2015.

Haze

Sau khi Xbox thành công vang dội với dòng game Halo thì Sony quyết định đáp trả với tựa game Haze được Ubisoft phát triển độc quyền cho hệ máy PS3. Với chiến dịch PR cực kì rầm rộ và có nguyên ban nhạc Korn phát hành hẳn một album cùng tên để quảng bá cho game này thì nhiều người đã xem Haze như là kì phùng địch thủ của Halo. Tuy nhiên, điều này cũng đặt một áp lực vô cùng lớn lên tựa game này. Tiếc thay, khi ra mắt, Haze đã bị cười nhạo vì có gameplay nhạt toẹt, cốt truyện vay mượn, và bị dính nhiều lỗi làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi. Đã thế, nó còn ra mắt ngay giữa 2 tựa game đình đám Halo 3 và Halo 3: ODST, nên Haze bị thất thế hoàn toàn và là nỗi thất vọng trong lòng game thủ.

Sonic 2006

Chú nhím xanh Sonic the Hedgehog là một trong những nhân vật nổi tiếng, gắn liền với tuổi thơ của nhiều anh em, thậm chí có khi còn ngang hàng với Mario là đằng khác. Tuy nhiên, trong khi Mario dần phát triển và hoàn thiện hơn thì Sonic lại có những bước đi… thụt lùi. Vào năm 2006, khi những đoạn trailer được công bố cho tựa game Sonic mới nhân dịp kỷ niệm 15 năm thì fan đã vô cùng mong đợi đến ngày được cầm trên tay đĩa game này và được thấy Sonic trở lại thời huy hoàng của mình. Ngặt nỗi, việc đội ngũ phát triển game bị SEGA xẻ đôi trước khi game ra mắt khoảng 1 năm đã “báo hiệu” rằng chất lượng phần này sẽ không được như mong đợi. Và đúng như vậy, phiên bản chính thức chả có tí gì gọi là chính thức cả, vì game đầy rẫy lỗi lớn nhỏ đến mức chẳng thể nào chơi được. Giới phê bình thì chê thậm tệ, game thủ thì quay lưng; và mặc dù doanh số không đến nỗi quá tệ nhưng Sonic 2006 vẫn là một tựa game đáng xấu hổ của SEGA.

Fallout 76

Kể từ khi Bethesda nắm quyền quản lý dòng game Fallout vào năm 2004 thì đã có nhiều phản hồi trái chiều về những tựa game ra mắt sau đó. Vì thế nên vào năm 2018, khi biết được tin sẽ có phần Fallout mới, cộng đồng fan đã rất ngóng trông, không biết mặt mũi của phiên bản kế nhiệm của Fallout 4 đình đám sẽ trông như thế nào. Tuy nhiên, tại sự kiện E3 2018, khi biết được thêm thông tin về tựa game này thì fan đã không khỏi thất vọng vì Fallout 76 sẽ là một tựa game online chứ không phải là singleplayer (chơi đơn) như những phần trước đó. Về mặt ý tưởng thì nó vẫn có tiềm năng chứ không phải là không. Tuy nhiên, khi Fallout 76 ra mắt thì nó đã thất bại thảm hại vì chẳng những game thiếu sức sống do không có nhiều NPC (non-player character) mà lỗi cũng xuất hiện vô vàn, khiến trải nghiệm game bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó thì Bethesda có tung ra các bản cập nhật để cải thiện chất lượng game, nhưng nhìn chung thì đây vẫn là một nỗi thất vọng toàn tập.

Tony Hawk’s Pro Skater 5

Từng có thời kì series Tony Hawk’s Pro Skater đã rất nổi tiếng trong làng game. Mặc dù vào cuối những năm 2000 thì Tony Hawk’s Pro Skater không còn ra mắt đều đặn như trước, nhưng dòng game này vẫn chiếm một vị trí không thể thay thế trong lòng game thủ. Vì thế nên khi Activision công bố Tony Hawk’s Pro Skater 5 sẽ ra mắt vào năm 2015, fan đã rất vui mừng vì có cơ hội quay về tuổi thơ với chất lượng đồ họa được cải thiện. Tuy nhiên, vì thời gian phát triển vô cùng gấp rút nên khi ra mắt game bị vướng hằng hà sa số lỗi bug, glitch; và thế là dòng game Tony Hawk’s Pro Skater đã bị “rớt hạng” trong lòng game thủ. Nó không chỉ hạ thấp series mà nó còn tát thẳng vào mặt những ai yêu thích thể loại game trượt ván này.

Daikatana

“John Romero’s About To Make You His Bitch” là một câu slogan marketing khá là lạ và sốc đối với người xem, nhưng vào năm 1997, chỉ cần có tên của nhà phát triển game trứ danh DOOM và Wolfenstein xuất hiện trên bìa game là quá đủ để tạo ra một cộng đồng fan hùng hậu. Daikatana sử dụng engine chung với Quake, và nhiều trang báo đã tung hô game này vì Romero được toàn quyền sáng tạo với Daikatana. Sau nhiều đợt trì hoãn thì phiên bản chính thức vẫn rất cồng kềnh, xấu đau xấu đớn, và lỗi thời ngay từ khi lọt lòng. Những trang báo trước kia tung hô hết lời thì bây giờ cũng quay sang chê tơi tả. Không chỉ thế, về mặt doanh số thì Daikatana cũng thất bại thảm hại. Ban đầu dự kiến bán được hơn 2 triệu bản nhưng thực tế thì chưa được 5% con số kia nữa. Nói chung là thất bại trên mọi phương diện anh em ạ.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360