Top 10 tựa game doanh thu thất bại nhưng vẫn trở thành huyền thoại, có tựa game nào mà bạn thấy quen không?

Trò chơi điện tử (video game) cũng là một loại hình nghệ thuật, và cũng chính vì thế nên nó có muôn hình vạn trạng, đủ mọi thể loại cho game thủ tự do trải nghiệm, khám phá những cảm giác mới lạ mà các loại hình nghệ thuật khác khó thể nào mà làm được. Tuy nhiên, đồng thời game cũng là một loại hình kinh doanh quy mô lớn, cả nhà phát triển lẫn nhà phát hành đều sống dựa vào lợi nhuận thu được từ đứa con tinh thần của họ. Để làm ra một tựa game thì nó tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, khiến chi phí đội lên rất cao. Vì thế, những game nào trở thành tượng đài và có thể tồn tại lâu dài thì game đó thu về lợi nhuận cao nhất.

Tuy nhiên, cũng có những game tuyệt hay nhưng không may lại có doanh thu không mấy thành công cho lắm, dẫn đến việc nhiều người lầm tưởng rằng tựa game này không đáng để chơi. Dĩ nhiên, đánh giá game theo kiểu này rất là bất công, nhất là đối với những tựa game dám liều mình phá bỏ mọi khuôn khổ để làm điều gì đó khác biệt so với phần còn lại, tạo một trải nghiệm mới lạ cho game thủ. Sau đây là danh sách 10 tựa game tuy thất bại nhưng chất lượng lại không hề thảm hại.

Psychonauts

Nếu bạn từng suy nghĩ xem kết hợp Palaces trong Persona 5 với phong cách hình ảnh của phim Laika và lời thoại trong Mighty Boosh sẽ trông như thế nào thì Psychonauts có câu trả lời dành cho bạn. Cốt truyện của game này vô cùng tuyệt vời và kì diệu, để giải thích thông điệp của nó có khi phải tốn cả trang giấy chứ chẳng đùa. Bên cạnh đó còn có cơ chế gameplay theo dạng đi cảnh 3D với mỗi màn chơi là một khung cảnh khác nhau hoàn toàn. Giới phê bình đánh giá cao trò này, nhưng game thủ “thường dân” thì lại không mấy quan tâm cho lắm.

Vào năm 2005 thì thể loại đi cảnh 3D đang trên đà xuống dốc, khác hẳn thời kì hoàng kim vào những năm cuối của thập niên 90 với các tựa game đình đám như Spyro và Crash. Tóm lại là ngành game đã bước sang một trang mới, đi tìm thú vui mới to bự hơn. Bản thân Psychonauts không phải là game tệ, nhưng nó lại bị lép vế so với những cái tên đình đám khác như Devil May Cry 3 và Resident Evil 4. Doanh số của nó chưa đến 100.000 bản trong Quý đầu tiên nên đã bị “cộp mác” là game thất bại. Mặc dù sau đó thì game vẫn được nhắc đến nhiều nhưng nó không đủ để nhà phát triển Double Fine bù lại chi phí sản xuất 18 triệu đô kia. Hi vọng là phần tiếp theo của game này sẽ giành được thành công mà nó đáng được nhận.

Beyond Good And Evil

Beyond Good And Evil là một tựa game đi trước thời đại, đi rất xa là đằng khác. Game có sự pha trộn giữa yếu tố hành động lén lút (stealth), combat, chế độ chụp hình, giải đố, và nhiều yếu tố khác, giúp Ubisoft có được một công thức để tạo ra những tựa game sau này, chẳng hạn như Assassin’s Creed và Far Cry. Tuy nhiên, đây cũng chính là thứ đã “phản damage” Beyond Good And Evil. Game được ra mắt trên 3 nền tảng là PS2, Xbox và Gamecube. Những hệ máy này đã giúp ngành game phát triển vượt bậc, điều này không thể bàn cãi, nhưng đối với một tựa game tầm cỡ như Beyond Good And Evil thì nó lại không đủ mạnh để kham nổi. Phần góc quay camera thì để điều khiển được nó là một cực hình, còn thế giới mở trong game thì nói lại bị “tĩnh” quá, không có cảm giác năng động một chút nào cả. Các nhiệm vụ trong game cũng không rõ ràng, phải chi lúc đó có con trỏ (objective marker) hiện trên màn hình thì hay biết mấy.

Vì những lý do này, doanh thu của Beyond Good And Evil đã không được như kì vọng. Game thủ lúc đó vẫn chưa sẵn sàng đón nhận một cốt truyện phong phú, nhân vật sống động, và cơ chế gameplay đột phá nhưng trong game này, chứ nói thật Beyond Good And Evil là một cuộc cách mạng đó anh em ạ.

Grim Fandango

Grim Fandango là một tựa game nữa cho thấy khoảng cách giữa những người tầm cỡ trong ngành công nghiệp game và những game thủ “tầm tầm” là rất lớn. Khi game ra mắt vào 1998, giới phê bình đã khen ngợi rất nhiều vì game có phong cách rất khác lạ, lời thoại chắc nịch, và cốt truyện rất cuốn hút. Nó cũng giành được khá nhiều giải thưởng trong ngành game và được trang GameSpot nổi tiếng bình chọn làm Game Of The Year. Tuy nhiên, những “thường dân” ngoài kia lại không thích thú lắm với game này. Grim Fandango thuộc thể loại game phiêu lưu point-and-click (dùng chuột bấm) theo phong cách neo-noir. Những yếu tố trong game, từ trang phục của thập niên 50, nhạc nền be-bop cho đến căn hộ chung cư đầy khói nhìn y hệt như trong phim Kiss Me Deadly đình đám một thời. Tiếc thay, game thủ đã không còn quá mặn mà với thể loại này nữa.

Trước khi Grim Fandango xuất hiện thì dòng game point-and-click Monkey Island huyền thoại đã đến tay game thủ rồi. Họ đã được trải nghiệm tất cả và muốn tìm “của lạ” nhiều hơn, do đó những game như Spyro, Half-Life, Banjo-Kazooie và Ocarina of Time (tất cả ra mắt cùng năm với Grim Fandango) đã đập bẹp Grim Fandango một cách không thương tiếc. May mắn là sau này game được nhìn nhận tích cực hơn và lấy lại được giá trị vốn có của nó.

Kingdoms Of Amalur: Reckoning

Kingdoms Of Amalur: Reckoning là một game hay, nhưng ngặt nỗi nó không chỉ thất bại về mặt doanh thu mà nó còn khiến cho nền kinh tế của một tiểu bang tại Mỹ phải khốn đốn vì nó. Tiểu bang Rhode Island đã đưa cho cựu tuyển thủ NBA Curt Shilling – cũng là người đứng đầu 38 Studios – số tiền 75 triệu USD để sản xuất Kingdoms Of Amalur với ý tưởng ban đầu là tạo ra một thế giới tương tự như trong tựa game World of Warcraft đình đám của Blizzard. Tuy nhiên, đội ngũ marketing đứng sau game này lại dùng nó theo cách khá là thú vị. Shilling đã nhờ những người nổi tiếng hỗ trợ (celebrity endorsement) cho game này như ngôi sao điện ảnh Ice Cube chẳng hạn. Và để bù lại số tiền đã chi thì 38 Studios cần phải bán tới 3 triệu bản.

Khi mọi thứ đã xong xuôi hết rồi thì Kingdoms Of Amalur bán được chỉ có 1,2 triệu bản sau 90 ngày lên kệ. Với một tựa game có ngân sách lớn như thế này thì con số 1,2 kia là quá thất vọng và bị đánh giá là tựa game thất bại, mặc dù một số cơ chế trong game này, chẳng hạn như tính năng chuyển đổi lớp (class) nhân vật chỉ trong 1 nốt nhạc, sau đó đã được vay mượn và đưa vào những tựa game đình đám như Divinity: Original Sin.

Ōkami

Khi game này ra mắt vào năm 2006 thì nó đã trở thành “mảnh ghép” cuối cùng cho hệ máy PS2 – một tựa game phiêu lưu giống series Zelda. Ōkami đã cho phép những ai không có máy console của Nintendo có cơ hội phiêu lưu trong một thế giới vô cùng đầy màu sắc. Game có đồ họa mang đậm phong cách thời kì Edo, tông-xuyệt-tông với bối cảnh Nhật Bản truyền thống trong game. Ōkami được giới phê bình ca tụng rất nhiều, ẵm luôn cả giải Game Of The Year của trang IGN nổi tiếng. Nhưng trong năm đó, một tựa game Zelda khác tên là Twilight Princess đã ra mắt.

Có thể nói Ōkami là một tựa game tuyệt cú mèo nhưng lại ra mắt sai thời điểm. Fan của Zelda thì cứ tiếp tục chơi Twilight Princess trên hệ máy Wii, trong khi những game thủ còn lại thì bắt đầu chuyển sang thời đại hình ảnh chất lượng cao HD với sự ra đời của Xbox 360 và PS3. Ōkami dần bị rơi vào quên lãng, thay vào đó là Wii Sports và Bully. Nếu game này được ra mắt sớm hơn chừng 1-2 năm thì nó đã gây được tiếng vang rồi, chứ đối đầu với một tựa game thuộc series Zelda huyền thoại và hệ máy mới xịn sò hơn thì chẳng khác gì tự đào hố chôn mình.

Eternal Darkness: Sanity’s Requiem

Eternal Darkness: Sanity’s Requiem là một tựa game vô cùng hoành tráng khi nó ra mắt trên Gamecube vào năm 2002; nó giúp hệ máy này tiếp cận được game thủ ở độ tuổi trưởng thành hơn. Eternal Darkness đã pha trộn cơ chế game đa dạng với cốt truyện hấp dẫn, liên tục thay đổi thời gian và không gian, và đồ họa cũng rất đẹp đấy nhé. Giới phê bình rất yêu thích tựa game này và thường được liệt kê vào danh sách những game hay nhất mọi thời đại. Nhưng một lần nữa, phần lớn game thủ lại không quá thích thú với Eternal Darkness.

Vào năm 2002 thì Internet còn rất là sơ khai, mạng xã hội chưa phát triển được như bây giờ. Do đó, hầu hết game thủ đọc tin về game trên các tờ báo, tạp chí là chính. Và đối với những ai không đọc tạp chí thì họ chỉ còn cách là nhìn ảnh bìa (cover) của đĩa game và nghe theo những lời truyền miệng mà thôi. Eternal Darkness: Sanity’s Requiem là một cái tựa chẳng mang ý nghĩa gì cả, hình cover thì lại đánh đố người mua, nhìn vô chả biết game này nói về cái gì. Hơn nữa, một tựa game dán nhãn Mature (M) – chỉ dành cho người trưởng thành – lại càng khiến game này khó bán. Nhưng phải đến 3 năm sau thì cú chốt hạ mới xuất hiện, và đó là Resident Evil 4 – một tựa game lấy ý tưởng từ Eternal Darkness và được quảng bá đúng cách.

Jade Empire

Trước EA phá hỏng mọi thứ thì Bioware là ngọn cờ đầu trong thể loại game nhập vai ở phương Tây. Dragon Age: Origins và Mass Effect là 2 tựa game đã góp phần làm nên tên tuổi của BioWare, nhưng trước đó thì có Jade Empire. Lấy bối cảnh vùng đất Trung Quốc đầy huyền bí, Jade Empire đã tiếp tục xây dựng dựa trên nền tảng cốt truyện và cơ chế combat sẵn có từ Knights Of The Old Republic và hòa quyện nó với yếu tố mang đậm nét Trung Hoa. Kết quả là một tựa game kết hợp hài hòa giữa yếu tố nhập vai truyền thống và cơ chế combat vô cùng xịn sò, cho dù xài tay cầm Xbox cồng kềnh như thế vẫn chiến game ầm ầm.

Tiếc một điều là Jade Empire không bán được nhiều như mong đợi. Có nhiều lý do dẫn đến việc này, chẳng hạn như nó chỉ ra mắt trên PC và Xbox, và lúc này thì Xbox cũng đã đi đến những năm tháng cuối cùng trong vòng đời của nó rồi. Mặt khác, bối cảnh trong game cũng có phần “đi trước so với thời đại”, khiến nhiều game thủ không cảm thấy hứng thú với nó. Nếu ra mắt vào thời điểm hiện tại thì Jade Empire ắt hẳn sẽ gặt hái được nhiều thành công.

No More Heroes

Đây là một ví dụ nữa cho thấy một tựa game cực hay nhưng lại bị giới hạn bởi hệ máy console. Tựa game chặt chém (hack-and-slash) này vô cùng bạo lực và có một cái chất rất riêng. Nó không hoàn hảo nhưng là một luồng gió mới cho hệ máy Nintendo Wii, khi mà nền tảng này đang có quá nhiều game na ná nhau. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng Wii là một hệ máy hướng đến đối tượng gia đình, cho các thành viên trong nhà có những phút giây quây quần vui vẻ bên nhau với các tựa game “thiện lành” như Wii Sports, Wii Fit, hay con nít thì Mario Galaxy là một tựa game vô cùng hợp lý.

Những game thủ nào muốn tìm một tựa game với nội dung bạo lực hơn, “ình chéo” hơn thì sẽ tìm đến Xbox 360 và PS3 với phần cứng mạnh hơn và có nhiều tựa game phù hợp với nhu cầu hơn. No More Heroes sẽ rất thành công nếu ra mắt trên 2 nền tảng này vì đây chính là mảnh đất cho game này dụng võ. Còn đối với hầu hết game thủ trên Wii thì coi bộ No More Heroes đi hơi xa rồi.

Vanquish

Khi bạn kết hợp Shinji Mikami – người đứng sau những bom tấn như Resident Evil 4 và Dino Crisis – với các tựa game nhập vai phương Tây như Mass Effect thì sẽ ra được Vanquish (2010). Đây là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất rất đã tay và có vay mượn nhiều yếu tố trong văn hóa phương Tây. Game thủ có thể thấy rõ điều này xuyên suốt trò chơi, từ trạm không gian DARMA nhìn vô là nhớ ngay đến Citadel của Mass Effect, cho đến cơ chế bắn súng góc nhìn thứ ba trứ danh của series Gears of War. Bên cạnh đó thì Vanquish vẫn có mang màu sắc của một tựa game Nhật Bản chứ không phải là không có, chẳng hạn như yếu tố score-attack và những kẻ địch được lấy ý tưởng từ series Gundam. Tuy nhiên, game hay chưa chắc đã bán chạy.

Nhiều người cho rằng Vanquish thất bại về mặt doanh số là do nó không có chất riêng, nhưng yếu tố lớn nhất dẫn đến sự thất bại này là do nó ra mắt cùng năm với Mass Effect 2 – một tựa game nhập vai bom tấn của BioWare. Mass Effect 2 chơi cũng na ná như vậy, nhưng thay vì có cốt truyện mờ nhạt như trong Vanquish thì nó lại kể một câu chuyện vô cùng hoành tráng về Commander Shepard và nhiệm vụ cảm tử ở cuối game. Nói một cách khác thì Vanquish tuy hay nhưng tiếc là lại bị Mass Effect 2 áp đảo dữ quá.

EarthBound

Earthbound (hay còn gọi là Mother 2: Giygas Strikes Back) là một trong những tựa game nhập vai Nhật Bản (JRPG) kinh điển. Nó cho bạn vào vai Ness với nhóm bạn, và cả bọn sẽ cùng nhau vượt qua những thử thách và kẻ địch trên hành trình. Game cân đối hài hòa giữa yếu tố khôi hài và nghiêm túc, tạo ra một sản phẩm để đời. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ thì nó lại thất bại một cách thảm hại, lý do là vì chiến dịch quảng bá không hợp lý.

Nintendo đã bỏ ra 2 triệu USD cho một chiến dịch có thể nói là dở thậm tệ, gần chạm đáy trong ngành gaming luôn là đằng khác. Chính xác thì hãng này đã quá tập trung vào yếu tố hài hước trong game. Hay thì có hay thật đó nhưng yếu tố hài hước này nếu không hiểu được ngữ cảnh thì nó sẽ rất là sai trái. Nintendo đã tập trung vào pha tấu hài liên quan đến nhà vệ sinh, một yếu tố giúp làm nổi bật những khoảnh khắc u tối trong game nhưng nếu đứng một mình thì sẽ thấy rất là thô bỉ. Do đó, đối với game thủ tại Mỹ, đây là một tựa game chỉ đáng vứt vào sọt rác mà thôi. Rất may mà dần dần qua thời gian, những game thủ nơi đây đã bắt đầu có cái nhìn đúng hơn về tựa game này. Phải chi Nintendo không “sẩy chân” lúc đó thì hay biết mấy.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360