Là game thủ, ắt hẳn ít nhiều gì cũng đã từng một lần sử dụng mã cheatcode, “góc lag” để dễ dàng vượt qua những đoạn khó trong game. Những chiêu ăn gian đó có thể là đoạn mã được nhà phát triển âm thầm bỏ vào trong game, hoặc có thể là nhờ phần mềm bên ngoài can thiệp vào.

Đối với game online thì khả năng rất cao là bạn sẽ bị “cho ra đảo” ngay tắp lự khi sử dụng cheat/hack. Nhưng đối với game offline, game singleplayer (chơi đơn) thì thường sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Tuy nhiên, đôi lúc, nhà phát triển sẽ “cao tay” hơn bạn và tiên đoán được rằng bạn sẽ sử dụng cheat trong game của họ. Thậm chí còn biết được chính xác bạn sẽ cheat ở đoạn nào luôn là đằng khác.

Bởi vì thế, nhà phát triển đã đặt một vài cái bẫy nho nhỏ để game thủ nào mà ăn gian là bị “dính chấu” ngay. Sau đây là danh sách 10 tựa game biết trước được rằng người chơi sẽ ăn gian.

Persona 3 – “Kẻ gian lận sẽ không bao giờ thắng cuộc!”

Nhà phát triển và nhà phát hành Atlus đã quả quyết rằng sẽ có một bộ phận game thủ thích chơi trò “bắt cá nhiều tay” với các nhân vật nữ trong Persona 3. Vì thế, Atlus đã ghi âm một vài câu thoại với đại ý là họ biết game thủ đang sống một cách thiếu đạo đức và thiết lập cho nó xuất hiện mỗi khi phát hiện điều đó.

Tuy nhiên, nó chỉ xuất hiện trong một vài tình huống và nhân vật nhất định, chẳng hạn như Mitsuru và Fuuka sẽ thốt lên rằng: “I trusted you. I can’t believe you cheated”, “Cheaters never win!”, và “I’m very disappointed in you”. Nếu bạn là game thủ có lòng tự trọng thì sau khi nghe mấy câu này xong chắc sẽ khá là đau đấy.

Ngoài những câu nói trên thì bạn vẫn chơi game được như bình thường, không bị hề hấn gì cả. Nhưng khi nghe nhân vật mình điều khiển buông những lời trách móc kia, bạn ít nhiều cũng sẽ có cảm giác như mình là một đứa tội đồ vậy.

*Thật ra là thì việc chơi game “vô đạo đức” như vậy cũng không thể tính là chơi ăn gian vì người chơi hoàn toàn không vi phạm cơ chế game. Tuy nhiên dù là trong game hay là ngoài đời thực thì sống kiểu đó vẫn không hay chút nào.

Animal Crossing – Con chuột dũi Rosetti phiền hà

Rosetti là một con chuột dũi thường xuyên xuất hiện trước cửa nhà bạn và càm ràm về việc bạn thoát game mà không lưu savegame. Và đây cũng là mục đích tồn tại duy nhất của con chuột này.

Sở dĩ Nintendo lập trình hẳn một con chuột chũi chỉ để càm ràm về việc bạn thoát game đột ngột là bởi vì game thủ Animal Crossing có một chiêu ăn gian, khi bạn thoát game và đổi giờ đồng hồ, rồi vào lại game thì cửa hàng của Tom Nook lại có thêm thứ để mua. Nintendo không muốn game thủ ăn gian theo cách này nên đã “phái” Resetti đến trước cửa nhà, khiến game thủ cảm thấy tội lỗi về hành động của mình.

Bạn càng cheat, là Resetti lại càng bực bội, và sẽ trút cơn bực đó lên người chơi mỗi lần họ vào lại game (sau khi chỉnh đồng hồ xong xuôi). Con chuột này rất phiền, nhưng nó được tạo ra cốt là để làm phiền game thủ.

Tomb Raider II – Lara Croft nổ banh xác

Mã cheat (cheat code) đã xuất hiện từ rất lâu, và trong phiên bản Tomb Raider (1996) cũng có một vài cheat code cho phép game thủ qua màn (level skip) hoặc hồi đạn/giáp cho người chơi. Những mã cheat này tiếp tục xuất hiện trong Tomb Raider II (1997), nhưng lần này nhà phát triển Core Design đã đặt một cái bẫy nho nhỏ cho những ai sử dụng cheat code.

Cách kích hoạt mã cheat y hệt như phiên bản năm 1996, nhưng có thêm một bước đầu tiên là phải bật lửa lên. Những ai không biết vụ này, cứ bấm y chang mã cũ là nàng Lara Croft sẽ bị nổ tan tành. Tuy không có máu me gì hết, nhưng “vụ nổ” này nhìn cũng khá là vui nhộn, và nó cũng đã khiến không ít game thủ bị một pha hoảng hồn vào lúc đó.

Metal Fatigue – “Bạn gian lận như một con chuột!”

Việc đặt bẫy trong game singleplayer là một chuyện, nhưng đặt bẫy trong chế độ chơi mạng (multiplayer) và làm bạn mất mặt trước những game thủ khác thì nó lại là một câu chuyện buồn.

Metal Fatigue là một tựa game chiến thuật thời gian thực ra mắt vào năm 2000 trên PC. Trong game, bạn sẽ phải thu thập MetaJoules cùng một số tài nguyên khác để xây dựng căn cứ và chiến đấu với kẻ địch.

Hoặc là bạn dùng cheat code để có ngay một đống MetaJoules trong 1 nốt nhạc cũng được.

Và khi bạn sử dụng cheat code này, game sẽ gửi thông báo đến những người chơi khác rằng bạn gian lận như một con chuột nhếch nhác (“cheating like a slimy rat”). Xấu hổ chưa kìa!

Gradius III – Khi cheat code Konami phản tác dụng

Chắc hẳn anh em cũng đã từng nghe qua, hoặc thậm chí là sử dụng qua, mã cheat Konami hồi tuổi thơ đúng không? Xuất hiện vào những năm 80, đây là một đoạn code cho phép nhà phát triển Kazuhisa Hashimoto thử nghiệm trò Gradius (một tựa game của Konami) trên hệ máy NES được dễ dàng hơn. Đoạn mã này cho phép ông lấy tất cả phụ kiện nâng cấp (power-up) và “phá đảo” game một cách dễ dàng.

Kể từ đó, đoạn mã này trở nên phổ biến và xuất hiện trong nhiều game, kể cả game không phải của Konami cũng có đoạn cheat code này. Và cũng chính vì nó quá nổi tiếng nên nhà phát triển cũng lường trước được rằng game thủ sẽ dùng nó để ăn gian, cho nên họ đã quyết định “trêu ghẹo” game thủ một chút cho vui.

Một trong những ví dụ điển hình là tựa game Gradius III trên hệ máy SNES. Khi nhập đoạn mã Konami, phi thuyền sẽ nổ banh chành. Nếu không muốn bị nổ thì phải thay đổi một số nút bấm, nhưng đại đa số game thủ không biết điều này nên phi thuyền của họ bị biến thành quả cầu lửa thay vì được nâng cấp toàn diện.

Portal – “Đồ ăn gian!”

Series game giải đố Portal của Valve nổi tiếng là game khó xơi, xoắn não, khiến game thủ vò đầu bứt tóc hàng giờ liền chỉ để tìm cách mở cửa qua màn tiếp theo. Còn không thì bạn có thể ăn gian, sử dụng cheat code để giúp qua màn dễ hơn.

Nhưng trong phần 1, nếu game phát hiện bạn có dấu hiệu ăn gian thì nó sẽ chỉ thẳng mặt bạn và nói rằng bạn là đồ ăn gian. Cụ thể, nếu bạn vào chế độ thử thách (challenge mode) và hoàn thành màn chơi bằng cách sử dụng cheat thì khi hiện ra bảng tổng kết, game sẽ đóng hẳn một dấu mộc màu đỏ lè lên trên đó, ghi dòng chữ to đùng là “CHEATED!”.

The Legend Of Zelda: Ocarina Of Time – Nấm Spoilt

Trong game, bạn sẽ được nhận một nhiệm vụ làm người vận chuyển, đưa cây nấm Odd Mushroom cho một cửa hàng bán thuốc tại làng Kakariko. Vấn đề là cây nấm này sẽ bị hư trong vòng vài phút nên bạn phải di chuyển nhanh. Và mặc dù Link – nhân vật chính trong game – là một người tốt bụng, game thủ thường không được như thế, nhất là với một nhiệm vụ nhàm chán như thế này.

Vì thế, một số người chơi đã dùng tính năng “warp song” để ăn gian thời gian. Nhưng nào ngờ nó lại phản tác dụng, khi bạn “warp song” xong cũng là lúc cây nấm đó bị hư ngay lập tức. Do đó, cách duy nhất để hoàn thành nhiệm vụ này là làm một người vận chuyển lương thiện mà thôi.

Batman: Arkham Asylum – “Đọc trang sách cuối trước tiên? Xấu hổ chưa kìa!”

Sau khi chơi xong 1 lần thì bạn sẽ nhớ đường đi nước bước, nên lần chơi thứ 2 bạn sẽ biết mình cần làm gì, từ đó rút ngắn thời gian để hoàn thành game. Thậm chí, bạn có thể bỏ hẳn một vài phân đoạn để làm xong nhiệm vụ nhanh hơn.

Batman: Arkham Asylum cho phép bạn làm điều này, cụ thể là đoạn trong thư viện. Nhưng nếu bạn chơi theo kiểu này thì sẽ bị Joker chỉ điểm và bêu rếu. Trong phân đoạn này, bạn sẽ phải hạ gục tụi chân tay của Joker trong thư viện, đi xuống tầng dưới để kích hoạt đồng hồ thả khí độc của Joker, rồi đu lên trần nhà để cắt đứt chùm đèn trên trần. Nó sẽ rớt xuống và phá hủy sàn nhà phía dưới, mở lối cho bạn đi tiếp.

Hoặc nếu biết trước, bạn có thể đu thẳng lên trần nhà luôn sau khi cho tụi lâu la kia đo ván, tiết kiệm được thời gian đi xuống tầng dưới. Sau đó, bạn sẽ nghe Joker nói một câu thoại rằng: “Reading the last page first? Shame on you!”

Rocksteady đoán trước nhiều game thủ sẽ làm trò này nên đã bỏ câu nói này vào game để chọc quê người chơi.

Metal Gear Solid – Đừng hòng sử dụng chức năng Auto-fire!

Ở một thời điểm trong game, Snake sẽ bị bắt giam và tra khảo bởi Revolver Ocelot. Trước khi bị tra khảo, Ocelot sẽ giải thích một số cơ chế game cho người chơi. Hắn sẽ chỉ cho bạn bấm “Surrender” để đầu hàng, và bấm “Resist” để nhân vật chính – Snake – hồi lại sức lực. Đồng thời, hắn cũng nói luôn rằng bạn đừng mong mà sử dụng chức năng auto-fire bởi vì hắn sẽ biết hết đấy.

Để sống sót qua màn tra tấn thì game thủ phải “spam” (bấm liên tục) nút “Resist” để Snake không bị chết. Tuy nhiên, một số game thủ đã sử dụng dụng tính năng auto-fire để giả lập hành động spam nút “Resist”, đỡ phải bấm mỏi tay.

Tuy nhiên, Konami đã tính hết rồi, và nếu bạn xài chiêu này thì khả năng là Snake sẽ chết ngay tức khắc, khỏi phải đợi Ocelot tra tấn chi nữa.

Banjo-Kazooie – Cheat code Grunty báo thù

Game này tuy thuộc dạng hoạt hình vui vẻ, dễ thương, nhưng nếu bạn mà sử dụng cheat code bừa bãi thì game sẽ trừng trị đến cùng.

Banjo-Kazooie có rất nhiều cheat code giúp game thủ qua màn dễ dàng hơn, nhưng nếu bạn sử dụng cheat code để động đến tòa lâu đài của mụ phù thủy Gruntilda thì bạn tới số rồi. Mụ phù thủy này sẽ không làm gì bạn hết, không đụng đến một cọng lông của bạn luôn. Mụ ta chỉ đơn giản là… xóa savegame của bạn thôi.

Nếu bạn sử dụng cheat code 2 lần thì Gruntilda sẽ cảnh báo là savegame của bạn sẽ bị xóa nếu sử dụng đến lần thứ 3. Nghe cứ như là một trò đùa, nhưng cứ làm lần thứ 3 thử xem, rồi coi coi savegame của bạn có bị xóa thiệt hay không biết liền.

Nguồn: What Culture