Làm nhà phát triển thì họ sẽ hiểu rằng game thủ sẽ rất thích cái cảm giác thỏa mãn, sung sướng sau khi vượt qua được một đoạn khó nhằn trong game. Chẳng hạn, họ sẽ sẵn sàng đi săn trùm trong Borderlands, Monster Hunter để lấy được những vật phẩm quý báu; hoặc là làm những nhiệm vụ tẻ nhạt chỉ để mở khóa được đoạn kết bí mật trong game. Đơn giản chỉ là họ muốn thời gian và công sức mà họ đã bỏ ra được đền đáp xứng đáng là hài lòng rồi.

Tuy nhiên, cũng có những game mà người chơi đã cắn răng chịu đựng, chấp nhận “ăn hành” hết lần này đến lần khác để có được một kết thúc xứng đáng. Nhưng đổi lại, họ không những không nhận được kết thúc mình mong đợi mà còn bị nhà phát triển “troll” là đằng khác, và kết quả là bị sốc toàn tập. Sau đây là danh sách 10 tựa game có đoạn kết khiến game thủ bị sốc.


Cẩn thận: Có Spoiler!!!


No Man’s Sky – Có cái gì ở tâm vũ trụ?

Cũng giống như Borderlands, game thủ trong No Man’s Sky cũng bị thôi thúc bởi một mục tiêu cuối cùng, đó là khám phá phần trung tâm huyền bí của vũ trụ. Nếu anh em nào chưa biết thì ý tưởng của No Man’s Sky là lái phi thuyền khám phá vô số hành tinh trong thiên hà, nhưng nó vẫn có một nhiệm vụ cuối cùng như có chia sẻ phía trên. Tuy nhiên, khu vực trung tâm này lại rất đáng thất vọng, chả có gì ấn tượng cả.

Trước đó, nhiệm vụ khám phá trung tâm vũ trụ được quảng bá là lý do chính để chơi tựa game này. Tất nhiên, bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức cho giai đoạn chuẩn bị, và khi đã xong xuôi hết mọi thứ thì bạn phóng phi thuyền bay thẳng đến trung tâm, nhận ra mình đang ở một không gian khác… trống huơ trống hoác, và cơ bản thì lúc này anh em sẽ chơi lại game từ đầu. Trong khi đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Atlas thì sẽ có một ngôi sao mới được sinh ra mà đổi lại, anh em chẳng nhận được phần thưởng gì cả.

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain – Bạn không phải là Big Boss!

Có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được rằng thực sự giữa Konami và Hideo Kojima đã xảy ra mâu thuẫn gì với nhau. Nhưng sau tất cả thì series Metal Gear Solid đã không còn được như trước nữa. Anh em nào đã quen thuộc với game của Kojima thì sẽ biết ông hay chèn những điều bất ngờ vào trong tác phẩm của mình. Và ông đã vén màn bí mật – một bí mật vô cùng to lớn – vào chương cuối của series huyền thoại này, đó là Metal Gear Solid V: The Phantom Pain.

Từ đầu đến cuối game, game đã thuyết phục người chơi tin rằng nhân vật chính mà mình điều khiển là Big Boss. Tuy nhiên, điều này lại không phải là sự thật. Trong đoạn cuối game, bạn sẽ biết được rằng nhân vật chính thực chất là The Medic, hay còn gọi là Venom Snake mà thôi. Còn Big Boss thực sự thì không hề xuất hiện trong phần này.

Borderlands – Có gì trong kho?

Ý tưởng của Borderlands xoay quanh cái kho (vault) chứa nhiều kho báu mà các chiến binh (gọi là Vault Hunters) đã tìm mọi cách để được chạm tay vào khối lượng vật phẩm này. Trong phần đầu tiên, các nhân vật NPC, nhiệm vụ đều nhắc đi nhắc lại về cái Vault cuối cùng không biết bao nhiêu lần. Mặc dù nhiều người dân tại hành tinh Pandora cho rằng đây chỉ là một huyền thoại nhưng không ít người chơi sẽ tin rằng cái Vault này là có thật do phần chơi chiến dịch sẽ thuyết phục anh em tin vào điều đó.

Tất nhiên, sau bao phen sóng gió, trầy da tróc vẩy thì cuối cùng người chơi cũng tìm thấy được cái kho này, và sau khi mở nó ra thì… à thật ra thì game thủ sẽ không mở được cái kho này anh em ạ, chỉ đứng nhìn được thôi. Sau bao công cuộc cày cuốc, tất cả những gì mà người chơi nhận được là một con trùm dai như đỉa và mớ đồ loot cỏn con. Đối với một tựa game được biết đến với lối chơi vui nhộn, nội dung phong phú, sáng tạo thì đây quả thật là một cú tát thẳng vào mặt fan của series này.

Super Mario Bros. 2 – Tất cả chỉ là một giấc mơ

Super Mario Bros. 2 có cơ chế rất thú vị và đặc biệt: nhổ rau củ từ dưới đất lên và ném vào mặt kẻ địch, chứ không phải là đạp lên đầu chúng như những phần khác. Nó có lý do hẳn hoi: đây là một phiên bản được “reskinned” của một tựa game khác Yume Kōjō: Doki Doki Panic, và phiên bản này được phát hành bởi Nintendo dưới dạng phần 2 của series Super Mario Bros do phiên bản Nhật Bản được cho là khó phát hành tại thị trường phương Tây.

Đây là lý do vì sao mà anh em sẽ thấy các nhân vật Mario, Luigi, Peach và Toad chạy vòng quanh một thế giới tên là Subcon, ném đồ ăn vào kẻ địch (hoặc nhặt kẻ địch lên ném luôn cũng được), và tìm đến con trùm Wart – một con vua ếch – để giải cứu người dân tại vùng đất này khỏi ách thống trị của hắn. Để giải thích cho tất cả sự việc quái lạ này, đoạn kết game sẽ hiện cảnh Mario đang nằm ngủ ngon lành trên giường, ám chỉ rằng mọi thứ vừa qua chỉ là một giấc mơ mà thôi.

Earthworm Jim – Hoàn thành game ở chế độ dễ sẽ cho anh em biết được nhiều thông tin về… con sâu

Những ai nhìn vô tựa game này sẽ không nghĩ rằng đây thực sự là một game nghiêm túc vì đồ họa, cơ chế gameplay của nó khá là hóm hỉnh. Không những thế, khi chơi Earthworm Jim anh em còn được nghe rất nhiều câu chuyện khôi hài và bắt gặp những yếu tố buồn cười. Nhưng đặc biệt ở chỗ là ít ai ngờ được rằng khi “phá đảo” game này ở chế độ dễ thì sẽ có một điều bất ngờ xảy ra.

Khi kết thúc game, màn hình sẽ hiện ra dòng thông báo “U’re the best!” và sau đó là lời nhắn dài gần 5 phút, chứa một đống thông tin về con sâu, bắt đầu với câu hỏi “What Are Worms?” (Sâu là con gì?), để anh em có thêm kiến thức về loại sinh vật này. Tuy không thực sự thú vị, nhưng quả thật là nó rất bổ ích đúng không anh em?

Metroid – Samus là phụ nữ

Phải công nhận một điều rằng Nintendo đã rất thành công với Metroid (1986) trên hệ máy NES, thiết lập một nền tảng vững chắc cho series tiếp tục phát triển sau này. Vào thời đó thì không có tựa game hành động nào tương tự như Metroid với bối cảnh tương lai tại thế giới của người ngoài hành tinh, cho phép anh em khám phá rất nhiều thứ. Và đặc biệt hơn hết là phần này có nhân vật chính là phụ nữ, biến Metroid thành một trong những tựa game đầu tiên làm điều này.

Đúng ra mà nói thì đây là một bí mật trong game, chỉ có những ai “phá đảo” Metroid trong vòng 5 tiếng đồng hồ mới biết được sự thật này. Anh em sẽ được xem một đoạn kết bí mật với hình ảnh Samus không mặc bộ giáp Power Suit. Một cú “twist” phải nói là vô cùng bất ngờ.

Ghosts ‘N Goblins – Kết thúc đầu tiên là kết thúc giả

Ngày nay thì series Dark Souls sẽ là một trong những game đầu tiên được nhắc đến khi nói về những game có độ khó đến mức phát khóc. Nhưng ít ai biết được rằng vào những năm 90 của thế kỷ 20, những game ra mắt trong thời đại này thường sẽ có tuân theo một quy luật chung là cực kì khó. Lấy ví dụ như những tựa game hoạt hình Aladdin hay The Lion King là anh em có thể thấy ngay nó khó đến mức người lớn chơi còn muốn cắn lưỡi chứ huống hồ gì là trẻ em.

Trong đó, nổi bật hơn cả là trò Ghost ‘N Goblins ra mắt vào năm 1985. Trong game, chỉ cần dính 1 chưởng là giáp của Arthur sẽ bay mất tiêu, ăn thêm phát nữa là đo ván luôn. Tuy nhiên, nó có một bí mật là những ai “phá đảo” trò này sẽ được nhìn thấy dòng thông báo như hình trên. Nói một cách ngắn gọn thì để được xem kết thúc thật sự, anh em phải hoàn thành game này một lần nữa với độ khó tăng lên đáng kể. Tin vui là lần này nó sẽ hiện ra thông báo “congratulation. This story is happy end” nên có thể xem như là xứng đáng với công sức mà anh em bỏ ra.

Doom II – Bức tường quỷ và cái đầu của John Romero

Thay vì kết thúc một cách hùng hổ, hoành tráng thì anh em sẽ không ngờ được rằng Doom II đã kết thúc như thế nào đâu. Trong màn đấu trùm cuối, thường thì anh em sẽ nghĩ rằng mình sắp có một trận đấu cực kì hoành tráng, bốp chát, và cực kì khó nhằn. Nhưng những gì game thủ thấy được trong màn này là một bức tường quỷ và cái đầu của John Romero trên một khúc cây.

Con trùm này chỉ đứng yên một chỗ (vì là bức tường mà) và “tấn công” người chơi bằng cách triệu hồi những con quái vật khác nhau. Để giết nó thì anh em phải gây sát thương cho cái thứ đứng đằng sau nó: cái đầu của Romero. Cái đầu này hoàn toàn vô hình nên anh em sẽ chẳng thể nào biết được là có nó ở đó. Trong điều kiện bình thường thì nó chỉ bị sát thương theo kiểu “splash damage” (lúc anh em bắn tên lửa) mà thôi. Đây cũng là lý do vì sao khi anh em bắn trúng “cái não” của con trùm này thì nó lại chết.

Super Mario Bros. – Cũng không phải tòa lâu đài này ư?

Tất nhiên là không mấy ai chơi Super Mario vì cốt truyện cả. Game thủ đều biết rằng công chúa Peach bị Bowser bắt cóc, và Mario lại phải giải cứu công chúa (một lần nữa). Cũng chẳng vấn đề gì cho lắm. Tuy nhiên, series Super Mario lại có những phần với kết thúc khá là “troll” game thủ. Cái dòng chữ “thank you Mario! But our princess is in another castle!” trứ danh bắt nguồn từ Super Mario Bros.

Trong phần này, mỗi thế giới mà anh em đặt chân đến đều không có công chúa Peach ở đó. Nó cứ lặp lại như thế cho đến khi anh em gặp được Bowser và Mario tìm được công chúa. Và màn đấu trùm cuối cũng diễn ra khá là chóng vánh, chả đọng lại tí cảm xúc gì cả.

Golden Sun: Dark Dawn – Khi đằng sau “The End” là một dấu chấm hỏi

Golden Sun: Dark Dawn là một tựa game trên hệ máy Nintendo DS với cốt truyện 30 năm sau phần Golden Sun: The Lost Age, với dàn nhân vật là con cháu của các anh hùng trong phần đầu tiên. Mặc dù tựa game nhập vai này được đánh giá cao, và việc đồ họa chuyển sang hướng 3D cũng được khen ngợi ít nhiều, cốt truyện trong phần này lại rất rời rạc.

Khi thảm họa được chặn đứng thì nhóm nhân vật chính lại biết được rằng đang có thêm một mối nguy hại khác cũng đang rình rập. Khúc cuối anh em sẽ được nhìn thấy dòng chữ “The End?” đầy bí ẩn, và fan đã cảm thấy khó chịu, không biết liệu series này có còn tiếp tục có phần sau hay không.

Bonus. Mass Effect 3 – Chọn kiểu nào cũng… chết

Hai phần Mass Effect đầu tiên đã cực kì thành công trong việc thiết lập bối cảnh cho màn kết thúc trong phần 3, vì thế nên fan đã rất háo hức đón chờ phần này. Từ đầu đến cuối, BioWare đã làm rất tốt, bám theo motif trong các phần trước, cho phép game thủ đưa ra những lựa chọn mang tính quyết định. Tuy nhiên, đến đoạn kết thì game thủ mới biết là những gì mình làm trước giờ đều… công cốc.

Cày cuốc hàng chục giờ cho lắm vào, cuối cùng mọi thứ đều gói gọn lại chỉ với 3 sự lựa chọn vô cùng đơn giản. Cho dù trước đó bạn có làm gì đi chăng nữa thì bây giờ cũng chỉ có 3 sự lựa chọn này mà thôi, và chọn kiểu nào thì nhân vật chính là Commander Shepard cũng phải hi sinh. Lúc đó, game thủ hầu như ai cũng cảm thấy như mình vừa bị lừa một vố to đùng vậy. BioWare sau đó có bổ sung thêm đoạn kết khác trong phần DLC và Shepard không nhất thiết phải hi sinh. Nhưng nhìn chung thì nó cũng chẳng thay đổi được gì cả, và những gì mà game thủ còn ghi nhớ trong đầu chỉ là 3 cái kết kia mà thôi.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360