Top 10 thiết bị tưởng không dị mà lại dì không tưởng được game thủ “độ” lại để chiến game Doom. Thiết bị nào sẽ là thiết bị khiến bạn bất ngờ nhất?
Doom là một tựa game bắn súng mang tính bạo lực và kinh dị rùng rợn ra mắt vào năm 1993. Do lối chơi quá hay của tựa game này mà cho tới tận bây giờ, khi vô số các tựa game bắn súng kinh dị đồ họa siêu đẹp khác đã ra đời, người chơi vẫn luôn cảm thấy ấn tượng mỗi khi nhớ về những cảm giác sợ hãi nhưng đầy cuốn hút mà họ cảm nhận khi lần đầu chơi Doom.
Tuy nhiên, có một số fan hâm mộ thay vì cứ giữ mãi kỷ niệm trong tim, họ lại quyết định hồi sinh nó trên nhiều thiết bị chơi game khác nhau, từ những thiết bị hết sức bình thường như máy tính, cho tới những thiết bị mà dù bạn có sống hết 60 năm cuộc đời cũng không nghĩ rằng những thiết bị như thế có thể chơi được game. Vậy những thiết bị đó là gì, mời các bạn hãy cùng tham khảo top 10 thiết bị kỳ dị nhất mà game thủ từng dùng để chiến Doom.
Cây đàn piano
Ngoài việc tạo ra những âm thanh xoa dịu đôi tai với những bản nhạc giao hưởng đi cùng thời đại, Piano còn là một nhạc cụ có thể giúp chúng ta… cầm súng bắn nát sọ quỷ dữ. Trong hình là một chiếc Piano cũ kỹ được “độ” lại thành một chiếc bàn phím để chơi game Doom. Mặc dù Doom không được chạy bằng công nghệ của chiếc đàn Piano, việc biến các phím đàn thành các phím điều khiển trên bàn phím vẫn là một thành quả hết sức đáng nể.
Phần mặt gỗ phía trên các phím đàn được đánh dấu sẵn rằng phím nào được sử dụng để tiến tới, đi lùi, xoay và bắn. Người “nghệ sĩ” chỉ cần ngồi vào, nhìn theo hướng dẫn và bắt đầu chơi một “bản nhạc chết chóc” mang tên Doom mà thôi. Chỉ có điều là khi bạn chơi thì những người khác ngồi xem bạn sẽ phải chịu cảm giác đau tai khi các nốt nhạc được đánh lên một cách ngẫu nhiên, không tạo ra một âm thanh dễ chịu nào cả.
Que thử thai
Chúng ta hãy cùng vỗ tay cho Foone Turing – anh chàng đã biến thứ khiến cho nhiều người bạn trai phải đổ mồ hôi hột khi nó hiện 2 vạch thành một công cụ có thể chiến được game Doom. Thật mỉa mai thay khi đây là một thiết bị khiến cho nhiều chàng trai phải “Doom” thì nay lại được chế lại để chiến game “Doom”.
Sau khi hoàn thành sản phẩm của mình, Foone đã đăng lên trang Twitter một ảnh GIF cho thấy tựa game Doom đang được render trên màn hình trắng đen của que thử thai. Do màn hình quá bé và màu sắc cũng chỉ hiển thị có 2 màu trắng đen nên có thể lúc đầu hơi khó nhận ra đây là game Doom, nhưng nếu các bạn coi hình ảnh có màu sắc bình thường và hình ảnh trắng đen của que thử thai được Foone đặt kế bên nhau thì các bạn sẽ dễ dàng nhận ra hơn.
Theo như Foone chia sẻ thì trước khi anh ta bắt tay vào “độ” que thử thai thành máy chơi game, Foone đã tháo banh cái que này ra và phát hiện bên trong có một con chip điều khiển nhỏ (microcontroller) 8-bit tương tự như trong những bộ PC ngày trước. Thậm chí, có khi con chip trong que thử thai này còn vượt trội hơn trong việc xử lý các con số và các tác vụ I/O cơ bản so với CPU trang bị trong PC IBM trứ danh. Tuy nhiên, con chip này không cho phép lập trình lại nên cần phải sử dụng thêm thiết bị hỗ trợ mới có thể chơi Doom được.
Khoai tây mốc và máy tính cầm tay
Do khả năng tạo ra dòng điện của khoai tây bằng cách cắm một miếng kim loại bằng kẽm hoặc đồng vào trong khoai tây, sau đó axit và muối trong khoai tây sẽ tạo ra phản ứng, biến khoai tây thành một cục pin đã khiến cho YouTuber Equalo quyết định mua một đống khoai tây về chất đầy gara. Sau đó bỏ ra vài ngày để xem xem cần bao nhiêu củ khoai tây để có thể chiến được Doom.
Ban đầu anh định chạy Doom trên Raspberry Pi Zero, và sau khi tính toán thì thấy cần phải sử dụng đến 770 lát khoai tây để tạo ra dòng điện 100-120 milliamps và 5 volts. Anh bỏ tiền mua khoảng 45kg khoai tây về nhà, luộc nó (để tăng cường độ dòng điện), cắt ra, rồi kết nối dây điện đầy đủ. Xúi quẩy là khi anh cắm Raspberry Pi vào thì nó không chạy dù đã đủ điện. Nhưng Equalo vẫn không bỏ cuộc!
Trong vài ngày tiếp theo, lúc anh tìm cách khắc phục thì những củ khoai tây kia bắt đầu… nổi mốc. Mặc dù đã cố gắng chống chọi với mùi thối, Equalo đành từ bỏ dự án Raspberry Pi và chuyển sang sử dụng máy tính TI-84. Anh đã bỏ cục pin ra và kết nối máy với dàn pin khoai tây mốc meo kia. Và Equalo đã thành công các bạn ạ! Sau 6 ngày cật lực, chịu đựng mùi khó chịu thì cuối cùng anh cũng đã cho Doom chạy được bằng khoai tây (mốc). Tuy nhiên, tác dụng phụ là bây giờ anh rất ghét khoai tây, và tréo ngoe ở chỗ là anh đang sinh sống tại tiểu bang Idaho – nơi nổi tiếng trồng khoai tây với sản lượng chiếm 1/3 của cả nước Mỹ.
TouchBar của Macbook Pro
Một chiếc máy MacBook Pro hiện đại nếu không xét đến các vấn đề về tương thích thì đương nhiên là thừa sức mạnh phần cứng để cân cả thế giới game từ thập niên 90. Nhưng mà nếu là chơi trên màn hình TouchBar thì sao? Đương nhiên là có thể vì đã có game thủ chiến được rồi.
TouchBar của Macbook Pro về bản chất là một chiếc màn hình cảm ứng được dùng để làm mấy tác vụ đơn giản. Tuy nhiên nó vẫn liên kết với sức mạnh tính toán của chiếc máy nên chơi Doom trên đó cũng chẳng phải việc gì khó khăn. Vấn đề duy nhất là nó sẽ scale tỉ lệ màn hình ra dài ngoằng mà thôi.
Máy ATM
Không rõ mấy anh chàng này ấy được cả cây ATM đang còn chạy được ở đâu nhưng có lẽ chúng ta không nên hỏi. Thay vào đó thì theo chủ đề bài viết này, chúng ta nên hỏi rằng “liệu có thể dùng nó để chiến game Doom hay không?”. Câu trả lời đương nhiên là được. Có vẻ họ đã phải chế cháo cái máy một chút nhưng cuối cùng thì nó đã chơi được Doom.
Không giống như nhiều thiết bị khác trong bài viết này, máy ATM có loa nên bạn có thể tận hưởng âm thanh cháy nổ và nhạc nền heavy metal khét lẹt không thể lẫn vào đâu được của tựa game. Mặc dù mấy nút bấm trên máy không được đúng lắm về mặt công thái học nhưng về căn bản là vẫn chơi được.
Máy ảnh kỹ thuật số
Sức mạnh của chip bán dẫn đã tăng lên một cách chóng mặt trong thập niên 90. Hồi năm 93 thì người ta phải dùng cả chiếc PC mới đủ sức chiến game Doom. Thế nhưng chỉ 5 năm sau đó, năm 1998 thì một chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũng có đủ sức mạnh phần cứng để làm chuyện này. Mặc dù máy ảnh hồi đó mà chiến được Doom thì cũng không phải dạng vừa đâu nhưng vụ này vẫn rất ấn tượng.
Vấn đề duy nhất của chiếc máy ảnh này khi chiến Doom là dàn nút của nó không được thiết kế để chơi FPS. Nhưng mà không sao, chơi được là đã đủ thú vị rồi. Game chạy cũng vô cùng mượt mà, màn hình nhỏ nên rất nét nữa.
Máy siêu âm
Bên cạnh việc giúp đỡ các y bác sĩ trong việc cứu trợ cho bệnh nhân, chiếc máy này thậm chí còn chơi được Doom luôn các bạn ạ. Cụ thể hơn thì trong clip trên, game Doom đã được cài vào một chiếc máy siêu âm và chạy ngon lành. Lợi thế của chiếc máy này so với những thiết bị kỳ dị khác là nó có hẳn một chiếc bàn phím luôn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì chiếc máy này còn có thêm một đống nút khác và một con chuột theo dạng bi lăn (trackball) nên việc điều khiển tính ra cũng không dễ dàng cho lắm. Dù sao đi nữa thì nó cũng có một cái màn hình đủ lớn và chạy mượt mà, ổn định, nói chung là vẫn chiến tốt.
Điện thoại bàn
Ở thời đại điện thoại thông minh khắp muôn nơi như hiện nay thì điện thoại bàn dường như là món đồ công nghệ đã lỗi thời rồi. Tuy nhiên, nó vẫn có vị trí của riêng nó trong các văn phòng và hộ gia đình. Vì nó vẫn còn được sử dụng, cho nên đã có modder khéo tay hay mò tìm cách cài game Doom vô điện thoại bàn rồi chiến game trên đó luôn các bạn ạ.
Các phím số sẽ là nút điều khiển nhân vật, và nhiêu đó nút cũng vừa đủ để ra lệnh cho nhân vật trong game thực hiện một số chức năng cơ bản. Thậm chí, modder này còn thiện lành đến nỗi làm hẳn một bài hướng dẫn để những bạn đang xem có thể tự làm ở nhà. Tuy nhiên, trừ khi bạn không cần dùng điện thoại bàn nữa thì hãy thử, còn không thì tốt nhất đừng thử trên điện thoại bàn còn đang dùng nhé.
Máy hiển thị đơn hàng
This Does Not Compute là kênh YouTube chuyên khám phá các món đồ công nghệ cũ. Trong đó, họ có đăng tải một đoạn video về việc sử dụng máy hiển thị đơn hàng để chơi game Doom. Cơ bản thì máy hiển thị đơn hàng là màn hình hiện thông tin của các đơn hàng mà khách đã đặt tại các cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng bán thức ăn nhanh.
Các máy hiển thị đơn hàng này sử dụng phần cứng gọi là IPadSX, và phần cứng này sử dụng X-Dos – một biến thể của MS-DOS. Tuy nhiên, tính năng của nó đã bị cắt bớt khá nhiều do nhiệm vụ của nó cũng chỉ đơn giản là liệt kê thông tin mà thôi. Chính vì thế nên để chạy được hệ điều hành, YouTuber này đã dùng MS-DOS 6.22. Ngoài ra thì IPadSX còn có các khe cắm để bạn kết nối bàn phím chiến game cho tiện.
Xe Porsche 911
Porsche 911 là một chiếc xe thể thao có hiệu suất cao, tạo sự phấn khích cho người lái, và càng phấn khích hơn nữa khi nó chơi được game Doom huyền thoại. Trước khi đi vào chi tiết thì lưu ý một điều là các bạn đừng nên làm theo nhé. Việc lái xe cần sự tập trung cao độ, vì thế nên việc vừa nhìn đường vừa bắn quái vật sẽ không an toàn một chút nào đâu.
Chiếc Porsche 911 có màn hình ở chính giữa, và đây cũng chính là nơi hiện nội dung của trò Doom. Sau khi khởi động chiếc xe vào chế độ debug, bạn bỏ đĩa vào rồi dùng cụm nút ở phía dưới màn hình để vào game. Để điều khiển nhân vật quay trái/phải thì bạn chỉ việc xoay vô-lăng theo hướng tương ứng, để đổi súng thì dùng cần số, và siết cò bằng cách nhấn kèn xe. Muốn nhân vật di chuyển về phía trước thì bạn phải nhấn ga, cho nên cơ bản là bạn sẽ vừa chơi game vừa… chạy xe, cực kỳ nguy hiểm nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tập đoàn xấu xa gây ra hàng loạt thảm họa trong thế giới game
- Top 10 tựa game núp lùm bắn tỉa hay nhất trên PC
- Top 10 cách độc đáo trong game để giúp bạn di chuyển nhanh giữa các địa điểm trên bản đồ
- Top 10 tựa game phiêu lưu hành động cực hay, cuốn hút đến từng phút giây
Nguồn: The Gamer
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!