FIFA 20 ra mắt hồi tháng 9/2019 và ngay lập tức bị fan chỉ trích không thương tiếc. Thật ra thì tình trạng này đã xuất hiện trong những phần FIFA gần đây rồi. Cứ hễ EA ra phần FIFA mới là kiểu gì cũng bị fan ném đá. Mặc dù trong 10 năm trở lại đây thì FIFA đã thống trị mảng game đá banh, thu về rất nhiều lợi nhuận, và đối thủ duy nhất của nó là Pro Evolution Soccer (cũng đang lặt lìa luôn rồi), nhưng nhìn một cách tổng thể thì FIFA dường như đang đi thụt lùi chứ chẳng tiến thêm được bước nào.

Gameplay không còn hấp dẫn và phần lớn nội dung mới đều tập trung vào Ultimate Team. Kể từ khoảng năm 2015, khi FIFA đang ở trên đỉnh thì những phiên bản sau đó không có nhiều cải thiện cho lắm, ngoại trừ đồ họa có được nâng cấp chút đỉnh. Sau đây là danh sách 10 lý do mà FIFA dần lụn bại qua từng năm tháng.

Phòng thủ

Một trong những vấn đề mà game thể thao gặp phải đó là việc phòng thủ. Người chơi muốn ghi bàn nên sẽ dùng những kỹ năng khác nhau để đưa bóng vào lưới đối phương. Tuy nhiên, phòng thủ cũng quan trọng không kém gì tấn công và EA Sports vẫn chưa thể hoàn thiện được khâu này. Trước FIFA 20 thì cơ chế phòng thủ vẫn được giữ nguyên, đó là cơ chế gọi đồng đội áp sát (second man press). Nhưng vì chiêu này quá mạnh nên FIFA 20 đã bỏ nó đi, thay vào đó là bổ sung cơ chế kéo nguyên đội hình về. Game thủ thấy cách này cực kì hữu dụng nên xài nó rất nhiều, khiến trận đấu trở nên tẻ nhạt và buồn chán. Cơ chế phòng thủ đã tệ sẵn rồi, nay EA còn làm nó tệ hơn nữa, thật không hiểu nổi anh em ạ.

Sử dụng mánh lới để che lấp khuyết điểm

Journey và Volta là 2 chế độ mới trong những năm gần đây để làm phong phú nội dung, thu hút những ai thích chơi singleplayer. Khâu marketing cho game đã quảng bá cho chế độ này rất nhiều, nhưng nó chỉ được dùng để che đậy những vấn đề nổi cộm mà FIFA đang gặp phải. Chế độ Journey rất hấp dẫn khi được giới thiệu trong FIFA 17, nhưng đến FIFA 18 và 19 thì nó lại không được đầu tư kỹ lưỡng như trước. Volta thì nghe có vẻ như là một ý tưởng hay, nhưng khi đưa vào trong FIFA 20 thì thì phần hồn của FIFA Street gần như chẳng còn nguyên vẹn, chỉ có lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài mà thôi. Chế độ này ngắn và không có tùy chọn để game thủ bắt cặp cùng với bạn bè. Tóm lại thì cả 2 chế độ này đều rất có tiềm năng, giá như EA Sports chịu đầu tư thêm nữa thì sẽ rất là tuyệt.

Cộng đồng FIFA eSports

Trong những năm gần đây thì FIFA là một trong những game phát triển mạnh nhất trong cộng đồng eSports, nhưng nó lại có rất nhiều vấn đề với game thủ cạnh tranh với nhau (competitive player). Series FIFA hiện tại phần lớn là nhắm vào người chơi Ultimate Team và Weekend League. Và điều này khiến gameplay không còn được cuốn hút như trước và với game thủ bình thường thì họ dần quay lưng ngoảnh mặt với series này.

Trong năm 2020 thì eSports phát triển rất mạnh, nhưng thậm chí với những người chơi chuyên nghiệp thì tình trạng game hiện tại cũng chẳng tốt lành gì. Chế độ competitive chính trong game là Weekend League, yêu cầu người chơi phải cày 30 trận mỗi cuối tuần, và những người chơi hay nhất sẽ được tham gia giải đấu vòng loại, ngặt nỗi giải đấu này chỉ là một cơ hội vô cùng mong manh để game thủ có được 1 slot trong sự kiện offline lớn. Đã vậy máy chủ của FIFA cũng thiếu ổn định, khiến người chơi bị mất kết nối và bị xử thua mà không làm được gì. Nếu FIFA muốn tiếp tục đi theo hướng này thì họ cần phải làm cho tới nơi tới chốn, kẻo làm game thủ phẫn nộ thì e là lành ít dữ nhiều.

Chế độ Career

Bên cạnh đó, có một vài chế độ đã bị EA Sports lãng quên, điển hình là chế độ Career. Với những ai không thích chơi online thì đây là chế độ có nhiều nội dung nhất cho họ. Ý tưởng cho game này rất đơn giản: chọn đội mà bạn yêu thích và chơi từ mùa giải này qua mùa giải nọ để giành lấy vinh quang. Tuy nhiên, do series dần tập trung vào chế độ online nên chế độ career dậm chân tại chỗ luôn. Với những ai chỉ muốn chơi chế độ career thì điều này vô cùng khó chịu, bởi vì mỗi năm bạn mua bản FIFA mới chỉ để cập nhật đội hình là hết, ngoài ra không được thêm gì nữa cả. Đặc biệt với FIFA 20 thì hầu như là chả có thêm nội dung gì mới cả, thay đổi lớn nhất của chế độ này hồi năm 2019 là chỉnh sửa các cuộc họp báo lại một chút rồi thôi. Ngoài ra thì lúc ra mắt chế độ này cũng bị dính một lỗi khiến game gần như là chả chơi được. Sau đó thì lỗi này đã được sửa, nhưng nó cho thấy EA Sports không còn mặn mà gì với chế độ career nữa.

Pro Clubs

Tương tự như chế độ career, Pro Clubs cũng chẳng được bổ sung nội dung gì mới mẻ cả. Khi mới được thêm vào thì game thủ đã vô cùng thích thú vì nó cho phép người chơi “liên minh” với bạn bè để đấu trận 11vs11, với mục tiêu là vươn lên đứng đầu danh sách Pro Clubs. Đây là chế độ phổ biến nhất trước khi Ultimate Team được giới thiệu vì nó cho phép bạn bè cùng nhau chơi chung một đội và “làm gỏi” đội bên kia. Thậm chí, có hẳn một cộng đồng FIFA rất muốn bổ sung tính năng cho Pro Clubs, nhưng tiếc thay là chế độ này không nằm trong danh sách ưu tiên của EA Sports.

Người chơi khai thác lỗi trong game

Đây là một vấn đề muôn thuở trong làng game, nhưng đối với FIFA 17 trở về sau thì vấn đề này càng xuất hiện nhiều hơn nữa. Những bàn thắng ngay khi trái banh mới vừa lăn, rồi những đợt boost tưởng chừng như vô tận cho đội vừa mới đầu hàng, đó là một vài lỗi xuất hiện từ năm này qua năm nọ. Thậm chí trong chế độ competitive, giữa 2 người chơi chuyên nghiệp thì cũng không thể tránh khỏi những lỗi này. Ngoài ra thì trong FIFA 19 game thủ nào múa skill giỏi là rất dễ ghi được bàn, đơn cử như chiêu El Tornado nếu thực hiện thành công thì trong hầu hết trường hợp bạn sẽ có ngay một bàn thắng. Còn trong FIFA 20 thì có cơ chế kéo nguyên đội hình lui về như cho chia sẻ bên trên, và game thủ lạm dụng nó rất nhiều, khiến bạn cảm thấy rất mau nản chí. Nói chung là chả vui tí nào khi mình là “nạn nhân”.

Tái sử dụng một vài yếu tố trong phần trước

Một trong những vấn đề lớn nhất của những dòng game ra mắt phần mới mỗi năm một lần là chuyện tái sử dụng một vài yếu tố trong những phần trước mà không thêm thắt hay cải thiện gì cho nó cả. Trong trường hợp của FIFA là animation (cử động nhân vật), nhất là những pha ăn mừng luôn được làm nổi bật, nhưng những đoạn clip đó lại được tái sử dụng hết lần này qua lần nọ cho những trường hợp bị ăn thẻ phạt, phản ứng khi đá phạt đền, và những cú sút mém vào. Ngoài ra thì phần bình luận cũng như menu và các chế độ chơi cũng gặp trường hợp tương tự, được tái sử dụng rất nhiều. Đặc biệt, nếu anh em vào phần English trong Premier League, hầu hết cầu thủ đều có khuôn mặt được lấy ra từ 5-6 thiết kế gì đó thôi. Đồng ý rằng thiết kế mỗi cầu thủ thật chỉn chu rất là tốn thời gian, nhưng chỉ có 5-6 khuôn mặt xào đi xào lại thế kia thì quả thật là rất ít luôn ấy chứ.

Gameplay càng ngày càng thụt lùi

Cơ chế gameplay của FIFA thì bị chỉ trích nhiều rồi, nhất là có những yếu tố khiến game mất cân bằng, thậm chí là khiến game không tài nào chơi tiếp được. Đành rằng game hướng theo phục vụ những game thủ chuyên nghiệp đi (như có đề cập phía trên), nhưng nếu gameplay có tiến bộ thì cũng không nói làm gì. Đằng này gameplay không chỉ không được cải thiện mà nó còn đi thụt lùi nữa anh em ạ. Hồi FIFA 15 thì nhịp độ gameplay rất nhanh, hấp dẫn, và rất “bánh cuốn”. Tuy nhiên, những phiên bản sau đó không có chỉnh sửa gì nhiều và có phần base game y như cũ. Trên mạng xã hội ngày nào cũng có những đoạn clip phản ánh về lỗi bug/glitch trong game mà đáng lẽ ra không nên xuất hiện trong một tựa game đá banh vào năm 2020 nữa. Thủ môn thì để banh lọt lướt mà không phản ứng gì, cầu thủ thì cứ đứng như trời trồng trong những thời khắc quan trọng, hoặc những bàn thắng 100% là ăn chắc nhưng không vào là không vào. Game thủ thích chơi FIFA vì nó vui và thú vị, nhưng EA Sports vẫn chưa thể làm tốt được trong chuyện này.

Tiền và vấn nạn “pay to win”

Cơ chế bán vật phẩm (microtransactions) trong những năm gần đây đã phải hứng chịu nhiều lần gạch đá từ phía game thủ, và những hầu hết những game mới ra mắt vài năm đổ lại đều được tích hợp cơ chế này. Đối với FIFA thì nó nằm dưới dạng Ultimate Team, game thủ bỏ tiền thật ra để mua các gói cầu thủ trong game với mục tiêu là lấy được những thẻ bài xịn, giúp đội mình mạnh lên. Và vì nó sinh lời rất nhiều nên EA Sports cũng chỉ tập trung vào chế độ này thôi, bỏ lơ các chế độ khác để “khuyến khích” nhiều người chuyển sang chơi Ultimate Team chứ đừng chơi mấy chế độ kia nữa.

Vấn đề lớn ở đây là nó thuộc dạng “pay to win”. Những game thủ chuyên nghiệp, nếu may mắn, thì sẽ được tài trợ để họ lấy những cầu thủ xịn nhất. Còn đối với game thủ bình thường thì sẽ có 2 sự lựa chọn: hoặc là đập rất nhiều tiền vào game, hoặc là cày còng lưng tuần này qua tuần nọ để có đội hình đủ mạnh mà còn đi đấu với người chơi khác. Có thể xem như đây là một cơ chế cờ bạc (gambling) vì game thủ có thể bỏ ra hàng đống tiền mà kết quả chẳng thu lại được gì đáng kể. Đây không phải là hướng để cho FIFA tiếp tục “theo đuổi”, nhất là khi đang có rất nhiều game thủ trẻ tuổi chơi tựa game này.

Ultimate Team

Đây là vấn đề lớn nhất của FIFA và qua từng năm thì nó càng ngày càng đi xuống. Chế độ này được giới thiệu vào năm 2009, nhưng đến FIFA 2017 (khi Weekend League ra mắt) thì đây thực sự là một bước ngoặt. Gần như mọi khía cạnh trong chế độ này đều được thay đổi để phục vụ cho gameplay competitive. Điều này đã khiến game thủ chẳng còn hào hứng gì với FIFA nữa, và phần lớn cộng đồng cũng cho rằng cho dù có thắng thì cũng chẳng vui vẻ gì mấy.

FIFA đã từ bỏ lối chơi hấp dẫn, thú vị, và chuyển sang dạng cạnh tranh, đối đầu, đòi hỏi game thủ phải cày thâu đêm suốt sáng và đập tiền vào game nếu muốn giành phần thắng. EA Sports sẽ không khi nào mà thay đổi chế độ này vì nó đang đem về rất nhiều lợi nhuận cho họ, đồng nghĩa với việc FIFA vẫn sẽ tiếp tục đi lùi trong tương lai gần.

Nguồn: What Culture