Top 10 kết thúc quá thất vọng bóp chết nguyên cả dòng game!

Phần kết của một tựa game, hay tựa phim, đều mang ý nghĩa rất quan trọng. Nếu bạn làm đúng thì fan sẽ đem đến cho fan sự thỏa mãn và kéo theo đó là một ấn tượng rất khó phai mờ; nhưng nếu bạn “sẩy chân” một phát là fan sẽ “ghim” bạn từ lúc đó cho đến mãi về sau luôn. Đúng là sự thành bại của một tựa game không hoàn toàn phụ thuộc vào cốt truyện như bên phim ảnh, nhưng điều đó không có nghĩa rằng fan sẽ sẵn sàng bỏ qua nếu bạn làm một cái kết game quá thậm tệ.

Có những cái kết khiến fan quay lưng ngoảnh mặt cái rụp vì quá dở, cũng có cái kết chia rẽ cộng đồng fan, khiến họ tranh cãi nảy lửa xem ai đúng ai sai. Kết quả là tương lai của tựa game đó, hoặc cả dòng game đó, không biết rồi sẽ đi đâu về đâu luôn. Sau đây là danh sách 10 cái kết giết chết cả dòng game.


Cảnh báo: Có SPOILER!!!


Chọn kiểu nào cũng chết – Mass Effect 3

Mass Effect từng là một tựa game nhập vai AAA rất đình đám và được game thủ kỳ vọng rất nhiều, nhưng với phần 3 thì không hiểu sao họ lại làm một cái kết rất là trời ơi đất hỡi. Trong 2 phần trước, mỗi hành động, quyết định của game thủ đều khiến mạch truyện thay đổi, từ đó biến tấu phần kết theo nhiều hướng khác nhau. Biết được điều này, game thủ đã hết sức cẩn trọng với sự lựa chọn của mình trong phần 3, vì dù gì họ cũng muốn xem xem BioWare sẽ viết phần kết cho Commander Shepard ra sao.

Tuy nhiên, đến đoạn kết thì game thủ mới biết là những gì mình làm trước giờ đều công cốc, cày cuốc hàng chục giờ đồng hồ cho lắm vào, cuối cùng mọi thứ đều thu bé lại chỉ với sự lựa chọn vô cùng đơn giản: chọn một màu mà bạn thích. Cho dù trước đó bạn có làm gì đi chăng nữa thì bây giờ cũng chỉ có 3 sự lựa chọn mà thôi, và chọn kiểu nào thì Shepard cũng phải hi sinh. Lúc đó game thủ cảm thấy như mình vừa mới bị lừa một vố to đùng vậy. BioWare sau đó có bổ sung thêm đoạn kết khác, nhưng nhìn chung thì nó cũng chẳng thay đổi được gì cả, và cái gì đã xảy ra rồi thì cũng chẳng thể nào rút lại được.

Nó không chỉ làm ô uế thương hiệu Mass Effect mà nó còn khiến fan quay lưng với dòng game này. Bằng chứng là phần tiếp theo, Mass Effect: Andromeda, đã thất bại thảm hại, nhất là về mặt doanh số. Sau đó, nhiều nguồn tin cho rằng EA đã “đóng băng” series này trong tương lai trước mắt. Chắc là để tìm cách hồi sinh Shepard đây mà.

Kết thúc chưng hửng – Metal Gear Solid V: The Phantom Pain

Phải công nhận rằng Metal Gear Solid V: The Phantom Pain là một trong những tựa game hành động thế giới mở hay nhất mọi thời đại, nhưng đồng thời nó cũng giáng một đòn chí mạng vào dòng game Metal Gear Solid vì có một kết thúc gây ra nhiều tranh cãi (hoặc cũng có thể xem như là  không có kết thúc). Mặc dù cú plot twist trong MGSV đã khiến cộng đồng fan chia rẽ, nhưng có một điều khiến họ bực tức hơn nữa, đó là phần kết thúc của game quá chưng hửng.

Vì game bị Konami hối thúc ra mắt cho lẹ nên cũng dễ hiểu vì sao phần kết của game lại thành ra như vậy. MGSV đã bị bỏ mất Chương 3, nhưng nếu có chương này thì đoạn kết sẽ thỏa mãn hơn, giúp dòng game này không lâm vào cảnh khốn cùng như bây giờ. Đây cũng là hệ quả của việc Konami và Hideo Kojima – cha đẻ của dòng game này – đường ai nấy đi. Cho dù tiếp theo đó Konami có làm thêm một tựa game Metal Gear (spin-off) nhưng nó cũng chẳng thành công, vả lại Metal Gear Solid cũng coi như là đã “chết” từ phần 5 rồi.

Desmond hi sinh – Assassin’s Creed III

Mặc dù dòng game Assassin’s Creed vẫn tiếp tục phát triển tốt và ăn nên làm ra trong thời điểm hiện tại, đối với nhiều fan thì sức hấp dẫn của series này đã phai mờ đi rất nhiều sau cái kết gây phẫn nộ trong Assassin’s Creed III (2012). Mặc dù từ phần đầu tiên đến thời điểm đó game thủ gần như chắc chắn rằng Desmond sẽ là một người hùng, đóng vai trò then chốt trong cả series, nhưng đến phần kết của AC III thì Desmond, vì một lý do nào đó, đã tự hi sinh để cứu loài người khỏi sự diệt vong.

Kể từ lúc đó, game đã giảm bớt các yếu tố của thời hiện đại vì rõ ràng là nhà phát triển chả biết phải làm gì tiếp theo sau cái chết của Desmond, mặc dù đây chính là những thứ thú vị và hấp dẫn nhất về câu chuyện thần thoại trong series. Những phần sau không phải là tệ hay gì cả, chơi vẫn rất cuốn hút, nhưng nhiều game thủ đã quyết định rời bỏ dòng game này kể từ khi chứng kiến đoạn kết khá là cụt hứng trong phần 3.

Chọn Chloe hay là Arcadia Bay – Life Is Strange

Mặc dù phần hội thoại của game có phần thô kệch, mùa đầu tiên của Life Is Strange là một tựa game fantasy drama rất hay, chỉ trừ phần kết là “bóp” dòng game này thôi. Game kết thúc bằng cách cho người chơi lựa chọn: hoặc là cứu bạn thân Chloe của nhân vật chính Max và để mặc cho thị trấn Arcadia Bay bị xóa sổ, hoặc là hi sinh Chloe để cứu lấy thị trấn.

Related image

Rất nhiều fan đã phẫn nộ với cái kết này, vì xuyên suốt game bạn sẽ biết được rằng nhân vật chính Max có khả năng tua ngược thời gian. Và việc chọn lựa 1 trong 2 này cũng đồng nghĩa rằng nhà phát triển phải tạo ra một câu chuyện mới và các nhân vật hoàn toàn mới cho phần sau, đây chính là thứ đã chia rẽ cộng đồng fan.

Sau tất cả thì người chơi rất yêu thích cặp đôi Max và Chloe, vì thế, việc đột ngột chuyển sang một bối cảnh và dàn nhân vật khác hoàn toàn cho Life Is Strange 2 đã khiến nhiều fan không hài lòng. Đã thế, Daniel trong phần 2 cũng khá là phiền phức nữa. Cho dù có tiếp phần 3 hay không thì có lẽ cái bóng của Max và Chloe là quá lớn để nhà phát triển vượt qua.

Đến cuối cùng mới biết đây là game MMORPG – Star Ocean: Till The End Of Time

Star Ocean: Till the End of Time có một cú twist phải nói là thuộc hàng ngoạn mục nhất trong làng game, và nó dần được hé lộ trong các màn sau của game. Game thủ sẽ biết được rằng tất cả nhân vật trong game đều là NPC (Non-player character) tồn tại trong một chương trình mô phỏng của máy tính. Và vì thế nên những gì mà game thủ đã gầy dựng được xuyên suốt 4 phần không hơn gì một tựa game MMORPG.

Với mục đích là muốn làm cho fan bất ngờ, nhà phát triển tri-Ace đã khiến nhiều game thủ tự đánh giá lại cảm nhận của mình về series này, và tệ hơn là nó đã khiến fan mất niềm tin vào lối kể chuyện của game. Vì thế, nhiều fan trung thành đã quay lưng với dòng game này kể từ khi đó. Kết quả là những tựa game Star Ocean phát hành sau này đều là phần tiền truyện (prequel), có lẽ vì tri-Ace biết được rằng nếu họ làm phiên bản hậu truyện thì nó sẽ rất là vô nghĩa.

Đâu lại vào đấy – Shadow Of The Tomb Raider

Khâu marketing của Shadow of the Tomb Raider dường như muốn ám chỉ rằng phần này sẽ có gameplay khác một chút so với những phần trước đó. Cụ thể là nó sẽ đánh vào vấn đề đạo đức khi Lara Croft cứ đi từ nơi này đến nơi nọ, ung dung lấy những món cổ vật về làm “của riêng”, không cần biết nó có thuộc về Lara hay không.

Nhưng mặc dù cho game thủ thấy rằng Lara chính là nhân vật phản diện trong game, điển hình là việc ăn cắp cây dao găm khiến tai họa ập xuống, đến cuối game thì Lara Croft lại trở thành một “đấng cứu thế” như bao phần game trước. Nhà phát triển có thể biến tấu cốt truyện theo một hướng táo bạo hơn, nhưng không, cuối cùng đâu lại hoàn đấy, và nhấn mạnh rằng Lara sẽ cố gắng bảo vệ những cổ vật đó thay vì là “ăn cắp” trong những cuộc phiêu lưu tiếp theo.

Giờ thì góc nhìn về Lara Croft không còn tốt đẹp như xưa nữa, và điều này cũng khiến sức hấp dẫn của Lara hao hụt đi phần nào. Bằng cách cho game thủ thấy rằng nhà thám hiểm tài ba này dám làm những chuyện “tày đình”, như việc khiến người dân vô tội bị giết chết, phần Tomb Raider tiếp theo ắt hẳn sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong việc phát triển cốt truyện cũng như nhân vật huyền thoại này đây.

Cái quái quỷ gì đã xảy ra vậy? – Call Of Duty: Black Ops III

Trong những năm gần đây thì dòng game Call of Duty không còn bám theo phần chơi chiến dịch (campaign) như truyền thống nữa mà lại chuyển sang phát triển một cốt truyện khá là buồn cười, nhất là trong phần Black Ops III. Nội dung câu chuyện trong phần này không dễ hiểu chút nào, dù cuối game thì người chơi có biết được rằng nhân vật chính đã chết từ đầu game, những sự kiện diễn ra sau đó chỉ là mô phỏng mà thôi.

Trong phân cảnh cuối của game thì người chơi sẽ hi sinh để cho đồng đội John Taylor có thể kiểm soát cơ thể của mình, nhưng cũng chính lúc này, nhiều game thủ lại… gãi đầu. Với cốt truyện rời rạc, khó hiểu như này thì game thủ có thể thấy rõ vấn đề của dòng game Call of Duty là nó đang quá sa đà vào bối cảnh khoa học viễn tưởng. Và vì thế, nhà phát triển đã lắng nghe fan và rút kinh nghiệm bằng cách… bỏ luôn phần chơi chiến dịch trong Black Ops 4 luôn.

Mặc dù những phần Call of Duty sau đó đã “hồi sinh” lại phần chơi chiến dịch, dòng Black Ops coi như là bị thiệt hại nghiêm trọng sau phần 3 xoắn não đó.

Sẽ còn tiếp tục (nữa) – Shenmue III

Game thủ đã rất mong chờ vào Shenmue III sau khi chờ đợi mòn mỏi gần 20 năm với cái kết chưng hửng trong phần 2: Ryo Hazuki vẫn chưa thể tiêu diệt Lan Di để báo thù cho cái chết của cha mình. Và mặc dù đạo diễn game là Yu Suzuki có “rào trước” rằng câu chuyện của Ryo sẽ không kết thúc trong Shenmue III, với thời gian phát triển dài đằng đẵng như thế thì chí ít cốt truyện cũng phải có tiến triển rõ rệt chứ đúng không?

Không. Cái kết của Shenmue III rất chi là tụt mood và chóng vánh: sau khi vắng mặt 99,8% thời lượng game thì Lan Di cuối cùng cũng xuất hiện và solo với Ryo, nhưng nhân vật chính của chúng ta lại “ăn hành” ngập mồm và Lan Di lại tẩu thoát một lần nữa. Cuối game nó còn hiện lên dòng chữ “Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn…” như muốn xát muối vào vết thương, hàm ý rằng chờ 20 năm vẫn chưa đủ đâu.

Việc Shenmue III tồn tại đã là một phép màu, vì thế nên chả có gì gọi là chắc chắn khi nói về phần 4 cả. Và việc ra mắt một tựa game mà cốt truyện chẳng có tiến triển gì cả đã khiến game thủ cảm giác như bị lừa tiền vậy. Nếu Shenmue IV có xuất hiện trên Kickstarter thì chắc sẽ không được nhiều người ủng hộ như hồi Shenmue III đâu.

Joker bị tiêu diệt – Batman: Arkham City

Batman: Arkham City có một cái kết rất táo bạo: Joker chết vì bị trúng độc Titan; điều này ám chỉ rằng series Arkham sẽ không còn dùng đối thủ không đội trời chung với Batman trong các phần sau nữa. Nhưng tiếc rằng những phần sau đó lại không thể khai thác tối đa cái chết của nhân vật phản diện này. Arkham Origins đã “hồi sinh” được Joker vì lấy bối cảnh tiền truyện, diễn ra trước 2 phần đầu tiên. Trong khi đó, Arkham Knight thì lại cho Joker tái xuất trong những cơn ảo giác khi Batman bị trúng độc.

Rõ ràng là Rocksteady đã có một nước đi sai lầm khi giết chết Joker. Phần kết của Arkham City rất hoành tráng, nhưng chính điều này đã khiến các phần Batman Arkham sau đó có một khoảng trống không thể nào lấp đầy được. Và vì thế, nhà phát triển đã phải tìm mọi cách để đem nhân vật này trở lại trong game.

Một cú twist ngoạn mục! – Danganronpa V3: Killing Harmony

Cái kết của Danganronpa V3: Killing Harmony là một trong những cái kết gây tranh cãi nhiều nhất trong những năm gần đây. Nó táo bạo và đầy tham vọng đó, nhưng nó cũng vô tình khiến cộng đồng fan quay lưng ngoảnh mặt. Cả dòng game này có cốt truyện xoay quanh một nhóm học sinh có kỹ năng siêu phàm bị vướng vào một chuỗi trò chơi chết chóc. Mỗi khi có án mạng xảy ra thì người chơi phải điều tra xem hung thủ là ai, và kết quả là người đó có thể bị đánh một trận nhừ tử.

Cú twist lớn nhất là Danganronpa thực chất chỉ là một chương trình truyền hình thực tế với hàng triệu người xem, và những ký ức cũng như tính cách của các nhân vật trong game cũng được tạo ra nhằm tăng tính giải trí cho chương trình này. Có nhiều thứ đằng sau đó nữa, nhưng cơ bản là V3 đã tháo dỡ cả series và lấy sự khát máu của người chơi làm trung tâm của sự tiêu khiển.

Tuy nhiên, cú twist này không chỉ khiến một vài fan khó chịu vì bị đem ra chế giễu, mà nó còn khiến các nhân vật trong game trở nên vô dụng và phá hỏng cốt truyện của 2 phần trước. Mặc dù Danganronpa V4 sau này rất có thể xuất hiện, cũng giống như Star Ocean, nó sẽ phải hứng chịu hậu quả của việc thay đổi bối cảnh trong game khiến người chơi mất hứng thú với series này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

·         Top 10 tựa game đáng mua nhất nhân dịp Steam Autumn Sale 2021

·         Top 10 tựa game anime miễn phí hay nhất trên Steam

·         Top 10 tựa game indie thành công nhất trên Steam, giá rẻ mà lại cực hay

·         Top 10 tựa game chiến thuật theo lượt hay nhất trên Steam 2021

·         Top 10 tựa game 2D siêu cuốn trên Steam 2021 mà máy yếu vẫn chiến ngon lành

·         Top 10 tựa game bắn súng FPS ấn tượng nhất trên Steam 2021

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360