Thế giới game là muôn hình vạn trạng, bởi vì có rất nhiều hãng game cùng chung tay tạo ra các tựa game đặc sắc, đem đến cho game thủ những giây phút thư giãn trong những game phiêu lưu đi cảnh, hoặc là cảm giác căng não, tim đập thình thịch mỗi khi chiến đấu với những con trùm khủng bố. Nhờ những tựa game này mà người chơi dần trở nên yêu thích, có thiện cảm và đặt niềm tin vào các hãng game; nhưng song song đó cũng không thiếu hãng game gây thù chuốc oán với fan, dù vô tình hay cố ý, khiến cộng đồng có một phen “dậy sóng” vì những lỗi lầm mà họ đã gây ra.

Những công ty này vẫn có những lần “chuộc lỗi” thành công, vẫn tạo ra game làm hài lòng đại đa số người chơi. Tuy nhiên, chuyện gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, và game thủ thì lại hay có cái tật thù dai, bỏ qua thì có thể chứ nói quên thì còn lâu mới quên được. Sau đây là danh sách 10 hãng game từng làm điều sai trái khiến game thủ ghét cay ghét đắng.

Gearbox Software

Series Borderlands của Gearbox Software rất lôi cuốn và tuyệt vời, điều này thì không có gì để bàn cãi. Nhưng Gearbox cũng có một quá khứ khá là “huy hoàng”, gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng game thủ. Đơn cử là hồi năm 2011, khi ra mắt tựa game Duke Nukem Forever thì đó cũng là lúc họ phải hứng chịu một đống gạch đá từ fan vì nó dở tệ thôi rồi, nhiều người còn gắn cho nó cái mác tựa game đáng thất vọng nhất từ trước đến nay nữa cơ. Tất nhiên lỗi này không hoàn toàn là do Gearbox, nhưng dù gì thì họ vẫn có tên trong danh sách nhà phát triển nên vẫn phải gánh trách nhiệm trong chuyện này.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với sự cố liên quan đến Aliens: Colonial Marines. Họ đã liên tục “xí gạt” Sega về quá trình phát triển, thuê studio bên ngoài (outsourced) để phát triển phần lớn nội dung trong game, và bị khởi kiện vì quảng cáo không đúng sự thật tại các sự kiện game. Ngoài ra thì còn có game online FPS Battleborn bị game thủ phản ánh rất nhiều vì có cơ chế gameplay vô cùng phức tạp, khiến “lính mới” vô cùng nản chí. Cho dù Battleborn chuẩn bị đóng cửa vào tháng 1/2021 nhưng ắt hẳn điều này cũng không khiến hình ảnh của Gearbox Software trở nên tốt đẹp hơn trong mắt game thủ là bao.

Mới đây nhất, vào tháng 4/2020, Gearbox Software còn bị tố cáo là quỵt tiền thưởng của nhân viên phát triển Borderlands 3 trong khi tựa game này đã có một màn “chào sân” vô cùng thành công, bán được 5 triệu bản chỉ sau 5 ngày ra mắt. Anh em có thể đọc thêm về vụ rùm beng này tại đây nhé.

Atari

Chỉ cần nghe đến cái tên Atari thôi là cả một vùng kí ức chợt ùa về với những tựa game có đồ họa 8-bit và những bài nhạc nền lặp đi lặp lại trứ danh thời kì đầu những năm 80. Sau đó cả ngành công nghiệp đã lao dốc vào năm 1983. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, và nó cũng khá là phức tạp để giải thích, nhưng “tội đồ” rõ ràng nhất chính là trò E.T. của Atari, góp một phần to bự cho sự lụn bại này. Công ty Atari thì đã tan tành, nhưng thương hiệu thì vẫn tiếp tục sống mãi.

Đồng ý là họ vẫn có những nỗ lực đáng để ghi nhận, đem về những tiếng thơm nhưng trong những năm gần đây thì họ đã có dấu hiệu xuống dốc rõ rệt. Bản “remake” Asteroids – tên là Asteroids Outpost (2015) – là một tựa game thất bại thảm hại, còn series trứ danh Alone in the Dark cũng bị họ đào hố chôn luôn với phần Illumination (2015) bị đánh giá 19/100 điểm trên Metacritic. Và bây giờ Atari lại chuẩn bị đi xây… khách sạn?

Blizzard

Game thủ cũng tỏ ra khá là bất ngờ khi cục diện giờ đây đã thay đổi một cách chóng mặt. Đây từng là một tượng đài trong làng game MMORPG và chiến thuật thời gian thực, nhưng trong những năm gần đây thì Blizzard đã thực sự gặp đại hạn. Đầu tiên là màn công bố game mobile Diablo: Immortal đầy tai tiếng và phải hứng chịu nhiều gạch đá tại BlizzCon 2018.

Tiếp đó là vụ việc khóa tài khoản của tuyển thủ Hearthstone tên là Blitzchung vì anh này ủng hộ cuộc biểu tình tại HongKong vào năm 2019. Chuyện này đã khiến phần lớn fan quay lưng ngoảnh mặt với Blizzard, số còn lại thì phản pháo quyết định này một cách dữ dội, đến cả một số chính trị gia Hoa Kỳ cũng phải nhúng tay vào việc này để yêu cầu Blizzard rút lại quyết định kia. Rồi đến năm 2020 thì Blizzard lại chào đón game thủ với Warcraft III: Reforged, một phiên bản remaster của Warcraft III mà phải nói là tệ hơn cả vợ thằng Đậu, đến nỗi phải nhận số điểm thấp nhất trong lịch sử Metacritic. 3 năm trước danh sách này chắc chắn không có tên Blizzard, ấy vậy mà giờ đây thời thế đã thay đổi thật rồi.

Warner Bros. Interactive Entertainment

Related image

Warner Bros. đã có rất nhiều pha tự đào hố chôn mình qua từng năm. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là nó phụ thuộc quá nhiều vào việc cố gắng moi móc tiền của game thủ thông qua các gói mở rộng và gói tặng kèm (bonus). Đôi lúc họ còn công bố gói vật phẩm tặng kèm khi đặt hàng trước (pre-order) ngay trong ngày công bố tựa game mới. Thậm chí, họ còn tạo ra 6 gói tặng kèm độc quyền cho 6 nhà bán lẻ khác nhau game thủ đặt mua trước Lego Batman 3: Beyond Gotham.

Còn trong những game như Middle-earth: Shadow of War thì Warner Bros. lại bổ sung cơ chế bán vật phẩm (microtransaction) và quay hòm (loot box) và buộc người chơi phải mua nếu muốn được trải nghiệm game này một cách trọn vẹn, khiến rất nhiều game thủ phẫn nộ và lên tiếng đòi lại công bằng. Đó là chưa kể đến khoảng thời gian mà Warner Bros. vi phạm đạo luật Federal Trade Commission Act khi cố tình giấu mã (code) để review Shadow Of Mordor trừ khi chịu ngồi xuống “bàn bạc” với họ, cấm không cho reviewer nhắc đến những lỗi đang còn tồn đọng trong game. Hay là lúc họ thuê studio ngoài để phát triển Arkham Knight cho PC, dẫn đến kết quả là game không chỉ không chạy nổi mà nó lết cũng chẳng xong, đến mức họ phải tháo game khỏi Steam để cải thiện, sau đó mới tung ra lại (và nó vẫn tiếp tục bị lỗi).

Epic Games

Epic đã xuất hiện trong cộng đồng gaming được khá là lâu rồi. Họ là cái tên đứng sau những series đình đám như Unreal, Gears of War, và nổi tiếng nhất hiện tại có lẽ là Fortnite, còn Unreal Engine thì đã trở thành một trong những engine được sử dụng nhiều nhất trong 20 năm nay. Tiếc thay, gần đây Epic lại bị dính nhiều vấn đề khiến hình ảnh công ty không còn hoàn hảo như ban đầu, nhất là những vụ việc liên quan đến Epic Games Store – đối thủ cạnh tranh với Steam nhằm phá vỡ thế độc tôn của Valve trong thị trường PC.

Cụ thể, game thủ đã tỏ ra rất bất bình trước vụ việc Epic “phỗng tay trên”, ký kết những thỏa thuận với các hãng game để bán độc quyền một số game trên nền tảng của họ trong một khoảng thời gian nhất định, và thường sau đó khoảng 1 năm thì nó mới được phép đổ bộ lên Steam. Tuy nhiên, dù bị phản ứng dữ dội, đòi tẩy chay như thế nhưng Epic vẫn không hề chi. Chỉ trong năm đầu tiên, cửa hàng này đã thu hút được hơn 100 triệu game thủ và thu về 680 triệu USD, cao hơn 60% so với con số mà Epic dự kiến.

Microsoft

Trong những năm gần đây thì Microsoft đã có những pha “chuộc lỗi” khá là thành công. Thương hiệu Xbox cũng đang khởi sắc với nhiều hứa hẹn để bùng nổ vào cuối năm 2020, và họ cũng bắt đầu chiếm được cảm tình của game thủ PC với đợt ra mắt Halo: The Master Chief Collection trên Steam. Tuy nhiên, với thế hệ Xbox 360 trước đây thì Microsoft đã vướng phải những ồn ào khá là tai tiếng. Ngay cả bản thân hệ máy Xbox 360 đã tạo được một tiếng vang lớn cũng không tránh khỏi những phiền toái, nhất là lỗi “vòng đỏ chết chóc” (Red Ring of Death) có thể nói là đi vào huyền thoại luôn rồi.

Rồi đến khi ra mắt thế hệ console tiếp theo là Xbox One thì bị game thủ “ghẻ lạnh” vì bán mắc hơn so với đối thủ là PS4, lý do là vì Microsoft chỉ bán kèm chiếc máy cùng với Kinect – một thiết bị rất độc đáo nhưng không có nhiều game hỗ trợ. Hơn nữa, lúc ra mắt thì Xbox One “dính phốt” là không cho game thủ mua bán đĩa cũ, và nó tập trung quá nhiều vào yếu tố giải trí mà quên mất rằng game thủ mới chính là đối tượng khách hàng của mình.

Thậm chí, khi mà thế hệ console này dần đi đến chương kết, nhìn lại số lượng game độc quyền của Xbox One phải nói là quá lép vế so với với PS4 và Switch. Đã vậy, tựa game Halo 5 trong series Halo huyền thoại cũng chỉ được cái mác là chính chứ nội dung thì kém xa so với những phần trước. Hi vọng rằng Microsoft sẽ có một pha lội ngược dòng ngoạn mục với Xbox Series X, và tốt hơn hết là họ nên làm vậy.

Bethesda

Bethesda gần đây bị chỉ trích khá nhiều vì không ra mắt game đều đặn và vấn đề kinh doanh của họ cũng bị trục trặc. Nói về game thì những sản phẩm của họ vẫn rất hoành tráng và đáng để chơi thử, nhưng thậm chí ngay cả những tựa game hay nhất của Bethesda vẫn bị cho là thiếu sự đầu tư kỹ lưỡng. Và vấn đề này lộ rõ nhất với Fallout 76 – một tựa game vô cùng thảm họa về đề tài… thảm họa sau chiến tranh hạt nhân.

Không chỉ game không thôi mà những vật phẩm được Bethesda hứa hẹn tặng kèm cũng “í ẹ” không kém, chẳng hạn như thay vì được cái túi xịn sò thì game thủ lại nhận được một chiếc túi nylon nhìn y như bao rác, còn cái nón giáp tặng kèm thì bị ẩm mốc, đã vậy còn bị kẻ gian tấn công lấy dữ liệu nữa chứ. Thật không tài nào hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với Bethesda nữa.

Konami

Cũng giống như Atari, thời hoàng kim của Konami là vào những năm 80 và 90 của thế kỷ 20. Hễ bước vô quán điện tử thùng vào thời đó là kiểu gì bạn cũng bắt gặp ít nhất một tựa game Konami trong đó. Nhưng đến thời nay thì mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng tồi tệ hơn, nếu không muốn nói là thậm tệ. Cụ thể, năm 2015 phải nói là năm đầy tai ương của Konami khi họ hủy dự án game “P.T.” chỉ trong 1 nốt nhạc và đồng thời “chia tay” với Kojima Productions – hãng game nổi tiếng với series Metal Gear.

Sau đó, họ lại tạo ra tựa game spin-off Metal Gear Survive vô cùng dở tệ, khiến game thủ lẫn fan gạo cội đều bất bình vì đã làm hoen ố hình ảnh của series này. À rồi còn vụ đối đãi nhân viên chả ra gì cả, không cho họ nhận bảo hiểm y tế, cấm không được nhắc đến tên công ty trong hồ sơ xin việc (résumé), và đe dọa sẽ khởi kiện những ai làm truyền thông dám phỏng vấn cựu nhân viên của Konami. Về sau này thì Konami đã chuyển sang sản xuất máy đánh bạc pachinko và làm game… mobile chỉ vì cái lợi trước mắt.

Activision

Có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc mỗi năm ra mắt một bản Call of Duty, hay là việc gấp rút cho ra mắt Tony Hawk Pro Skater 5 để rồi nó “ngã sấp mặt”, tuy nhiên các chiếc lược kinh doanh của Activision trong những năm gần đây cũng đã gây ít nhiều sự chú ý của game thủ và khiến các tờ báo tốn nhiều mực bút để phân tích, mổ xẻ về nó. Vào tháng 2/2019, công ty đột nhiên sa thải hơn 800 nhân viên mặc dù trước đó công bố rằng họ đã đạt được lợi nhuận với mức kỷ lục.

Chuyện này càng trở nên tồi tệ hơn khi biết được tin động trời rằng trước đó 1 tháng, CFO (Giám đốc tài chính) đương nhiệm là Dennis Durkin đã được nhận số tiền thưởng lên đến 15 triệu USD chỉ đơn thuần là vì anh ta chịu nhận chức vụ này. Cũng trong năm đó, CEO (Giám đốc điều hành) Bobby Kotick bị “gắn mác” là CEO được trả lương nhiều nhất (most overpaid) so với các công ty gaming khác, đứng thứ 45 trong bảng xếp hạng những người được trả lương nhiều nhất tại Mỹ. Và con số này đã nói lên tất cả những gì bạn cần biết rồi đó.

EA

Tất nhiên, danh sách này sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu đi sự hiện diện của EA. Có thể nói EA là công ty hội tụ đầy đủ nhất các yếu tố mà game thủ ghét cay ghét đắng về ngành công nghiệp game. Cũng giống như Activision, CEO Andrew Wilson cũng được “dán nhãn” là một trong những CEO được trả lương nhiều nhất tại Mỹ. Còn với mảng sản phẩm game thì không thể nào không nhắc đến sự kiện “đình đám” mang tên Star Wars: Battlefront 2 (2017), khi mà EA bổ sung cơ chế loot box (quay hòm) vào trong game buộc người chơi phải xùy tiền ra nếu muốn sở hữu những nhân vật trứ danh trong series Star Wars.

Sự việc này rùm beng đến mức trên diễn đàn Reddit, trong 1 bài viết của game thủ phản ánh về cơ chế này, phản hồi từ đại diện của EA đã bị dislike nhiều nhất trong lịch sử của diễn đàn này. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân khiến một số chính quyền ở các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh lại bộ luật của mình về vấn đề cờ bạc (gambling). Ngoài ra thì EA có một “thú vui” khá là tao nhã, đó chính là thường xuyên mua lại rồi đóng cửa những hãng game mà người chơi yêu mến như Maxis, Visceral, Pandemic. Trong 2 năm liền là 2012 và 2013, EA còn được xướng danh là công ty tệ nhất tại Mỹ trên trang báo The Consumerist. Điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên cho lắm nếu bạn thường xuyên theo dõi tin tức về game.

Nguồn: Watch Mojo