Top 10 tựa game tạo hình nhân vật khiến fan bị sốc nặng, liệu các bạn có nằm trong số đó?

Đối với game, một nhân vật được cho là tệ hại thường “sở hữu” nhiều yếu tố: có thể là do bản chất nhân vật đó xấu xa, do chỉ số của họ không cao so với những thành viên khác trong đội, hoặc cũng có thể là do không có nhiều chiêu hữu dụng. Tuy nhiên, cũng có những nhân vật không hẳn là vô dụng nhưng lại có thiết kế phải nói là xấu đau xấu đớn, nếu không muốn nói là nhiều khi xúc phạm người nhìn luôn ấy. Sau đây là danh sách 10 tựa game tạo hình nhân vật khiến fan bị sốc nặng.

Crash Bandicoot – Crash: Mind Over Mutant

Tính đến năm 2008 thì game thủ, nhất là fan cứng của dòng game Crash Bandicoot, đã quá quen thuộc với hình ảnh của con nhân vật Crash với bộ lông màu cam đặc trưng. Ba phần đầu tiên của series này trên PS1 khá là nổi tiếng đó anh em. Tiếc thay, sau Crash Bandicoot 3: Warped (1998) và Crash Team Racing (1999) thì Crash lại không thể tìm lại ánh hào quang ngày trước.

Vẫn có những phần Crash Bandicoot tiếp theo được ra mắt trong những năm sau đó, nhưng chúng đều vướng phải một, hai lỗi nhất định: có lối chơi quá khác biệt so với những phần trước, hoặc là quá tham vọng với hình ảnh nhân vật này. Crash of the Titans và Crash: Mind Over Mutant đều thay đổi hình ảnh nhân vật Crash, và điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đây có thể nói là một trong những nhân vật trứ danh gắn liền với tuổi thơ của biết bao game thủ thời đó, vì thế nên việc thay đổi model của Crash là điều rất khó để được fan chấp nhận. Thiết kế mới của Crash đã bị game thủ chê bai rất nhiều, thậm chí còn bị ví von như là giai đoạn dậy thì của Crash vậy.

Spyro The Dragon – Skylanders

Là một phiên bản spin-off của dòng game Spyro the Dragon nên chú rồng tím huyền thoại này ắt hẳn là nhân vật chính trong Skylanders. Thật vậy, Spyro là trưởng nhóm vì Master Eon đã vắng mặt, nghĩa là Spyro đóng vai trò then chốt trong đội hình. Tuy nhiên, đây không phải là chú rồng Spyro vẫn hay xuất hiện trong tâm trí của game thủ. Vào thời PS1 thì Spyro the Dragon cũng nổi tiếng không kém gì Crash Bandicoot, vì thế nên hình ảnh của chú rồng nãy cũng ăn sâu vào trong tiềm thức người chơi.

Ngặt nỗi trong phần Skylanders, Spyro lại có vẻ bề ngoài hung tợn hơn rất nhiều và chả có gì gọi là thân thiện cả, trong khi Spyro phiên bản gốc nhìn rất chi là “cu-te phô mai que”. Ừ thì cứ cho là mục đích để nhìn giống… rồng hơn đi, nhưng còn phần giọng nói, rồi những lớp vảy trên lưng, rồi còn cái “hào quang” đầy sát khí phát ra từ Spyro phiên bản mới này nữa, hoàn toàn một trời một vực so với những phần trước đây. Nhìn nó khá là gớm ghiếc, giống như là phiên bản dung hợp giữa Barney the Dinosaur và Gollum trong The Lord of the Rings vậy.

Chris Redfield – Resident Evil 5

Như nhiều anh em cũng đã nghe qua, Resident Evil 4 là một bước ngoặc của series kinh dị đình đám này. Và sau sự thành công của phần 4 thì 2 phần sau đó tiếp tục tận dụng cơ chế bắn súng góc nhìn thứ ba. Thay vì đánh mạnh vào yếu tố kinh dị, sợ hãi thì giờ đây bạn có thể dùng đủ loại súng ống bắn banh xác bất kì con zombie nào đứng trước mặt, chả ngán bất kì thứ gì.

Có thể nói Leon S. Kennedy trong Resident Evil 4 tiêu diệt lũ zombie theo một phong cách rất là bạo lực, nhưng nhiêu đó chả thấm tháp gì so với người đàn ông vạm vỡ mang tên Chris Redfield trong phần 5. Nhân vật trứ danh này từng xuất hiện trong phiên bản đầu tiên, và rõ ràng là sau 4 phần thì Chris đã rất chăm chỉ đi tập gym. Lý do là vì cánh tay của anh ta nhìn cực kì to nạc, nghía qua thôi cũng đủ thấy hồn vía lên mây luôn rồi. Series Resident Evil thường có cốt truyện khá là “drama”, vì thế nên khi Chris phô diễn sức mạnh cơ bắp của mình trong Resident Evil 5 thì game thủ cảm thấy khá là… lạc quẻ. Ý tưởng nện zombie nhừ tử không phù hợp với Resident Evil một chút nào cả, vì thế nên lúc đó trên mạng đã xuất hiện rất nhiều ảnh meme chế giễu yếu tố này.

Samus Aran – Metroid: Other M

Tất nhiên là nhân vật chính có thể được nhà phát triển thay đổi vẻ bề ngoài và xuất hiện với một diện mạo hoàn toàn mới. Đơn cử như nữ chiến binh Samus Aran trong dòng game Metroid trứ danh của Nintendo, thường thì chúng ta sẽ bắt gặp Samus trong bộ giáp Power Suit, khám phá các hành tinh hoang vu và xa lạ để tiêu diệt các mối nguy hiểm tiềm tàng. Đồng thời, Samus cũng đôi lúc mặc bộ đồ Zero Suit (bộ giáp lót khi mặc Power Suit) lăn lê bò trườn như thường, và game thủ cũng khá quen thuộc với hình ảnh này. Mấu chốt ở đây là dù có mặc giáp hay không thì Samus vẫn là một nữ anh hùng gan dạ, kiên cường, và không ngại nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Game thủ hiểu rõ Samus là ai và cô ta có khả năng làm được những gì.

Tuy nhiên, trong Metroid: Other M (ra mắt trên nền tảng Nintendo Wii vào năm 2010), fan đã tỏ ra vô cùng khiếp đảm khi lần đầu tiên được nghe Samus nói chuyện. Giọng của Samus vừa đáng sợ nhưng cũng đồng thời “mong manh dễ vỡ”. Mặc dù xét những bi thảm mà Samus đã từng trải qua thì điều này cũng hợp tình hợp lý, việc làm này lại khiến cho game thủ bắt đầu hoài nghi về những gì mà họ nghĩ là họ biết về Samus. Fan chờ đợi dài cả cổ mới xuất hiện phần Other M, nhưng tiếc rằng nó lại là một thảm họa.

Shadow The Hedgehog – Shadow The Hedgehog

Shadow the Hedgehog là một nhân vật khá là ma mị và sắc sảo, và đây là một điều tốt đối với series huyền thoại Sonic the Hedgehog. Dù vậy, trong phần game của riêng mình thì Shadow lại bộc lộ tính cách anti-hero (phản anh hùng) quá nhiều, thậm chí chỉ cần nhìn vô thôi là thấy ngay. Phiên bản Shadow the Hedgehog ra mắt năm 2005 có giá trị chơi lại rất cao (game có tới hơn 300 đường đi khác nhau, tùy theo sự lựa chọn của game thủ) và là một nước đi táo bạo của SEGA khi pha trộn nhiều thể loại với nhau, một số yếu tố trong game lại khá là kệch cỡm.

Lũ binh lính G.U.N., yếu tố bắn súng góc nhìn thứ ba, những món vũ khí mà Shadow sử dụng và những câu thoại thô kệch mà nhân vật này thốt lên xuyên suốt game, đồng ý rằng Shadow được tạo ra với ý tưởng như là Sonic phiên bản phản anh hùng, nhưng với thiết kế kiểu này thì thật là quá đáng lắm luôn.

Một số model được tái sử dụng – The Witcher

Tất nhiên, có khá nhiều game làm việc này chứ không chỉ riêng gì The Witcher, nhưng đây là ví dụ điển hình hơn cả (một phần là do nó quá nổi tiếng). Có một sự thật là những tựa game nhập vai với bản đồ rộng lớn thường có vô số nhân vật NPC (non-player character) để giúp thế giới trong game trở nên sinh động và có sức sống hơn. Nếu soi kỹ thì những nhân vật này thường có nhiều đặc điểm giống nhau, tuy nhiên trong The Witcher thì chỉ cần nhìn phát là thấy ngay điểm tương đồng giữa 2 nhân vật mà chả cần phải căng mắt ra làm chi cả.

Không chỉ tạng người được tái sử dụng mà nhà phát triển còn sử dụng đúng 1 khuôn mặt cho nhiều nhân vật khác nhau, và nó không chỉ áp dụng cho những nhân vật làm nền mà nó còn được sử dụng cho một số nhân vật trong game, liếc sơ qua là biết ngay mình đã bắt gặp gương mặt này trước đó rồi. Vấn đề này cũng được cải thiện phần nào và các modder cũng đã tìm cách khắc phục chuyện này, nhưng không thể phủ nhận rằng việc này đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của game thủ. Series The Witcher được biết đến như là dòng game có môi trường rộng lớn và thế giới đa dạng, vì thế nên những vấn đề như thế này quả thật là rất khó chịu.

Bomberman – Bomberman: Act Zero

Ắt hẳn lúc bé anh em đã từng bắt gặp hình ảnh nhân vật Bomberman rồi. Nó xuất hiện lần đầu vào những năm 1980 và cơ chế gameplay cốt lõi cũng không bị thay đổi quá nhiều qua năm tháng. Mấu chốt ở đây là bạn sẽ từ từ phá hủy các vật cản trong màn chơi và tiêu diệt sạch sẽ những con quái thú đang chạy lòng vòng; những phần sau này thì bổ sung tính năng chơi mạng để anh em có thể quăng bom tàn sát lẫn nhau. Và dù có thay đổi chủ đề, luật chơi, chế độ nào đi chăng nữa thì Bomberman vẫn là một nhân vật hoạt hình có diện mạo rất dễ thương.

Tuy nhiên, Bomberman lại là một nạn nhân nữa của việc “phẫu thuật thẩm mỹ”, biến thành một nhân vật với tướng mạo hoàn toàn khác biệt, chẳng thể nào nhận ra. Cụ thể là trong phần Bomberman: Act Zero (2006), game có lối chơi vẫn tương tự như các phiên bản trước đó, nhưng thay vì là một khung cảnh hồn nhiên vui tươi thì phần này lại có một bầu không khí vô cùng nặng nề, nghiêm túc, không giống với những gì mà game thủ mong đợi từ một tựa game Bomberman. Ngoài ra thì game còn bị vướng một số lỗi kỹ thuật, thời gian load game cực kì lâu, thiết kế màn chơi thì tẻ nhạt và lặp đi lặp lại, nói chung là nó chẳng khác gì một mớ hỗn độn được gắn cái mác Bomberman.

Cole McGrath – Infamous 2

Nhiều khi nhà phát triển và nhà phát hành rất ngoan cố, biết là sẽ phải hứng rất nhiều gạch đá nhưng vẫn tiến hành đúng với kế hoạch đã đề ra. Và đôi lúc việc làm này sẽ vô cùng tai hại. Fan của Infamous rất yêu thích Cole McGrath – một thanh niên có siêu năng lực điều khiển được năng lượng điện sau vụ nổ tại Empire City. Và tùy vào quyết định của game thủ xuyên suốt game mà Cole có thể trở thành anh hùng, phản anh hùng (anti-hero), hoặc biến thành một kẻ vô cùng xấu xa. Nhưng dù quyết định thế nào đi chăng nữa thì Cole vẫn là một nhân vật vô cùng thú vị, có thể điều khiển hàng giờ mà không cảm thấy chán.

Nhưng trong phần 2, Sucker Punch đã thay đổi thiết kế nhân vật này theo chiều hướng như là một ngôi sao điện ảnh. Phiên bản mà game thủ được xem tại sự kiện E3 2010 không được đón nhận nồng nhiệt, đến mức đội ngũ phát triển game buộc phải “xuống nước” và thiết kế lại nhân vật từ trang giấy trắng. Và Cole trong Infamous 2 là một trong số 3 phiên bản mà Sucker Punch đã thiết kế ra.

Quiet – Metal Gear Solid V: The Phantom Pain

Hideo Kojima, người đã tạo ra dòng game Metal Gear Solid huyền thoại, không có vẻ gì gọi là e ngại khi phải đón nhận một vài ý kiến trái chiều, và sẵn sàng rẽ lối đi riêng nếu cảm thấy việc này là cần thiết. Kojima là một người khá là kì dị và chúng ta rất dễ nhận biết được điều này khi tìm hiểu về ông, hoặc với những ai đã từng chơi qua Metal Gear Solid 3: Snake Eater rồi thì chắc hẳn vẫn còn nhớ đoạn leo những nấc thang dài vô tận, để rồi nó chẳng dẫn đi đến đâu cả. Tuy nhiên, trong Metal Gear Solid V: The Phantom Pain thì Kojima có hơi vung tay quá trán một chút.

Cụ thể, phần Metal Gear Solid này đã khiến game thủ bàn tán rất sôi nổi về chủ đề nhân vật nữ Quiet và trang phục “mát mẻ” của cô ta. Sau khi tìm hiểu thì người chơi sẽ biết được rằng sở dĩ Quiet mặc ít vải trên người là do cô ta chỉ có thể uống nước và thở thông qua da, vì thế nên nếu mặc quần áo kín mít thì Quiet sẽ bị ngạt thở mà chết. Trong một lần đột nhập bệnh viện để giết Big Boss thì cô ta bị trọng thương, và Quiet đã được chữa trị bằng phương pháp sử dụng ký sinh vật “The one that covers” nhằm tạo ra những thay đổi nhất định cho vật chủ, cứu mạng cô ta nhưng đồng thời cũng buộc Quiet phải hô hấp qua da. Ý tưởng thiết kế nhân vật thế này thì chẳng trách tại sao fan lại tranh cãi nảy lửa.

Shelob – Middle-earth: Shadow of War

Thế giới và cốt truyện của Lord of the Rings là vô cùng rộng mở và có nhiều tầng nghĩa khác nhau, khiến fan tốn rất nhiều thời gian và giấy bút để mổ xẻ những chi tiết trong series này. Tolkien đã tạo ra một bộ tiểu thuyết vô cùng đặc sắc và rất khó thể nào mà lĩnh hội hết được. Nhưng chí ít vẫn có một vài sự thật mà chúng ta đều biết: Hobbits là những sinh vật lùn, dễ thương với đôi chân vô cùng rậm lông; Gandalf là pháp sư có bộ râu vô cùng hoành tráng; còn Shelob thì là một con nhện ghê tởm với kích thước khổng lồ.

Tuy nhiên, trong Middle-earth: Shadow of War thì Shelob lại là một nhân vật nữ hẳn hoi. Shelob có khả năng biến hình thành một người phụ nữ vô cùng quyến rũ với mái tóc đen và bộ đồ còn đen hơn cả mái tóc. Nhà phát triển Monolith cho biết đây là cách mà họ thể hiện tính hai mặt giữa Shelob và Galadriel, nhưng có một sự thật không thể bàn cãi là điều này đã khiến game thủ vô cùng bất ngờ, nhất là đối với fan cứng, vì trong nguyên tác Shelob là một con nhện gớm ghiếc cơ mà.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360