Đối với người dùng thì khi các hãng cạnh tranh với nhau, khách hàng thường sẽ là người được hưởng lợi. Nó không chỉ giúp chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn mà còn buộc các công ty phải liên tục phát triển, tạo ra những sản phẩm mới mang tính đột phá. Và điều này cũng áp dụng với ngành game, khi mà các hãng luôn cạnh tranh khốc liệt để đem đến những thiết bị và tựa game hấp dẫn nhằm thu hút càng nhiều người chơi càng tốt.

Việc bên nào thắng, bên nào thua thường rất khó để nói một cách công bằng, vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan nữa. Nhất là những cặp kì phùng địch thủ ngang tài ngang sức thì bàn luận tới mùa quýt cũng chưa xong. Nhưng song song đó, vẫn có những cặp kì phùng địch thủ nhưng mà nhìn vô là hầu hết game thủ sẽ thấy cán cân nghiêng hẳn về 1 bên, không cần phải phân tích gì thêm. Sau đây là danh sách 10 cặp kỳ phùng địch thủ “không cân sức” trong làng game.

Mortal Kombat Vs. Street Fighter

Chiến Thắng: Mortal Kombat

Nhắc đến game đối kháng là 2 cái tên này đều xuất hiện đầu tiên. Cả 2 đều có bề dày lịch sử, doanh số ấn tượng, nên bên nào cũng “nặng kí” cả. Ngọn nguồn của màn tranh tài này bắt đầu từ cuộc chiến tranh giữa các console (Console Wars) hồi thập niên 90, khi mà Street Fighter II là một tựa game cực kì cuốn hút trên hệ máy SNES của Nintendo, còn Mortal Kombat trên hệ máy Genesis của SEGA thì rất thích hợp với những ai yêu thích máu me, bạo lực.

Qua nhiều năm thì mỗi dòng game đều có những thăng trầm khác nhau nhưng cả 2 đều chưa bao giờ hết “hot”. Ngay cả những ai chưa từng chơi game đối kháng ít nhiều cũng phải nghe đến 1 trong 2 dòng game này, và doanh số của chúng đã chứng minh rằng trong tương lai gần thì Mortal Kombat và Street Fighter khó mà chết được lắm. Những thước phim bạo lực và cái cảm giác mà game thủ có được khi chơi Mortal Kombat ngày càng giống như là một tựa game bom tấn khi so với Street Fighter. Nó càng ngày càng được bổ sung các nhân vật từ những tựa game khác nhau, giúp phá bỏ những rào cản vốn có và thu hút nhiều người chơi hơn. Trong khi đó, Street Fighter thì lại tập trung vào cộng đồng thi đấu eSports nhiều hơn là mở rộng thị trường.

Rock Band Vs. Guitar Hero

Chiến Thắng: Rock Band

Gộp lại thì cả 2 đã có hơn 20 game ra mắt trong khoảng 2005 đến 2015, chứng minh 1 điều rằng mảng game âm nhạc là một mảng rất ăn nên làm ra. Trong đó, cuộc chiến giữa 2 dòng game Rock Band của EA và Guitar Hero của Activision là nổi bật hơn cả. Mặc dù cả 2 đều có hằng hà sa số phiên bản nối tiếp phiên bản, rõ ràng là Rock Band có sức ảnh hưởng và được biết đến nhiều hơn so với Guitar Hero. Thay vì chỉ tập trung vào một nhạc cụ, Rock Band đã bổ sung nhiều nhạc cụ khác để thu hút nhiều game thủ thỏa sức theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình. Không biểu diễn live trên sân khấu được thì ngồi nhà chơi Rock Band cũng phê lắm chứ chẳng đùa.

Và cũng nhờ hỗ trợ nhiều nhạc cụ như vậy mà Rock Band có nhiều bản spin-off khác nhau, tập trung vào những nhóm game thủ và nhạc cụ nhất định, giúp tăng sự đa dạng và thú vị cho dòng game này. Cộng lại hết thì anh em có thể thấy rằng Rock Band sẽ có tham vọng nhiều hơn là đối thủ đến từ Activision.

GTA Vs. Saints Row

Chiến Thắng: GTA

Cả 2 đều có yếu tố hài hước và có phần sến sẩm, nhân vật đầy sức sống, và cho phép game thủ tự do khám phá thế giới trong game, vì thế nên cũng không khó khi mà 2 dòng game này luôn được đem ra so sánh với nhau kể từ lúc giữa những năm 2000. Grand Theft Auto là dòng game bán chạy thứ 3 trên thế giới trong mọi thời đại, với doanh số tính đến ngày hôm nay là 310 triệu bản. Ban đầu nó chỉ là một tựa game đơn giản với góc nhìn từ trên xuống, nhưng đến GTA III và Vice City thì game đã có một bước ngoặt với đồ họa 3D xịn sò, đánh dấu thời kì huy hoàng của Rockstar, và đồng thời cũng là lúc cuộc tranh tài với Saints Row thực sự bắt đầu.

Saints Row và những tựa game tương tự khác không phải là những game tệ, chỉ là xét về mức độ hào hứng của game thủ mỗi khi có phần GTA mới được công bố thì các game đó không thể nào đọ lại nổi. GTA San Andreas, IV và V đều giành được vô số lời khen ngợi và có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng gaming. Ngay cả GTA V sau khi ra mắt được 7 năm thì đến giờ này vẫn còn có lượng người chơi đông đảo là anh em đủ biết ai giành chiến thắng rồi đó.

Wii Vs. Kinect

Chiến Thắng: Wii

Vào cuối những năm 2000 thì việc chơi game bằng cử động là một thứ rất thịnh hành. Hầu hết những game tận dụng tính năng này đều yêu cầu anh em phải cử động các bộ phận trên cơ thể để chơi. Trong đó, cuộc chiến giữa Nintendo Wii và Xbox Kinect là được bàn tán sôi nổi nhất. Tính đến bây giờ thì doanh số của Wii là hơn 100 triệu cái, và những tựa game như Wii Sports đã bán được hơn 80 triệu bản. Bên cạnh đó, Wii còn tiếp tục được game thủ yêu thích nhờ bổ sung nhiều phụ kiện khác nhau để chơi kèm, tăng thêm tính đa dạng (vô-lăng, súng chẳng hạn).

Còn ở phía bên kia chiến tuyến, Kinect lại bắt đầu cuộc đua với những tựa game dành cho đối tượng là gia đình. Tuy nhiên, cứ mỗi khi có phần Wii Sports Resort hay Mario Kart Wii ra mắt là Xbox lại thất thế, và cuối cùng thì thiết bị Kinect này cũng đã bị Microsoft cho vào kho luôn.

PS4 Vs. Xbox One

Chiến Thắng: PS4

Sau khi tụt hậu một chút ở cuộc đua PS3 Vs. Xbox 360 thì Sony đã có một màn lội ngược dòng cực kì ngoạn mục với chiếc máy PS4. Vào thời điểm đó thì sức mạnh phần cứng của PS4 phải nói là thuộc hàng khủng bố, và khi Sony công bố loạt game bom tấn độc quyền trên hệ máy này như Marvel’s Spider-Man, Shadow of the Colossus, The Last of Us II và God of War thì Microsoft chỉ biết ôm Xbox One ngồi khóc một mình mà thôi. Lý do là vì Xbox One chỉ có những tựa game độc quyền đình đám là các phần tiếp theo của Forza, Halo, và Gears of War mà thôi.

Với số lượng game độc quyền cực kì hạn chế này thì fan của Xbox đã vô cùng chán nản. Tính đến hiện nay thì PS4 đã bán được hơn 107 triệu chiếc (PS3 chỉ bán được 87 triệu). Trong khi đó Xbox One chỉ bán được 46 triệu chiếc mà thôi – chỉ hơn ½ doanh số của Xbox 360 một chút và thậm chí là bán còn không nhiều bằng Nintendo Switch nữa là đằng khác.

Call Of Duty Vs. Battlefield

Chiến Thắng: Call of Duty

Dòng game Call of Duty bắt đầu từ năm 2003 và đã nhanh chóng gầy dựng được một cộng đồng fan hùng hậu nhờ có nội dung đa dạng và sáng tạo, trải dài qua nhiều thời kì lịch sử – cả quá khứ lẫn tương lai. Cả series đã bán được hơn 250 triệu bản và thu về hơn 15 tỷ USD. Do đó đã có không ít đối thủ rất muốn lật đổ ngôi vị này, trong đó có dòng game Battlefield của EA.

Ban đầu đây chỉ là dòng game dành cho PC thôi, nhưng đến giữa những năm 2000 thì đây chính là đối thủ trực tiếp của Call of Duty trên tất cả các hệ máy lớn. Call of Duty đã thu hút được những ngôi sao hạng A của Hollywood và những người giành chiến thắng trong giải Academy Award góp mặt vào trong game, từ đó khiến game thủ càng ngày càng háo hức và lan truyền thông tin rộng hơn. Chính điều này đã giúp Call of Duty giành lại được thế thượng phong trong mảng chơi mạng (multiplayer) mà trước đây từng là một nơi bất khả xâm phạm của Battlefield. Còn xét về doanh số và phản hồi từ game thủ thì kiểu gì Call of Duty cũng hơn anh em ạ.

FIFA Vs. PES

Chiến Thắng: FIFA

Mọi năm, game thủ từ khắp nơi trên thế giới đều chờ đón phần FIFA mới của EA để… ném đá, và thay vào đó là mua Pro Evolution Soccer về chơi. Tuy nhiên, đến lúc đó thì mọi người lại mua FIFA, bỏ qua PES, và quy trình cứ thế lặp lại cho năm sau. PES được đánh giá cao về mặt gameplay. Nó chạy mượt mà hơn, cảm giác chân thực hơn, đồ họa chi tiết hơn, có nhiều chế độ thú vị hơn, ấy vậy mà vẫn gục ngã trước FIFA.

Trong khi đó, FIFA thì càng ngày càng ít nội dung mới, và chỉ biết tập trung tìm mọi cách để “hút máu” game thủ càng nhiều càng tốt thông qua chế độ Ultimate Team và Draft Mode. Tuy nhiên, doanh số của FIFA 19 lại đến 20 triệu bản, so với PES 2019 thì chỉ bán được chưa đến 1 triệu bản nữa. Tại thời điểm bài viết thì FIFA đã bán được hơn 280 triệu bản, còn PES thì bán được hơn 100 triệu bản, một trời một vực luôn anh em ạ.

Dota 2 Vs. League Of Legends

Chiến Thắng: League Of Legends

Cả 2 đều là những cái tên kinh điển trong thể loại MOBA, và game thủ của 2 trò này luôn có những cuộc tranh cãi vô cùng nảy lửa chưa bao giờ dứt. Game nào cũng có lượng fan cực kì hùng hậu và có cộng động thi đấu rất sôi nổi. Tuy nhiên, League Of Legends vẫn luôn đi trước Dota 2 một bước. Đồng ý rằng Dota 2 sẽ yêu cầu kỹ năng nhiều hơn, đòi hỏi nhiều thứ hơn ở những người mới chơi, nhưng xét về lượng người chơi và số sự kiện thì League Of Legends vẫn hơn.

League of Legends hiện đang có 80 triệu game thủ vào chơi mỗi tháng, vì thế nên được nhiều người ví von là tựa game có nhiều người chơi nhất trên thế giới. Trong khi đó, lượng người chơi Dota 2 đã và đang tuột dốc kể từ năm 2016, chẳng hạn như hồi tháng 01/2020 thì lượng người chơi đã giảm xuống còn khoảng 615.000 người mà thôi.

Mario Vs. Sonic

Chiến Thắng: Mario

Có thể nói đây là màn song đấu giữa 2 nhân vật kinh điển nhất trong làng game. Quả thật ban đầu Sonic đã vượt lên dẫn trước, khiến game thủ vô cùng ấn tượng nhờ có đồ họa choáng ngợp và nhịp độ game vô cùng nhanh. Còn Mario thì là một tựa game “an toàn” hơn, dành cho gia đình. Tuy nhiên, Nintendo đã bức tốc với Super Mario 64 trên hệ máy N64 và họ đã thành công, khiến SEGA bị tụt hậu kha khá và mãi cho đến tận giờ này vẫn chưa thể đuổi theo kịp ông thợ sửa ống nước kia. Sau khi thành công với những tựa game 3D thì Super Mario đã quay trở lại phong cách đi cảnh 2D với series New Super Mario Bros., và nó đã giành được cảm tình của vô số game thủ, đem về cho Nintendo một món tiền kếch xù.

Cuộc chiến này kết thúc có lẽ là khi chiếc máy SEGA Dreamcast bị ngừng sản xuất và tựa game Sonic Adventure 2 đã trở thành game Sonic đầu tiên có mặt trên hệ máy console của Nintendo khi nó ra mắt phiên bản cho Gamecube.

PS1 Vs. N64

Chiến Thắng: PS1

Nintendo đã kì vọng rất nhiều vào N64 khi nó ra mắt vào năm 1996. Với những tựa game đình đám như Super Mario 64, Mario Kart 64, Legend of Zelda: Ocarina of Time và Pilotwings 64, sức mạnh phần cứng của hệ máy này là không còn gì để bàn cãi nữa. Tuy nhiên, PlayStation của Sony không phải dạng vừa đâu. So với việc N64 phải dùng băng game thì Sony đã chuyển qua sử dụng đĩa CD để chứa game luôn rồi. Điều này đã giúp việc sản xuất game trở nên nhanh hơn, không tốn quá nhiều bộ nhớ, và đối với nhà phát triển thì họ cũng tốn ít chi phí hơn rất nhiều.

Những nhà phát triển bên thứ 3 như SquareSoft ban đầu dự kiến ra mắt Final Fantasy VII trên nền tảng N64, nhưng cuối cùng lại chuyển sang bắt tay với Sony. Còn những hãng như Konami thì lại ra mắt tới gần 50 game cho PlayStation cho mỗi 2-3 game dành cho N64. Xét về số lượng game của N64 thì quả là không tệ chút nào, nhưng xét về biên độ lợi nhuận thì Sony đã giành chiến thắng một cách cực kì thuyết phục anh em ạ.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360