Kể từ giai đoạn đầu của thế chiến thứ 2 đến nay, bầu trời luôn là một trong những vùng chiến quan trong nhất, ai kiểm soát được bầu trời sẽ gần như có tất cả trong tay. Chính vì thế mà những chiếc tiêm kích mới xuất hiện, mang trên mình những kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất để giành lấy ưu thế trên không. Mỗi nước lớn tham chiến đều có cho mình những mẫu tiêm kích mạnh mẽ nhất của họ. Tất cả chúng đều là những kiệt tác từ tinh hoa công nghệ trong thời đại của mình.

Sau đây là 10 dòng tiêm kích nổi tiếng và thành công nhất của Mỹ, Đức, Anh, Nhật và Liên Xô trong thế chiến thứ 2.

Mỹ

Từ xưa đến nay, sức mạnh không lực luôn được người Mỹ chú trọng, trong thế chiến thứ 2 cũng vậy. Cùng với tiềm lực kinh tế khủng khiếp và đội ngũ kỹ sư cơ khí hàng không hàng đầu thế giới, nước mỹ chính là nơi sản sinh ra nhiều mẫu tiêm kích nổi tiếng và thành công nhất trong thế chiến thứ 2.

P-51 Mustang

Con này thì nếu bạn để ý một chút thì sẽ thấy rằng nó xuất hiện cực kỳ thường xuyên trong các tác phẩm điện ảnh của Mỹ về thời thế chiến thứ 2. Đây là mẫu máy bay thành công nhất và là niềm tự hào của kỹ thuật hàng không Hoa Kỳ trong thế chiến thứ 2. Nó được thiết kế trong thời gian rất ngắn chỉ vỏn vẹn 6 tháng trong năm 1940 nhưng lại thành công vượt sức tưởng tượng. P-51 Mustang được đánh giá là mẫu máy có chi phí chế tạo thấp nhưng vẫn cực kỳ tốt và hoạt động tin cậy, bền bỉ. Đây cũng là dòng máy bay cánh quạt nhanh nhất trong thế chiến thứ 2, tốc độ tối đa của mẫu P-51H lên đến 784 km/h, và nó đã trở nên nổi tiếng đến mức mà nhà thiết kế John Najjar đã đặt cái tên đó cho dòng xe thể thao Ford Mustang lừng danh sau này.

P-40 Warhawk

Kết quả hình ảnh cho P-40 Warhawk"

Máy bay Mỹ vốn nổi tiếng về độ “trâu bò” và P-40 chính là một trong những mẫu máy bay tiêu biểu nhất của Mỹ về việc đó. Nó có cấu trúc cực kỳ kiên cố và được gia cường bằng nhiều cách khác nhau giúp nó có sức sống mãnh liệt sau khi bị tấn công. Thậm chí hồ sơ thế chiến còn ghi lại được những vụ va chạm trên không mà phi công của P-40 vẫn trở về lành lặn trong khi máy bay địch thì bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngoài độ chắc chắn đã trở thành huyền thoại của mình, P-40 cũng được đánh giá cao bởi sức tải lớn, vũ trang tốt, tầm bay xa, gia tốc bổ nhào xuất sắc và tốc độ lượn vòng nhanh chóng. Tuy nhiên do động cơ yếu nên nó không thể giữ được ưu thế trước những dòng tiêm kích thế hệ sau và thiên về hỗ trợ mặt đất nhiều hơn. Nhưng mà nói gì thì nói, hình ảnh những chiếc P-40 được vẽ hàm cá mập đáng sợ vẫn là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thế chiến thứ 2.

F6F Hellcat

Đây là mẫu máy bay thành công nhất của Hải quân Hoa Kỳ, bắn hạ 5.163 trong khi chỉ mất có 270 chiếc, nếu tính tương đối thì tỉ lệ “Kill/Death” của nó bằng xấp xỉ 19/1, và đó là một con số cực kỳ khủng khiếp. Ngoài khả năng không chiến vượt trội, chiếc F6F còn là dòng tiêm kích cực kỳ bền bỉ, dễ bảo dưỡng, dễ lái, bọc giáp bảo vệ phi công tốt và cũng có khả năng sống sót đáng nể như các mẫu máy bay Mỹ khác. Các phi công đạt cấp ACE của Mỹ phần lớn đều gắn liền tên tuổi của mình với dòng máy bay này.

F4U Corsair

F4U Corsair là một trong những mẫu máy bay đắt tiền nhất trong thế chiến thứ 2 với chi phí lên đến xấp xỉ 1,5 triệu USD một chiếc. Nhưng mà đắt thì cũng xắt ra miếng, kiểu cánh hình chữ W đã tỏ ra thực sự hiệu quả để sử dụng trên tàu sân bay cũng như cung cấp cho phi công một tầm nhìn thông thoáng hơn khi quan sát mặt đất. Đây cũng là một trong những mẫu máy bay hiếm hoi mà người Nhật thực sự cảm thấy ngại phải đối mặt. Tiếng turbo tăng áp nghe như tiếng huýt sáo trong động cơ của F4U Corsair cũng trở thành một trong những âm thanh gây ám ảnh nhất trong thế chiến thứ 2, tương tự như tiếng rít của Ju 87 “Stuka” vậy.

Đức

Nếu bạn đam mê về các phương tiện chiến tranh trong thế giới thứ 2 thì chắc chắn bạn sẽ biết người Đức luôn nổi bật với những ý tưởng sáng tạo của mình. Ý tưởng của các kỹ sư Đức đôi khi rất thành công và hiệu quả, đôi khi lại rất “cồng kềnh”, tuy nhiên có một điều chắc chắn là ý tưởng của họ luôn cực kỳ độc đáo.

Bf 109

Đây chính là chiếc tiêm kích hiệu quả và thành công nhất của Đức trong thế chiến thứ 2, trở thành biểu tượng của lực lượng không quân Đức Quốc Xã. Với chi phí sản xuất thấp (1000 giờ công so với 3000 giờ công của Spitfire), dễ bảo dưỡng, đặc tính bay ưu việt và được cải tiến qua nhiều phiên bản, Bf 109 đã trở nên cực kỳ thành công, chiếm gần một nửa các đơn vị máy bay chiến đấu do Đức sản xuất trong Thế chiến thứ 2, chúng được sử dụng trong rất nhiều mục đích từ chiếm ưu thế trên không cho đến đến hộ tống máy bay ném bom, BF 109 cũng tham gia trực tiếp vào các cuộc tấn công mặt đất cùng các máy bay cường kích nữa.

FW-190

Đây là một trong những mẫu tiêm kích được đánh giá là tốt nhất trong thế chiến thứ 2, đã có 20000 chiếc được xuất xưởng. Cũng như Bf 109, trên điều kiện thực tế, FW-190 đã chứng tỏ rằng nó đủ ưu việt để có thể phù hợp với nhiều vị trí khác nhau, thậm chí nó còn có phiên bản tiêm kích bom nữa. Động cơ cực khỏe cho phép đa số các phiên bản FW-190 trang bị vũ khí rất mạnh, đủ sức băm nát các máy bay của phe Đồng Minh chỉ trong một pha xả đạn chính xác. Điểm yếu của nó có lẽ chỉ nằm ở việc tốc độ lộn vòng thấp nên khó trong không chiến quần vòng mà thôi.

Me 262

Đây là chiếc máy bay phản lực đầu tiên trên thế giới, mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử hàng không. Ngay từ khi xuất hiện, những chiếc Me 262 đã trở thành nỗi ám ảnh của lực lượng đồng minh bởi tốc độ kinh hoàng, lên đến 870km/h, tốc độ leo cao 50m/s và dàn vũ khí cực mạnh. Nó hoàn toàn nắm quyền chủ động trên không khi không có bất kỳ máy bay nào thời điểm đó có thể bắt kịp nó. Pháo tự động MK 108 trang bị trên có cỡ nòng đến 30mm và bắn được đạn nổ mạnh, đủ sức tiêu diệt cả một chiếc tiêm kích xịn thời đó chỉ với 1 phát đạn chính xác, và Me 262 thì trang bị đến 4 khẩu như vậy, do đó nó tỏ ra đặc biệt hiệu quả để tấn công máy bay ném bom. Một đội Me 262 sẽ tiếp cận ở độ cao lớn, bổ nhào để xả những quả đạn pháo 30mm, băm nát các máy bay ném bom và biến mất với tốc độ mà chẳng ai có thể làm gì được chúng.

Nhật

Tuy yếu kém hơn Mỹ và Đức về công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu nhưng người Nhật luôn biết cách tận dụng những gì mình đang có một cách triệt để và dùng nó một cách hiệu quả để chiếm lấy ưu thế trong Thế chiến thứ 2. Mẫu tiêm kích huyền thoại Zero luôn cực kỳ linh hoạt và là nỗi ác mộng trong không chiến quần vòng trên mặt trận Thái Bình Dương.

A6M Zero

Trong giai đoạn đầu của thế chiến mà phi công Đồng Minh nhìn thấy con này là cứ y như nhìn thấy quỷ vậy. Zero là mẫu máy bay tiêm kích hạng nhẹ có khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay. Điểm mạnh lớn nhất của mẫu này là nó rất nhẹ và có hình dạng khí động học tối ưu nên cực kỳ linh hoạt trong không chiến quần vòng. Các máy bay của Mỹ không thể lượn vòng nhanh hơn nó được nên gần như không thể đánh trả một khi đã bị bám đuôi. Phải đến một thời gian dài sau thì các phi công Đồng Minh mới tìm ra được chiến thuật hiệu quả để đối phó với độ cơ động kinh hoàng của Zero, chủ yếu là lợi dụng nhược điểm động cơ và khả năng sống sót yếu kém của nó, nhưng mà đến lúc đó thì họ cũng đã bị nó quần cho sấp mặt rồi

Anh

Không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Người Anh cũng có cho mình những mẫu tiêm kích cực kỳ bá đạo. Có một điểm rất thú vị là đa số các mẫu tiêm kích của Anh (mà thật ra là toàn bộ các máy bay chiến đấu của họ) thường không đặt tên theo số hiệu thô cứng mà theo tên riêng bằng chữ hẳn hoi, ví dụ như Spitfire, Tempest, Hurricane, Typhoon,… làm cho những thứ vũ khí chiến tranh mang một sắc màu rất thi vị.

Spitfire

Tiêm kích của Anh thì nhiều, nhưng mà nổi tiếng nhất thì phải kể đến dòng Spitfire huyền thoại và các phiên bản biến thể của nó. Không phải là họ cố tình “nhai lại” mà cơ bản là vì thiết kế của nó quá tốt để làm ra được cái tốt hơn. Spitfire được xem là một trong những dòng máy bay mạnh mẽ nhất trong thế chiến thứ 2. Từ hình dạng cánh bầu dục với mạt cắt mỏng đặc trưng cho đến dòng động cơ Rolls-Royce Merlin huyền thoại, người Anh đã tập trung tất cả những gì họ có để tạo ra một dòng tiêm kích đủ sức bảo vệ quê hương. Những chiếc Spitfire thường được trang bị nhiều loại súng và pháo với cỡ nòng khác nhau để vừa có làn đạn dày, vừa có sức xuyên phá khi cần thiết.

Liên Xô

Không thể phủ nhận rằng các kỹ sư Liên Xô rất giỏi và họ cũng nắm trong tay những công nghệ hàng không tiên tiến lúc bấy giờ, tuy nhiên thì có vẻ như họ lại không hứng thú với không chiến cho lắm, nhất là khi việc đánh nhau ỏm tỏi với bọn Phát-xít trên trời đã có người Mỹ và người Anh lo. Thay vào đó thì họ lại chú trọng vào các mẫu cường kích và tiêm kích bom hơn.

Yak-3

Tuy nhiên thì cái gì cũng có ngoại lệ, Yak-3 là một trong những mẫu tiêm kích đỉnh nhất trong thế chiến thứ 2 và là minh chứng cho việc các kỹ sư Liên Xô cũng biết chế tạo tiêm kích hẳn hoi chứ không chỉ suốt ngày lo mấy con “xe tăng bay” Il-2. Yak-3 được đánh giá rất cao bởi không quân phát xít lẫn khối đồng minh. Tuy không được trang bị vũ khí quá mạnh mẽ nhưng những chiếc Yak-3 lại có hiệu suất bay tuyệt vời. Nó nhỏ, nhẹ, rất nhanh nhẹn, động cơ khỏe so với khối lượng cho tốc độ leo cao rất tốt và nó tỏa sáng nhất là trong những trận không chiến quần vòng. 


Bonus

P-47 Thunderbolt (Mỹ)

Mặc dù cực kỳ hiệu quả trong việc tấn công mặt đất nhưng sẽ thật thiếu sót nếu như P-47 không được nằm trong danh sách này. Mặc dù rất to lớn và nặng nề, là dòng tiêm kích một động cơ to nhất thế chiến thứ 2 nhưng P-47 vẫn thể hiện rất tốt trong không chiến. Ngoài dàn súng 8 khẩu trọng liên 12 li 7, nó còn có có thể mang theo hàng tấn bom và rocket để trút xuống đầu quân đội phát xít. Tuy không phải là một mẫu “tiêm kích thuần chủng” và được sử dụng rất nhiều với vai trò như một máy bay cường kích, chiếc P-47 vẫn xứng đáng nằm trong danh sách này.


Vậy là chúng ta đã điểm qua 10 mẫu tiêm kích mạnh mẽ và nổi tiếng nhất trong thế chiến thứ 2, hy vọng đã đem đến được cho các bạn những thông tin thú vị.