Hiện nay, công nghệ và Internet đã phát triển vượt bậc nên mọi thứ từ phim ảnh, game, nhạc,… đều được chuyển sang dạng kỹ thuật số (digital); còn đĩa vật lý thì vẫn tồn tại nhưng không thịnh hành như ngày trước nữa. Tuy nhiên, các công ty, dịch vụ bán nội dung kỹ thuật số này chưa chắc sẽ tồn tại mãi mãi, và trên thực tế thì đã có không ít công ty như vậy ngừng hoạt động rồi. Vậy câu hỏi đặt ra là những nội dung kỹ thuật số này sẽ đi về đâu? Liệu anh em có còn sở hữu chúng khi các công ty chủ quản biến mất không?

Những huyền thoại một thời nay đã bay màu

Nếu anh em để ý thì có rất nhiều dịch vụ, nền tảng về nội dung kỹ thuật số đã biến mất sau mỗi năm. Trong đó phải kể đến cả tá dịch vụ Google khai tử mỗi năm, ví dụ như gần đây thì có mạng xã hội Google+, hay các tựa game online tuổi thơ như Boom Online, Audition, Võ Lâm,… Khi những dịch vụ này “bay màu” thì tất nhiên anh em sẽ không thể dùng lại những thứ mà mình đã từng bỏ tiền thật ra để mua.

Mạng xã hội Google+ ngừng hoạt động vào tháng 4/2019 và Google đã xóa toàn bộ dữ liệu người dùng khỏi máy chủ. Nhưng chí ít anh em vẫn có cơ hội tải dữ liệu cá nhân về máy trước khi Google thực hiện điều này.

Còn đối với các tựa game online khi đóng cửa thì còn khó chịu hơn rất nhiều. Có lẽ hầu hết anh em chơi game đều đã nạp tiền thật để mua những trang bị, vật phẩm ảo. Đến khi game đóng cửa thì những vật phẩm này cũng biến mất theo. Mà cho dù có cho tải về thì anh em chỉ có cất vào ổ cứng làm kỷ niệm thôi chứ không thể đem qua game khác được.

Nhìn vào những trường hợp trên, có lẽ anh em đều thấy một sự bất lực đúng không? Trường hợp Google+ và vật phẩm trong game online thì còn hiểu được; nhưng còn trường hợp anh em đã mua game, đã sở hữu game đó rồi mà không thể chuyển nó sang một nền tảng khác thì sao? Câu trả lời chính là DRM anh em ạ.

Sức mạnh của DRM

DRM (Digital Rights Management) là một biện pháp chống vi phạm bản quyền, ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp các dữ liệu mà anh em tải về từ Internet. Thông thường, nếu một file nào đó bị khóa bằng DRM thì anh em chỉ có thể dùng một phần mềm cụ thể mới mở được loại file đó.

Các game trên Steam, nhạc trên iTunes đều được DRM bảo vệ anh em ạ. Về mặt lý thuyết, anh em vẫn có thể tải, chuyển các file này vào bất cứ nơi nào, nhưng chỉ những người nào có giấy phép và phần mềm phù hợp thì mới dùng được.

Còn trên thực tế thì DRM đã từng gây khó dễ khi anh em chuyển file sang nơi khác. Bên cạnh đó, anh em cũng không thể chuyển nhạc trên iTunes sang máy tính khác được. Các dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix, Amazon Prime cũng sử dụng DRM để ngăn chép phim lậu.

Hồi thập niên 2000, khi iTunes ra mắt đã có rất nhiều người phàn nàn về việc kho nhạc này dùng DRM, không cho phép chép nhạc sang thiết bị khác. Để xoa dịu dư luận thì Steve Jobs có viết một bức thư nói rằng các công ty nắm giữ bản quyền nhạc trên iTunes rất khắt khe, họ yêu cầu phải làm như vậy, và nếu phát hiện hệ thống DRM của Apple bị qua mặt thì sẽ rút toàn bộ nhạc khỏi iTunes mà không cần thông báo trước một tháng. Sau vụ này thì hầu hết game, phim đều được vài DRM anh em ạ.

Sự thật về việc “mua” game

Sự thật ở đây là anh em không hề sở hữu những nội dung kỹ thuật số trên mạng, mà chính xác thì anh em chỉ đang “thuê” game đó thôi. Nghe hơi vô lý nhưng đây là sự thật anh em ạ. Khi mua game thì trong phần điều khoản có ghi rõ rằng “bạn được cấp phép để sử dụng bản kỹ thuật số” chứ không nói gì về việc anh em sở hữu tựa game đó.

Điều khoản “bạn không sở hữu game” này rất phổ biến trong các nền tảng phân phối nội dung. Thông thường, sau dòng chú thích anh em không sở hữu game thì các bên phân phối sẽ nói rằng nếu có vấn đề gì thì họ có quyền “ngừng cấp phép sử dụng” mà không phải chịu trách nhiệm gì về mặt pháp lý. Đây là một cách ngăn người dùng kiện tụng khi có tranh chấp, và nó đã trở thành một điều luật phổ biến. Anh em có thể dễ dàng tìm thấy các điều khoản này trên Steam, PlayStation Network, hoặc Xbox Live.

Vậy thì game của anh em sẽ đi về đâu?

Thông thường, trước khi một nền tảng nào đó ngừng hoạt động thì họ sẽ thông báo cho người dùng tải một số nội dung trước khi chính thức đóng cửa, nhưng khả năng cao là sẽ không dùng được vì bị các điều luật của DRM ngăn chặn. Nói chung, nếu chẳng may một nền tảng phân phối game nào đó phá sản, ngừng hoạt động thì họ phải lo cho bản thân trước chứ đâu thể lo cho từng kho game của mỗi khách hàng. Vì vậy, khả năng cao là anh em sẽ không thể mở game lên chơi nữa cho dù đã tải game về máy rồi.

Và dù bên nhà phân phối game có tốt bụng, cho phép anh em chơi game trọn đời dù đã ngừng hoạt động thì họ cũng bị “ăn hành” vì khả năng cao là nhà phát hành game sẽ đâm đơn kiện anh em ạ. Nhiều năm trước, có vài thành viên Reddit từng liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Steam và hỏi rằng nếu Steam ngừng hoạt động thì có được vào game nữa hay không. Bên Steam trả lời rằng họ có vài “biện pháp” giúp game thủ chơi được game đã mua mãi mãi. Tuy nhiên, anh em cũng đừng quá chủ quan nhé, vì toàn bộ game Steam đều có DRM và bản thân điều khoản người dùng của Steam cũng ghi rõ rằng “nội dung và dịch vụ là cấp phép, không phải bán” nên mọi thứ vẫn chưa thực sự rõ ràng cho lắm.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: How To Geek


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360