Game tester chắc chắn là một trong những nghề được nhiều anh em game thủ muốn làm nhất. Nó như là một công việc trong mơ nơi bạn chỉ cần chơi game suốt ngày và tiền sẽ tự chảy đến. Tuy nhiên đời không như là mơ đâu anh em ạ, cuộc sống của một game tester không màu hồng như bạn vẫn nghĩ đâu. Nếu anh em đã từng mơ về những ngày dài bất tận thì sẽ vỡ mộng sau khi đọc bài viết dưới đây đấy.

*Bài viết này dựa trên một bài phỏng vấn một game tester chuyên nghiệp ở Mỹ, có nickname là LowerCalibur với 10 năm kinh nghiệm và từng làm việc cho hơn 30 dự án game, hy vọng có thể mang đến một cái nhìn chân thực hơn về ngành này cho anh em.

Họ không chơi game, họ “soi” game cơ

Họ là tester chứ không phải player anh em ạ, công việc của họ chủ yếu là test chứ không phải ngồi chơi cả ngày như nhiều người vẫn nghĩ. Ho phải làm cho game bị lỗi bằng bất cứ cách nào có thể và báo cáo lại lỗi đó cho các nhóm lập trình, thiết kế và đồ họa bên nhà phát triển. Và nó thực sự nhàm chán hơn là bạn nghĩ đấy. Các tester luôn bù đầu bù cổ với công việc, họ tiếp xúc nhiều với game nhưng không hề chơi game theo cách mà người bình thường chúng ta vẫn làm.

Ví dụ có một dạng test game gọi là “matrix testing” (thử nghiệm ma trận) thường dành cho mấy con game đối kháng. Các game tester phải chơi từng nhân vật để bem nhau với tất cả những những nhân vật khác, nó thực sự nhàm chán và mất thời gian. Chơi game đối khác thì anh em thường sẽ chỉ chơi nhân vật mình thích thôi, còn ở đây thì họ phải làm với tất cả rồi ghi chú hết lại. Lúc đó thì hết vui nổi rồi.

Sau đó thì họ còn rất thường xuyên phải test các tính năng của một tựa game, có nghĩa là làm tất cả mọi thứ mà một tính năng có thể làm và xác nhận nó hoạt động đúng như trong tài liệu thiết kế. Khi game có tính năng mới thì anh em sẽ có thêm trải nghiệm, còn đối với một game tester thì họ có thêm chuyện phải làm. Họ phải thử đi thử lại tính năng đó nhiều lần để đảm bảo nó không có vấn đề.

Họ cũng phải test xem các lỗi đã được báo cáo trước đó có được xử lý hay chưa. Họ có bản game thử nghiệm và một cơ sở dữ liệu theo dõi tình trạng các lỗi để làm chuyện đó. Nếu một lỗi được xác nhận đã sửa xong rồi và test thấy OK thì để sang một bên, lỗi nào chưa sửa hoặc sửa chưa triệt để thì họ sẽ note lại rồi gửi cho thanh niên nào đã xác nhận rằng mình đã sửa nó xong.

Anh em thấy đó, công việc của họ là test và soi lỗi game chứ không phải là chơi game. Nó giống như việc anh em chơi đồ chơi thấy vui, thấy hay là một chuyện, còn cái ông test độ bền, test tính năng của món đồ chơi đó thì lại là chuyện khác. Công việc hiện tại của mình cũng dính đến game khá nhiều nên mình nghĩ có thể đồng cảm với các game tester. Hồi đầu mới làm thì lúc nào cũng năng nổ, có card mới, có laptop mới là ngồi chơi game để test, nhưng mà sau đó thì nó cứ chán dần vì mình chơi để lấy số, chơi vì công việc chứ không phải để tìm kiếm niềm vui, rất gò bó và khó chịu. Sau này thì mình toàn kiếm mấy con game nào có benchmark để chạy lấy số cho nhanh, vừa chính xác vừa đỡ mất công. Muốn chơi game thì về nhà rồi chơi.

Ngoài việc test game ra thì các game tester cũng có các cuộc họp để tham dự, đống email cần gửi – trả lời, các lỗi để báo cáo và tất cả những công việc mà một nhân viên văn phòng bình thường đều phải làm. Chẳng qua là họ làm việc đó ở một công ty game thôi. Đương nhiên là họ vẫn có những giờ “test” tự do, nó thoải mái hơn những kiểu test thông thường một chút nhưng chiếm tỉ trọng rất ít trong thời gian họ làm việc.

Game mình thích thì không được chơi, còn game mình ghét thì vẫn phải test

Làm game tester đồng nghĩa với việc anh em phải test tất cả những tựa game được giao dù có thích nó hay là không. Đối với một con game AAA mà anh em cực kỳ thích, cực kỳ mong chờ thì có lẽ anh em sẽ hứng thú đấy, nhưng mà đừng có mơ được chơi thoải mái trước khi phát hành nhé. Công việc lúc này của anh em là phá game và soi lỗi. Tìm bug, tìm góc lag các thứ, và anh em được trả tiền cho việc đó chứ không phải cứ ngồi chơi game suốt ngày là tiền nó tự chảy đến đâu.

Đó là trường hợp được làm việc với tựa game mà anh em thích nhé, còn nếu là một tựa game mà anh em không thể nuốt nổi thì sao?

Ví dụ người ta yêu cầu anh em test một con game arcade dành cho trẻ em rỗng tuếch, nhí nhố vừa xấu vừa cũ. Lúc này thì dù có thích hay không thì các ông vẫn phải test cho đàng hoàng anh em ạ. 6 tháng hoặc lâu hơn cho một đợt test game bình thường đồng nghĩa với việc anh em sẽ phải sống chung với con game mình ghét trong khoảng thời gian đó. Nó đủ khó chịu để một game tester suy nghĩ đến việc đổi ngành đấy.

Chuyện nó sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi có một dự án ngon hơn với một tựa game bạn thích diễn ra đồng thời. Đó sẽ là lúc mà bạn thấy mấy ông ồng nghiệp tận hưởng công việc với game mình thích, còn bản thân thì kẹt lại với con game chết tiệt này.

Áp lực công việc

Công việc nào cũng có áp lực của nó cả và game tester cũng vậy. 80 giờ làm việc mỗi tuần có thể xem là tiêu chuẩn trong những giai đoạn căng thẳng. Đáng buồn là mấy “giai đoạn căng thẳng” này diễn ra quá thường xuyên.

Lương bổng của một game tester cũng chỉ ở mức trung bình, 10 USD/ giờ ở Mỹ không phải là một mức lương đáng mong đợi. Đối với những người có kinh nghiệm thì có thể cao hơn 16 đến 18 USD gì đó, nhưng cũng không nhiều người được thuê với mức giá đó.

Tính chất công việc cũng không ổn định mà mang nặng tính thời vụ. Nếu một công ty thuê cả tấn nhà thầu thì họ cũng có thể chỉ giữ lại ai họ thích và cắt giảm bất kỳ ai mà họ thấy không cần nữa. Một ngày nào đó bạn có thể phạm một loạt các sai lầm ngay khi hợp đồng hết hạn thế là bùm, bạn thất nghiệp!

Làm tester thì đừng mong được trải nghiệm game một cách trọn vẹn

Cái này là chuyện đương nhiên, nó là thứ mà anh em phải đánh đổi khi làm nghề này. Anh em sẽ được giao một tựa game từ lúc nó chưa thành phẩm và lỗi um sùm cả lên, đến khi game ra mắt thì dù ban đầu anh em có thích nó cũng sẽ chẳng còn hứng thú nữa. Giống như một món ăn cực kỳ ngon nào đó, người thưởng thức thì thấy tuyệt vời nhưng ông đầu bếp nấu nó mỗi ngày sẽ chẳng còn thấy vậy nữa.

Trên đây là bài viết về những sự thật phũ phàng về nghề game tester, hy vọng có thể cho anh em một cái nhìn khách quan hơn về nghề này.

Link chi tiết bài phỏng vấn tham khảo tại đây