Feeding Frenzy 2 là một tựa game thuộc hàng huyền thoại, nó dễ chơi, dễ thương và cũng cực kỳ dễ ghiền, xứng đáng là hậu bản xuất sắc của phần đầu. Game cho bạn nhập vai vào những con cá với đầy đủ hình dạng và kích thước, phiêu lưu khắp các đại dương. Vậy thì có bao giờ bạn thắc mắc là mấy con cá mà chúng ta chơi trong đó ngoài đời thực chúng nó như thế nào chưa? Nếu có thì mời mấy bạn cùng mình tìm hiểu, còn nếu chưa thì cũng đọc cho biết nhen.

Về lý do mình chọn làm Feeding Frenzy 2 chứ không phải phần game trước của nó là vì mình tìm được cái danh sách đầy đủ những con cá có thể mở khóa và chơi trên web fandom của Feeding Frenzy 2. Về phần cá trong phần đầu thì có lẽ mình sẽ làm sau khi tìm được cái list với đầy đủ danh tính của mấy con cá và phiên bản thực tế của nó.

Boris – cá bướm

Boris là một con cá bướm và là con cá đầu tiên mà bạn sẽ chơi trong game, nó có thân hình mỏng dẹt, mình xanh viền vàng, vẻ ngoài thân thiện và một cái miệng nhỏ xinh. Có lẽ do cái miệng này nên nó không thể hút nước để bắt cá con như các loài cá còn lại trong game.

Giải mã phiên bản thực tế của các loài cá bạn chơi trong Feeding Frenzy 2

Ngoài đời thực thì cá bướm là một họ cá chứ không phải một loài, mà mình cũng chẳng biết con Boris trong game thuộc loài nào trong họ cá bướm nữa, chỉ biết theo thông tin trong Feeding Frenzy 2 thì nó là một con cá bướm thôi.

Cá bướm có 129 loài, nhìn chung có kích thước nhỏ, dài đến 30cm là to lắm rồi. Chúng sống chủ yếu trên các rạn san hô của vùng biển nông dưới 18m thuộc Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chúng thường ăn  polyp san hô và hải quỳ. Do có nhiều màu sắc đẹp mắt, lại hiền lành nên các loài cá bướm khá được ưa chuộng trong các bể cá cảnh nước mặn.

Layla – cá bò nữ hoàng

Layla là con cá thứ 2 mà game thủ sẽ choi trong Feeding Frenzy 2 và là con đầu tiên có khả năng hút nước để bắt cá nhỏ. Trông nó tròn tròn ngộ nghĩnh với bộ vây duyên dáng, màu sắc cũng khá là bắt mắt. Tuy nhiên cá nhân mình lại không thích con này lắm mấy bạn ạ, mình thấy nó không ngầu mà cũng chẳng dễ thương, cứ dị dị thế nào ấy.

Giải mã phiên bản thực tế của các loài cá bạn chơi trong Feeding Frenzy 2

Ngoài đời thì Layla thuộc giống cá có tên khoa học là Balistes vetula, thường được gọi là cá bò nữ hoàng và thuộc bộ cá nóc. Cá bò nữ hoàng có kích thước lớn hơn nhiều so với các loài cá bướm, chúng thường dài khoảng 3 tấc nhưng nhiều con có thể đạt kích thước gấp đôi. Về môi trường sống thì chúng phân bố chủ yếu ở Đại Tây Dương, lẩn quẩn trong các rạn san hô ở độ sâu dưới 30m.

Do có hàm răng chắc khỏe khủng khiếp thừa hưởng từ họ hàng cá nóc của mình nên cá bò nữ hoàng có chế độ ăn cũng tương đối giống vậy, chúng săn nhiều loại động vật không xương sống, đặc biệt là nhím biển. Loài này đôi khi được xem là mục tiêu của các cuộc thi câu cá, và góp mặt trong các bể cá cảnh kích thước khủng vì vẻ ngoài tuyệt đẹp của chúng.

Edie – Cá vây chân (cá lồng đèn, cá cần thủ)

Edie là một con cá vây chân (mình hay gọi là con cá lồng đèn). Nó có thể không đẹp, không duyên dáng nhưng được cái là ngầu nhất xóm khiến mình rất ưng. Đây là con cá mà mình thích nhất game, thích từ phần 1 qua phần 2, thích từ ngoại hình, điệu bộ cho đến những màn chơi của nó. Con này mỗi lần hút nước thì nó há cái miệng rộng đầy răng trông cực kỳ lực. Một số màn chơi của nó yêu cầu phải vừa ăn mấy cục phát sáng để làm sáng cái đèn trên đầu, vừa phải né mấy con cá lớn bơi tốc độ cao, tuy mang tính thử thách nhưng cực kỳ vui.

Giải mã phiên bản thực tế của các loài cá bạn chơi trong Feeding Frenzy 2

Ngoài đời thật thì Edie có khá nhiều anh em thuộc bộ vây chân mà mình chẳng biết Edie thực chất là con nào trong số đó. Trong tiếng Anh thì chúng được gọi là anglerfish (cá cần thủ) dựa trên cách mà chúng săn mồi. Chúng có một cái que mọc trên đầu, có thể ve vẩy một con mồi giả để dụ dỗ cá nhỏ, khi con mồi đến gần thì chúng há cái rộng rồi nuốt chửng người ta luôn. Một số loài cá chân vây sống ở độ sâu hàng ngàn mét, nơi ánh sáng mặt trời không chiếu đến còn có chứa vi khuẩn phát quang trên con mồi giả của nó để cá nhỏ dễ nhìn thấy hơn nữa. Nếu như con Edie trong game mà giống ngoài thực tế thì cái “lồng đèn” của nó đúng ra phải có tác dụng dụ con mồi cơ.

Theo mình thì Edie thuộc giống có tên khoa học là Melanocetus johnsonii, trong tiếng Việt thì nó được gọi là cá vây chân lưng gù. Chúng sống ở độ sâu khoảng từ 100 đến 1.500m, vô cùng đặc trưng bởi hàm răng nhọn, cơ thể bầu bĩnh và một cái hàm rộng đầy răng có thể nuốt những con mồi rất lớn. Loài này thì dù có thích đến mấy vì độ độc đáo của chúng thì bạn không thể nuôi làm cảnh được vì nó cần sống trong môi trường có áp suất rất lớn.

Peter – cá pompano châu Phi

Peter là một con cá pompano châu Phi. Trong mắt mình hồi nhỏ thì nó hốc hác như con nghiện vậy xấu đau xấu đớn luôn. Chơi game xong thì mình chỉ nhớ con này ở duy nhất một điểm là nó xấu thôi.

Giải mã phiên bản thực tế của các loài cá bạn chơi trong Feeding Frenzy 2

Ngoài đời thì cá pompano châu Phi trông đỡ nghiện hơn trong game. Chúng thuộc họ cá khế, xuất hiện khắp các vùng biển nhiệt đới trên toàn thế giới, săn cá và động vật giáp xác trong phạm vi độ sâu dưới 100m. Kích thước loài này cũng khá lớn, có thể dài trung bình 1,3m và nặng trên chục kg. Do chúng to và rất khỏe, lại phổ biến nên thường được xem là cá mục tiêu trong nhiều cuộc thi câu cá.

Cùng họ cá khế với cá pompano châu Phi là cá bè quỵt ở Việt Nam, còn gọi là cá GT. Đây là một trong những loài cá được giới cần thủ chuyên đi biển yêu thích nhất. Lý do thì cũng như cá pompano châu Phi, là vì chúng có kích thước to lớn và cực kỳ khỏe luôn, và thậm chí nó còn to khỏe hơn cả pompano châu Phi nhé.

Harry – cá sú mì

Harry là con cá to đứng thứ nhì bảng trong những con cá bạn có thể chơi được trong Feeding Frenzy 2 và là con áp chót mà bạn có thể mở khóa. Ngoại hình của Harry khá hiền lành với màu xanh rực rỡ như con công và thân hình không góc cạnh. Chỉ có một điểm nhấn là cái trán dô của nó mà thôi. Mình khá thích con này, không phải vì nó đẹp hay màn chơi của nó hay đâu mà nó là con cá giải thoát cho mình khỏi con Peter xấu hoắc.

Trên thực tế thì loài cá sú mì của con Harry trong game là loài lớn nhất trong họ cá bàng chài. Chúng có thể dài đến 2,5m và nặng gần 200kg. Loài cá này rất thông minh, chúng biết túm cổ mấy con cầu gai rồi đập vào đá cho vỡ ra để ăn, chúng cũng có thể nhai đầu sao biển gai bằng bộ hàm chắc khỏe của mình. Ngoài cầu gai và sao biển ra thì chúng còn ăn nhiều loài thân mềm, giáp xác nữa. Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận có mặt tại vùng biển Nha Trang, Côn Đảo, cù lao Chàm (Quảng Nam), quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. ở Hiện tại thì loài này còn rất ít ngoài tự nhiên và đang được liệt vào sách đỏ.

Những con khác trong game thì không biết giới tính chứ con Harry thì chắc chắn là cá sú mì đực. Lý do là vì cá đực trưởng thành sẽ có một cái bướu nhô ra trên trán, trùng khớp với đặc điểm nhận dạng của con Harry.

Goliath – cá mập trắng lớn

Trùm cuối của chúng ta đây rồi. Cá mập trắng lớn Goliath trong Feeding Frenzy 2 được đặt theo tên của chiến binh khổng lồ trong quân đội Philistines trong Kinh Thánh, sống vào khoảng 1000 năm trước Công nguyên. Ông ta chưa từng tìm được đối thủ cho đến khi khi bị vua David hạ bằng một viên đá bắn vào giữa trán. Trong game thì cá mập trắng lớn Goliath là con cá cuối cùng bạn có thể mở khóa và cũng là con cá to nhất bạn có thể chơi.

Ngoài đời thì cá mập trắng lớn đã quá nổi tiếng rồi, chúng hội đủ những yếu tố để trở thành kẻ săn mồi siêu hạng. Con cái trưởng thành có thể đạt chiều dài trên 5m và nặng trên 1 tấn, một số cá thể có thể dài đến trên 6m và nặng trên dưới 2 tấn. Đây chính là lý do mà cá mập trắng lớn được xem là loài cá săn mồi lớn nhất còn tồn tại. Cũng như họ hàng của mình, cá mập trắng có giác quan thứ 5 để cảm nhận từ trường từ con mồi từ khoảng cách rất xa mà thậm chí còn không cần nhìn. Chúng có cái mũi nhạy đến nổi có thể ngửi thấy một giọt máu được hòa trong bể bơi Olympic. Chúng cũng có tốc độ trên 50km giờ và bộ hàm có thể tạo ra lực cắn bằng một nửa khối lượng của chúng. May mắn thay con người không có trong thực đơn hằng ngày của bọn này, chúng chỉ thích xực bọn hải cẩu béo mập thôi.

Do vừa to vừa ngầu, lại có phốt ăn thịt người nên bọn này trước nay luôn được các nhà làm phim khai thác triệt để, góp phần quan trọng làm nên danh tiếng của chúng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh cá mập trắng lớn không xem con người là thức ăn. Tuy nhiên do bản tính tò mò nên đôi khi chúng bơi lại gần chúng ta và cắn thử một nhát xem ngon dở thế nào thôi. Nhưng mà mấy nghiên cứu đó cũng không cho biết là khi đói bụng thì bọn này có kén chọn không nên nếu mấy bạn có gặp thì cũng đừng tin tưởng cá mập trắng lớn quá nhé.


Trên đây là một số thông tin về những loài cá có thể mở khóa và chơi trong Feeding Frenzy 2. Mong rằng có thể giúp các bạn hiểu thêm về thế giới tự nhiên mà tựa game huyền thoại này đã lấy làm chất liệu để vẽ nên một chuyến phiêu lưu rực rỡ sắc màu. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Tham khảo: Feeding Frenzy 2 Wiki; Wikipedia – Butterflyfish, African pompano, Humphead wrasse, Anglerfish, Balistes vetula, Great white shark


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360