Vào tháng 2/2018, Ủy ban Đánh giá Phần mềm Giải trí (Entertainment Software Rating Board – ESRB) cho biết họ sẽ bắt đầu dán nhãn các đĩa game có cơ chế bán vật phẩm (microtransactions) với nội dung ghi trên nhãn là “In-Game Purchases” (Có mua bán trong game). Theo chủ tịch ESRB, ý tưởng này là để cho các bậc phụ huynh biết được rằng trong game có cơ chế bán vật phẩm.

Vấn đề của nhãn này là nó bao hàm tất cả mọi thứ, từ các gói season pass cho đến các bài nhạc (soundtrack), loot box (hòm vật phẩm). Vị chủ tịch cho biết họ cố tình làm vậy là bởi vì hầu hết phụ huynh đều không biết loot box là gì nên ESRB đã tạo ra nhãn này với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đọc vô là biết trong game này có thêm cơ chế “móc ví” nào khác hay không.

Hệ thống này sau đó đã được cải thiện, và ESRB vừa công bố rằng họ sẽ bắt đầu áp dụng dán nhãn có dòng chữ “In-Game Purchases (Includes Random Items)”, nghĩa là: “Có mua bán trong game (Bao gồm vật phẩm ngẫu nhiên)”, cho game nào có những thứ như loot box, gói thẻ bài (card pack), hòm vàng (treasure chest). Còn nhãn “In-Game Purchases” thì vẫn sẽ áp dụng cho game có bán vật phẩm nhưng không bao gồm vật phẩm ngẫu nhiên, chẳng hạn như bản mở rộng hay skin.

ESRB cho biết họ không muốn làm người mua rối mù khi không hiểu rõ loot box là gì. Theo nghiên cứu gần đây thì chưa đến 1/3 phụ huynh đã nghe qua loot box và hiểu rõ nó là cái gì. Do đó, với 2 nhãn này thì họ đều đặt chuyện súc tích, dễ hiểu lên hàng đầu, tránh sự mập mờ khó hiểu dù người mua có am hiểu về game hay không.

Nguồn: PC Gamer