Một khi đã chơi qua game 3D, đặc biệt là thể loại game góc nhìn thứ nhất thì chắc chắn ai cũng từng trải qua cảm giác chóng mặt buồn nôn khi chơi rồi. Đây là một vấn đề khó chịu và nan giải, nhất là khi chúng ta làm quen với một game mới. Tùy theo cơ địa từng người mà cảm giác chóng mặt buồn nôn có thể đi từ nhẹ đến nặng và khác nhau theo từng tựa game. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu qua nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.
Nguyên nhân
Hiện tượng chóng mặt khi chơi game có tên gọi theo y khoa là simulator sickness (tạm dịch: “bệnh giả lập”). Hiện tại thì chúng ta vẫn chưa thể xác định rõ ràng nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu. Đã có một số thuyết được đưa ra, và thuyết được chấp nhận nhiều nhất là “sự xung đột nhận thức”. Theo cách lý giải của thuyết này thì đây là một hiện tượng xảy ra khi có sự bất đồng trong nhận thức giữa thị giác và tiền đình. Nó xảy ra với cách thức tương tự như khi bạn bị say tàu xe vậy. Khi đi tàu xe, mắt bạn sẽ thấy bạn luôn ngồi yên trong xe nhưng hệ tiền đình của bạn lại cảm nhận được cơ thể bạn đang di chuyển do sự chòng chành khi xe bẻ của, đi vào đường xấu, thay đổi tốc độ…
Khi chơi game có chuyển động trong không gian 3D, mắt bạn sẽ ghi nhận các chuyển động trong không gian game, góc nhìn và vị trí thay đổi liên tục. Trong khi đó thì tiền đình của bạn ghi nhận bạn ngồi yên một chỗ do nó không cảm thấy một chút sự dằn xóc, chòng chành nào. Kết quả là 2 giác quan khác nhau mang về những luồng nhận thức khác nhau khiến cho não của bạn không thích ứng kịp. Kết quả là bạn sẽ bị bệnh giả lập.
Tùy theo từng người và từng game mà bệnh giả lập có thể nghiêm trọng hay không. Nhớ hồi nhỏ, lần đầu tiên mình chơi game FPS là với tựa game Crysis, sau khi chơi tầm khoảng 10 phút thì mình đã bắt đầu cảm thấy không ổn, và sau 1 tiếng thì mình nôn mửa và chóng mặt cả ngày luôn.
Cách khắc phục
Chia buồn với các bạn bị bệnh giả lập là không có cách nào giúp bạn hết hoàn toàn đâu, bạn chỉ có thể hạn chế phần nào cảm giác chóng mặt buồn nôn hoặc làm quen với nó luôn mà thôi. Trước tiên chúng ta hãy nói đến phương pháp hạn chế sự ảnh hưởng của của các yếu tố dẫn đến bệnh giả lập, vì những thứ này sẽ có tác dụng ngay lập tức đối với “tình trạng bệnh lý” của bạn.
Điều chỉnh góc nhìn trong game
Một số tựa game cho phép bạn điều chỉnh thông số FOV (Field Of View), nói nôm na cho dễ hiểu là độ rộng của góc nhìn trong game ấy. Việc chênh lệch giữa góc nhìn thực tế của bạn và góc nhìn trong game sẽ dễ khiến cho não bạn cảm thấy “có gì đó sai sai ở đây” và làm cho sự xung đột nhận thức trở nên tệ hơn.
Thông thường các trò console sẽ có góc nhìn mặc định đâu đó tầm 60 độ. Game PC thì sẽ cao hơn do game thủ PC thường ngồi gần màn hình hơn, đâu đó khoảng 80 đến 100 độ. Bạn cũng có thể điều chỉnh thông số FOV một cách linh động tùy theo khoảng cách từ mắt bạn đến màn hình sao cho não của bạn cảm thấy hợp lý để giảm thiểu hiện tượng bệnh giả lập. Cái này bạn cũng cần lưu ý là không nhất thiết phải sát với thực tế, miễn là não bạn nó cảm thấy “hợp lý” là được. Theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên để FoV từ bằng đến cao hơn góc nhìn thực tế. Ví dụ góc nhìn của mình đến màn hình là 60 độ thì mình sẽ để FoV từ 80 độ trở lên. Đối với một số game mình để 120 luôn.
Việc dùng góc nhìn rộng cũng giúp bạn thu vào màn hình nhiều vật thể hơn. Khung nhìn trong game cũng ít chuyển động khi chuyển tầm nhìn hơn. Việc này cũng góp phần làm giảm hiện tượng chóng mặt buồn nôn khi chơi game.
Tắt chế độ rung lắc không cần thiết trong game
Một số tựa game có chức năng giả lập sự rung lắc camera để làm cho game trở nên chân thực hơn. Nhưng mà vấn đề ở đây là bình thường nó không rung bạn còn chết lên chết xuống chứ đừng nói là có. Việc bật chế độ rung lắc sẽ làm cho khung nhìn trong game chuyển động nhiều hơn, dẫn đến sự xung đột nhận thức giữa tiền đình và thị giác và kết quả là làm cho bạn chóng mặt thêm. Thế nên tốt nhất là tắt nó luôn đi.
Tăng tốc khung hình
Não của bạn rất nhạy cảm với những chuyển động “trông có vẻ sai sai”. Khi chơi ở mức khung hình thấp đủ để mắt bạn có thể nhận thấy độ giật khung hình, khiến cho chuyển động trong game không còn mượt mà như trong thực tế thì có thể nó sẽ làm bạn mau chóng mặt hơn. Để giải quyết vấn đề này thì bạn có thể cân chỉnh lại cấu hình trong game để tăng FPS sao cho các chuyển động trở nên mượt mà hơn, tầm khoảng 60FPS là được. Hoặc bạn cũng có thể tăng FPS bằng cách trực tiếp hơn đó là nâng cấp máy.
Chơi game của bạn thôi, đừng có nhìn qua màn hình của người khác
Không có gì làm cho bạn dính bệnh giả lập nhanh hơn là nhìn vào màn hình của người khác. Cái này thì quá rõ ràng rồi. Khi bạn nhìn vào màn hình của mình thì ít ra bạn còn dự đoán được chuyển động, chứ nhìn vào màn hình người khác thì chỉ có vô phương. Mấy ông vừa chơi vừa hay liếc màn hình của đứa kế bên để “chỉ bảo” dễ bị simulator sickness nó quật cho lắm.
Kiểm tra mắt của bạn
Trong một số trường hợp, khi 2 mắt của bạn có độ cận/ loạn chênh lệch nhau, khiến cho nhận thức thị giác giữa 2 mắt chênh lệch nhau thì não của bạn cũng sẽ xảy ra vấn đề. Nếu bạn nghi ngờ 2 mắt mình có thị lực lệch nhau thì tốt nhất hãy đi đo mắt và cắt kính để cân bằng lại. Có thể nó sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh giả lập của bạn đấy.
Tạo “khung tham chiếu”
Biện pháp này có tác dụng là vì nó giúp mắt bạn nhận thức được phần nào rằng bạn đang ngồi yên một chỗ chứ không chuyển động lung tung như màn hình game.
Đầu tiên, nên bật đèn lên và chơi game trong điều kiện có ánh sáng, những vật thể trong môi trường xung quanh bạn như bàn phím, chuột, chân đế màn hình, bức tường hoặc cửa sổ sau màn hình… sẽ giúp não bạn xác nhận rằng bạn đang ngồi yên. Thứ 2, hãy tập trung vào tâm ngắm trong game, nó giúp bạn bỏ qua bớt những chuyển động của màn hình và làm giảm sự chóng mặt
Biện pháp cuối cùng: chơi nhiều nó quen
Chơi đi mấy bạn, chơi riết nó cũng quen à. Bạn bị nặng thì bạn cần thời gian lâu, bị nhẹ thì cần thời gian ít nhưng nhìn chung thì game thủ nào chơi nhiều rồi cũng sẽ quen thôi. Những thứ mà chúng ta vừa liệt kê bên trên cũng sẽ chỉ giúp được phần nào cho bạn chứ không thể loại bỏ hoàn toàn hiện tượng bệnh giả lập. Cách triệt để nhất là bạn cứ chơi game nhiều vào. Hôm nay bạn chơi được 1 tiếng, ngày mai bạn chơi được tiếng rưỡi, dần dần tăng lên 2 tiếng, 3 tiếng và cuối cùng là không còn đáng kể trong suốt một buổi chơi game.
Nếu chưa quen ngay được thì bạn cũng có thể ngắt nhỏ giờ chơi của mình ra thành nhiều buổi trong ngày. Ví dụ buổi sáng chơi thấy không ổn rồi thì chiều bạn chơi tiếp. Buổi chiều chơi cảm thấy chóng mặt rồi thì tối trước khi đi ngủ lại chơi một chút. Một khi đã quen rồi thì bạn sẽ thấy nó không còn đáng sợ nữa. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý là khi hết bị rồi mà bạn bỏ game một thời gian cũng có thể bị lại và mỗi lần như vậy bạn cũng cần phải luyện tập lại cho bộ não quen dần.
Nguồn: howtogeek
Tham khảo: Wikipedia