Vì là game thế giới mở nên Cyberpunk 2077 cho phép anh em tự do khám phá theo ý thích, và nếu anh em muốn trở thành tội đồ của xã hội thì cũng cứ tự nhiên nhé. Chỉ có điều chúc anh em may mắn khi chạy trốn khỏi mớ cảnh sát thôi. Sau khi gây án, người dân xung quanh sẽ hốt hoảng, la toáng lên, thu hút sự chú ý của cảnh sát ở gần đó và họ sẽ chạy đến hiện trường để trấn áp thủ phạm. Nghe thì thấy cũng bình thường, nhưng nếu anh em chơi game đủ lâu thì sẽ thấy có điều gì đó khá là… mờ ám.

Chẳng hạn, khi anh em lái xe gây tai nạn thì cảnh sát sẽ rượt theo bằng… “xe” 2 cẳng rồi đứng trên lề cầm súng bắn, chứ không hề thấy bất cứ chiếc xe cảnh sát nào rượt theo cả. Đến đây là bắt đầu kì kì rồi đó, và nó cũng chẳng thú vị một chút nào vì phải có những màn rượt đuổi hoành tráng như trong GTA V thì mới kịch tính. Thậm chí, ngay cả khi anh em đang ở vùng ngoại ô hẻo lánh, không một bóng người, vậy mà cảnh sát vẫn nhanh chóng chạy đến chỗ anh em đang đứng và bắt đầu xả súng.

Vậy thì họ đã làm điều đó như thế nào? Câu trả lời ở đây là “tốc biến” (teleport) anh em ạ. Nói một cách đơn giản thì cảnh sát sẽ bất ngờ xuất hiện ngay tại vị trí mà anh em đang đứng. Nó không giống những cơ chế cầu kì, chi tiết như của Red Dead Redemption 2 hay Grand Theft Auto 5. Thay vào đó, cảnh sát trong Cyberpunk 2077 chỉ việc tốc biến đến chỗ nhân vật chính khi người chơi gây án rồi thi hành nhiệm vụ, y như lũ quái vật trong Doom. Cho dù anh em có đang đứng trên tòa cao ốc 20 tầng, trong hầm xe, hay giữa vùng đất Badlands đi chăng nữa thì cảnh sát cũng sẽ xuất hiện ngay lập tức.

Một tình huống dở khóc dở cười khác nữa là khi anh em gây án và đứng trong thang máy không một bóng người, cảnh sát cũng sẽ lũ lượt tốc biến đến ngay phía sau lưng và xả đạn không thương tiếc. Ngoài ra còn có những tình huống như anh em nhìn cảnh sát quá lâu, hay đứng quá gần cũng sẽ bị tấn công. Hi vọng là CD Projekt Red sẽ tối ưu lại cơ chế này để game trở nên chân thật hơn, chứ chơi như vầy thì ai mà chơi lại.

Nguồn: PC Gamer