Top 9 tựa game nội dung quá sâu sắc khiến game thủ phải chơi nhiều lần mới hiểu nổi, liệu các bạn có lạc vào tình huống tương tự?

Cũng giống như phim ảnh hay tiểu thuyết, nhiều game có nội dung rất là khó hiểu, nhất là trong lần chơi đầu tiên. Không phải game nào cũng huỵch toẹt, phơi bày mọi thứ ra trước mặt người chơi; có những game mà bạn cần phải vắt óc suy nghĩ, lý luận dựa trên ngữ cảnh và các thông tin mà mình thu thập được trong suốt quá trình chơi, khiến các diễn đàn bàn tán vô cùng sôi nổi vì 9 người 10 ý, mỗi người diễn giải câu chuyện theo một cách khác nhau.

Nhưng dù sao đi nữa thì thường cuối những game này, bạn sẽ phải gãi đầu cố gắng xâu chuỗi lại mọi chuyện, hoặc là thốt lên “Mình vừa mới chơi game gì thế này?”. Liệu đó có phải là ý đồ của nhà phát triển? Bạn có nên đào sâu vào cốt truyện ngay đoạn đầu luôn không, hay là nhà phát triển muốn bạn chờ đợi những khúc mắc sẽ được giải đáp trong phần tiếp theo? Không thể phủ nhận rằng những tựa game như thế này thường mang lại kết quả rất thú vị và tạo ra những giả thiết, chủ đề cho dân tình bàn tán sôi nổi. Sau đây là danh sách 9 tựa game vô cùng “hack não” nếu chỉ chơi qua một lần.


Cảnh báo: Có Spoiler!!!


Final Fantasy 7 Remake

Final Fantasy 7 Remake vẫn bám theo cốt truyện giống như trong phiên bản gốc… cho đến khi bạn chơi được khoảng 40 phút trong game, khi mà các nhân vật đột nhiên phát hiện ra rằng họ đang nằm trong một phiên bản remake; biết được định mệnh của chính mình và những gì sắp sửa xảy ra, từ đó quyết định phá bỏ khuôn khổ và “rẽ lối đi riêng”. Tuy nhiên, việc này lại chẳng hợp logic tí nào cả và nó còn khiến cho người chơi mới lẫn fan gạo cội đều cảm thấy bối rối, khó hiểu.

Với những ai mới chơi thì sẽ tự hỏi Sephiroth đang bị cái quái gì vậy? Jenova là cái giống gì? Tại sao có một số chuyện Cloud lại chẳng chia sẻ với Tifa? Red XIII rốt cuộc là ai? Vì sao Aerith lại có vẻ như là biết mọi thứ về không gian và thời gian? Những tiếng thì thầm ma quái là từ đâu mà ra? Và còn vô số câu hỏi khác được đặt ra song song với đó. Final Fantasy 7 Remake được xem như là một phiên bản để tưởng niệm Final Fantasy 7 – huyền thoại một thời trên PlayStation. Nhưng với những thay đổi kia, khiến cốt truyện đi chệch hướng ban đầu của nó, đã làm cho nhiều fan phải lắc đầu ngao ngán, còn lính mới thì lại chả hiểu mô tê gì ráo rọi.

Death Stranding

Bên cạnh cái kết khó hiểu thì phần lớn những cột mốc quan trọng trong game cũng tương tự như thế: khi bạn bắt đầu hiểu hiểu được những gì đang diễn ra là Death Stranding lại tát bạn một phát đau điếng, khiến mọi thứ lại bị đảo lộn và tiếp tục xoay vòng. Những cơn mưa cứ đến bất chợt, và khi mưa thì có người khóc; người khác chết thì sẽ phát nổ, nhưng Troy Baker – một người có nhiều siêu năng lực – thì lại không hề chi; nhân vật chính Norman Reedus thì bất tử, và mặc dù khi “mém chết” anh ta đã khiến mặt đất bị lõm xuống một khúc, sau đó anh ta lại sống dậy ngay tức thì.

Phân đoạn cuối là khúc cực kì khó hiểu, khi mà mọi thứ được kể không theo trình tự nào cả, nhiều người đã chết nay lại sống dậy, thân phận thực sự của Sam Porter Bridges là một cú twist to tướng, và khi kết game lại có thêm một cú twist khác nữa để câu chuyện trong Death Stranding có thể khép lại theo cách huy hoàng nhất. Tất cả những điều này có nghĩa là gì? Những gì đã xảy ra là sao? Bạn cần phải chơi lại một lần nữa, sau khi hiểu được ngữ cảnh trong đoạn cuối game, để tìm đọc tất cả các đoạn nhật ký text log thì mới may ra hiểu được thông điệp của game.

Shadow Of The Colossus

Đây là một tựa game hành động phiêu lưu có tiết tấu chậm, không chỉ cơ chế gameplay chậm mà cốt truyện nó cũng “chậm” nốt anh em ạ. Phải đến khi anh em tiêu diệt được con Colossi khổng lồ thứ 13 (trong tổng số 16 con) thì mới bắt đầu hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Bạn sẽ hiểu được sự thật rằng những con Colossi này chính là thần hộ vệ (guardian) giam giữ linh hồn Dormin quái ác; và mặc dù Dormin có hứa với bạn là sẽ hồi sinh cô nàng Momo, đổi lại bạn phải hi sinh chính tính mạng của mình cho hắn ta.

Cuối game bạn sẽ bị biến thành một con quái thú hắc ám khổng lồ, giết tất cả binh lính đang cố gắng không cho linh hồn của Dormin trốn thoát, sau đó bạn sẽ được “đầu thai” thành một em bé với cái sừng trên đầu. Fumito Ueda – Giám đốc Sáng tạo – sau đó đã xác nhận rằng Shadow Of The Colossus chính là phiên bản tiền truyện của game ICO, xâu chuỗi mọi sự kiện lại với nhau một cách chặt chẽ hơn. Chứ trong lần chơi đầu tiên thì ít nhiều gì bạn cũng phải tốn kha khá chất xám để kết nối mọi thứ lại với nhau đó.

Hotline Miami 2: Wrong Number

Cả 2 phần Hotline Miami đều rất xuất sắc, và đặc biệt Hotline Miami 2 đã tiếp nối câu chuyện của phần 1. Cụ thể, bạn sẽ biết được Jacket là một thành viên trong trung đội đến từ Việt Nam, những hành động của anh ta đã “truyền cảm hứng” cho những kẻ sát nhân khác trong thành phố làm theo y hệt như vậy, có một thám tử đang theo dõi anh ta, có một tên trùm tội phạm thừa nước đục thả câu, và rồi một trái bom nguyên tử phát nổ, tiêu diệt tất cả mọi thứ.

Tất cả điều này dẫn đến phiên bản kế nhiệm hết sức khó hiểu, lộn xộn, và cho dù có chơi đi chơi lại nhiều lần thì bạn cũng khó thể nào mà hiểu được cốt truyện của game này, chỉ biết là 2 nhà phát triển onatan Söderström và Dennis Wedin muốn mổ xẻ chủ đề bạo lực và hậu quả của nó theo nhiều cách khác nhau mà thôi.

Control

Không thể phủ nhận Control là một tuyệt tác của Remedy kể từ Alan Wake hay Max Payne 2 ra mắt. Bối cảnh The Oldest House cứ như thể là trong phim hành động đình đám Men in Black vậy, bạn sẽ phải đi tìm những đồ vật hằng ngày có chứa nguồn năng lực siêu nhiên và dùng nó để thử nghiệm nhiều thứ khác nhau. Và rồi đến phần cốt truyện với nhân vật nữ chính Jesse Faden cùng người em Dylan bị Bureau of Control bắt giữ. Tuy nhiên, có một giọng nói trong đầu Jesse đã dẫn dắt cô ta tìm đến Dylan, và nó bắt nguồn từ một buồng kim loại. Khi Jesse mở căn buồng này ra thì thấy nó trống không, và Dylan bị ngất xỉu khi bị The Hiss nhập vào người, khiến Jesse bị nhốt trong một văn phòng, rồi… đoạn credit xuất hiện.

Việc có kết thúc bỏ lửng như thế này khiến nhiều game thủ không biết đây là điều tốt hay xấu, thậm chí bản mở rộng (DLC) cũng chỉ cho người chơi biết thêm thông tin về Bureau mà thôi. Ngoài ra thì nó cũng cho người chơi có thêm một vài lý do nữa để tiếp tục đào bới, tìm hiểu về nội dung game. Cho đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người mổ xẻ, phân tích Control để đưa ra các giả thiết giải thích chi tiết trong game, và thế là chúng ta lại mở game lên chơi một lần nữa để soi xét thêm về những chi tiết này.

Bioshock Infinite

“Lúc nào cũng sẽ có một ngọn hải đăng, cũng sẽ có con người, và có cả thành phố”. Đây là câu nói của Elizabeth khi kết thúc Bioshock Infinite, bao trùm motif các thế giới song song của đoạn cuối trong game. Đây là một ý tưởng rất ấn tượng, nếu không muốn nói là thiên tài, nhưng khi nói về việc cố gắng hiểu những gì diễn ra tại thành phố Columbia thì khả năng là bạn cần phải lên YouTube xem vài ba video “giải mã” cốt truyện đấy.

Đầu tiên là Lutece Twins, cặp song sinh dường như lúc nào cũng biết lý do vì sao nhân vật chính Booker của chúng ta lại xuất hiện nơi đây. Sau đó đến các lỗ hổng xuyên không mà Elizabeth dùng để lấy vật phẩm và vũ khí từ những dòng thời gian khác. Rồi đến con Songbird khổng lồ nhìn cứ như thể là phiên bản tiến hóa của Big Daddy trong 2 phần Bioshock trước vậy. Nói một cách tóm gọn thì Bioshock Infinite ẩn chứa rất nhiều câu hỏi trong đó, và câu trả lời cũng có sẵn trong game luôn, nhưng trong lần chơi đầu tiên thì bạn chắc chắn sẽ bị choáng ngợp và chả kịp tìm hiểu gì đâu. Nếu bạn chơi lần đầu mà khi kết game vẫn hiểu được những gì đã và đang diễn ra thì thuộc hàng đại tài luôn rồi đó.

NieR Automata

Đây là một tựa game vô cùng đặc biệt, gọi gọn các yếu tố tình cảm, mất mát, chiến tranh, sinh tồn, và mục đích sống vào trong một tác phẩm duy nhất. Tuy nhiên, khả năng cao là bạn sẽ chưa thể hiểu được những gì mà game này muốn truyền đạt trong lần chơi đầu tiên, vả lại nhà phát triển cũng cố tình làm như thế mà. Chính xác hơn thì bạn phải “phá đảo” game này 2 lần và đến lần thứ 3 thì mới mở được phần kết thúc của cốt truyện chính. NieR Automata có đến 26 kết thúc khác nhau (tương ứng 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh) dành cho 26 trường hợp mà game này có thể kết thúc, từ việc bỏ mặc những nhân vật và con trùm trong game cho đến việc tự sát.

Và cuối cùng, vì thời lượng game rơi vào khoảng đâu đó 20-30 tiếng đồng hồ (hoặc nếu làm thêm nhiệm vụ phụ thì có thể lên đến 60 tiếng) nên việc liên kết mọi thứ lại với nhau cho ra đầu ra đuôi là một nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Chẳng thà lên mạng tìm đọc các bài viết hoặc xem video giải thích có khi còn có lý hơn. Tuy nhiên, trong lần chơi đầu tiên thì nó cũng rối như tơ vò, chả khác gì cuộc sống ngoài thực tế cả.

Metal Gear Solid 4: Guns Of The Patriots

Metal Gear Solid 4 có rất nhiều điều dị thường: binh sĩ thì được gắn mã định danh và được điều khiển từ xa bởi các tập đoàn; khỉ thì vừa hút thuốc, vừa uống nước ngọt, vừa đóng bỉm; ung thư được phòng ngừa bằng thiết bị nano; người chết cả mấy thập kỷ trước đột nhiên sống lại; nhân vật phụ đột nhiên làm đám cưới với nữ chính chỉ vì họ mới yêu nhau vào buổi chiều hôm đó. Đây là đỉnh điểm của việc Hideo Kojima bị ép làm nhiều hậu bản Metal Gear dù rất muốn làm một tựa game mới nhưng không được. Ông ta đã nhồi nhét vào Metal Gear Solid 4 rất nhiều thứ phi logic nhưng đồng thời cũng tìm được cách thêm thắt yếu tố vào đoạn cuối game nhằm tưởng nhớ về người cha đã quá cố của mình.

Cách duy nhất để bạn hiểu cốt truyện trong Metal Gear Solid 4 là vừa chơi vừa cầm trong tay quyển sổ có chứa đầy đủ thông tin trong các phần Metal Gear trước đây, và tự vẽ sơ đồ khối để dễ hình dung những diễn biến trong game. Nếu không là bảo đảm bạn sẽ bị rối mù, không biết đường nào mà lần. Và sau tất cả, chúng ta vẫn có Metal Gear Solid 5 cùng với sự kiện Hideo Kojima và Konami đường ai nấy đi.

Dark Souls và Bloodborne

Hai game này có cách kể chuyện rất ngộ: thông qua miêu tả vật phẩm. Hầu hết nhân vật trong Dark Souls hay Bloodborne sẽ cười nhạo bạn khi bán một số món đồ, thay vì là giải thích chuyện gì đang xảy ra trong game. Điều này tồi tệ đến nỗi fan gạo cội còn phải chỉ ra rằng Sekiro: Shadows Die Twice là tựa game đầu tiên của FromSoftware (trong thế hệ console hiện tại) có lời thoại cho nhân vật chính, có các đoạn cutscene và cốt truyện rõ ràng.

Trở lại với Dark Souls và Bloodborne thì bên cạnh việc vượt qua các thử thách khó nhằn trên hành trình, việc chịu khó tìm hiểu cốt truyện để biết được thông điệp mà nhà phát triển muốn truyền tải cũng là một thành tựu đáng ngưỡng mộ rồi đấy. Đã có vô số YouTuber khai thác 2 tựa game này, cho người chơi thấy được rằng cốt truyện của Dark Souls vô cùng chi tiết và giàu cảm xúc, nhưng bù lại thì bạn phải thu thập vật phẩm, đọc các đoạn chữ, lật từng viên đá, soi xét từng chân tơ kẽ tóc thì mới ráp mọi thứ thành bức tranh hoàn chỉnh được. Nói một cách khác, để hiểu được cốt truyện của Dark Souls thì bạn cần phải nhờ sự trợ giúp của người khác, chứ làm một mình thì khá là khoai, nhất là trong lần chơi đầu tiên.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture

Creadit ảnh cover: alcd


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360