Đối với game thủ thì chuột giống như một phần cơ thể vậy. Chỉ khi có được một con chuột thích hợp thì chúng ta mới có thể phát huy được hết khả năng. Theo mình thấy thì FPS chính là thể loại khó chọn chuột nhất. Chỉ cần một chút không hợp thôi là đã đủ để ảnh hưởng đến hiệu suất chơi game của anh em rồi.

Mình thì cũng không dám nhận là cao thủ FPS gì nhưng được cái do tính chất công việc mà mình đã được trải nghiệm qua nhiều dòng chuột khác nhau cũng như biết được mấy anh em cần gì ở một con chuột FPS. Sau đây là lưu ý khi chọn chuột chơi game FPS dựa trên kinh nghiệm của mình. Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho anh em.

Về form cầm

Về form cầm, đặc trưng của game FPS là bạn phải di chuột liên tục ở khoảng cách dài và tốc độ cao. Nếu bạn cầm một con chuột không hợp tay thì sẽ rất khó kiểm soát. Mỗi kiểu tay, kiểu cầm khác nhau đều sẽ yêu cầu những form chuột khác nhau nên mình không dám chỉ thẳng mẫu chuột nào cho anh em được. Mình chỉ có thể nói là chuột để chơi FPS không cần phải quá ôm tay nhưng khi anh em cầm phải có cảm giác thực sự chắc chắn. Khi vẩy mạnh hết cỡ thì các đầu ngón tay của anh em cũng không bị lệch khỏi thân chuột.

Mình có thể kể cho anh em vài ví dụ điển hình là G-Pro Wireless của Logitech, Viper của Razer và Sensei Ten của Steelseries. Cả 3 con này đều là chuột đối xứng và cầm thì chắc chắn không ôm tay bằng mấy con công thái học lệch về 1 bên rồi. Tuy nhiên với đa số game thủ thì chúng đều cho cảm giác kiểm soát rất tốt do có 2 bên hông chuột được làm thẳng đứng, giúp các ngón tay có chỗ bám chắc vào thân chuột.

Cách bố trí nút

Chuột để chơi FPS nên có cách bố trí nút hợp lý để tránh nhấn nhầm, gây mất tập trung trong trận đấu. Mình có thể lấy ví dụ mấy con chuột như Corsair Dark Core, Corsair Scimitar và Razer Naga Trinity. Bọn này có cụm nút phụ đặt ngay vị trí ngón cái. Mỗi lần vung chuột nhanh là các ngón tay của bạn sẽ siết chặt hơn vào thân chuột. Thế là phần ngón cái sẽ thường xuyên bị chạm nút. Cho dù bạn có disable hết cụm nút đó đi thì chúng cũng sẽ gây khó chịu. Mình không nói chúng không chơi FPS được, mình chỉ nói là chúng dễ gây khó chịu khi chơi FPS, và điều này là đúng đối với mình cũng như nhiều anh em mình biết.

Một số dòng chuột có một nút DPI Shift ở vị trí gần ngón cái như G502, M65 và Basilisk. Khi nhấn vào sẽ hạ DPI xuống mức thấp nhất, cái nút này khá tiện để tăng độ chính xác trong mấy pha bắn tỉa tầm xa. Anh em nếu không cùng theo cách đó thì để làm macro cũng thích, ví dụ như thay đạn chẳng hạn?

Đừng ngại về khối lượng

Thường thì nhiều anh em sẽ chọn chuột nhẹ để chơi FPS. Đó là do game FPS yêu cầu thao tác với cường độ cao liên tục nên khối lượng lớn sẽ làm anh em mau mỏi cổ tay. Cũng vì lý do này mà có khá nhiều anh em ngại và quan niệm rằng chuột nặng không chơi được FPS. Tuy nhiên theo những gì mình thấy thì định kiến này cũng không đúng hoàn toàn. Công ty mình cũng có nhiều anh em bắn FPS bằng chuột trên 110g bình thường. Thậm chí còn có ông còn từng vác G502 đi bắn giải nữa cơ.

Nói chung là tùy cơ địa cũng như sở thích từng người mà anh em có thể nhìn đến và chọn những mẫu chuột nặng. Ví dụ như mình thì game quái gì mình cũng quẩy bằng G502 (2 tạ) hết, kể cả CS:GO và PUBG luôn. Và mình cầm riết quen rồi, chơi chuột nhẹ hơn mình lại bắn không chính xác bằng.

Cảm giác nhấn

Có một điểm thú vị mà anh em có thể để ý là tùy theo từng cảm giác nhấn khác nhau mà trải nghiệm khi chơi game bắn súng sẽ khác nhau.

Switch Omron phổ biến hơn cả, được ứng dụng rộng rãi trên các mẫu chuột của Logitech, Razer, SteelSeries, Corsair… chúng rất nảy, độ cứng vừa phải và được xem như một tiêu chuẩn của switch chuột. Đối với những bạn hay bắn tab hoặc sử dụng súng lục, nói chung là click chuột nhiều thì đây sẽ là loại switch lý tưởng nhất. Bạn cũng cần để ý là những mẫu chuột có phần phím chuột tách rời sẽ cho cảm giác nhấn rõ ràng hơn, còn những con chuột “liền nguyên con” thì cảm giác nhấn sẽ êm hơn.

Mấy con chuột chuyên FPS của Zowie sử dụng switch của Huano cho cảm giác nhấn rất sâu và chắc. Đây là điểm được nhiều anh em dân chơi FPS hardcore đánh giá cao. Mấy con chuột như thế này mà bắn những cây súng dmg to đạn ít như sniper hoặc shotgun rất phê, bóp cò phát nào là tự tin phát đó.

Nói chung là tùy theo sở thích cũng như loại súng thường sử dụng trong game mà anh em có thể cân nhắc về vấn đề cảm giác nhấn khi chọn chuột.

Cảm biến

Mắt đọc thì đương nhiên càng xịn càng tốt. Mình thì cũng không thông thái đến nỗi có thể nói chính xác được đặc điểm của từng con mắt đọc. Tuy nhiên mình có thể chia sẻ với anh em một số thông tin như sau.

PixArt là nhà sản xuất mắt đọc cho chuột lớn nhất thế giới, và họ sản xuất mắt đọc cho hầu hết các hãng chuột. Mắt đọc của họ cũng được coi là tiêu chuẩn để nhiều hãng khác phát triển các mẫu mắt đọc của riêng mình. Hiện nay thì họ có những mẫu mắt đọc hàng top như PMW3389, PMW3391, PMW 3399.

Razer thì hiện nay có mắt đọc Focus + là đỉnh nhất, được dùng trên mấy con chuột flagship, cũ hơn thì có mắt đọc 5G được dùng cho mấy con chuột tầm trung, cũng rất ngon. Logitech thì có mắt đọc HERO áp dụng rộng rãi với các mẫu chuột tầm trung đổ lên của họ, được rất nhiều anh em game thủ đánh giá cao.

SteelSeries thì có lẽ là dị nhất, họ có dòng mắt đọc Truemove độc quyền giúp chuột thích ứng tốt với nhiều bề mặt di chuột khác nhau. Ngoài ra thì họ cũng có một số mẫu chuột như Rival 600, Rival 650 có thêm 1 mắt đọc phụ giúp cảm biến độ cao, giúp điều chỉnh chính xác chỉ số Lift off Distance cũng như kiểm soát chuột tốt hơn trong mấy pha flick chuột, nhấc tay của game thủ chuyên nghiệp.

Lift off Distance

Về phần Lift off Distance (khoảng cách nhận mặt di chuột), đối với đa số mấy con chuột Zowie thì sẽ là 1.2mm, rất ngắn. Nó cho phép bạn ngắt hành động ngay khi vừa nhấc nhẹ chuột lên. Mang đến sự nhạy bén và chính xác khi thao tác nhấc chuột lên xuống liên tục. Khi chọn chuột anh em cũng cần nhớ về khoản này. Anh em không cần biết chính xác LoD của 1 con chuột bằng bao nhiêu đâu, chỉ cần khi test thử, anh em thấy hài lòng với những thao tác của mình là được.

Lót chuột

Lót chuột thì thật ra cũng không nằm trong phạm trù của 1 con chuột nhưng mình nghĩ vẫn nên tâm sự với anh em một chút. Vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của anh em. Lót chuột có nhiều loại khác nhau nhưng chung quy có thể chia ra 2 dạng chính là speed và control.

Dạng speed có bề mặt rất trơn giúp anh em di chuột rất nhẹ và thoải mái. Có một số cái pad cứng dạng speed mà khi để chuột lên anh em chỉ cần đẩy một phát là đi mút chỉ luôn, dùng rất lướt. Tuy nhiên do trơn nên nó khá là khó kiểm soát. Mình thì mình thấy mấy ông dân FPS thường dùng pad dạng control hơn. Pad control có bề mặt khá rít giúp kiểm soát chuột tốt hơn và cho những phát bắn chính xác hơn.

Mình thì cũng dùng chủ yếu là pad control nhưng với những con chuột nhẹ dưới 90g thì lâu lâu mình sẽ đổi qua dùng pad speed cho nó có cảm giác mới lạ. Vì chuột nhẹ có quán tính thấp nên cũng không cần bề mặt di quá bám. Nó cũng giúp phát huy tốt đặc tính “lướt” của pad speed hơn.

Cái này mình nói ra là theo cảm nhận của mình, còn dùng sao thì tùy anh em. Dù sao thì gu của mỗi người cũng mỗi khác mà anh em bắn sao cũng được miễn là thấy thoải mái thôi

Đề xuất

Logitech

  • G – Pro Wireless: Siêu nhẹ, không dây, hoàn thiện tốt, mỗi tội giá hơi chát.
  • Dòng G502: Form cực ngon, nhiều nút được bố trí thông minh, con vô lăn cực bằng inox, có tạ, mỗi tội là hơi nặng với một số anh em.
  • G402: Giá mềm, build chắc, form cực kỳ giống G502 nhưng nhẹ hơn nhiều.
  • G903: Build chắc nhưng vẫn nhẹ, cảm giác nhấn cực tốt, con lăn vô cực, ngoài hình ngầu bá cháy bọ chét. Điểm trừ là giá chát và không được ốp cao su.

Razer

  • Dòng chuột Viper: Siêu siêu siêu nhẹ, nhiều mức giá, form chuột dễ cầm dễ cầm, mỗi tội nhẹ quá nên nhiều bạn sẽ mất chút thời gian làm quen.
  • Dòng DeadAdder: Form chuột quốc dân, nhiều mức giá, nhẹ.
  • Dòng Basilisk: Ngầu, nhiều mức giá, form chuột dễ làm quen, là dòng chuyên FPS của Razer.

SteelSeries

  • Sensei Ten: Nhẹ, mắt đọc ngon, form đối xứng rất dễ làm quen, giá hơi chát.
  • Rival 600, Rival 650: Mắt đọc ngon, build chắc, có tạ, ốp cao su mềm.
  • Rival 710: Nhiều trò hay ho, thay được cụm mắt đọc, có màn hình và có rung, build chắc, có ốp cao su mềm.
  • Rival 3: Giá mềm, LED lủng bao la, nhẹ, form cầm dễ làm quen.
  • Rival 310: Hoàn thiện tốt, mắt đọc ngon, form cầm thoải mái, có ốp cao su mềm

Corsair

  • Dòng Iron Claw: Form rất to, rất ôm tay, đặc biệt là cho những ai có bàn tay lớn, cảm giác cầm nắm rất tin cậy. Có bản không dây và có dây (riêng mình thì mình thích bản không dây hơn, nhìn xịn hơn)
  • Dòng M65: Ngoại hình độc, form cầm gọn gàng, build siêu chắc (cả cục nhôm cơ mà)
  • Dòng Glave: Size chuột cỡ trung bình, thân chuột ít gồ ghề cảm giác cầm mịn tay, LED đẹp
  • Night Sword: Form chuột to, cầm ôm tay, vị trí nút hợp lý, LED cực đẹp

Zowie

  • Hầu hết các dòng: Form đỉnh, cảm giác nhấn rõ ràng, LoD chuẩn, không có phần mềm cắm là chơi. Mỗi tội giá hơi chua và không có ốp cao su. Mấy bạn ra nhiều mồ hôi tay nên cân nhắc (chứ mình thì mình thấy ngon)