7 thiết lập mà bạn nên tối ưu ngay sau khi cài đặt Windows 10 để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất.
Có thể, các bạn nghĩ rằng cài đặt Windows 10 là một công việc cực kỳ khó khăn, nhưng thực chất đây mới chỉ là món khai vị mà thôi, món chính mới là những công việc mà bạn phải làm sau khi cài đặt xong hệ điều hành này. Thông thường, sau khi cài xong Windows 10, các bạn sẽ tập trung tải và cài đặt lại các driver hoặc ứng dụng mà các bạn hay xài nhất. Đương nhiên, đây là điều hoàn toàn hợp lý, nhưng Windows còn có một số thiết lập mà các bạn sẽ cần phải tinh chỉnh lại sau khi cài đặt Windows 10 để tối ưu hóa trải nghiệm, tạo sự khác biệt trong quá trình sử dụng so với phiên bản Windows 10 trước. Và một số thiết lập mà mình đề cập đó chính là 7 thiết lập sau đây.
1. Chọn lại các ứng dụng mặc định
Windows 10 luôn luôn sử dụng các ứng dụng chính chủ của Microsoft để làm ứng dụng mặc định cho các tác vụ lướt web, soạn email, nghe nhạc, vân vân. Tuy nhiên, ai trong số các bạn cũng đều biết rằng các ứng dụng này thường không chạy tốt và tiện lợi bằng các ứng dụng của bên thứ 3 như Chrome, Firefox, Thunderbird, VLC, vân vân (trừ Edge vì trình duyệt này hiện đã được cải tiến và hoạt động rất tốt không thua gì Chrome).
Chính vì thế, điều đầu tiên các bạn cần làm sau khi cài Windows đó là chọn lại các ứng dụng mặc định để các ứng dụng mà chúng ta hay sử dụng chính, như Chrome hay Firefox không phải hỏi chúng ta về việc cài đặt chúng làm trình duyệt mặc định nữa.
Để đổi lại các ứng dụng mặc định, bạn vào Settings (Windows + I) > Apps > Default apps. Windows sẽ hiện các ứng dụng đang được chọn làm mặc định, bạn cứ kéo xuống tìm và đổi các mục ứng dụng mặc định nào mà bạn muốn.
2. Quản lý các ứng dụng khởi động cùng Windows
Như mình đã để cập ở đầu bài viết đó là sau khi cài xong Windows, chúng ta sẽ có xu hướng cài đặt tiếp các ứng dụng mà chúng ta thường hay xài. Các ứng dụng này thường sẽ tự cho phép chúng quyền khởi động cùng Windows, và nếu như bạn không quản lý thì dần dà các ứng dụng bên thứ 3 khởi động cùng Windows sẽ nhiều hơn, từ đó làm chậm tốc độ khởi động máy tính của bạn. Nếu như bạn đang tìm cách tối ưu hóa trải nghiệm Windows 10 thì đây chắc chắn là điều mà bạn nên tránh.
Để quản lý và tắt bớt các ứng dụng khởi động cùng Windows, bạn vào Settings (Windows + I) > Apps > Startup. Tại đây, Windows sẽ hiển thị các ứng dụng được phép khởi động cùng máy tính, bạn lựa những ứng dụng nào không cần thiết thì gạt thanh ngang thành Off là được.
3. Chỉnh lại thời gian hoạt động, tránh cập nhật Windows không đúng lúc
Một trong những lời than phiền của người dùng Windows đó chính là Windows 10 hay tự ý cập nhật trong những thời điểm mà họ đang dùng máy tính khiến cho máy tính chạy chậm và lag một cách khó chịu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh tình trạng này diễn ra bằng cách cài đặt lại thời gian làm việc bằng tính năng Active Hours để Windows 10 nhận biết rằng đâu là thời gian không thích hợp để cập nhật Windows.
Bạn thực hiện theo các bước sau. Đầu tiên, bạn vào Settings (Windows + I) > Update & Security > Windows Update. Sau đó, bạn chọn vào mục Change Active Hours.
Tiếp theo, bạn chọn vào Change sau đó thiết lập giờ mà bạn muốn. Ngoài ra, bạn cũng có thể gạt thanh ngang thành On ở dòng Automatically adjust active hours for this device based on activity để Windows tự nhận biết thời gian làm việc dựa vào thói quen sử dụng của bạn.
4. Tắt tính năng Delivery Optimization
Delivery Optimization là một tính năng giúp một ứng dụng hoặc Windows có thể tải bản cập nhật mới nhanh hơn. Cụ thể thì Windows sẽ tải xuống hoặc tải lên các bản cập nhật từ các PC cục bộ hoặc các PC được kết nối internet khác. Bên cạnh đó, Windows cũng sẽ tự động kiểm tra tính xác thực của các bản cập nhật tải lên hoặc tải xuống bằng tính năng Delivery Optimization để tránh các bản cập nhật này bị hỏng.
Tuy nhiên, tính năng này đôi khi cũng khiến cho tài nguyên CPU phải hoạt động quá mức nên nếu bạn cảm thấy tính năng này không cần thiết có thể tắt nó đi bằng cách vào Settings (Windows + I) > Update & Security > Delivery Optimization, sau đó gạt thanh ngang thành Off ở dòng Allow downloads from other PCs.
5. Bật tính năng Find My Device
Cũng giống như điện thoại, Windows 10 cũng có một tính năng có tên là Find My Device giúp định vị vị trí của laptop khi bạn thất lạc nó. Bạn nên bật tính năng này lên vì có thể trong tương lai các bạn sẽ cần đến nếu lỡ như không tìm thấy laptop của mình.
Để bật tính năng Find My Device, bạn vào Settings (Windows + I) > Update & Security > Find my Device. Sau đó, ở dòng Find my device nếu bạn chưa thấy nó ghi On thì bấm vào Change rồi gạt thanh ngang thành On. Nếu như bạn không thấy tính năng này hoặc nó bị mờ đi thì hãy đảm bảo rằng bạn đang đăng nhập tài khoản Microsoft cho máy nhé.
6. Tăng khả năng tìm kiếm của công cụ Search
Từ phiên bản Windows 10 1903 trở đi, Microsoft có tích hợp vào bên trong hệ điều hành này một tính năng có tên là Enhanced Search Mode, Tính năng này sẽ khiến cho Windows 10 tìm kiếm mọi ngóc ngách của hệ điều hành để kiếm cho ra file hay thư mục mà bạn muốn từ Start Menu.
Để bật tính năng này, bạn vào Settings (Windows + I) > Search > Searching Windows. Tại đây, bạn chọn vào Enhanced ở dưới mục Find My Files. Nếu như bạn không muốn Windows tìm kiếm trong một thư mục cụ thể nào đó, bạn có thể chọn vào Add an excluded folder ngay bên dưới để thêm thư mục đó vào.
Lưu ý là khi sử dụng Enhanced Search Mode, tính năng này sẽ sử dụng nhiều tài nguyên CPU và dung lượng pin nếu như bạn có một ổ cứng dung lượng lớn và chứa nhiều file.
7. Các tùy chọn về quyền riêng tư
Windows 10 có hẳn một mục riêng dành cho các cài đặt về quyền riêng tư của người dùng. Sau khi cài đặt Windows 10 thì đây là nơi mà bạn nên kiểm tra để biết được rằng mình đang chia sẻ những thông tin cá nhân gì cho Microsoft.
Để tùy chỉnh quyền riêng tư, bạn vào Settings (Windows + I) > Privacy. Tại đây bạn sẽ thấy ở cột bên trái, các quyền riêng tư được chia làm 2 mục là Windows Permission và App Permission. Bạn sẽ phải đi dò từng mục và tắt bớt các quyền riêng tư được chia sẻ mà bạn cảm thấy không cần thiết. Các quyền riêng tư đầu sẽ có một dòng giải thích ngắn bên dưới cho biết rằng thông tin được sử dụng để làm gì, các bạn có thể đọc nó để hiểu hơn nhé.
Vậy là mình đã giới thiệu xong 7 thiết lập mà các bạn có thể tinh chỉnh để tối ưu cho Windows 10. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Hướng dẫn sửa lỗi 100% CPU trên Windows 10
- Đừng để mua rồi mới hối tiếc, hướng dẫn kiểm tra độ tương thích cấu hình PC gaming
Link tải hình nền TẠI ĐÂY!
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!